Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

Việt Nam Quốc Tự,

Một Trung Tâm Văn Hóa Của

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Có nguy cơ bị phá hủy sau khi Việt cộng bán cho ngoại quốc

Trong chủ đề văn hóa kỳ này chúng tôi giới thiệu một trong các chùa Phật Giáo nổi tiếng tại thủ đô Sài Gòn, chùa Việt Nam Quốc Tự.

Gần đây, theo tin tức trên hệ thống mạng lưới toàn cầu Internet, báo chí Việt Cộng và đặc bịêt báo điện tử Tuổi Trẻ ngày 23.2.2008 đã đăng tin nhà cầm quyền Việt Cộng thành Hồ đã quyết định bán khu đất Việt Nam Quốc Tự ở đường Trần Quốc Toản cho một công ty Mã Lai để xây trung tâm tài chính có tầm vóc quốc tế.

Quí độc giả ở Sài Gòn hay khu phố Tầu Chợ Lớn năm xưa không ai không biết Việt Nam Quốc Tự và những biến động tại thủ đô sau khi chế độ đệ I Cộng Hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ vào ngày 1.11.1963. Cùng với sự bất an về chính trị có ảnh hưởng đến sinh mạng của các nhân vật quan trọng trong chế độ đệ I Cộng Hòa, sự an toàn tính mạng của vị sư chủ trì của Việt Nam Quốc Tự cũng lâm nguy, bởi vì phe Phật Giáo Ấn Quang muốn loại một đối thủ quan trọng của họ trong hệ thống Phật Giáo miền Nam!

Đến nay, sau hơn 30 năm miền Nam bị Việt Cộng miền Bắc xâm chiếm, các tài liệu chứng minh về giai đoạn lịch sử của thời xa xưa ấy không còn là những bí mật. Vì thế, khi đề cập tới biến cố Việt Nam Quốc Tự và những gì đã xẩy ra trong bóng tối, người ta không còn phải e ngại gì cả. Đó là một biến cố lịch sử, vừa mang mầu sắc chính trị, vừa mang tính chất tôn giáo.

Để hiểu rõ nội vụ, mời quí độc giả cùng hướng về thủ đô Sài Gòn năm xưa.

1-Trong bối cảnh nào Việt Nam Quốc Tự ra đời?

Không chấp nhận cho quân Mỹ vào miền Nam, tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu đã bị chính phủ John F. Kennedy quyết định loại bỏ và CIA chi cả triệu Đô-la cho các tướng lãnh đảo chính và giết chết. Sau đó, các cuộc chỉnh lý đã xẩy ra liên tiếp trong các năm 1963-1964. Hết chính phủ quân sự này đến chính phủ dân sự kia được thành lập, nhưng sân khấu chính trị vẫn rơi vào tình trạng bế tắc. Miền Nam bị khủng hoảng cả về chính trị lẫn quân sự. Quốc sách Ấp Chiến Lược bị Dương Văn Minh ra lệnh phá bỏ khiến cho an ninh ở nông thôn rơi vào tình trạng bất an. Việt Cộng lợi dụng thời cơ xâm nhập vào xã ấp và tấn công mạnh trên chiến trường.

Sau cái gọi là cách mạng lật đổ được chính quyền do một tổng thống Công Giáo lãnh đạo, một số tổ chức chính trị lợi dụng thời cơ, lấy danh nghĩa Phật Giáo gây nên biến động Miền Trung, tạo ra các cuộc xung đột giữa Công Giáo và Phật Giáo. Ngày 25.8.1964, làng Công Giáo Thanh Bồ và Đức Lợi tại Đà Nẵng miền Trung bị khủng bố đốt phá. Tại Sài Gòn thì nhóm sinh viên và thanh niên Phật tử quá khích xuống đường biểu tình liên miên chống Nguyễn Khánh và đòi thanh toán các đảng viên của đảng Cần Lao Nhân Vị. Du đãng Cầu Muối được mua chuộc xuống đường ngông nghênh đe dọa phá tòa báo Xây Dựng và nhà thờ Huyện Sỹ. Không thể chấp nhận sự lộng hành quá trớn và lợi dụng cách mạng để phá hoại an ninh trật tự xã hội và xâm phạm tài sản của Công Giáo, thanh thiếu niên vùng Chí Hòa, Bình An và Hố Nai được lệnh tăng cường bảo vệ các cơ sở của Giáo Hội.

Chương trình trực tiếp can thiệp vào miền Nam của chính phủ Mỹ được thực hiện. Số lượng cố vấn Mỹ gia tăng tại miền Nam. Gái làng chơi bị cấm dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm nay xuất hiện nhan nhản. Lính Mỹ nhiều là cớ cho gái mãi dâm làm cao, mua hàng quà không cần trả giá làm ra vẻ qua mặt cả các phu nhân bộ trưởng, tướng, tá. Tôn giáo vượt qua giới hạn đạo đức linh thiêng, trực tiếp hay gián tiếp can dự vào chính trị, nên người dân Sài Gòn thời đó có câu khá mỉa mai: "nhất Đĩ, nhì Sư, tam Cha, tứ Tướng".

Thủ đô Sài Gòn rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có. Dù là Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài hay Hòa Hảo, những người lo cho tiền đồ Việt Nam Cộng Hòa không thể chấp nhận các hoạt động vô luật pháp cứ mãi tiếp diễn. Vì thế, một ủy ban Liên Tôn được thành hình. Linh mục Hoàng Quỳnh và thượng tọa Thích Tâm Châu đã dấn thân trong việc hô hào đoàn kết, chấm dứt xung đột.

Trong bối cảnh hỗn loạn đó, Việt Nam Quốc Tự ra đời ngày 26.4.1964.

Thượng tọa Thích Tâm Châu tụ trì tại Việt Nam Quốc Tự thuộc thành phần Phật Giáo miền Bắc di cư. Sau cuộc đảo chính thành công thì sự tranh chấp quyền hành và đòi ảnh hưởng đối với các chính phủ giữa hai phe Phật Giáo miền Trung do Thích Trí Quang lãnh đạo và miền Bắc di cư đã xẩy ra. Sự tranh chấp căng thẳng đến nỗi người ta đã dùng bạo lực và biểu tượng "sát sinh" để đe dọa và thanh toán nhau.

Theo tin tức trên các diễn đàn Internet và tác giả Chơn Trí thì thượng tọa Thích Tâm Châu bị đệ tử của thượng tọa Thích Trí Quang là Bùi Ngọc Đường hăm dọa giết chết bằng cách để trên bàn làm việc của thượng tọa Tâm Châu một dĩa máu với một con dao. Từ ngày 3.6.1966, thượng tọa Thích Tâm Châu và Thích Hộ Giác đã từ bỏ các chức vụ trong Viện Hóa Đạo, lánh nạn ra Vũng Tầu và trú ngụ trong trung tâm huấn luyện Nhu Đạo Quang Trung. Cũng từ thời điểm đó phe Ấn Quang coi như nắm trọn quyền hành đại diện Phật Giáo và đòi hỏi nhiều quyền lợi và ảnh hưởng đối với các chính phủ Nguyễn Khánh và Phan Huy Quát, vì cớ có công lớn trong việc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm!

2-Tại sao Phật Giáo có sự thù hằn và đe dọa giết nhau?

Sự tranh chấp giữa hai phe Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự là một biến cố lớn trong sinh hoạt của Phật Giáo mà chúng tôi hy vọng sẽ có ngày trình bày một cách đầy đủ hơn. Trong bài này, chúng ta chỉ cần đọc hai đoạn văn sau đây cũng có thể hiểu được nguyên nhân.

-Bạch Thư của hòa thượng Thích Tâm Châu

Trong Bạch Thư của thượng tọa (nay là hòa thượng) Thích Tâm Châu công bố vào ngày 31.12.1993 ở phần kết luận người ta đọc được:

"Sự việc rõ ràng như thiên thanh bạch nhật, mà nhóm tranh đấu của Ấn Quang, được sự hỗ trợ ngầm của cộng sản nằm vùng, lải nhải vu khống cho Việt Nam Quốc Tự chia rẽ Giáo Hội cho đến nỗi những vị Tăng ni không biết chút gì về việc tranh đấu, việc xây dựng Giáo Hội, cũng như các vị Tăng Ni, Phật tử ở xa, hay sau này, cũng a dua, hùa theo sự tuyên truyền nhồi sọ của nhóm tranh đấu Ấn Quang và cộng sản nằm vùng trong suốt 30 năm nay. Thực tội nghiệp! "

(Bạch Thư được đăng trên trang nhà Quảng Đức sau đó, vì có nhiều phản ứng, ngày 26.6.1994, HT. Tâm Châu và HT. Hộ Giác ký chung tuyên bố hủy bỏ Bạch Thư này)

Chi tiết về các biến chuyển chính trị và các hoạt động của Phật Giáo trong thời điểm 1963-1966, quí độc giả có thể tìm đọc "Việt Nam Chính Sử" của luật sư và cựu thượng nghị sĩ Nguyễn Văn Chức (nhà xuất bản Alpha 1992), một trong những tác phẩm lật tẩy sự xuyên tạc lịch sử của tướng Đỗ Mậu về chế độ Ngô Đình Diệm.

3-Vị trí của Việt Nam Quốc Tự

Việt Nam Quốc Tự tọa lạc ở số 16-B đường Trần Quốc Toản Sài Gòn, nay là đường 3 tháng 2, quận 10. Khu đất rộng khoảng 45 nghìn mét vuông. Lễ đặt viên đá xây dựng Việt Nam Quốc Tự được cử hành vào lúc 8 giờ sáng ngày 26.4.1964, dưới sự tham dự của Tăng Ni, phật tử, đại diện các tôn giáo bạn và sự chứng kiến của lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà (Bút tích của thủ tướng Nguyễn Khánh ghi lại sau ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng Việt Nam Quốc Tự đính kèm). Đồ án xây dựng tiêu biểu nhất là tháp cao 7 tầng và một dãy nhà làm nơi cư trú cho Tăng Ni. Ngôi tháp 7 tầng nhìn giống cảnh chùa, mái cong, chạm trổ tinh vi, màu sắc và hình ảnh hài hòa với phong tục xây cất chùa đình Việt Nam. Việt Nam Quốc Tự là một công trình kiến trúc diễn tả được nghệ thuật kiến trúc VN và tiêu biểu cho Phật giáo. Tác giả của công trình là kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ, một kiến trúc sư đã làm vẻ vang dân tộc Việt trên sân khấu kiến trúc thế giới, đặc biệt với giải Khôi Nguyên La Mã và hội viên Hàn Lâm Viện kiến trúc Hoa Kỳ.

Sau năm 1975, toàn bộ khu đất Việt Nam Quốc tự của Phật giáo bị Việt Cộng thành Hồ trưng dụng làm nhà hát và khu du lịch Kỳ Hoà. Họ chỉ để lại 3.000 mét vuông trong số 45.000 mét vuông đất của chùa, tức khu vực tháp Việt Nam Quốc Tự và giao cho hoà thượng Thích Từ Nhơn cai quản. Hoà thượng Từ Nhơn nguyên là thủ quỹ Viện Hoá Đạo, giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất (GHPGVNTN), nay gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội Phật giáo quốc doanh) và giữ chức phó chủ tịch thường trực hội đồng trị sự.

3-Việt Cộng ngang nhiên bán đất chùa cho ngoại quốc

Ngày 23.2.2008, Việt cộng thành Hồ đã chính thức trao giấy phép đầu tư dự án xây cất trung tâm tài chính Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới 930 triệu Mỹ kim cho công ty Berjaya Land Bhd (B-Land) thuộc tập đoàn Berjaya của Mã Lai (Malaysia). Dự án được xây dựng tại khu vực giữa đường 3 tháng 2 và Lê Hồng Phong (Quận 10), trên diện tích 25,4 mẫu tây. Chương trình dự kiến khởi công vào tháng 7.2008 và hoàn thành vào năm 2013. Theo thiết kế, dự án là một tổ hợp gồm 6 khối cao ốc. Trong đó, 5 khối cao ốc cao 48 tầng làm văn phòng cho thuê (hạng A); 1 cao ốc làm khách sạn quốc tế 5 sao, với đầy đủ các dịch vụ như: câu lạc bộ khiêu vũ, hội nghị… 1 cao ốc cùng với 1 cao ốc khác cao 30 tầng làm trung tâm thương mại

Khi công bố các điều trên, ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch ủy ban nhân dân xác nhận: "mục tiêu của thành phố là phát triển kinh tế thật nhanh, nhất là các ngành dịch vụ, tài chính, ngân hàng.… Đồng thời, với việc dự án được cấp phép, đã đưa nguồn vốn đầu tư nước ngoài của thành phố từ đầu năm 2008 đến nay đạt hơn 6 tỷ Mỹ kim".

Lời tuyên bố của ông Quân chứng tỏ âm mưu hủy diệt các công trình văn hóa và tôn giáo của các Giáo Hội chính thống; những người không chịu làm tay sai cho Việt Cộng. Âm mưu thâm độc của Việt Cộng có thể nhận ra qua ba bước:

-Trước hết Việt Cộng dùng mánh lới dụ dỗ dâng cúng cho cách mạng hoặc dùng bạo lực cưỡng chiếm tài sản của các tôn giáo nói chung và Phật Giáo chính tông nói riêng.

-Tiếp theo đó Việt Cộng ngang nhiên thế tục hoá các cơ sở tôn giáo qua kế hoạch biến các cơ sở này thành các trung tâm sinh hoạt văn hoá và làm chỗ ăn chơi phóng đãng.

-Cuối cùng, Việt Cộng bán đất đai và cơ sở văn hóa cho ngoại quốc với kế hoạch là để phát triển kinh tế.

Sau năm 1975, giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất đã viết nhiều bức thư khiếu nại gửi đến nhà cầm quyền đòi trả lại các giáo sản bị nhà nước cưỡng chiếm. Nhưng Việt Cộng vẫn tuyệt nhiên im lặng, không hồi đáp hay giải quyết. Thái độ lì lợm cướp bóc này cũng đã thực hiện đối với hàng ngàn dân oan, đa số là nông dân, từ 20 năm qua.

Tiếp tay với Việt Cộng, sư quốc doanh Từ Nhơn đã biến dãy nhà Tăng Ni thành nhiều lô phục vụ doanh thương, hình thức giống như các tiệm chạp phô. Khu tháp chùa trở thành chợ trời và nơi giải trí. Khi trung tâm tài chính khởi công xây cất, nếu không có sự phản đối quyết liệt từ phía Phật Giáo chính tông, ngọn tháp Việt Nam Quốc Tự 7 tầng có thể sẽ bị phá hủy.

4-Phản ứng của hòa thượng Thích Tâm Châu

Qua hệ thống Internet chúng tôi nhận được lời tuyên bố của HT. Thích Tâm Châu có nội dung như sau:

Lời tuyên bố

Về việc đất Việt-Nam Quốc-Tự tại Saigon bị bán cho ngoại quốc

Văn-thư số 1420/VP/TT

Tôi vừa đi làm Phật-sự từ nơi xa về, được xem một số văn thư các nơi gửi tới, nói về việc ngày 23.02.2008, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ-Chí-Minh đã chính thức trao giấy phép đầu tư dự án trung-tâm tài-chánh Việt-Nam cho công-ty Berjaya Land Bhd (B-Land) thuộc tập đoàn Berjaya (Malaysia).

Dự án này được xây dựng trên khu đất giữa đường Ba Tháng Hai và đường Lê-Hồng-Phong, quận 10, tức là trên khu đất của Việt-Nam Quốc-Tự thuộc đường Trần-Quốc-Toản cũ, là sở hữu chủ của Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam thống nhất từ năm 1964 đến nay.

Tôi không ngờ việc này có thể xẩy ra.

Vì rằng, khu đất này được ghi dấu bởi sự hy sinh xương, máu, mồ hôi, nước mắt của Phật-giáo-đồ, của nhân-dân miền Nam Việt-Nam, tranh đấu cho bình đẳng tôn-giáo, công bằng xã hội, bất cứ chế-độ nào thực sự vì dân, nên tôn-trọng lý-tưởng ấy.

Vì rằng, lẽ sống của con người không thể chỉ hướng về vật chất mà không nghĩ đến tinh-thần. Giữa một thành phố đông người, không thể không có những nơi thoáng mát, giúp cho sức khỏe người dân được tăng trưởng, tạo thêm khả năng làm việc, phát triển xã hội.

Với tư cách nguyên-chủ-tịch ủy ban liên phái bảo vệ Phật-Giáo năm 1963, nguyên viện-trưởng Viện Hóa Đạo giáo-hội Phật-Giáo Việt-Nam thống nhất năm 1964, đương kim Thượng-thủ Giáo-hội Phật-Giáo Việt-Nam trên thế-giới,

1)- Thỉnh cầu ông chủ-tịch Nước, ông thủ-tướng chính-phủ Việt-Nam, can thiệp cùng ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, hoán đổi khu đất khác cho công ty ngoại quốc, và nên ngưng ngay dự án kiến thiết trung tâm tài chánh Việt-Nam trong khu đất trên.

2)-Xin trả lại khu đất Việt Nam Quốc Tự cho Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất, hầu giữ lại di tích lịch sử, và giúp đỡ Giáo Hội thống nhất kiến tạo khu đất này thành một nơi danh thắng, một công viên tươi mát, đem lại an lạc và hạnh phúc cho nhân dân thành phố.

Làm tại Tổ-Đình Từ-Quang, ngày 12.3.2008

Hòa thượng Thích-Tâm-Châu

Những câu hỏi nhức nhối!

Khi đức tổng giám mục Hà Nội yêu cầu Nhà Cầm quyền Việt Cộng trả lại khu tòa Khâm Sứ thuộc chủ quyền Giáo hội Công Giáo thì hòa thượng Thích Trung Hậu trong giáo hội Phật Giáo Việt Nam quốc doanh nhẩy vào ăn có, đòi phải có ý kiến của Phật Giáo, dù cái lịch sử hoang dã xa xưa còn đâu nữa.

Nếu người Chàm cũng đòi Phật Giáo phá chùa Thiên Mụ, trả lại đất và ngôi chùa nhỏ xưa của dân tộc Chàm mà loạn tướng Nguyễn Hoàng chiếm đất, phá chùa của họ đi để xây chùa Thiên Mụ, thì HT. Trung Hậu trả lời sao?

Khi Việt Nam Quốc Tự, tài sản của GHPGVNTN bị cướp bán cho ngoại quốc, không biết Sư quốc doanh đã gửi thư cho ủy ban thành Hồ đòi phải có ý kiến Phật Giáo chưa?

Thế mới biết, trong văn hóa hay tôn giáo, lòng người dễ xoay chiều đổi hướng!