Thánh Frances Xavier Cabrini (1850-1917)
- Lễ ngày 13 tháng 11.
- Gốc Ý, nhập quốc tịch Mỹ tại Seattle vào năm 1909
- Phong Chân Phước 1938
- Phong thánh ngày 7 tháng 6 năm 1964
Phục vụ tha nhân qua việc từ thiện bác ái:
Mặc dù lúc mở mắt chào đời, Maria Phanxica Cabrini sinh thiếu tháng và mắc phải một chứng bệnh hiểm nghèo, Mẹ Frances Xavier Cabrini sau này đã trở thành một trong những vị truyền giáo hoạt động hăng say vào bậc nhất trong giáo hội.
Mẹ đã thành lập 67 cơ sở từ thiện bác ái và tu viện cho Dòng. Thêm vào sức hoạt động phi thường này, Mẹ sống một cuộc đời thánh thiện đến nổi chỉ 28 năm sau khi qua đời, Mẹ đã trở thành người công dân Mỹ đầu tiên được tôn phong lên bậc hiển thánh.
Bé Phanxica sinh ngày 15 tháng 7 năm 1850 tại San Angelo, Lombardy, nước Ý. Cha mẹ đạo đức của bé, ông Agostino và bà Stella, đã vội vàng xin cho bé được rửa tội, vì sợ bé không sống nổi.
Phanxica là người con út trong số 13 người con. Trong số các anh chị, chị Rosa là người đặc biệt để ý đến bé Phanxica và cũng là người có nhiều ảnh hưởng nhất trên bé.
Khi Phanxica lên 13 tuổi, em được nghe một vị truyền giáo nói về việc truyền giáo tại Trung Hoa. Từ ngày đó, Phanxica bắt đầu nuôi mộng ước một ngày nào đó cũng sẽ trở thành một nhà truyền giáo, bất chấp sự chế nhạo của các chị khi họ biết mộng ước này của em. Cũng từ ngày đó, môn địa lý trở thành môn học Phanxica ưa thích nhất.
Phanxica theo học nội trú tại trường của các sơ Dòng Thánh Tâm tại Arluno. Tại đây, Phanxica theo học ngành sư phạm. Sau khi ra trường, Phanxica dạy vài năm trong trường làng, và dùng những giờ còn lại chăm sóc các bệnh nhân nghèo. Phanxica tiếp tục mong muốn được theo đuổi ơn gọi tu trì, nhưng hai dòng đã chối không nhận vì sức khỏe của chị.
Khi Phanxica được 24 tuổi, Ðức Cha và Cha xứ đã xin Chị đến giúp các trẻ nữ tại Nhà Chúa Quan Phòng ở Codogno. Nhưng tại đây, Phanxica đã bị một số phụ nữ đối xử cách tàn tệ. Dưới hoàn cảnh đau khổ đó, Chị đã cố gắng để luyện tập đức khiêm nhu và cố gắng tiến tới trên đường nhân đức.
Phanxica đã ở lại đây sáu năm, cho đến ngày Ðức Cha giáo phận Lodi đóng cửa cơ sở này. Không lâu sau, trong khi tiếp Phanxica, Ðức Cha đã nói với Chị, “Con vẫn luôn mong muốn làm nhà truyền giáo. Cha không thấy có Dòng nữ nào lo việc đó. Sao con không thành lập một Dòng lo việc truyền giáo?”
Lời đề nghị của Ðức Cha cho một người âm thầm và một phụ nữ trẻ yếu đuối như Phanxica để thành lập một dòng tu, nhất là giữa thời kỳ có nhiều nhóm chống tôn giáo đang nổi lên phá phách các dòng tu, quả là một lời đề nghị điên cuồng. Nhưng sau một giây phút thinh lặng, và không một lời trình bày về sự khó khăn của công việc này, Phanxica đã thưa với Ðức Cha, “Con sẽ tìm nơi ở”.
Dòng Truyền giáo tại nước Ý:
Những ngày đầu của Tu hội và các Nữ Tu Truyền Giáo Thánh Tâm thật là đơn sơ và nghèo nàn. Từ ngày lập Dòng, Mẹ Phanxica đã thêm tên Xaviê vào tên của mình, để tôn kính vị Thánh tông đồ miền Ấn Ðộ
Tu viện đầu tiên của Mẹ Cabrini là một tu viện bỏ trống của dòng Phanxicô. Trong đêm đầu tiên tại căn nhà mới này, Mẹ và bảy nữ tu trẻ đầu tiên đã phải nguyện kinh trong đêm tối, vì chưa có đèn điện. Thay vì giường, họ nằm ngủ trên đống cỏ khô. Thánh lễ đầu tiên đã được cử hành vào ngày 14 tháng 11 năm 1880 trong một căn phòng tạm sửa làm nhà nguyện.
Không lâu sau, nhiều thiếu nữ từ các vùng lân cận đã đến gia nhập dòng mới. Những lời chỉ bảo khôn ngoan hiền từ, thêm vào tình thương yêu của Mẹ dành cho các chị em, và lòng nhiệt thành của Mẹ đối với việc truyền giáo, đó là những yếu tố lôi kéo nhiều ơn gọi mới.
Trong thời gian đầu, dù tài chính còn eo hẹp, nhưng nhờ Mẹ tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, các sơ vẫn luôn có được lòng tin tưởng vô biên nơi Thiên Chúa. Vì quá nhiều ơn gọi, Mẹ đã phải mở thêm ba tu viện mới. Tại Milanô, các sơ đã mở một nhà để giúp đỡ các thiếu nữ theo học tại đại học.
Sau Milanô, Mẹ Cabrini muốn mở tu viện tại Rôma. Khi được biết ý định của Mẹ, một người bạn và cũng là cố vấn của Mẹ đã xin Mẹ hãy cân nhắc cho chín chắn, kẻo nên trò cười cho thiên hạ. “Mẹ có điên không? Xin Mẹ hãy để việc này cho các thánh làm!” Nhưng dù gặp nhiều chống đối và dù dòng mới không có tài chính để mở trụ sở tại Rôma, Mẹ Cabrini và một chị dòng đã đến Rôma xin được yết kiến Ðức Thánh Cha.
Tại Rôma, Mẹ không được gặp Ðức Thánh Cha, nhưng được nói chuyện với vị đại diện của ngài, Ðức Hồng Y Parocchi. Sau khi được biết Mẹ Cabrini muốn mở một tu viện tại Rôma, Ðức Hồng Y muốn biết dòng của Mẹ có đủ điều kiện để mở nhà ở Rôma hay không.
Khi ngài hỏi Mẹ có đủ tài chính, hoặc có người nào đứng ra bảo trợ cho Dòng hay không, Mẹ đã từ tốn thưa lại là không có. Ðức Hồng Y cảm thấy hơi khó xử, dù ngài nhìn thầy con mắt của Mẹ bày tỏ đầy lòng tin tưởng. Ngài đã đề nghị với Mẹ hãy trở về và vài năm sau hãy trở lại.
Mẹ liền đến một nhà thờ gần đó và trong nguyện cầu bày tỏ tất cả tấm lòng của mình lên Chúa Giêsu. Mấy ngày sau, Mẹ được tiếp kiến Ðức Hồng Y một lần nữa. Ngài hỏi Mẹ có sẵn sàng vâng lời không. Mẹ mau mắn đáp lại, “Con luôn sẵn sàng”. Ngài liền cười và nói, “Vậy thì không phải Mẹ sẽ mở một nhà, nhưng là hai nhà ở Rôma.
Dòng Truyền giáo tại nước Mỹ:
Ðến đầu năm 1889, Ðức Thánh Cha Lêô XIII gọi Mẹ đến. Ước mơ làm nhà truyền giáo đã đến lúc được thành tựu, nhưng không phải là sang miền viễn Ðông. Ðức Thánh Cha Lêô sai Mẹ sang Mỹ Châu để phục vụ những người dân Ý nghèo khổ tại Hoa Kỳ. Không một chút chần chờ, Mẹ Cabrini và sáu nữ tu khác liền lên đường và đến Nữu Ước vào tháng ba năm 1889.
Mẹ và các sơ được hứa là sẽ có sẵn nhà ở. Trong đêm đầu tiên tại Mỹ, Mẹ và các sơ ở trong một căn nhà tạm trú tại phố Tàu. Dù rất mệt và vẫn còn bị ảnh hưởng của say sóng, các sơ phải ngồi dựa vào thành ghế để nghỉ, vì giường quá bẩn thỉu và đầy côn trùng.
Sau thánh lễ sáng hôm sau, các sơ đã vào chào Ðức Tổng Giám Mục. Ðức Cha đã xin lỗi Mẹ và các sơ vì chương trình mở một cô nhi viện cho các trẻ Ý đã thất bại, và Ngài đã viết thư báo cho các sơ hãy ở lại Ý, nhưng thư đó đến quá trễ. Ngài liền khuyên Mẹ và các sơ hãy trở về Ý. Nhưng Mẹ thưa với Ðức Cha, “Thưa Ðức Cha, con không thể làm như vậy. Chúng con được lệnh Tòa Thánh để đến đây, và vì thế, con phải ở lại.”
Ba tháng sau, khi Mẹ trở lại Ý, Mẹ Cabrini đã mở được một cô nhi viện và một trường học. Cho đến lúc chết, Mẹ đã vượt trùng dương 25 lần, lập cơ sở trên tám thành phố tại Hoa Kỳ và cả ở Trung và Nam Mỹ. Trong mọi nơi Mẹ đến, nhiều trường học, cô nhi viện, nhà thương và các cơ sở từ thiện bác ái từ từ mọc lên. Nơi những người bệnh và người nghèo, Mẹ Cabrini nhìn thấy Chúa Kitô. Mẹ đã cố gắng hết sức để giúp đỡ họ trong tinh thần cũng như vật chất qua những công việc tình thương này.
Mẹ đã nhập quốc tịch Mỹ tại Seattle vào năm 1909.
Qua bao nhiêu công việc cũng như mọi thành quả trong việc truyền giáo, Mẹ Cabrini luôn giữ được một sự bình an tâm hồn.
Mẹ không bao giờ quên rằng Mẹ đã được tạo dựng để phụng sự một mình Thiên Chúa và để làm theo Thánh Ý Người.
Khẩu hiệu của Mẹ là “Trong NGƯỜI, tôi có thể làm được mọi sự”.
Trong một lần tĩnh tâm Mẹ đã viết những lờ sau đây bày tỏ tấm lòng hoàn toàn lệ thuộc vào Thánh Ý Chúa: “ Lạy Chúa Giêsu, con thiết tha yêu mến Chúa...
Xin ban cho con một trái tim to bằng cả vũ trụ... Xin dạy bảo con những gì Chúa muốn con làm, và xin thực hiện nơi con những gì Chúa muốn.”
Do lời cầu nguyện của Mẹ, Chúa cũng ban thưởng nhiều ơn đặc biệt cho Mẹ. Truyện kể rằng có một sơ bị bệnh giãn tĩnh mạch. Bác sĩ khuyên sơ nên luôn đeo đôi bít tất dài.
Một ngày nọ, sơ đã lấy được đôi bít tất của Mẹ Cabrini, sơ đeo vào và liền được lành bệnh. Ngày hôm sau, Mẹ Cabrini thật thắc mắc khi thấy sơ nọ bước đi một cách bình thường.
Khi được hỏi, sơ đã thú thật là đã đeo đôi bít tất của Mẹ. Mẹ Cabrini liền nói với sơ, “Chắc chị không đơn sơ đến nỗi nghĩ rằng đôi bít tất của tôi đã chữa bệnh cho chị. Tôi vẫn thường đeo nó mà có được gì đâu. Ðức tin của chị đã chữa chị đấy. Ðừng nói cho ai biết nhé.” Mẹ Cabrini đã qua đời trong bình an tại phòng riêng của Mẹ trong Nhà Thương Columbus, thành phố Chicago vào năm 1917.
Lúc còn sống, Mẹ đã chối không nhận làm được một phép lạ nào; nhưng sau khi qua đời, Chúa đã ban nhiều ơn cho những người đang nhờ lời cầu bầu của vị tông đồ truyền giáo nhiệt thành này.
Trên 150,000 đơn thỉnh nguyện và chứng tích ơn lạ nhận được từ mọi lớp người trên khắp thế giới đã được đệ lên Ðức Thánh Cha.
Mười một năm sau khi Mẹ qua đời, Ðức Thánh Cha Piô XI đã chỉ định một vị cáo thỉnh viên, và đã xin Ðức Hồng Y Mundelein, Tổng Giám Mục Chicago, mở cuộc điều tra phong thánh.
Ðến năm 1938, Mẹ đã được phong chân phước, chỉ 21 năm sau khi Mẹ qua đời, đây là một kỷ lục trong thời đại mới. Giáo hội đã tôn phong Mẹ lên bậc hiển thánh vào ngày 7 tháng 6 năm 1964.