Dân Chúa Âu Châu

Thánh Martinô Thọ (Nho), Viên chức Thu Thuế (1787-1840)

- Lễ ngày 08 tháng 11
- Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII Phong Chân Phước ngày 20.05.1909
- Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh ngày 19.06.1988

Thánh Martinô Thọ tên thật là Nho, người ta lấy tên người con trai cả là Huy để gọi ông. Sau cùng thì lấy tên Thọ là tên người con trai thứ 9 của ông để gọi ông. Ông sinh năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Ngay từ nhỏ, ông đã có tính hiền lành, ngay thẳng lại ngoan đạo. Khi lập gia đình, ông sinh được 9 người con.Tuy đông con nhưng ông đã khôn khéo dạy dỗ, giáo dục con cái rất đàng hoàng bằng chính gương sáng của đời ông. Hằng ngày ông rất sốt sắng đọc kinh chung với vợ con, khuyên bảo vợ con phải năng cầu nguyện với Chúa. Khi bất đắc dĩ vì lý do gì mà không đọc kinh chung với gia đình được thì ông đọc kinh riêng một mình ngoài vườn.

Ông là người ăn nói có mực thước, chững chạc, ngay thẳng và thật thà nên được dân làng tìn nhiệm bầu ông phụ trách việc thu thuế trong làng. Ông sống rất thanh liêm, không bao giờ nhận hối lộ, không hà lạm của ai và lúc nào sổ sách cũng minh bạch. Đối với dân làng, ông luôn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho dân làng. Đối với cấp trên ông ngay thẳng, không xu nịnh, tâng bốc để lấy lòng. 

Ông cứ theo công tâm mà hành sự cho nên ông được lòng mọi người. Cấp trên không trách ông được điều gì mà cấp dưới cũng kinh nể ông, vì biết ông luôn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ.

Tuy là một viên chức Thu Thuế có địa vị lớn trong làng nhưng ông rất chăm chỉ thức khuya dậy sớm lo canh tác ruộng vườn như bao người khác. Ông thường khuyên các con: “sống công bằng mà thôi chưa đủ, là người Công giáo phải có đức bác ái nữa, mà muốn thực thi đức bác ái thì phải có điều kiện của cải một chút. 

Do vậy mà ta phải chịu khó làm lụng để có tiền bạc”. Miệng nói với con cái như thế nhưng ông còn làm gương cho các con. Ông thường bố thí cho những người nghèo khó hoặc công đức vào những công việc chung của nhà thờ nhà xứ và trợ giúp các vị Thừa Sai và các linh mục nữa. Ông không sợ chết vì đạo. 

Có lần ông nói “Được chết vì đạo Chúa là một ơn trọng đại Chúa ban”. Ông và ông Gioan Baotixita Cỏn là hai anh em họ hàng. Ông lý Cỏn bị bắt vì đã chứa chấp cha Martinô Tạ Đức Thịnh, ông Martinô Thọ bị bắt vì đã chứa chấp cha Phaolô Nguyễn Ngân. Cả hai ông đều là những chiến sĩ nhiệt thành đã từng cộng tác rất đắc lực với các linh mục trong việc rao giảng Tin Mừng và phục vụ Giáo Hội.

Khi nghe tin ông Lý Mỹ, ông trùm Đích, các ông binh Đạt và binh Huy được tử vì đạo, ông đến Kẻ Vĩnh viếng xác ông Lý Mỹ và ông trùm Đích, Về nhà ông nói với vợ con:

- Nếu Chúa có định cho tôi bị bắt và chịu khó vì đạo như các ông ấy thì mọi người hãy vui lòng, dù có mất của thì cũng đừng phàn nàn. Và nếu chúng con có bị bắt thì cũng phải mạnh mẽ xưng đạo ra trước mặt các quan. Đừng sợ, có Chúa giúp đỡ.

Theo lời tường thuật của người con gái ông Thọ thì làng Kẻ Báng bị bao vây đến ba bốn lần trong tháng 6 và tháng 10. Ngày 29 tháng 4 âm lịch, Trịnh Qauang Khanh đem 1 ngàn quân và hai thớt voi tới bao vậy làng lúc 3 giờ sáng, có tới 3 quan lớn tham dự cuộc bao vây này. Nhưng cả ngày mà không bắt được ai, quan đã định rút lui nhưng người đã bí mật tố cáo với quan thi khẩn khoản xin quan lớn cho lưu lại một vài ngày nữa thế nào cũng bắt được các đạo trưởng, nếu không anh ta sẽ xin nạp đầu. 

Nghe nói thế, quan Trinh Quang Khanh lại cho lệnh ở lại canh gác cẩn mật. Sang ngày thứ hai thì một toán lính khám xét bắt được mấy đồ lễ chôn dưới hầm. Quan quân vui mừng, tích cực lục soát. kỹ hơn. Ho lấy cọc sắt thọc vào các tường nhà, dưới sàn nhà, nhờ vậy mà cha Nghi đang ẩn dưới hầm đã tự ý ra nộp mình. Cha Ngân đang ẩn trong nhà ông Tho biết tin cha Nghi đã tự nộp mình thì cha Ngân cũng ra tự nộp. Thế là cha Ngân và ông Martinô Thọ cũng bị bắt. 

Bắt được ba cha và 20 giáo dân, trong đó có ông Lý Cỏn và ông viên chức Thu Thuế Thọ, tất cả đều bị trói và giải vế tỉnh Nam Định giam trong Trại Lá. Sau một tháng thì bị gọi ra công đường thẩm vấn và khuyên các Ngài bước lên cây Thập Tự. Các Ngài cương quyết không chịu nên bị đánh mỗi người 50 roi rất đau đớn rồi chuyển các ngài sang trại tù. Ban ngày bị mang xiềng xích, đêm bị cùm trong xà lim. Mấy ngưòi con ông Thọ lén lút tới thăm được một vài lần. 

Ông Thọ cho các con xem những vết thương bị đánh lơ loét, da thịt bị nát và giơ cả xương ra trông thật thê thảm. Các con thậy vậy thì thương khóc. Ông Thọ nói ông là người bị đòn nhiều nhất, có lần ông bị 150 roi, 50 roi đầu thì đau đớn ghê sợ lắm, nhưng 100 roi sau thì Chúa ban sức mạnh, ông không sợ hãi và thấy nhẹ nhàng thôi. Ông khuyên các con phải tạ ơn Chúa cho ông, không được khóc, mà phải đọc kinh cầu nguyện cho ông . Lúc các con ra về, ông còn nhắn nhủ:

- Thiên Chúa nhân lành, Chúa định cha không còn về với mẹ con con nữa. Các con còn có mẹ Hãy yêu thương và vâng lời mẹ. Còn các con, các con hãy yêu thương dùm bọc và nâng đỡ nhau. Hãy trung thành đọc kinh cầu nguyện, cho cha, cho me, cho chúng con nữa. Sau này nếu có thể được thì các con đưa xác cha về chôn nơi cha bị bắt, thế là cha vui rồi. Nếu chúng con có bị bắt vì đạo Chúa thì các con phải can đảm và trung thành với Chúa. Dù có phải chết thì cũng không được chối bỏ Chúa. Cha mong các con nhớ và giữ những lời cha căn dặn chúng con. Chắc khó mà còn được gặp lại cha nữa. Các con về bằng an. Cha luôn cầu nmguyện cho các con.

Có lần quan Trịnh Quang Khanh gọi ông Cỏn và ông Thọ ra công đường khuyên dụ các ông bước lên Thập Tự, các ông không chịu, quan lệnh đánh mỗi ông 50 roi rồi bắt lính khiêng hai đầu gông lên cao, đưa chân rê lên Thập Tự nhưng các ông co chân lên, lính lại lấy roi quất túi bụi vào chân hai ông. Ông Thọ nói một cách mạnh mẽ:

- Đạo tại tâm. Quan làm như thế thì quan mang tội, chứ chúng tôi không đồng ý thì chúng tôi không có tội.

Nói rồi, ông kính cẩn quì xuống hôn cây Thập Tự. Quan tổng đốc Trinh Quang Khanh nóng mặt, tàn nhẫn bắt hai ông liếm máu ở những vết thương của ba cha. Hai ông thản nhiên làm theo lệnh mà không hề tỏ ra một thái độ hay cử chỉ sợ hãi. Sau lần tra vấn này, quan lại cho lệnh đem hai ông ra quì trên đống cát nóng bỏng giữa trời nắng gay gắt từ sáng đến tối, lại không được ăn uống gì Hai ông thản nhiên quì đọc kinh cầu nguyện, không hề tỏ một lời nói hay cử chỉ oán trách một ai.

Ngày 9 tháng 8 các quan tỉnh Nam Định làm án tử hình hai ông vì tội chứa chấp và giấu giếm các đạo trưởng rồi gửi về kinh, Ngày 6 tháng 11 vua Minh Mạng phê chuẩn bản án rồi gửi lại cho quan tổng đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh để thi hành.

Sáng ngày 8 tháng 11 sau khi cho các ông ăn sáng, quan tổng đốc lại cho gọi hai tới công đường khuyên bước qua Thánh Giá để khỏi phải chết. Nhưng hai ông cương quyết trả lới dứt khoát rằng:

- Chúng tôi rất vui mừng và sẵn sàng đổ máu ra vì Thiên Chúa của chúng tôi. Các quan có thể chém đầu chúng tôi, nhưng các quan không thể lấy được lòng tin trong lòng chúng tôi. Được chết vì Chúa là một ơn phúc trọng đại. Chúng tôi xin sẵn sàng chắp nhận được chết vì đạo Chúa.

Quan nghe các ông nói xong thì không còn do dự gì nữa, liền ra lệnh binh lính gươm giáo áp giải ba cha và hai ông ra pháp trường Bảy Mẫu. Hai ông cổ đeo gông, chân tay mang xiềng xích đi theo sau ba cha. Ông Martinô Thọ bước đi từng bước trang nghiêm, tay cầm trang hạt, chăm chú đọc kinh cầu nguyện. Ông không lưu ý tới những gì chung quanh, chỉ cầm lòng cầm trí đưa hồn lên với Chúa. 

Tới pháp trường, đội lính tháo gông và xiềng xích rồi cột các ông vào cọc sắt. Lý hình sẵn sàng vung gươm lên cao, chiêng trống nổi hồi, đợi tiếng chiêng trống cuối cùng thì chém một nhát thật mạnh, đầu các ngài rơi xuống đất Nhiều người chạy tới thấm máu các Ngài. Các con ông Martinô Thọ vừa khóc thương cha vừa lấy khăn và bông thấm máu của cha rồi xin nhận xác của cha đưa về nhà chôn táng đúng nơi ông đã dặn dò các con cái trước khi ông bị trảm quyết.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong ông lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988. 




Lm.Alexandre de Rhodes. S.J. (Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS)