Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

1- Tóm lược đoạn thơ Kim Trọng được tin chú chết và gia đình Kiều mắc nạn

Sau khi nghe Kiều đàn ca, trao vật kỷ niệm, Kim Trọng cùng Kiều thề hứa trọn đời yêu nhau và sẽ đi tới hôn nhân. Nhưng bất ngờ Kim Trọng được người phụ việc đưa thư báo tin chú chết và bố nhắn về quê gấp lo việc tang chế. Quê của Kim Trọng ở huyện Liêu Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh, một thời từng là thủ đô của Mãn Châu của Trung Hoa. Chuyện tình mới chớm nở và tình yêu đầu đang nồng cháy mà chàng phải từ biệt ra đi, Kiều làm sao không khỏi đau khổ? Cái buồn phải xa người yêu cùng với cái buồn Kim Trọng phải để tang chú ba năm khiến Kiều lo lắng cho thân phận mình. Xa mặt cách lòng, liệu thời gian có làm cho chàng thay lòng đổi dạ không? Riêng đối với Kiều thì nàng như linh cảm được sự phũ phàng, nên than thở:

 

Ông tơ ghét bỏ chi nhau,

Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”.

Dù sao đi nữa, Kiều vẫn một lòng:

Đã nguyền hai chữ đồng tâm,

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”.

 

Kim Trọng ra đi thì gia đình Kiều đi dự tiệc bên ngoại trở về, bất ngờ bị hoạn nạn. Nhóm quan lại tham nhũng nghe lời thằng bán tơ vu oan cáo vạ mà không chịu điều tra thật hư, liền sai quân lính tới bắt trói cha và em trai của Kiều treo ngược lên cột, cướp đồ đạc, nữ trang và quần áo đẹp của gia đình Kiều. Bọn tham quan còn làm bộ giả nhân giả nghĩa muốn giúp gia đình Kiều thoát nạn; nhưng phải có 300 lạng bạc thì cha và em trai mới được thả. Trước tình trạng nan giải này, Kiều đành bán mình chuộc cha, mặc dù đã thề non hẹn biển với Kim Trọng.

 

Để hiểu rõ sự khác biệt giữa nguyên tác văn xuôi Kim Vân Kiều của tác giả người Tầu là Thanh Tâm Tài Nhân và thi phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, chúng tôi xin phép ghi lại nhận định của giáo sư người Hoa Đổng Văn Thành về sự kiện gia đình Kiều bị hoạn nạn như sau:

a)-Thay đổi lại nguyên nhân Vương Thúy Kiều bán mình.

Tiểu thuyết nguyên tác viết, sau khi cha mẹ Vương Thúy Kiều tới nhà dượng của cô dự lễ mừng thọ, về tới nhà bảo Thúy Kiều: “Con ơi! Nguy rồi! Dượng con cho hai thằng bán tơ ở trong nhà, không biết chúng là cướp, khi chúng bán tơ bị nguyên chủ nhận ra đưa đi thưa quan, quan một mực cho dượng con là kẻ oa trữ. Cha mấy bữa cùng ngồi uống rượu với chúng, chỉ sợ bị chúng khai liều làm hại.

 

Dương Binh mã thuộc Ty Binh mã trong thành chỉ dựa vào lời phạm nhân khai là có dính dáng đến Vương Viên Ngoại (bố của Thúy Kiều), không cần xét thật giả đã lập tức lợi dụng khẩu cung gian dối này làm cớ, sai ngay bảy, tám tên sai nha xông vào nhà họ Vương vơ vét của cải, dùng cực hình tra hỏi. Công sai chẳng cần phân giải, bắt luôn hai cha con Vương Viên Ngoại trói ghì vào cột rồi quát bảo nhau: “Khám tang vật”. Tìm khắp trước sau, trong ngoài, dưới bếp, nhà tiêu, sục vào mọi chỗ. Hòm xiểng, tủ giả, mở hết ra, thứ gì đáng giá ít nhiều, chúng đều thu hết. Vương Bà vừa mừng thọ về, trên người mặc bộ quần áo mới, chúng cũng lột lấy, đồ trang sức trâm thoa cũng không sót một thứ gì. Thấy quần áo Thúy Kiều, Thúy Vân dẫu đã cũ nhưng là hàng tơ, cũng bắt lột ra… Đáng thương cho một gia đình đang yên lành mà phút chốc tan tành như bể tuyết núi băng.

 

Hai cha con Vương Viên Ngoại đầu tóc rối bù, chân không giày dép, tay bị trói, chân xiềng, dựa cột ngoài sân, bị bọn công sai khảo đả trăm chiều… Chúng gọi Vương Quan lại, cởi bỏ dây trói, lột hết quần áo trơ da thịt, lấy thừng buộc chặt hai ngón chân cái treo lên cột cho gót chân chấm đất, ngón chỉ lên trời; lại buộc chặt hai ngón chân cái, đầu dây vứt qua xà, quát một tiếng: “Kéo!”, hai ba người ra sức kéo cho gót chân Vương Quan cao khỏi mặt đất hơn năm tấc. Vương Quan… thét lên một tiếng rồi lịm ngất đi. Chúng treo ngược tứ chi Vương Viên Ngoại lên, bụng quay dưới đất, trên lưng chặn một hòn đá to đè nặng lên 360 đốt xương, đốt nào cũng như muốn rời, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông, lỗ nào cũng rỉ mồ hôi, mặt xám như tro. Những hành vi dã man, hung bạo đó quá hơn cả bọn cướp. Bọn tội phạm chính hiệu là cướp kia chỉ bị bắt giam là cùng, chưa bị hành phạt tàn khốc và khám nhà. Chẳng những thế, bọn công sai còn chia một phần số bạc Vương Thúy Kiều bán mình chuộc cha mà chúng bóp nặn được cho bọn cướp bị giam.

 

Người đầu bọn bảo: “Việc này mà đến cửa quan, nhất định là bị chém chết. Trừ phi một trong hai ngày phải có ba trăm lạng bạc, một trăm lạng lễ quan sai đi bắt cướp, một trăm lạng đút cho bọn cướp, bảo chúng khai không dính dáng đến nhà cô, còn một trăm thù lao cho bọn chúng tôi, có vậy mới xong việc được.” Đủ thấy nguyên nhân gốc khiến Thúy Kiều buộc phải bán mình rồi lưu lạc phong trần là do tham quan ô lại bóp nặn, bức hại mà nên. Bọn chúng tham tiền bẻ queo luật pháp, đảo lộn phải trái, tùy tiện làm oan uổng người, lấy đó làm cách kiếm tiền.

 

b)-Nhưng sang tới ngòi bút Nguyễn Du, bọn cướp bị bắt cấu kết với quan lại được sửa thành “thằng bán tơ”, nguyên nhân nhà họ Vương bị cực hình và bị khám nhà mất của được quy kết thành “chuyện do tên bán tơ vu cáo, bịa đặt thành tội” (câu 586). Hành động tàn bạo của lũ công sai và người đầu bọn được sửa thành không phải do đòi đút lót, mà là “Tuy cũng nha dịch, nhưng có từ tâm/ Thông cảm nàng chí tình, trọng hiếu/ Bất giác thương xót sâu sắc, bèn ngầm thu xếp biện pháp/ Đòi ba trăm lạng bạc làm tiền phạt kết thúc vụ án” (câu 607 - 611). Số bạc Thúy Kiều bán mình để đút lót, hối lộ trong nguyên tác được đổi thành “tiền phạt” tuy tiếp đó cũng có viết: “Vạn quan tiền giắt thắt lưng/ Tùy thời đổi được phải trái, trắng đen/ Chung Công (chỉ người đứng đầu bọn công sai – nguyên chú) cũng sớm liệu sắp xếp/ Tiền đến tay, là kết thúc kiện tụng chốn phủ quan” (câu 688 - 691). Xét về văn lý, kẻ mà Nguyễn Du chỉ trích là tên Mã Bất Tiến (tức Mã Giám Sinh- P.T.C) mạo xưng giàu có (Vạn quan tiền thắt lưng), bỏ tiền ra lừa mua Thúy Kiều, như thế chẳng những che đậy hoàn toàn tội ăn hối lộ, bẻ queo phép nước của quan lại mà còn biến công sai thành cứu tinh giúp đỡ vô tư nhà họ Vương thoát khỏi tai nạn. Sửa đổi như thế rõ ràng là giữ thể diện cho quan lại phong kiến, chứng tỏ Nguyễn Du đứng trên lập trường quan lại phong kiến mà cắt bỏ nội dung chống tham quan ô lại của nguyên tác.”

 

Nhận định

 

Qua sự phân tích và so sánh nêu trên của giáo sư Đổng Văn Thành, chúng tôi thấy Nguyễn Du thay đổi cốt truyện gia đình Kiều bị hoạn nạn chắc phải có nguyên do.

Sống dưới thời Quân-chủ chuyên-chế và theo đạo lý Khổng Tử “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (Vua xử bề tôi phải chết mà bề tôi không chết là bất trung) thì Nguyễn Du khi viết truyện phải hành xử khôn ngoan thế nào để không bị vua chúa Nhà Nguyễn kết án là phạm thượng và chỉ trích chế độ. Như trong phần tiểu sử chúng tôi đã trình bày Nguyễn Du không thành công trong việc theo vua Lê Chiêu Thống trốn sang Tầu đã phải ở lại. Vì trung thành với Nhà Lê ông đã lãnh đạo một cuộc chiến chống Nhà Nguyễn Quang Trung; nhưng bị thất bại. Sau đó Nguyễn Du dự tính vào miền Nam giúp chúa Nguyễn và bị quân Tây Sơn bắt nhốt tù. Là một công thần Triều Lê mà Nguyễn Du lại được vua Nhà Nguyễn tin dùng và phong chức Tri Huyện, Tri Phù và Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ, mặc dù chỉ mới đậu Tam Trường (Tú Tài), chưa đậu Cử-nhân. Sau đó lại được cử làm đặc sứ đi Tầu nối lại quan hệ ngoại giao, thì phải nói rằng Nguyễn Du không dại gì để bị Nhà Nguyễn nghi kỵ.

 

Nếu Nguyễn Du viết lại nguyên văn nội dung truyện Kim Văn Kiều của người Tầu thì có thể ông sẽ bị hiểu lầm là có ý đồ chống lại chính sách độc tài và tham quan dưới Triều Nguyễn. Qua lịch sử chúng ta thấy vua quan thời Minh Mệnh, Tự Đức đều rất mê Truyện Kiều. Người dân truyền miệng nhau câu: “Tự Đức mê đánh tổ tôm, mê ngựa Hậu bổ, mê Nôm Thúy Kiều” và theo truyền thuyết cũng chính vua Tự Đức có nói, nếu Nguyễn Du còn sống, sẽ nọc ông ra đánh một trăm roi, vì hai câu thơ nói về tướng cướp Từ Hải: “Chọc trời khuấy nước mặc dầu, Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.

Nếu Từ Hải là một nhân vật Việt Nam mà Nguyễn Du muốn dùng nhân vật này để bày tỏ cái khí phách ngang tàng của mình trong việc chống Tây Sơn Nguyễn Huệ, tuy anh hùng, nhưng phát xuất từ giai cấp nông dân, thì ông có thể bị Nhà Nguyễn không chỉ nọc ra đánh trăm roi mà có thể bị xử trảm (chém đầu) vì tội “Khi Quân”. Và biết đâu gia đình ông sẽ không tránh khỏi bị “Tru di tam tộc” (ba đời bị giết)?

 

Phải chăng chính vì vậy mà Nguyễn Du đã khôn khéo mượn cốt truyện của người Tầu và thay đổi nội dung truyện một cách có chủ đích cho hợp với hoàn cảnh và thân phận làm tôi hai chủ (Nhà Lê và Nhà Nguyễn) mà ông nghĩ sau này không biết có ai hiểu được tâm sự của ông không!

Nhờ sự khôn khéo đó thi phẩm của ông mang tính chất văn học phổ quát, không bị kết án, không bị cấm và bị đốt.

Nhờ sự khôn khéo đó mà ngày nay chúng ta mới còn thi phẩm lừng danh cổ kim để đọc.

 

Kim Trọng Nhận Thư Nhà

 

Cửa sài vừa ngỏ then hoa,
Gia đồng vào gởi thư nhà mới sang.
đem tin thúc phụ từ đường,
Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề.
Liêu dương cách trở sơn khê,
Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang.
535. Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng,
Băng mình lẻn trước đài trang tự tình.
Gót đầu mọi nỗi đinh ninh,
Nỗi nhà tang tóc nỗi mình xa xôi:

 

Kim Trọng Về Nhà Chịu Tang

 

Sự đâu chưa kịp đôi hồi,
Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ,
Trăng thề còn đó trơ trơ,
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.
Ngoài nghìn dặm chốc ba đông,
Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy!
545-Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.
Tai nghe ruột rối bời bời,
Ngập ngừng nàng mới giãi lời trước sau:
ông tơ ghét bỏ chi nhau,
550. Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi
Cùng nhau trót đã nặng lời,
Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ!
Quản bao tháng đợi năm chờ,
Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm.
555. Đã nguyền hai chữ đồng tâm,
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
Còn non còn nước còn dài,
Còn về còn nhớ đến người hôm nay!
Dùng dằng chưa nỡ rời tay,
Vầng đông trông đã đứng ngay nóc nhà
Ngại ngùng một bước một xa,
Một lời trân trọng châu sa mấy hàng.
Buộc yên quảy gánh vội vàng,
Mối sầu xẻ nửa bước đường chia hai.
565. Buồn trông phong cảnh quê người,
đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa.
Não người cữ gió tuần mưa,
Một ngày nặng gánh tương tư một ngày

 

Vương Viên Ngoại Bị Hàm Oan

 

Nàng còn đứng tựa hiên tây,

Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ.
Trông chừng khói ngất song thưa,
Hoa trôi trác thắm, liễu xơ xác vàng.

Tần ngần dạo gót lầu trang,
Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về,
575. Hàn huyên chưa kịp giãi dề,
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.
Người nách thước, kẻ tay đao;
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.
Già giang một lão một trai,
Một dây vô lại buộc hai thâm tình.
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,
Rụng rời khung dệt, tan tành gói may.
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.
585. Điều đâu bay buộc ai làm?
Này ai dan dậm, giật giàm bỗng dưng?
Hỏi ra sau mới biết rằng:
Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ.
Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ,
Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây.
Hạ từ van lạy suốt ngày,
Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn.
Rường cao rút ngược dây oan,
Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người.
595. Mặt trông đau đớn rụng rời,
Oan này còn một kêu trời, nhưng xa.
Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.
Sao cho cốt nhục vẹn tuyền,

 

Chữ Tình Và Chữ Hiếu

 

Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
605. Quyết tình nàng mới hạ tình:
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!
Họ Chung có kẻ lại già,
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.
Thấy nàng hiếu trọng tình thâm,
Vì nàng nghĩ cũng thương thầm xót vay
Tính bài lót đó luồn đây,
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi.
Hãy về tạm phó giam ngoài,
Dặn nàng qui liệu trong đô i ba ngày.
615. Thương tình con trẻ thơ ngây,
Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ!
Đau lòng tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.

2- Chú giải và điển tích

530. Gia đồng: Người phục dịch công việc ở trong nhà.

 

Thúc phụ: Chú ruột.

Từ đường: Từ bỏ nơi nhà ở, tức là chết.

532: Lữ thấn: Chết nhưng mà chưa chôn, quan tài còn quàn tạm ở nơi đất khách.

533: Liêu dương: là tên địa danh của một huyện, nay thuộc tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) nơi chú ruột Kim Trọng qua đời. Liêu Dương là một trong những thành phố có người ở liên tục cổ xưa nhất ở đông bắc Trung Quốc. Thành phố có ngôi chùa Bạch Tháp nổi tiếng xây dựng từ thời Nhà Nguyên. Chùa Bạch Tháp nằm trong Công viên Bạch Tháp. Liêu Ninh đã từng là thủ đô của Mãn Châu. Hoàng đế đã dời đô về Thẩm Dương năm 1625. Đây cũng là nơi từng diễn ra trận chiến Liêu Ninh (24/8 đến 4/9/1904), một trong những trận đánh lớn trong cuộc chiến Nga-Nhật.

Sơn khê: Núi và khe suối, nguồn nước từ vùng núi chảy ra.

534: Xuân đường: Cha, Xuân là một loại cây sống rất lâu. Người sau nhân gọi cha là xuân hay Xuân đường (nhà xuân), có ý mong cha được tuổi thọ như cây ấy.

Hộ tang: Trông coi việc tang.

535: Mảng tin: Mới chợt nghe tin.

536: Đài trang: Do chữ trang đài, nơi trang điểm của phụ nữ.

537: Đinh ninh: căn dặn, cặn kẽ, đến nơi đến chốn.

539: Đôi hồi: Giãi bày, trò chuyện hết lời với nhau.

540: Trao tơ: Chỉ việc kết hôn.

 

Theo sách Khai nguyên Thiên bảo di sự: Trương Gia Trinh, Tể-tướng (Thủ-tướng) nhà Đường, có năm con gái vừa đẹp vừa có tài. Ông muốn gả một cô cho Quách Nguyên Chấn, đô đốc Lương Châu, nhưng không biết chọn cô nào. Để giải quyết tình trang này, ông bèn bảo năm con đứng sau một bức màn, mỗi người cầm một sợi tơ dài mầu sắc khác nhau. Các sợi tơ để thòng ra ngoài cho Nguyên Chấn tuỳ ý chọn một sợi, trúng sợi nào thì lấy người ấy làm vợ. Nguyên Chấn chọn sợi tơ mầu đỏ, trúng người con gái thứ ba, một thiếu nữ rất xinh đẹp.

 

543: Ba đông: Đông là mùa đông, ý chí ba năm để tang.

544: Chầy: Còn chậm, còn lâu ngày.

545: Gìn vàng giữ ngọc: Giữ thân thể cho được khoẻ mạnh, và cũng ngụ ý giữ gìn mối tình cho được thuỷ chung, trong sạch, quí trọng như giữ gìn vàng ngọc.

556: Ôm cầm thuyền ai: Ôm đàn sang thuyền của người khác, tức là đi lấy chồng khác.

566: Quyên: Chim đỗ quyên, tức chim quốc. Đây tả cảnh cuối hè, sang thu. Tiếng quyên kêu còn ra rả (nhặt) đầu cành và bóng nhạn đã thấy bay loáng thoáng (thưa) ở chân trời.

567: Cữ, tuần: Người xưa thường tính bảy ngày là một cữ, và mười ngày là một tuần.

568: Tương tư: Nguyên nghĩa là ở xa cách mà cùng nhớ nhau, sau người ta mượn để nói sự nhớ nhau của đôi trai gái yêu nhau.

570: Chín hồi: Do chữ cửu hồi, ruột chín lần bị đau quặn lại.

574: Ngoại hương: Làng ngoại, quê ngoại.

Giãi dề: Giải bày, chuyện trò.

576: Sai nha: Nha lại do quan trên sai phái đi.

577: Thước: Tay thước, một thứ võ khí cổ, bằng gỗ, dài độ một thước tây, cạnh vuông bốn góc, dùng để đánh người.

Nách thước: Nách cặp cây gậy.

Đao: Dao to, mã tấu, thứ võ khí bằng sắt, lưỡi to.

579: Già: Cái gông. Giang: Khiêng đi, giải đi. ở đây nói cha con viên ngoại và Vương quan bị đóng gông lại.

583: Tế nhuyễn: Nhỏ bé, mềm mại, chỉ chung những đồ vàng ngọc quí giá và trang sức, quần áo dễ mang đi.

585: Bay buộc: ý nói cái tai vạ tự đâu bay đến, buộc vào.

586: Dậm: Một dụng cụ đánh cá.

588: Xưng xuất: Xưng ra, khai ra.

590: Loà mây: Làm mờ cả bầu trời: ý nói: một vụ hết sức oan uổng.

594: Hạ từ: Hạ lời, nói lời thanh minh để kêu cầu van xin.

Lân tuất: Thương xót, thương tình. ý cả câu: tụi sai nha cứ phủ tay đánh đập, mặc những lời kêu van của nhà Kiều, chúng chỉ làm điếc làm ngơ.

593: Rường cao: Thanh rường nhà bắc ở trên cao.

Dây oan: Dây trói oan uổng. Tụi sai nha trói và treo ngược hai cha con họ Vương lên rường nhà.

599: Cốt nhục: Ruột thịt, chỉ Vương ông và Vương Quan.

600: Ngộ biến tòng quyền: Gặp cảnh biến phải theo đạo “quyền” (không thể giữ nguyên đạo “kính” như lúc bình thường được), ý nói: Phải tuỳ theo hoàn cảnh mà xử sự cho thích hợp.

 

Để hiểu một cách sâu xa hơn, chúng tôi xin trích một đoạn trong bài: “Thị Lộ cải hóa vua Lê Thái Tông từ một đứa bé bất trị thành một minh quân một điển tích

của lịch sử Việt Nam:

“…Trong 4 năm (1438-1442), nhờ có sự hướng dẫn của Thị Lộ, ái thiếp của Đại thần Nguyễn Trãi, Thái Tông đã trị vì một cách khoan từ sáng suốt. Sử thần Vũ Quỳnh khen: “Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước. Cậu bé bất trị nay trở thành một “minh quân” khác hẳn trước. Theo lòng trời trời, Ngài ban hành “chính sách xót thương bất nhẫn” của bậc đế vương, xét xử tù nhân phần nhiều dựa theo lòng khoan dung. Được như thế, phải chăng là nhờ Thị Lộ thường xuyên nhắc nhở Thái Tông về nhân nghĩa, mà Nguyễn Trãi đã có dịp trình bày với vua trong vụ xử bảy tên vị thành niên ăn trộm tái phạm vào năm 1435, chiếu luật đáng tội chém. Thái Tông đem việc ấy hỏi Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi trả lời: “Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa, cũng rõ lắm rồi. Nay một lúc giết bảy người e không phải là hành vi của bậc đại đức. Kinh Thư có câu: “An nhữ chỉ “ (hãy yên với chỗ đứng của mình), sách Truyện có câu: “Tri chỉ nhi hậu hữu định” (biết dừng thì rồi mới vững). Thần xin thuật lại nghĩa của chữ “chỉ” để bệ hạ nghe: “Chỉ “ có nghĩa là yên với chỗ đứng của mình, như trong cung là chỗ đứng của bệ hạ, thỉnh thoảng bệ hạ có ngự ra chỗ khác, cũng không thể ở đó mãi, phải trở về trong cung, thì mới yên chỗ đứng của mình được. Người làm vua đối với nhân nghĩa cũng vậy, phải để lòng nơi nhân nghĩa, coi nhân nghĩa là chỗ đứng của mình. Tuy có lúc ra oai giận dữ, nhưng không phải như thế mãi được, xin bệ hạ lưu ý những lời của thần.”

 

Vấn đề thân tình giữa Thái Tông và Thị Lộ

 

Vì Thái Tông tỏ ra thân mật, khăng khít ngày đêm trò chuyện với Thị Lộ, nên có nhiều dị nghị cho rằng: “Lê Thái Tông hồi 17, 18 tuổi đã thông dâm với vợ lẽ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ.” Có biết đâu tình cảm mà Thái Tông dành cho Thị Lộ đã bắt nguồn từ một cội rễ thiêng liêng hơn.

Nguyên năm 1425, trong thời gian đang đánh nhau với quân Minh, Lê Lợi nằm mộng thấy thần “Cá Quả” đến nói “Xin tướng quân cho một người thiếp thì nguyện giúp tướng quân đánh được giặc Ngô mà thành nghiệp đế”. Ngày hôm sau, Lê Lợi gọi các thiếp đến hỏi ai bằng lòng làm vợ của thần “Cá Quả”, ta được thiên hạ sẽ truyền cho con của người ấy làm vua. Bà Phạm thị Ngọc Trần (mẹ của hoàng tử Nguyên Long, nay là Thái tông, lúc đó mới 2 tuổi) thưa: “Nếu ngài giữ lời ước thì thiếp xin nhận. Ngày sau xin đừng phụ mẹ con thiếp”. Lê Lợi giao ước với các quan văn võ y như lời ấy.

 

Ngày 24 tháng 3 âm lịch 1425, Ngài sai lập đàn tế thần, dâng bà phi họ Phạm làm tế vật. Bà phi mặc áo quần lộng lẫy, bịt mắt lại, lên ngồi trên chiếc thuyền nan bằng giấy. Thuyền được thả theo dòng sông Lam và chìm dần dần, trong tiếng nhị, tiếng sáo điệu Nam Ai sầu não, cùng trong tiếng khóc nức nở của các phi tần và của Nguyễn Thị Lộ, thiếp của Nguyễn Trãi. Về sau, giữ lời ước ấy, Lê Lợi truyền ngôi cho Nguyên Long, (tức là vua Lê Thái Tông).

Nguyên Long mồ côi mẹ từ lúc 2 tuổi, phải nhờ một bà phi chăm sóc, tất nhiên đã cảm thấy thiếu thốn, thèm khát tình “mẫu tử” từ lâu. Nay gặp được Thị Lộ cùng một lứa tuổi với mẹ mình (năm 1438, Thị Lộ 48, Thái Tông 15 tuổi), lại là một người đã quen biết, đã chung sống với mẹ mình, đã chứng kiến thảm cảnh mẹ mình hy sinh mạng sống để mình được lên ngôi vua ngày nay, tự nhiên cậu bé mồ côi mẹ kia không khỏi vô cùng xúc động. Thường tình, ở vào địa vị ấy, ai cũng phải tò mò muốn hỏi cho rành rọt về mọi việc liên quan đến mẹ mình. Tất cả tình thương đối với người quá cố, có lẽ nhà vua đã dồn hết vào Thị Lộ, coi như một bà dì ruột, vớt vát lại những gì đã mất mát từ thuở bé thơ. Còn về sau, khi Thái Tông đến tuổi 17, 18, sáng chiều nam nữ cận kề, thật cũng khó mà tránh khỏi bị tiếng đời dị nghị. Đó là điều mà Ngô Từ, cũng như Nguyễn Trãi, Thị Lộ cũng đã thấy trước rồi.

 

Một sự lựa chọn khôn ngoan, bi đát. Một bên để vua ăn chơi thất học, trị vì vô đạo, cả nước sẽ bị nguy khốn; một bên tạo ra hoàn cảnh giúp vua học hỏi nhưng không khỏi khiến vua có thể bị mang tiếng có tư tình với vợ lẽ của bầy tôi. Nếu chỉ “chấp nhất” giữ cho đúng cái ta gọi là “đạo lý tầm thường” mà làm hư đại sự, thì Mạnh-Tử cho rằng “cách chấp nhất như thế là đáng ghét”, vì nó làm cho hại mất chân đạo lý, chỉ là làm nổi một việc nhỏ mà bỏ hết trăm việc lớn.” (Mạnh tử thượng, tiết 7).

Đứng trước một sự lựa chọn gây cấn, Nguyễn Trãi đã ứng xử tùy theo tình thế, tùy theo thuyết mà Mạnh tử gọi là “ngộ biến tòng quyền”: gặp một thế bức bách bất thường, phải vị quyền nghĩa là nhận xét thật rõ ràng bên nào nặng, bên nào nhẹ để ứng xử cho thăng bằng.

 

Theo Mạnh tử, người quân tử đứng ra thờ vua, cốt đưa vua mình lên đường đạo đức, chỉ để tâm trí đến việc nhân mà thôi. Cho nên, nhờ biết “ngộ biến tòng quyền”, mà Nguyễn Trãi và Thị Lộ cải hóa một đứa bé bất trị thành một vị vua hiền đức.”

601: Hội ngộ: Gặp gỡ gắn bó nhau, có ý nói về mối tình duyên giữa Kiều với Kim Trọng.

Cù lao: Công ơn sinh dưỡng khó nhọc của cha mẹ.

603: Thệ hải minh sơn: Thệ: thề nguyền, Hải: biển, Minh: thề, Sơn: Núi, còn đọc là San.... thệ hải minh sơnlà chỉ núi mà thề, chỉ biển mà nguyền. Ý nói: Kim Trọng và Thuý Kiều yêu nhau và thề thốt không bao giờ phụ bạc nhau, có núi có biển làm chứng cho lời thề.

604: Sinh thành: Công ơn cha mẹ sinh con ra và nuôi dưỡng con nên người.

605: Hạ tình: Tỏ bầy ý nghĩ.

606: Rẽ cho: Lời gạt đi ý kiến những người khác để nói lên ý kiến của mình một cách kiên quyết.

607: Lại già: Người gia lại già.

608: Nha dịch: Người làm việc ở nơi gia môn, tức nơi công sở của các phủ huyện.

614. Qui liệu: Thu xếp, lo liệu.

617. Tử biệt sinh ly: Chết vĩnh biệt nhau gọi là “tử biệt”, sống mà xa lìa nhau gọi là “sinh ly”. Đó là hai cảnh thương tâm lớn của đời người. Tuy là hai cảnh, nhưng người ta thường dùng làm một thành ngữ, để nói chung cho người gặp cảnh “tử biệt” cũng như người gặp cảnh “sinh ly”.

619. Hạt mưa: Chỉ thân phận người con gái như trong ca dao Việt Nam có câu:

Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng lầy.

620. Tấc cỏ, ba xuân: Do chữ thốn thảo, tâm xuân.

Thơ tả tình đi chơi xa nhớ mẹ của Mạnh Giao đời Đường có câu: Dục tương thốn thảo tâm, báo đáp tam xuân huy (Ai bảo cái lòng của ngọn cỏ một tấc (ngọn cỏ ngắn) báo đáp được ánh sáng ấm áp của ba tháng xuân). Tấc cỏ: Ví với người con. Ba xuân: Ví với công ơn cha mẹ, như bài thơ dưới đây:

 

Từ mẫu thủ trung tuyến

 

Du tử thân thượng y
Lâm hành mật mật phùng
Ý khủng trì trì quy
Thùy ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy

(Mạnh Giao)

Khúc Ngâm Cho Đứa Con Đi Xa (Du Tử Ngâm do Hải Đà dịch)

 

Bài 1:
Tay Mẹ hiền se chỉ
Khâu áo người đi xa
Chắt chiu từng sợi kỹ
Sợ con lâu về nhà
Lòng cỏ nào đáp nổi
Nắng ba xuân đậm đa


Bài 2:
Mẹ ngồi se chỉ trên tay
Chắt chiu áo mỏng, đợi ngày con đi
Đường khâu mũi vá chi li
Băn khoăn lo lắng con đi lâu về
Hỏi rằng tấc cỏ lòng quê
Ba Xuân nắng ấm đền bù được chăng?

----------------------

Tài liệu tham khảo

vantuyen.net/index.php

www.phanchautrinhdanang.com/Mother/DTN.htm  ;