Dân Chúa Âu Châu

Thánh Mattheô Alonso Liciniana (Đậu) Linh mục

- Lễ ngày 22 tháng 01

Cha Matthêu Anphongsô Leziniana sinh ngày 26-11-1702 tại Nave del Rey và nhập tu viện Đa Minh Sancta-Crux ở Segovia. Năm 1723, ngài khấn trọn đời rồi tiếp tục học thần học và tu đức.
Về tuổi trẻ của ngài, chúng ta không được biết gì nhiều. Năm 1729, tỉnh dòng Phi Luật Tân tuyển mộ các vị thừa sai để làm việc tại đây. Cha Matthêu xin ghi tên, nhưng sau lại rút lui. Ngài cảm thấy xấu hổ nên xin làm linh mục và phục vụ tại một tỉnh dòng khác.

Một cơn bệnh làm cho ngài suy nghĩ nhiều đến việc từ chối đi truyền giáo. Dịp may lại đến để cha có thể chuộc lại lỗi cũ, ngày 4-7-1729 cha và hai thầy khác nhập đoàn 27 người thừa sai đi Phi Luật Tân.

Đoàn truyền giáo tới Manila tháng 10-2730. Cha Matthêu được chỉ định đi Bắc Kỳ. Ngày 13-2-1731, cha khởi hành đi với hai tu sĩ khác bằng tầu buôn Hòa Lan. Ngày 18-1-1732, cha tới Bắc Kỳ và được đưa tới nhà Đức Chúa Trời ở Trung Linh để học tiếng Việt trong năm tháng.

Tại đây cha được đặt tên là Đậu. Trong thời kỳ này giáo dân tại đây đang bị bách hại do sư Tình cầm đầu. Cha Đậu phải trốn tránh nay đây mai đó, 7 tháng lưu lạc.

Từ năm 1733 cha được chỉ định coi Nam Thượng, rồi thêm ba huyện là Giao Thủy, Vụ Thiên và Chấn Đinh, sau đó lại thêm Phú Thái và Nam Chân. Tại đây đang có loạn nổi lên làm cuộc rao giảng đạo phải lén lút, khi đi bộ, khi đi thuyền như các dân chài.

Hồi ấy các cha thường đi làm phúc các họ một năm hai lần. Dù đang cơn bắt bớ, Cha Đậu rất nhiệt thành với việc tông đồ. Người chứng thứ mười hai đã làm chứng về lòng nhiệt thành bất kể gian nguy của ngài rằng có một lần họ khuyên ngài đừng đến một làng nguy hiểm thì ngài trách mắng và khuyên bảo họ như sau:

"Nếu vì sợ bị bắt mà không đi làm phúc cho bổn đạo thì cha đến xứ này để làm gì? Nếu chúng con sợ vất vả thì còn làm được cái gì nữa? Nếu sợ chết nữa thì theo cha làm chi. Cha đi một mình vậy".

Suốt trong 10 năm làm việc tông đồ cha trốn thoát khỏi tay kẻ thù đến bốn năm lần. Một lần khác, hay tin ở làng Kẻ Bái có một người chối đạo, tên là Chinh Nam, và trở thành kẻ thù của người Công Giáo, Cha Đậu mạnh mẽ đến gặp ông ta và dùng lời lẽ khôn ngoan đã khuyên được ông ta trở về và làm cho giáo dân ở đó được an tâm.

Ngoài ra tại Bắc Kỳ lúc đó có nhiều thiên tai và dịch tễ, Cha Đậu tỏ ra nhiệt thành bác ái không sợ bị bệnh tật nữa. Người chứng thứ 34 nói về lòng bác ái của cha như sau:

"Một năm tại làng tôi có dịch tễ, Cha Đậu tới cả ngày cả đêm không kể thời tiết xấu. Dù bị bệnh, ngài phó thác nơi Chúa, vẫn tiếp tục đi săn sóc các bệnh nhân khác. Cha Đậu còn sốt sắng khuyên bảo những người rượu chè và cờ bạc. Ngài có tài khuyến dụ họ bỏ được các thói xấu đó".

Tóm lại, trong 10 năm cha vừa trau dồi nhân đức bằng việc cầu nguyện hãm mình, vừa sốt sắng làm việc tông đồ và xả thân cứu giúp người nghèo khó.

Ngày 29-11-1743, một giáo dân tên là Đào Tất Đạt đã đi tố giác nơi cha ở. Sáng sớm đang khi Cha Đậu làm lễ thì lính nhà quan ùa đến Lục Thủy tìm bắt ngài. Cha Đậu vội cầm mình thánh trốn vào trong thì bị tên lính túm tóc đánh vào hông làm ngài té xuống đất. Tên này còn đá lên đầu cha làm máu chảy ra.

Mấy tên lính khác lột áo ngài và đem chia nhau. Đồng thời họ cũng bắt luôn Thầy Ignatiô Nguyễn Văn Quí, còn cha phó Giuse Đinh thì chạy trốn kịp, và hai thầy khác là Sien và Dan cũng cởi trói trốn ra được.

Cha Đậu và Thầy Ignatiô Quí bị trói và dẫn đến nhà quan phủ Lê Phong tại Vị Hoàng. Tới nơi vào nửa đêm, quan phủ chỉ hỏi tên tuổi rồi cho lính xích chân tay và cấm không cho ai được đến gần.

Ít ngày sau, quan phủ cho giáo dân hay là sẽ thả cha nếu họ chịu nộp một số tiền lớn. Giáo dân gom được 90 lạng bạc giao cho quan. Quan vui vẻ nhận nhưng để mặc giáo dân chờ đợi trong thất vọng.

Có một đêm, một người lính Công Giáo đến đòi bẻ xích để cha trốn đi, nhưng cha đã không chấp nhận một sự tự do như thế vì nguy hiểm cho người lính. Sau cùng họ giải cha đi Hà Nội, cha cứ tưởng giờ tử đạo đã đến nên dọn mình suốt cả đêm. Cha bị dẫn đi trong thành phố như những tên tội phạm, trẻ con và dân chúng hai bên đường chế diễu.

Ngày 18-12-1743, cha được giao cho quan Đề Lĩnh, con rể của chúa Trịnh, đang trị nhậm Kẻ Chợ. Ban đêm cả hai vợ chồng tới tra vấn và xem cho biết mặt mũi người Âu Châu ra sao.

Khi quan hỏi tên tuổi, thời gian cha ở Bắc Việt, đến đây làm gì và giảng dậy những gì, Cha Đậu đã thưa lại tên ngài là Mateo, đến Bắc Việt được 12 năm và là thầy cả của đạo thánh Đức Chúa Trời, đạo chân thật, đến xứ này để giảng về Chúa chân thật và về ba bậc cha, đó là Cha Trời Đất, cha của quốc gia, và cha gia đình. Sau đó ngài đọc cho quan nghe 10 điều răn.

Quan Đề Lĩnh lại hỏi tại sao có lệnh vua quan cấm đạo mà còn đến? Cha Đậu trả lời là chính vì có lệnh cấm mới không dám xuất hiện công khai, phải lén lút gặp gỡ giáo dân ban đêm để có thể giảng đạo và khuyên nhủ người ta theo con đường thiện hảo. Dân chúng nghe tin có người Âu Châu trong tù cũng tuốn đến xem.

Dầu vậy cha vẫn bị đối xử như một người trộm cướp có sức mạnh chịu mọi sự cực hình tra tấn. Bốn tháng trời bị giam giữ trong nhà tù của quan, Cha Đậu không ngừng rao giảng đạo cho những người đến thăm. Thấy cha giảng vất vả, lính canh tháo gông để cha dễ dàng nói về đạo hơn.

Cha bị tra vấn cả thảy 7 lần, mãi tới ngày 3-4-1744 cha mới được đưa ra tòa lần đầu tiên cùng với các đồ đạo như thánh giá, ảnh đạo và sách nguyện mà chúng đã tịch thu. Một trong ba quan án trỏ vào cây thánh giá hỏi ngài:

"Cái gì đây?"

Cha Đậu trả lời: "Đó là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã xuống trần làm người và chịu khổ để đền tội cho nhân loại vì tổ phụ con người đã bất tuân lệnh Chúa Trời đất, và vì không ai chuộc được lỗi tầy trời ấy nên Con Chúa Trời đã làm người chịu chết chuộc tội và có thể làm cho con người được lên trời".

Sau đó quan còn hỏi những bức ảnh Đức Mẹ, Thánh Giuse, v.v... và nghe đọc sách nguyện. Quan lại hỏi về luật trong đạo.

Cha Đậu trả lời:

"Tôi có nhiều sách in chữ Hán do các tiến sĩ ở Bắc Kinh, cũng như mấy cuốn sách in bằng chữ An Nam nữa, mà nếu quan có đọc thì chắc sẽ không bắt tôi giam tù như thế này".

Sau đó quan hỏi về quê quán và đời sống bên nước Tây Ban Nha như có nhà cửa, tòa án không, người đàn bà có theo đạo như vậy không, v.v....

Ngày 12-4 cha lại bị đem ra trước tòa và quan án hỏi:

"Ông có dám đánh cây thánh giá không?"

- "Bẩm quan tòa, tôi là đạo trưởng đến đây để rao giảng luật đạo đức chân thật của Chúa, bởi vậy tôi không khi nào chối đạo và đánh vào ảnh tượng là một trọng tội. Luật mà tôi giảng dậy là chân thật và công bằng, giúp người ta thoát bỏ con đường tội lỗi để trau dồi đức hạnh trong việc tôn kính ba bậc cha".

- "Ba bậc cha là những ai?"

- "Trước hết là Thiên Chúa cao cả, Cha của mọi thần thánh, rồi mỗi nước có vua và các quan, sau cùng là cha mẹ và các tổ tiên. Con người đã nhận bao nhiêu ân huệ từ ba bậc cha này".

Cha Đậu được đưa ra khỏi tòa và họ bắt đầu tra vấn Thầy Ignatio Quí trong hai tiếng đồng hồ. Sau đó lại gọi Cha Đậu trở lại và hỏi có biết Thầy Hoi, Thầy Xa, Thầy Thiên, và Thầy Kiên không, đồng thời đe dọa là không được nói dối. Cha Đậu trả lời:

- "Không biết. Tôi chỉ biết tên Ignasio, Luca, Giovani và Giuse".
- "Quê quán của mấy người này ở đâu?"
- "Tôi không biết."

Họ liền bàn luận với nhau về phép Rửa Tội. Cha Đậu liền nhân cơ hội nói với họ đầy đủ về các bí tích: "Chúa chúng tôi là Đức Giêsu Kitô đã lập ra 7 nghi thức gọi là bí tích, phép Rửa Tội là một trong 7 bí tích đó. Đức Kitô đã truyền cho các môn đệ phải đi khắp thế giới để làm phép Rửa Tội và giảng luật cứu rỗi".
- "Trong 13 năm qua ông ở những đâu?"
- "Tôi đi nhiều nơi khác nhau, chỉ có tỉnh Nam Định là ít mà thôi".
- "Có phải là ban đêm đàn ông đàn bà ngủ chung với nhau không?"
- "Đây là một lời vu khống tầy trời nhắm làm hại người Công Giáo chúng tôi".
- "Ông có phù phép gì mà làm cho người ta tin thế? Ông có vợ không? Chịu vất vả như thế này ông được thưởng gì chứ?"
- "Tôi đã dâng hiến trọn đời cho Chúa và giảng dạy người ta chỉ làm điều lành chứ không được làm những điều ám hại, và cuối cùng tôi chỉ mong phần thưởng trên nước trời."
- "Ai đã dẫn ông tới Bắc Kỳ? Ông sống bằng cách nào?"
- "Người Trung Hoa đã dẫn tôi vào. Tôi chỉ sống bằng của bố thí của giáo dân. Trong thời giặc giã thì tôi ở Nam Chan."


Sau đó các quan soạn ra một bản án như sau: "Tuân theo các lệnh của chúa, chúng hạ thần đã xem xét bản tâu trình của đại quan Lê Phương, tổng đốc tỉnh Nam Định, và đô đốc Điều, người đã bắt và giao nộp tên đạo trưởng Đậu và một số đồ đạo.
Chúng hạ thần ký nhận và chịu trách nhiệm rằng đạo trưởng Đậu, còn có tên là Mateo, từ năm Nhâm Tí 1732 cho đến nay đã sống tại Giao Thủy và dậy dỗ dân chúng những điều chẳng nên và dụ hoặc những người dân đơn sơ.

Vì vậy quan Lê Phương và quan Điều đã sai Đào Tất Đạt truy lùng chỗ ở. Sau khi dò thám ra nơi ở đã sai binh sĩ đến bắt giam và tịch thu đồ đạo. Họ đã bắt giữ đạo trưởng Mateo và thầy Nguyễn Văn Quí cùng với sách luật và tượng ảnh. Sau khi xem xét kỹ lưỡng các sự việc kể trên, chúng hạ thần quyết định rằng đạo trưởng 'Hoa Lang' Mateo đáng tội chết và Nguyễn Văn Quí phải đầy chăn voi cho vua và công việc nặng nhất sẽ dành cho y.

Các đồ đạo thì phải thiêu hủy. Đối với quan Lê Phương và quan Điều vì đã có công với quốc gia sai lính bắt được đạo trưởng nên sẽ trọng thưởng 70 nén bạc. Đó là bản án chúng hạ thần đệ trình lên chúa châu phê.

Ấn ký ngày 20-3-1744 (Âm Lịch), năm thứ năm của Minh Vương".

Tuy nhiên bản án trên đã không được thi hành, và vì có loạn nên 6 tháng sau bản án được đổi sang lưu đồ chung thân. Bản án được châu phê, nhưng ít ngày sau gặp thời kỳ hạn hán nên chúa Trịnh ra lệnh giảm các án, Thầy Quí được trả tự do sau khi nộp một số tiền, còn Cha Đậu thì bị tù chung thân.

Ngày 30-5-1744 cha được chuyển sang ngục Đông, nơi Cha Tế đang bị giam giữ. Cũng như Cha Tế, ngài thường ra nhà bà Gạo dùng cơm và được khá nhiều tự do.

Trong tù, cha ăn mỗi ngày một bữa, tiền còn lại đem cho người nghèo, đồng thời cha còn dậy ba chú học tiếng Latinh, và giảng dậy cho những người đến thăm cha, trong một căn nhà riêng cạnh nhà tù. Ngày lễ có tới 150 người đến dự, có khi họ còn bí mật võng cha đi thăm kẻ liệt. Có lần cả hai cha được đưa đến nói truyện với một quan trong triều về đạo và tặng quan một cuốn sách.

Khi Cha Tế được tin về án xử thì vui mừng, còn Cha Đậu thì buồn. Giáo dân làm bản kiến nghị để tù nhân kháng cáo lần cuối khi đi qua phủ chúa Trịnh, Cha Đậu cũng xin đi theo để chứng kiến việc hành quyết và đồng thời đưa cho quan bản kiến nghị.

Trong bản kiến nghị ngài hỏi tại sao bạn ngài bị chém đầu còn ngài thì không, trong khi cả hai cùng là đạo trưởng, nếu chém đầu thì phải chém cả hai, còn nếu tha một thì phải tha cả người kia, và cuối cùng ngài yêu cầu được cùng chung một số phận với người bạn.

Chúa Trịnh thấy hành động táo bạo như vậy liền ra lệnh làm một bản án cho Cha Đậu cùng bị chém. Bản án được viết như sau: "Các quan do chúa Trịnh chỉ định, xét lại bản án do cấp dưới đã trình lên như sau: Tên này trước kia đã bị kết án tử và bây giờ án được lập lại.

Vậy ngoại nhân thứ nhất Francis Gil (cha Tế) là một đạo trưởng đạo 'Hoa Lang', tên ngoại nhân thứ hai Mateo (cha Đậu) cũng là đạo trưởng đạo 'Hoa Lang'. Tên sau này án được chuyển sang tù chung thân nhưng vừa được đổi thành xử trảm. Ấn ký ngày 10-12 năm thứ năm Minh Vương.

Quan án:

Phương Hùng, Nghĩa Hậu, Liêm Ngũ Lục, và Trung Hầu".

Thế là hai cha cùng bị đem đi với 8 tên tội phạm khác ra nơi xử.

Một nhân chứng tường thuật buổi hành quyết như sau: Hai cha đi vào chỗ thứ ba và bốn, giữa 8 tên tội phạm khác, bị xích lại với nhau thành một hàng. Trời mưa đổ xuống trên đầu trần các ngài, thỉnh thoảng các ngài giơ tay lau nước mưa, nét mặt vẫn hân hoan. Tới nơi các ngài quì xuống cầu nguyện một lát. Sau đó được đưa tới mô đất có trải chiếu sẵn, các ngài lại nằm phục xuống một lúc rồi quì lên, nghiêng đầu chờ lệnh xử trảm. Giáo dân xin hai cha ban phép lành. Các ngài xin họ đọc kinh Tin Kính và sau đó Cha Đậu tính giảng lần cuối cùng, nhưng một tên lính ngăn lại nói: "Chúa Trịnh kết án vì giảng đạo sai lầm này sao ngươi còn muốn tiếp tục?"

Cha Đậu liền nói: "Tôi đến Bắc Việt là để giảng đạo của Chúa trời đất để mọi người dân cư trong nước này được biết Ngài là Chúa thật. Tôi quyết tâm rao giảng vì biết rằng các vị ở đây chưa biết Chúa trời đất và chưa phân biệt được điều lành điều xấu và không biết cái gì sẽ xảy ra cho đời sau".

Một tên lính khác lại nhắc lại:

"Vua gớm ghét đạo này, sao còn cả gan nói nhảm nữa?"

Cha Đậu lại nói:

"Với cái chết vì đức tin, chúng tôi sẽ được phần thưởng trên nước trời. Cái chết của chúng tôi làm chứng cho cả thế gian về sự thật và sự thánh thiện của đạo Công Giáo trong ngày phán xét. Chính vì vậy chúng tôi không sợ hãi gì cách chết này mà người ta dành cho chúng tôi".

Vào lúc 4:00 giờ chiều ngày 22-1-1745, đầu của hai vị anh hùng tử vì đạo rơi xuống. Một tên lính thét lên:

"Rồi đây đói kém và thiên tai sẽ đổ xuống trên chúng ta. Tại sao cứ phải giết các đạo trưởng không hề trộm cắp giết người? Chúng ta đều biết rõ họ là đấng thánh".

Lòng tôn kính các đấng anh hùng tử đạo đã lôi kéo nhiều người đến mộ các ngài để cầu nguyện và xin ơn. Khi về họ còn mang theo nắm đất để kính nhớ các ngài. Cả những người lương cũng đến cầu nguyện nữa.

Một người tên là Giuse Can đã thề là kể chuyện có thật sau đây:

"Thầy già Khiêm đã kể cho tôi nghe chuyện tên lý hình Chân Nhuệ, đã bắt Cha Đậu trước đây, bị đau ốm lâu dài. Sau khi nghe biết Cha Đậu đã chết vì đạo thánh thì ông ta hối cải cầu xin với Cha Đậu phù hộ, ông ta được khỏi bệnh cách lạ lùng. Ông ta đã từ bỏ thần phật để theo đạo do Cha Đậu rao giảng".

Một trường hợp khác được kể lại là người giữ chùa bị đau nặng dù đã cầu đảo các thần phật và chạy chữa thuốc men nhưng vẫn không khỏi. Một người Công Giáo đến thăm, lặng lẽ nhúng miếng vải đã được thấm máu đào của Cha Đậu vào ly nước rồi cho bệnh nhân uống mà không nói gì cả. Bệnh nhân vừa uống hết ly nước thì cảm thấy khỏe mạnh. Ông từ giữ chùa sau đó mới được biết liền xin trở lại đạo.

Nguồn: (Trích Từ Dòng Máu Anh Hùng Tập I-III của Lm Vũ Thành)