Dân Chúa Âu Châu

simeon jerusalemThánh Simêon (c.107)

Lược sử

Simêon, hoặc Simon, dường như là bà con với Đức Giêsu. Người ta cho rằng cha của ngài là Clêopha, anh của Thánh Giuse và mẹ ngài là chị họ Đức Maria. Có lẽ ngài là một trong những người "anh em của Đức Giêsu" có mặt ở căn phòng bên trên vào ngày Ngũ Tuần. Ngài được chọn là Giám Mục thứ hai của Giêrusalem khi anh của ngài là Giacôbê Nhỏ tử vì đạo.

Vào năm 66, cuộc nội chiến bùng nổ ở Palestine như hậu quả việc người Do Thái chống đối đế quốc La Mã. Cộng đồng Kitô Hữu ở Giêrusalem được tiên báo là sẽ bị người Rôma tiêu diệt trong năm đó, trước khi Vespasian đưa quân vào Giuđêa, Thánh Simêon đã dẫn dắt cộng đoàn nhỏ bé đến nơi an toàn trong một thành phố nhỏ bé tên là Pella, ở bên kia sông Giođan.
Sau khi Giêrusalem bị đốt và chiếm đóng, người Kitô trở về và sống giữa những hoang tàn đổ nát cho đến khi Hoàng Đế Hadrian sau đó đã san bằng Giêrusalem.

Thánh Epiphanius và Eusebius kể rằng giáo hội ở đây đã phát triển cách đáng kể, và nhiều người Do Thái đã tòng giáo sau những phép lạ của các thánh. Khi Vespasian và Domitian ra lệnh tiêu diệt tất cả những ai thuộc dòng dõi Đavít, Thánh Simêon đã trốn thoát sự bắt bớ đó; nhưng đến thời Trajan cũng ra một lệnh tương tự, thì ngài đã bị bắt với tư cách không những là hậu duệ của Đavít mà còn là một Kitô Hữu, và ngài đã bị đưa ra trước Atticus, quan tổng trấn Rôma. Ngài bị kết án tử hình và, sau khi bị tra tấn, ngài đã chết treo trên thập giá.
Mặc dù ngài thật cao tuổi - truyền thống nói rằng ngài sống đến 120 tuổi - nhưng sự can đảm chịu đựng tra tấn mà không chối bỏ đức tin của ngài đã khiến ngay cả Atticus cũng phải thán phục.

Suy niệm 1: Anh em

Có lẽ Simêon là một trong những người "anh em của Đức Giêsu" có mặt ở căn phòng bên trên vào ngày Ngũ Tuần.
Dĩ nhiên Simêon là anh em họ cùng huyết thống với Đức Giêsu. Nhưng ngài đã sống thật xứng đáng, chứ không làm hổ danh cho gia tộc mình, khi được tín nhiệm để giữ chức vụ Giám Mục cũng như chấp nhận cuộc tử hình thập giá.
Qua bí tích Rửa Tội, mỗi kitô hữu cũng được vinh dự thuộc về linh tộc của Đức Giêsu. Chớ gì mỗi người luôn nỗ lực sống xứng đáng với danh hiệu này, cho dầu phải chịu bao thiệt thòi trên đường đời cũng như bao gian truân thử thách vì đạo Chúa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tôn vinh và sống rạng danh Chúa mọi nơi mọi lúc.

Suy niệm 2: Giám Mục

Simêon được chọn là Giám Mục thứ hai của Giêrusalem khi anh của ngài là Giacôbê Nhỏ tử vì đạo.
Để Tin Mừng luôn luôn được gìn giữ nguyên vẹn và sống động trong Hội Thánh, các tông đồ đã đặt các Giám Mục làm người kế nhiệm, và trao lại cho họ trách nhiệm giáo huấn của các ngài (DV 7).
Nhiệm vụ giải nghĩa cách chân chính Lời Thiên Chúa đã được viết ra hay lưu truyền, chỉ được ủy thác cho Huấn Quyền sống động của Hội Thánh, và Hội Thánh thi hành quyền đó nhân danh Đức Giêsu Kitô, nghĩa là được ủy thác cho những Giám Mục sống hiệp thông với Giám Mục Rôma là người kế nhiệm thánh Phêrô (DV 10).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị Giám Mục luôn là những mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước.

Suy niệm 3: Nội chiến

Vào năm 66, cuộc nội chiến bùng nổ ở Palestine như hậu quả việc người Do Thái chống đối đế quốc La Mã.
Cuộc nội chiến nào nói chung cũng có thời gian kết thúc dầu sớm hay muộn. Nhưng có một cuộc nội chiến thiêng liêng luôn kéo dài mãi đến ngày tận cùng thế giới, đó cuộc nội chiến giữa thế lực tối tăm của ma quỷ với Thiên Chúa cùng các tôi trung của Người.
Thật vậy kể từ ngày tội lỗi xuất hiện (St 3), Con Mãng Xà luôn săn đuổi người Phụ Nữ và hậu duệ của Bà (Kh 12; 17; 19). Vì thế nảy sinh một cuộc nội chiến triền miên mãi đến chết nơi bản thân mỗi người giữa thiện và ác (Rm 7,15; 2Cr 12,7) .

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sức mạnh thần linh để luôn chiến thắng trong cuộc chiến nội tâm.

Suy niệm 4: Dẫn dắt

Trước khi Vespasian đưa quân vào Giuđêa, Thánh Simêon đã dẫn dắt cộng đoàn nhỏ bé đến nơi an toàn trong một thành phố nhỏ bé tên là Pella, ở bên kia sông Giođan.
Người mục tử nhân lành có sứ vụ chăn dắt với mối quan tâm chu đáo (Ed 34,11tt) và mang lại sự sống dồi dào (Ga 10,10) ngay cả phần thân xác. Vì thế Thánh Simêon đã tìm nơi an toàn cho đoàn chiên.
Đức Giêsu chẳng những làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đoàn người theo Chúa (Ga 6), mà còn xin binh lính đừng bắt nhưng để cho các tông đồ được an toàn ra đi (Ga 18,8).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con an tâm tín thác vào sự chăn dắt của các vị mục tử của chúng con.

Suy niệm 5: Hoang tàn

Sau khi Giêrusalem bị đốt và chiếm đóng, người Kitô trở về và sống giữa những hoang tàn đổ nát.
Đức Giêsu đã thấy trước cảnh hoang tàn đổ nát của Giêrusalem đến mức không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào khiến Ngài phải khóc thương (Lc 19,44).
Những giọt lệ này chẳng là gì sánh với dòng máu đổ ra đến giọt máu cuối cùng (Ga 19,34) để ban ơn cứu độ cho mọi người, nhưng rồi Ngài lại phải chứng kiến bao tâm hồn hoang tàn đổ nát do hậu quả tội lỗi gây nên (Kh 18,2-5).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn giữ tâm hồn trong sạch, để lòng được tràn đầy ân sủng Thiên Chúa chứ không trở nên cảnh hoang tàn.

Suy niệm 6: Giờ

Thánh Simêon đã trốn thoát sự bắt bớ đó; nhưng đến thời Trajan cũng ra một lệnh tương tự, thì ngài đã bị bắt với tư cách không những là hậu duệ của Đavít mà còn là một Kitô Hữu.
Sở dĩ Thánh Simêon đã trốn thoát được sự bắt bớ thời Vespasian và Domitian cũng như giúp đoàn chiên tìm được nơi an toàn, vì giờ chưa đến. Nhưng đến thời Trajan thì giờ điểm nên ngài đã bị bắt và bị tử hình.
Xác tín vào giờ Chúa định liệu, mỗi kitô hữu nên tận dụng thời gian để sống thật tốt nhằm chuẩn bị cho lúc giờ điểm, vì giờ Chúa đến thì như kẻ trộm, không một ai có thể biết (Mt 24,42-44).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tinh thần tỉnh thức để chờ đón giờ Chúa đến.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ