Dân Chúa Âu Châu

Agnes paintingThánh Anê (c.258?) 

Lược sử

Hầu như chúng ta không biết gì nhiều về vị thánh nữ nổi tiếng này, ngoại trừ ngài rất trẻ -- khoảng 12 hay 13 tuổi khi ngài chịu tử đạo vào hậu bán thế kỷ thứ ba. Nhiều giả thuyết được đưa ra về cái chết của ngài như bị chém đầu, bị thiêu hoặc bị xiết cổ.

Truyền thuyết nói rằng Thánh Anê là một thiếu nữ xinh đẹp mà nhiều thanh niên muốn kết hôn. Trong những người bị khước từ lời cầu hôn, có một người đã đi tố cáo ngài là Kitô Hữu với nhà chức trách. Ngài bị bắt và bị giam trong nhà gái điếm.

Truyền thuyết kể rằng có một người bị mù vì đã nhìn ngài với ước muốn dâm dục, và sau khi được ngài cầu nguyện cho, họ đã sáng mắt. Ngài bị kết án, bị xử tử và được chôn gần Rôma, trong một hang toại đạo mà sau này được mang tên của thánh nữ.
Vào thế kỷ thứ tư, Constantia, con gái của hoàng đế Constantine đã xây một đền thờ để tôn kính ngài. Huy hiệu của ngài trong các tranh ảnh là hình con chiên, vì tên của ngài gần giống như chữ Latinh, agnus, có nghĩa là con chiên.

Suy niệm 1: Tuổi tác

Hầu như chúng ta không biết gì nhiều về vị thánh nữ nổi tiếng này, ngoại trừ ngài rất trẻ -- khoảng 12 hay 13 tuổi khi ngài chịu tử đạo vào hậu bán thế kỷ thứ ba.
Cũng giống như Thánh Maria Gôrétti trong thế kỷ gần đây, sự tử đạo của các thiếu nữ đồng trinh là một ấn tượng mạnh mẽ đối với xã hội ngày nay đang nô lệ cho chủ nghĩa duy vật.
Như Thánh Agatha, là người đã chết trong hoàn cảnh tương tự, Thánh Anê tiêu biểu cho sự thánh thiện mà không lệ thuộc vào tuổi tác, tài năng hay sự cố gắng cá nhân. Đó là món quà mà Thiên Chúa ban cho mọi người.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu: sự thánh thiện không lệ thuộc vào tuổi tác, để mỗi người luôn ganh đua tiến lên đỉnh trọn lành.

Suy niệm 2: Tố cáo

Thánh Anê là một thiếu nữ xinh đẹp mà nhiều thanh niên muốn kết hôn. Trong những người bị khước từ lời cầu hôn, có một người đã đi tố cáo ngài là Kitô Hữu với nhà chức trách.
Quả là một hành vi tiểu nhân. Vì bị từ chối mà đi tố cáo người mình yêu. Xét cho cùng, đây không phải là một tình yêu đích thực, vì chỉ nhằm sở hữu cho mình chứ không chủ đem lại hạnh phúc cho người.
Phải nói thêm, đây là một hành vi vị kỷ cao độ, đến mức chủ trương cái gì không thuộc về mình thì cũng không muốn thuộc về người khác, cái gì mình không có được thì cũng quấy phá để tha nhân không có.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống vị tha đến mức sẵn sàng thí mạng cho tha nhân.

Suy niệm 3: Gái điếm

Anê bị bắt và bị giam trong nhà gái điếm.

Chắc hẳn ý đồ của nhà chức trách muốn dùng môi trường gái điếm để làm ô uế tấm thân Thánh nữ Anê theo cách gần mực thì đen, vì thế cho bắt giam ngài trong nhà gái điếm. Nhưng thanh giã tự thanh. Ngài quả là đóa sen tỏa ngát hương thơm với sắc màu hấp dẫn, ngài sống gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Ngài vẫn giữ được tấm thân và tâm hồn trinh trong cho đến chết.
Đức Giêsu cũng đã từng đồng bàn và cận kề với những người tội lỗi. Ngài hòa đồng đến mức người Pharisêu khó chịu và lên án Ngài là bạn của quân thu thuế và tội lỗi. Thế nhưng Ngài không bị đồng hóa mà ngược lại cảm hóa cả Dakêu và Nicôđêmô, cũng như thánh hóa Matthêu thành tông đồ và thánh sử.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống thánh đến mức không ngại tiếp cận với người tội lỗi mà vận dụng mỗi cơ hội đó để cảm hóa họ thành người tốt.

Suy niệm 4: Cầu nguyện

Truyền thuyết kể rằng có một người bị mù vì đã nhìn Anê với ước muốn dâm dục, và sau khi được ngài cầu nguyện cho, họ đã sáng mắt.
Đời sống cầu nguyện vốn là lương thực nuôi sống tâm linh người tín hữu, và đồng thời cũng giúp họ phát huy năng lực cứu giúp tha nhân. Không lạ gì người bị mù lại được sáng mắt chỉ nhờ vào lời cầu nguyện của thánh nữ
Cũng bằng lời cầu nguyện, cả hai thầy trò ngôn sứ Êlia và Êlisa đã cải tử hoàn sinh cho cậu bé trai con bà góa xứ Xarépta và con bà Sunêm (1V 17,20-22;2V 4,33). Tông đồ Phêrô cũng dùng lời cầu nguyện mà cứu sống bà Talitha ở Giaphô (Cv 9,40-41). Phaolô cầu nguyện, đặt tay và chữa khỏi cơn sốt và bệnh kiết lỵ cho thân sinh ông Púpliô (Cv 28,8).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên cần cầu nguyện, không nhằm chữa bệnh tha nhân nhưng ít là để giữ mình khỏi sa chước cám dỗ (Mc 14,38).

Suy niệm 5: Đền thờ

Vào thế kỷ thứ tư, Constantia, con gái của hoàng đế Constantine đã xây một đền thờ để tôn kính thánh nữ.
Đền thờ là nơi thánh thiêng, ở đó phàm nhân đến để tỏ lòng sùng bái và xin ơn. Cuộc đời thánh thiện của thánh nữ Anê lại được kết thúc bằng cuộc tử đạo, khiến nhiều người ái mộ đến mức đã xây một đền thờ dành để tôn kính ngài.
Đền thờ bằng đá chỉ có giá trị thật sự khi giúp con người hướng đến việc xây dựng và tô điểm đền thờ tâm hồn, nơi Thiên Chúa ưa thích ngự trị (Ga 1,4), như Đức Giêsu đã cho biết là đã đến giờ phải thờ phượng trong thần khí và sự thật (Ga 4,23).
Bởi lẽ đền thờ bằng đá vốn đã được thay thế bằng một đền thờ đích thực không do tay phàm nhân làm nên (Mc 14,58), một đền thờ bằng xương bằng thịt tức là Thân Thể Đức Giêsu (Ga 2,21).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con siêng năng đến nhà thờ lãnh nhận Mình Thánh Chúa, để xây đắp và trang điểm đền thờ tâm hồn.

Suy niệm 6: Chiên

Huy hiệu của thánh nữ Anê trong các tranh ảnh là hình con chiên, vì tên của ngài gần giống như chữ Latinh, agnus, có nghĩa là con chiên.
Tên là người. Anê vốn hiền lành đến mức có một người vì đã nhìn ngài với ước muốn dâm dục mà bị mù, ngài đã tha thứ, cầu nguyện và người đó được sáng mắt. Chính vì sự hiền lành này mà Anê thật xứng với huy hiệu là chiên, vì một đặc tính của chiên là hiền lành đến mức câm nín trước thợ xén lông.
Bậc thầy của đức tính hiền lành không ai khác chính là Đức Giêsu. Ngài hiền đến mức vẫn giữ thái độ ôn hòa lặng lẽ ra đi, khi dân làng Ghêrasa và Samari chẳng những không đón tiếp mà xua đuổi Ngài (Lc 8,37;9,53). Ngài bình tâm đón nhận một cái tát nẩy lửa của một tên vô danh tiểu tốt, cũng như bao cái tát của bọn lý hình (Mt 26,67;Mc 14,65;Ga 18,22).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy chuyên chăm thực hành lời Chúa kêu mời: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành” (Mt 11,29).

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ