Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

I- Đại ý đoạn thơ Kiều gặp Thúc Sinh

Sau khi nghe lời Sở Khanh trốn khỏi lầu Ngưng Bích, nhưng bị bắt lại và bị đánh một trận đòn nhừ tử, Kiều phải ký giấy bảo đảm không trốn nữa và chịu tiếp khách làng chơi. Trong số khách đến lầu xanh có Thúc Sinh tên thật là Thúc Thủ tự là Kỳ Tâm. Thúc Thủ Kỳ Tâm hợp lại cũng có nghĩa là anh chàng sợ vợ. Thúc Sinh ở huyện Vô Tích, Châu Thường, tỉnh Giang-tô, theo cha mẹ buôn bán ở Lâm Tri, thành phố đô hội, nguyên trước là Kinh Đô của nước Tề. Lâm Tri cách xa Vô Tích khoảng 1 tháng đường bộ. Thúc Sinh đã có vợ là Hoạn Thư,

 

Nghe danh nàng Kiều xinh đẹp tuyệt diệu, Thúc Sinh bèn gửi tấm thiệp hồng để làm quen, rồi bắt đầu tới lui vui chơi vụng trộm. Trước sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành cùng với tài đàn ca quyến rũ và xuất khẩu thành thi của nàng, Thúc Sinh càng ngày càng mê mẩn, có bao nhiêu tiền đều ném vào lầu xanh để được tìm thú vui xác thịt: “Trăm nghìn đổ một trận cười như không”. Kiều đẹp như pho tượng mỹ thuật, với những đường nét tuyệt tác mà thiên nhiên đã tạo thành “Rõ màu trong ngọc trắng ngà, Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” thế mà Thúc Sinh lại hiểu lầm nàng là con của mụ Tú Bà thô lỗ và mập ú mới khổ! Thất vọng bởi anh chàng được thấy, được nghe mà không tin lòng nàng, không thông cảm thân phận và gia cảnh nàng, qua ánh mắt Kiều tỏ ra buồn bã. Trong thâm tâm Kiều nghĩ anh chàng này có lẽ chỉ là kẻ chơi qua đường chứ có tình nghĩa gì: “Thiếp như hoa đã lìa cành, Chàng như con bướm lượn vành mà chơi.” Nhưng cuối cùng từ tình dục giải trí dẫn đến tình yêu lứa đôi. Thúc Sinh quyết định cưới Kiều làm vợ: “Trước còn trăng gió sau ra đá vàng”. Kiều lo xa, chàng ta đã có vợ rồi, nay cưới mình nữa thì tránh sao khỏi cảnh tai tiếng cho chàng “Đành thân phận thiếp ngại danh giá chàng”. Nhưng Thúc Sinh quá yêu nàng, quyết định dứt khoát lấy nàng dù nguy khốn thế nào cũng cam chịu: “Đá vàng đã quyết phong ba cũng liều”. Chàng tìm mọi cách thương lượng với Tú Bà để chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh và dấu nàng một nơi, vì sợ vợ cả biết! Thế là Kiều bất ngờ được giải thoát, hết nợ về phía quan quyền lẫn tư nhân, được sống cuộc đời tự do trở lại: “Công tư hai lẽ đều xong, Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai.

 

Lời bàn thêm:

 

Ngày nay cũng vậy, một số cô gái con nhà lành, vì chữ hiếu hay vì cảnh nghèo khổ của gia đình đã bị các Tú Bà hay các tổ chức chuyên buôn bán phụ nữ lừa dối. Bọn này tìm cách gạ gẫm cha mẹ hay đương sự bằng cho một số tiền. Đôi khi chúng hứa sẽ kết hôn hay làm môi giới hôn nhân hoặc đưa người con gái đi làm việc với số lương cao tại một thành phố, thủ đô hay xuất ngoại. Nhưng cuối cùng các phụ nữ đáng thương này bị bắt hành nghề mãi dâm. Khi bị bán rồi, ít có người có cơ hội trốn thoát vì giấy tờ tuỳ thân bị chúng thu hết và bị hăm dọa, nếu bỏ trốn, chúng sẽ giết cha mẹ, kể cả bản thân các nạn nhân. Trong trường hợp quá thương tâm hay vì lòng nhân đạo hiếm hoi còn lại thì chúng bắt nạn nhân phải hoàn trả một số tiền lớn gấp 5, 10 lần tiền chúng ứng cho cha mẹ hoặc đưa cho nạn nhân và tiền di chuyển.

 

Khi cô nào không chịu làm theo lệnh, có khi bị ép tiếp 10-15 khách một ngày, thì bị chúng đánh đập tàn nhẫn, như trường hợp Tú Bà hành hạ Thúy Kiều. Nếu cô nào phản đối quá đáng có thể bị chúng hủy hoại một phần thân thể. Phần lớn các trường hợp của một số phụ nữ được giải cứu là do người đi tìm hoa bắt bướm động lòng thương muốn ra tay giúp đỡ. Thúc Sinh trong truyện Kiều là một trường hợp điển hình. Cũng có khi cảnh sát chìm giả làm người đi chơi bời, rồi lần mò ra đường dây buôn bán phụ nữ. Các phóng viên và các hội tranh đấu nhân quyền cho phụ nữ bị bán vào ổ mãi dâm cũng can thiệp bằng nhiều cách như: công bố số điện thoại cứu cấp trên báo chí, hệ thống truyền thanh hay truyền hình, hoặc theo dõi tới nơi tạm trú của nạn nhân để can thiệp và thông báo cho cảnh sát. Có cô khôn ngoan, dù bị nhốt trong khu vực kín, đã viết miếng giấy cầu cứu ném qua cửa sổ và khách bộ hành nhận được đưa trình cảnh sát.

 

Trên đây là trường hợp của nhiều phụ nữ Thái Lan và Đông Âu, một số người có con còn ở nước họ, bị các tổ chức buôn phụ nữ lừa sang Âu Châu trong đó có Đan Mạch. Thay vì được đi làm một việc như lời hứa; các phụ nữ này lại bị giam vào lầu xanh! Đài truyền hình Đan Mạch cũng đã chiếu một số trường hợp các nạn nhân đã cầu cứu và được giải thoát.

 

Đưa ra lời bàn thêm này, chúng tôi muốn cảnh giác các gia đình và phụ nữ Việt Nam: “Hãy thận trọng”. Nếu lỡ bị rơi vào hoàn cảnh bất đắc dĩ thì hãy tìm phương pháp thoát nạn như nêu ở trên. Điều quan trọng là phải cẩn thận và khôn ngoan. Nếu không lại như Thuý Kiều bị Sở Khanh lường gạt!

Đưa ra lời bàn thêm này, chúng tôi muốn chứng minh: “Tại sao người ta khen truyện Kiều, một tuyệt tác thi văn?” Phải chăng nó chứa ẩn những bài học quí giá trong xã hội và đầy tính nhân bản?

 

KIỀU GẶP THÚC SINH

 

1275. Khách du bỗng có một người,

Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương.

Vốn người huyện Tích châu Thường,

Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm tri.

Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi,

1280. Thiếp hồng tìm đến hương khuê gửi vào.

Trướng tô giáp mặt hoa đào,

Vẻ nào chẳng mặn nét nào chăng ưa?

Hải đường mơn mởn cành tơ,

Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng.

1285. Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng,

Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng?

Lạ gì thanh khí lẽ hằng,

Một dây một buộc ai giằng cho ra.

Sớm đào tối mận lân la,

1290. Trước còn trăng gió sau ra đá vàng.

Dịp đâu may mắn lạ dường,

Lại vừa gặp khoảng xuân đường lại quê.

Sinh càng một tỉnh mười mê,

Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân.

1295. Khi gió gác khi trăng sân,

Bầu tiên chuốc rượu câu thần nối thơ.

Khi hương sớm khi trà trưa,

Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn.

Miệt mài trong cuộc truy hoan,

1300. Càng quen thuộc nết càng dan díu tình.

Lạ cho cái sóng khuynh thành,

Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi.

Thúc sinh quen thói bốc rời,

Trăm nghìn đổ một trận cười như không.

 

Thúc Sinh chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh

 

Dưới trăng quyên đã gọi hè,

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

Buồng the phải buổi thong dong,

1310. Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa.

Rõ màu trong ngọc trắng ngà!

Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.

Sinh càng tỏ nét càng khen,

Ngụ tình tay thảo một thiên luật đường.

1315. Nàng rằng: Vâng biết lòng chàng.

Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu.

Hay hèn lẽ cũng nối điêu,

Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang.

Lòng còn gửi áng mây Hàng.

1320. Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay

Rằng: Sao nói lạ lùng thay!

Cành kia chẳng phải cỗi này mà ra?

Nàng càng ủ dột thu ba,

Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh:

1325. Thiếp như hoa đã lìa cành,

Chàng như con bướm lượn vành mà chơi.

Chúa xuân đành đã có nơi,

Ngắn ngày thôi chớ dài lời làm chi.

Sinh răng: Từ thuở tương tri,

1330. Tấm riêng riêng những nặng vì nước non.

Trăm năm tính cuộc vuông tròn,

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.

Nàng rằng: Muôn đội ơn lòng.

Chút e bên thú bên tòng dễ đâu.

1335. Bình Khang nấn ná bấy lâu,

Yêu hoa yêu được một màu điểm trang.

Rồi ra lạt phấn phai hương,

Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?

Vả trong thềm quế cung trăng,

1340. Chủ trương đành đã chị Hằng ở trong.

Bấy lâu khăng khít dải đồng,

Thêm người người cũng chia lòng riêng tây.

Vẻ chi chút phận bèo mây,

Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.

1345. Trăm điều ngang ngửa vì tôi,

Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?

Như chàng có vững tay co,

Mười phần cũng đắp điếm cho một vài.

Thế trong dù lớn hơn ngoài,

1350. Trước hàm sư tử gửi người đằng la.

Cúi đầu luồn xuống mái nhà,

Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng.

Ở trên còn có nhà thông,

Lượng trên trông xuống biết lòng có thương?

1355. Sá chi liễu ngõ hoa tường?

Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh.

Lại càng dơ dáng dại hình,

Đành thân phận thiếp ngại danh giá chàng.

Thương sao cho vẹn thì thương.

1360. Tính sao cho trọn mọi đường thì vâng.

Sinh rằng: Hay nói đè chừng!

Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao

Đường xa chớ ngại Ngô Lào,

Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.

1365. Đã gần chi có điều xa?

Đá vàng đã quyết phong ba cũng liều.

Cùng nhau căn vặn đến điều,

Chỉ non thề bể nặng gieo đến lời.

Nỉ non đêm ngắn tình dài,

1370. Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương.

Mượn điều trúc viện thừa lương,

Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi.

Chiến hòa sắp sẵn hai bài,

Cậy tay thầy thợ mượn người dò la.

1375. Bắn tin đến mặt Tú bà,

Thua cơ mụ cũng cầu hòa dám sao.

Rõ ràng của dẫn tay trao,

Hoàn lương một thiếp thân vào cửa công.

Công tư hai lẽ đều xong,

1380. Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai.

Một nhà sum họp trúc mai,

Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.

Hương càng đượm lửa càng nồng,

Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen

 

II- Chú giải

 

1275. Khách du: Khách đi chơi, đi du lãm.

1276. Kỳ Tâm: Tên của họ Thúc, theo truyện Thanh tâm tài nhân thì Kỳ Tâm là tên tự của Thúc sinh.

1277. Huyện Tích, Châu Thường: tức huyện Vô Tích, phủ Thường Châu, thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).

1278. Nghiêm đường: Tức cha. Cha tính nghiêm nghị, mẹ tính hiền từ, nên người ta gọi cha là “nghiêm đường”, “nghiêm phụ”, mẹ là “từ mẫu”, “từ thân”.

1279. Thiếp hồng: Do chữ hồng tiên, thứ thiếp hồng gửi thăm người đẹp. Hương khuê: Phòng hương, phòng ở của phụ nữ, tục xưa phụ nữ hay dùng hương thơm, nên gọi là “hương khuê”.

1281. Trướng tô: do chữ lưu tô trướng, thứ màn có tua kết bằng lông chim năm sắc.

1287. Lẽ hằng: Lẽ thường như thế.

1289. Đào mận: Nói bóng sắc đẹp của người con gái.

1290. Đá vàng: Chỉ sự đồng tâm gắn bó với nhau.

1296. Chuốc: So chữ Chước, rót rượu mời nhau.

Nối thơ: Nối câu thơ, do chữ “liên cú” một lối chơi của các tao nhân mặc khách thời xưa, thường hai người, hoặc nhiều người nối lời nhau làm chung một bài thơ.

1297. Hương sớm, trà trưa: Xông hương buổi sớm, uống trà buổi trưa.

1298. Bàn vây: Bàn cờ vây. Trung Quốc có hai lối chơi cờ: Vi kỳ: Cờ vây, Tượng kỳ: tức cờ tướng.

1299. Truy hoan: Theo đuổi sự vui chơi.

1301. Sóng khuynh thành: Cái liếc nhìn của người đàn bà đẹp cũng đủ làm đổ thành..

1303. Bốc rời: Tiền rời cứ bốc từng nắm mà chi, không cần đếm là bao nhiêu, ý nói phung phí không tiếc tiền.

1306. Hơi đồng: Tức mùi tiền bạc. Thời xưa, tiền tiêu đúc bằng đồng, nên nói “đồng” tức là tiền.

1308. Lửa lựu: Hoa lựu khi nở trông đỏ chói như lửa, chỉ cảnh mùa hè.

1312. Ý nói Kiều có một thân thể đầy đặn xinh đẹp.

1314. Luật Đường: Tức lối thơ ngũ ngôn luật (luật năm chữ) hay thất ngôn luật (luật bảy chữ),mỗi bài tám câu, năm vần, theo đúng niêm luật bằng trắc. Lối thơ này có từ đời Đường, nên gọi là luật Đường.

1318. Nỗi quê: Nỗi lòng nhớ quê hương.

1322. Cành kia, cỗi này: Chỉ Kiều và Tú bà. Thúc sinh tưởng Kiều là con đẻ của Tú bà.

1323. Thu ba: Sóng mùa thu, chỉ con mắt (nói con mắt trong suốt như suối mùa thu).

1327. Chúa xuân: Người chủ vườn xuân, chủ hoa xuân, đây chỉ Thúc sinh. Câu này ý nói: Thúc Sinh ở nhà đã có vợ rồi.

1329. Tương tri: Hiểu biết nhau, thông cảm với nhau.

1330. Nước non: Sông núi tức lời thề nguyền kết làm vợ chồng.

1334. Thú, tòng: Thú là “thú thiếp”: lấy vợ lẽ, chỉ Thúc sinh; tòng “tòng lương”: trở về lương, tức bỏ chỗ lầu xanh để trở về, đi lấy chồng, chỉ Kiều. Hai bên cùng gặp nhiều khó khăn.

1335. Bình khang: Đời Đường, ở kinh thành Trường An, gần cửa Bắc, có một xóm gọi là Bình Khang cho kỹ nữ ở, sau chỉ chung xóm kỹ nữ.

1339. Thềm quế: Thềm điện quế. Dâu đương tạp trở chép: Trên mặt trăng có cây quế tiêu, cao năm trăm trượng, do đó, khi tả mặt trăng, người ta thường dùng chữ điện quế, cung quế.

1340. Chị Hằng: Chị Hằng Nga, người chủ trong điện quế, nói bóng vợ cả Thúc sinh.

1341. Giải đồng: Giải đồng tâm.

1342. Thêm người, người cũng... chữ người chỉ Kiều, chữ người dưới chỉ Thúc sinh.

1343. Bèo mây: Nói thân phận trôi nổi bất định như bèo mặt nước, mây trên không.

1344. Bể ái: Bể ân ái, tức tình yêu vợ chồng.

1347. Vững tay co: Cái tay co vững. Kiều nói: Nếu chàng có cứng tay, tức có quyền lực đối với vợ cả.

1349. Trong ngoài: Chỉ vợ cả và Thúc sinh. Theo lễ giáo xưa: Nam tự ngoại, nữ tự nội: Đàn ông trông coi việc bên ngoài, đàn bà trông coi việc trong nhà. Ý Kiều nói: Nếu thế lực vợ cả lớn hơn thế lực chàng.

 

Đằng la: Những loài dây leo (chính nghĩa là dây bìm, dây tơ hồng) dây dùng như chữ cát đằng dây bìm, ví với phận lẽ mọn.

1352. Một số cố lão ở Nghệ - Tĩnh thuộc hai chữ đầu câu này là Dấm vùi hay Nhúm vùi. Ý nói: lửa bếp vùi âm ỉ cháy (chỉ thói ghen tuông) còn khó chịu hơn cả lửa hồng.

1353. Nhà thông: Nhà thung, đọc chệch ra, tức nhà xuân, do chữ xuân đường chỉ bố Thúc sinh.

1355. Liễu ngõ, hoa tường: Nói ví gái lầu xanh như liễu bên đường, hoa đầu tường, ai vịn ai hái cũng được.

1363. Ngô, Lào: Nước Ngô (Trung Quốc), nước Lào (Ai Lao) tác giả dùng nghĩa bóng. Ý nói: đừng nghĩ ngợi xa xôi, quanh quẩn làm gì.

1366. Phong ba: Sóng gió, chỉ sự bất trắc xẩy ra.

1370. Non đoài: Núi ở phía tây.

1371. Trúc viện: Viện trúc, nơi nghỉ mát có trồng trúc xung quanh.

Thừa lương: Hóng mát, nghỉ mát, Thúc sinh mượn cớ là đưa Kiều đi hóng mát.

1376. Thua cơ: Thua mưu, thua mẹo của Thúc sinh.

1378. Hoàn lương: bỏ nghề cũ chốn lầu xanh trở về đời lương thiện.

1380. Trần ai: Bụi bậm chỉ cảnh lầu xanh.

1381. Trúc, mai: Chỉ sự giao kết thân mật của vợ chồng.

1383. Hương lửa: Chỉ tình duyên vợ chồng.

1384. Ngọc, sen: Hai câu tỏ ý “sum họp” mai trúc đã về một nhà.

 

III- Điển tích

 

-Mây Hàng: Là mây trên dẫy núi Thái Hàng. Theo tích xưa thì ông Địch Nhân Kiệt đời nhà Đường đi làm quan ở nơi xa nhớ nhà, mỗi khi nhìn đám mây hồng trên núi Thái Hàng ông nói cha mẹ mình đang ở dưới đám mây đó. Khi Thúc Sinh muốn Kiều ứng thơ thì nàng nói nhớ cha mẹ “Lòng còn gửi áng (đám) mây Hàng”, nên không làm thơ được. Theo cụ Đàm Duy Tạo, một người thông hiểu Hán-Nôm thì nhiều nơi (Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ) ghi là “mây vàng” giảng giải theo câu thơ cổ “Thiên thượng hoàng vân ảnh, Du thử hà thí quy” (Trên trời có đám mây vàng, Kẻ đi xa bao giờ về) trái nghĩa, vì câu thơ này có nghĩa người ở nhà nhớ người đi xa.

 

-Nối điêu: Nối đuôi con điêu. “Điêu” là một loài chuột ở rừng núi miền lạnh, đuôi to, lông dài đến một tấc, màu vàng hoặc đen tía. Đời Hán, theo quan chế, các quan hầu cận vua đều đội thứ mũ có cắm đuôi con điêu. Đến đời Tần, Triệu Vương Luân cướp ngôi Huệ đế, phong quan tước cho bọn tôi tớ, mỗi khi triệu hội, ngồi đầy những người đội mũ đuôi điêu, nên người thời ấy đã chê giễu: Điêu bất tức, cầu vĩ tục (đuôi điêu không đủ, lấy đuôi chó nối vào). Người sau nhân chữ cẩu vĩ tục điêu (nối điêu) để chỉ sự việc gì có tính chất học đòi. Chữ “nối điêu” ở đây, là lời Kiều tự khiêm về việc họa lại thơ Thúc sinh.

 

-Lửa lựu: do chữ lựu hỏa dịch ra. Theo tục xưa thì các vua bên Tầu mỗi năm thường khoan một thứ gỗ, lấy lửa cho dân chúng. Về mùa hè thì khoan gỗ lựu lấy lửa, nên gọi là lựu hỏa. Câu này tả hoa lựu mầu đỏ về mùa hè.

 

-Buồng the phải buổi thong dong: chữ “buổi” trong câu này ý nói ngày mùng 5 tháng 5, tức Tết Đoan Ngọ. Người Tầu và người Việt thời xa xưa cho rằng: vào ngày Tết Đoan Ngọ mà vợ chồng và trai gái mà giao hợp thì chỉ trong vòng 3 tháng thế nào cũng chết một trong hai hay cả đôi. Chính vì việc kiêng cữ như thế mà tối hôm đó Kiều mới được nghỉ xả hơi, không bị tiếp khách.

 

-Hàm sư tử: (1350): Đời Tống, Trần Tháo, hiệu Long Khâu cư sĩ, hay nói chuyện đạo Phật, vợ là Liễu thị, tính dữ tợn mà hay ghen. Mỗi khi Tháo thiết tiệc tân khách, có ca kỹ, thì ở trong nhà, Liễu thị lấy gậy đập vào vách, hò hét, khách phải giải tán. Tồ Thức, Bạn Tháo, viết mấy câu thơ đùa:

 

Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền,

Đàm không thuyết hữu dạ bất miên,

Hốt văn Hà Đông sư tử hống

Trụ trượng lạc thủ tấm mang nhiên.

Dịch nghĩa:

Ai giỏi như Long Khâu cư sĩ

Nói những thuyết không, thuyết có, đêm không ngủ

Bỗng nghe sử tử Hà Đông rống lên

Tay rơi gậy chống, lòng bàng hoàng.

 

-Ngô Lào: Ca dao Việt Nam có câu: “Chơi cho nước Tấn sang Hồ, Nước Tần sang Sở, nước Ngô sang Lào”. Câu này có nghĩa nói chuyện vẩn vơ, xa xôi quá.

 

-Chiến, hòa: ở đây, chiến là chuyện kiện cáo, hòa là lựa cách điều đình. Theo Kim vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân: Thúc sinh đưa Kiều về ở nhà Hoa Dương, một tay hào phú xứ ấy, rồi một mặt cậy Hoa Dương rêu rao về tội mua con gái nhà lương thiện về làm gái điếm, một mặt mượn Bộ Tần đến điều đình việc chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh.

-Tào khang: bã rượu cám. Người vợ cùng ăn bã, ăn cám với nhau, tức là người vợ cả lấy từ lúc còn hàn vi. Vua Quang Vũ nhà Hán muốn đem người chị gái mới góa là công chúa Hồ Dương gả cho Tống Hoằng, nhưng Hoằng đã có vợ. Vua hỏi ý Hoằng, Hoằng thưa: Tào khang chi thê, bất hạ đường, nghĩa là người vợ lấy trong lúc ăn tấm, ăn cám, không thể để xuống dưới nhà, ý nói không thể khinh rẻ, phụ bạc. Vua biết ý vậy, liền thôi.