Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

II- Giá trị văn chương truyện Kiều so với văn học Thế-giới

 

Tại sao Cơ quan Giáo-dục Khoa-học và Văn-hóa của Liên Hiệp Quốc "UNESCO’’ lại công nhận truyện Kiều là một trong các thi phẩm tuyệt tác của nhân loại và thi hào Nguyễn Du được công nhận là văn nhân thế giới?

Muốn hiểu rõ vấn đề chúng ta cần ném cái nhìn xa hơn, vượt biên giới quốc gia Việt Nam, để so sánh với các nền văn học khác của nhân loại, điển hình là hai nền văn học Đông phương và Tây phương, trong đó các thi phẩm có giá trị cao nhất đã mở đầu cho nền thi văn của các quốc gia trong vùng và trở thành tài sản văn hóa chung của nhân loại.

 

1- So với văn học Đông phương

-Văn học Trung-hoa

 

Khi nói đến văn học Trung-hoa về lãnh vực thi ca người ta không thể không nhắc tới thi hào Lý Bạch và thơ Đường-luật, một thể thơ có ảnh hưởng đến nhiều thi phẩm danh tiếng của các thi sĩ Việt Nam. Thơ Đường-luật đánh dấu thời "Hoàng-kim’’ của nền văn học Trung-hoa dưới triều đại Đường Huyền Tông và Lý Bạch là một biểu tượng sáng ngời. Lý Bạch, một thiên tài của những bài thơ Tuyệt Cú (4 câu 5 chữ) và thất ngôn bát cú (7 chữ 8 câu), ngắn gọn, nhưng cô đọng, hàm súc, đầy đủ, là những tuyệt tác bất hủ được lưu truyền trong nhân gian từ đời này qua đời khác.

 

Với tài sáng tác hơn hai chục ngàn (20.000) bài thơ, ông đã được người đời tặng cho danh hiệu là Thi Tiên (Trích Tiên Lý Bạch). Lý Dương Băng trong "Thảo đường tập tự" đã có câu nói về thiên tài Lý Bạch: "Hàng ngàn năm chỉ có một mình ông mà thôi" (Thiên tài độc bộ, duy công nhất nhân).

Lý Bạch (701-762) tự là Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ, người huyện Chương Minh (tỉnh Tứ Xuyên) đời Đường Huyền Tông, làm chức Cung phụng trong Hàn lâm viện.

Tuy có tài; nhưng cuộc đời của Lý Bạch bị trôi nổi, lên voi xuống chó. 20.000 bài thơ của ông phần lớn đã bị thất lạc, vì cuộc bạo loạn đốt phá kinh thành của An Lộc Sơn, vì hoàn cảnh thời gian v à sự thiếu bảo tồn; nên ngày nay người ta còn lưu giữ được khoảng 1.000 bài. Các tập nổi tiếng nhất là Tương Tiến Tửu, Hiệp khách hành, Thanh Bình điệu, Hành lộ nan... Các thi phẩm của Lý Bạch đã phổ biến rộng rãi trên văn đàn Trung Hoa trong nhiều thế kỷ, nhưng mãi đến năm 1862 người ta mới thấy một bản dịch ra tiếng Pháp đầu tiên xuất hiện tại Tây-phương. Sau đó, vào năm 1901, H.A. Giles đã phát hành một bản dịch tiếng Anh và năm 1915 Ezra Pound, nhà thơ nổi tiếng Mỹ, cũng cho ra đời một bản.

 

Tuy được tặng danh hiệu Thi Tiên; nhưng thì hào Lý Bạch phải kính phục và không làm thơ họa lại. Bài thơ đó là “Hoàng Hạc lâu" (Lầu Hạc Vàng) của Thôi Hiệu (? - 754).

Vào thế kỷ thứ VIII, Thôi Hiệu – thi sĩ nổi tiếng thời Đường (618-907) đã đến nơi này và viết bài thơ lưu danh thiên cổ “Hoàng Hạc Lâu". Thi hào Thôi Hiệu, ông sanh vào năm nào thì không ai biết, nhưng chỉ biết ông mất vào năm 754, (trước thi hào Lý Bạch 8 năm). Thôi Hiệu người huyện Biện Châu, nay là tỉnh Hà Nam, Huyện Khai Phong (Trung-quốc). Ông đỗ Tiến Sĩ vào năm Khai Ngyên thứ 11, và làm quan đến chức Thượng Thư Tư Huân Viên Ngoại Lang. Thuở nhỏ bản chất thông minh, bắt đầu làm thơ từ tuổi thiếu thời, văn thơ lỗi lạc, nên được người đời gọi ông là: "Niên Thiếu Vi Thư, Danh Thao Khinh Bạt" (Tuổi trẻ giỏi văn thơ, tiếng tăm thật lẫy lừng).

Trong quyển Đường Thi Tam Bách Thủ (ba trăm bài thơ “chọn lọc" thời thịnh Đường) nguyên bản Hán văn, do Tân Hoa Thư Cục Đài Loan ấn loát và phát hành thấy ghi lại: "Hoàng Hạc Lầu là một bài thơ tuyệt tác của đại thi hào Thôi Hiệu (có người gọi là Thôi Hạc). Bài thơ này, vì vào thời buổi đó, chưa có thơ Đường Luật, nên làm theo lối cổ phong và do chính thi hào sáng tác đã để lại trên vách tường của một căn gác hoang, đó là lầu Hoàng Hạc. Nguyên lầu này tọa lạc tại hướng Tây Bắc, thành Vũ Xương, ngày nay thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Hoa. Do đó người ta gọi là Hoàng Hạc Lầu."

 

Tương truyền rằng: Xưa kia có một vị tiên ông, tên là Phí Văn Vi, sau khi tu đắc đạo thành Tiên thường cỡi con hạc vàng, rồi bay đến căn lầu hoang vắng này để nghỉ ngơi. Cùng lúc ấy, Phí tiên ông cũng "cầm kỳ thi họa" cùng các vị tao nhân mặc khách thường lai vãng đến lầu này. Một hôm, Phí Văn Vi đột nhiên cỡi con hạc vàng bay đến một phương trời xa thẳm y như những lần trước, nhưng chuyến cỡi hạc ra đi lần này là lần cuối cùng. Phí tiên ông không bao giờ trở lại phàm trần nữa. Tục truyền rằng Phí Văn Vi đã cỡi hạc về cảnh tiên giới để tiếp tục đường tu hành. Vì vậy người ta gọi căn lầu hoang vắng kia là Hoàng Hạc Lâu.

 

Nhân một chuyến du ngoạn, thi hào Thôi Hiệu đi ngang qua căn lầu hoang vắng này đã ghé vào để nghỉ ngơi. Ông được nghe kể lại sự tích trên, rồi đưa mắt nhìn quang cảnh lầu hoang bụi bám, tơ nhện giăng đầy khắp nơi, nhưng người xưa thì nay đã khuất bóng. Chỉ còn trơ lại thực tại ngôi lầu hoang vắng, cũ kỹ, nằm trên một triền đồi hẻo lánh, trong cảnh âm u của núi rừng sâu thẳm. Nhưng đối với hồn thơ đa sầu, thì nó chính là tụ điểm của một bức tranh xuân sơn thủy lục, được thi hào Thôi Hiệu tô điểm vào một buổi chiều tà. Bức màn đêm đang từ từ buông xuống, như đè lên những sợi nắng hồng nhạt của buổi hoàng hôn cô tịch. Cảm xúc bởi tình yêu quê hương, quyến thuộc, đang len lén xâm nhập vào hồn thơ, khiến ông không thể không dùng bút chấm vẽ những vần thơ đẹp như phượng múa rồng bay. Tám câu thơ trên vách tường đã phác họa một bức tranh cảnh vật thiên nhiên tuyệt mỹ trước lầu Hoàng Hạc. Nó hoà nhịp với niềm tâm sự lâng lâng buồn của người lữ khách. Bút pháp tuyệt kỹ, viết thành những dòng thơ tuyệt hảo, ông đã làm người đọc thương cảm, làm xúc động nhiều con tim từ thuở ấy cho đến hôm nay. Và kể từ đó, bài thơ này được ghi chép lại và truyền tụng khắp trong dân gian.

 

Một thời gian sau, thi hào Lý Thái Bạch, nhân một hôm đi du ngoạn, cũng có ghé thăm viếng lầu Hoàng Hạc, và đọc qua bài thơ của thi hào Thôi Hiệu, bút tích vẫn còn y nguyên trên vách tường lầu. Khi đọc xong bài thơ, Lý Bạch không tiếc lời khen ngợi thiên tài thi hào Thôi Hiệu, nên liền thốt ra câu :

 

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,

Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.

 (nghĩa là Trước mắt có cảnh nói không được, Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu").

Lý Bạch tỏ ý nhún nhường chăng hay tỏ lòng kính phục thiên tài thi phú của thi hào Thôi Hiệu, để rồi không dùng thần bút của mình phác họa bức tranh thơ tại lầu này, mà tìm đến một nơi khác cũng có một ngôi lầu, quang cảnh cũng tương tự như Hoàng Hạc lầu nơi đây, để làm một bài thơ khác. Khi Lý Bạch đi qua Lầu Hoàng Hạc thấy bài thơ của Thôi Hiệu đọc rồi không làm thơ vịnh lầu nữa. Hành động của ông không giống người đời ở chỗ hễ thấy ai đề thơ là đưa ra một bài thơ, là cố gắng tìm cách họa lại để chứng tỏ ta có tài của mình. Mặc dù những bài thơ họa lại không phản ảnh được đúng tâm tư tình cảm của tác giả; hoặc cảnh vật đã quá đủ, không còn gì phải thêm vào nữa.

 

Có tài liệu cho rằng Lý Bạch đã phải gác bút không làm thơ nữa sau khi đọc bài thơ của tuyệt hảo Thôi Hiệu!

Cho đến nay tại Việt Nam đã có nhiều văn nhân, thi sĩ đã dịch Hoàng Hạc lâu ra tiếng Việt như: Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Vũ Hoàng Chương v.v... Tản Đà là một trong những người dịch đầu tiên và tài năng của ông đã giúp cho bài thơ trở nên quen thuộc với người Việt Nam.

 

Hoàng Hạc lâu

 

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu

Nhất mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu

 

Thôi Hiệu

Bản dịch thơ của thi sĩ Tản Đà

 

Lầu Hạc Vàng

 

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu

Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ

Hạc vàng đi mất từ xưa

Ngàn năm mây trắng bây giờ vẫn bay

Hán Dương sông tạnh cây bày

Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai…

Bản dịch của Ngô Tất Tố

Người xưa cưỡi hạc đã cao bay

Lầu hạc còn suông với chốn này

Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn

Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay

Vàng gieo bến Hán, ngàn cây hửng

Xanh ngát châu Anh, lớp cỏ dầy

Hoàng hôn về đó quê đâu tá?

Khói sóng trên sông não dạ người.

Có sách ghi lại rằng, Lý Trích Tiên đã dựa trong ý thơ của bài Hoàng Hạc Lầu mà làm thành bài thơ Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài, (vì bài thơ, có những ý thơ tương tự lầu Hoàng Hạc)

 

Dưới đây là nguyên bản Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài của thi hào Lý Thái Bạch, do Đông Thiên Triết chuyển ngữ.

Nguyên tác bài Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài của thi hào Lý Thái Bạch:

 

Phụng hoàng đài thượng phụng hoàng du,

Phụng khứ, đài không, giang tự lưu.

Ngô cung hoa thảo mãi u kính,

Tấn đại y quan thành cổ khưu.

Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại,

Nhị thủy trung phân bạch vũ châu.

Tổng vị phù vân năng tỵ nhật,

Trường An bất kiến sử nhân sầu.

Chuyển ngữ theo thể Đường Luật của Đông Thiên Triết:

Phụng hoàng cất cánh đã bay đâu?

Phụng vắng lầu hoang, sông chảy sầu

Hoa cỏ rường Ngô vùi nẻo thẳm,

Mão y nếp Tấn lấp đường sâu.

Trời xanh ba núi in trong bóng,

Nước bạc hai ngòi rẽ giữa châu .

Mây phủ giăng tầng che bóng ác,

Trường An mờ khuất, dạ thêm rầu

 

Đọc bài thơ của Thôi Hiệu, không ai không khen cảnh đẹp thiên nhiên và nỗi buồn man mác nhớ quê hương, nhớ tìm về lối cũ. Nhưng theo thiển ý của chúng tôi thì nếu thi hào Lý Bạch mà đọc bài thơ Đường luật, thất ngôn bát cú "Qua Đèo Ngang"của Bà Huyện Thanh Quan, chắc chắn thi hào cũng phải thầm khen nữ thi sĩ ưu tú của thi đàn Việt Nam. Bài thơ tả cảnh thiên nhiên bao la, ôm cả vũ trụ, trái đất và tâm tình của người lữ thứ, không thua bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.

 

Qua Đèo Ngang

 

Bước đến đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen lá đá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông rợ* mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta

(*"Rợ": chữ này nhiều bản chép là "chợ", nhưng theo nhiều tài liệu thì đây phải là chữ "rợ" (người gốc thiểu số) thì mới đúng và chuẩn. Vì "chợ" không thể đối với "tiều" được)

 

Nếu kể về thơ không thôi thì Lý Bạch làm được: 20.000 bài thơ Đường-luật, thể thất ngôn bát cú (7 chữ 8 câu) và Tuyệt Cú (4 câu 5 chữ). Tính chung có khoảng 160.000 câu thơ. Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du gồm có 3.254 câu, thể Lục Bát (một câu 6 chữ và một câu 8 chữ). Tuy chỉ có 3.254 câu; nhưng toàn thể tập thơ liên tục kể về cuộc đời trôi nổi của nàng Kiều. Nó khác ở chỗ 20.000 bài thơ riêng rẽ từng bài và  được viết trong nhiều trường hợp hứng khởi bất ngờ của Lý Bạch, vào những hoàn cảnh khác nhau, so với một truyện liên tục gồm 3.254 câu thơ Lục-bát vần điệu nhịp nhàng như một bản trường ca bất hủ của Nguyễn Du.

 

2- So với văn học Tây-phương

2/1- Trường Thi Anh Hùng Ca "Iliad và Odysseus"

 

Trong nhiều bài viết và sách bình luận về truyện Kiều, chúng tôi chưa thấy các tác giả so sánh truyện Kiều với Trường Thi Anh Hùng Ca "Iliad Odysseus" của thi hào Homer, người Hy lạp.

Chắc quí độc giả cũng biết rằng: khi nói đến nền văn học hay nền văn minh Tây-phương, người ta không thể không nói đến nền văn học cổ Hy-lạp có ảnh hưởng tới triết học và văn chương của Âu Châu, mà các văn nhân, thi sĩ Tây-phương đều am tường. Về lãnh vực thơ thì lịch sử bắt đầu từ tác phẩm nổi tiếng nhất và mở đầu cho lịch sử văn học của Hy Lạp là Trường thi Anh hùng ca "Iliad, tiếp nối là Odysseus’’ của Homer. Toàn truyện thơ Iliad gồm 24 quyển, xuất hiện vào khoảng Thế-kỷ IV hoặc III trước Công-nguyên.

 

Đọc Trường thi Anh hùng ca của Homer, người ta không thể không nói tới "Con ngựa thành Troy (the Trojan Horse) hay "Chiến tranh thành Troy" (The Trojan War), một chiến tích lẫy lừng trong lịch sử cổ kim nói về chiến thuật quân sự nghi binh để phá thành luỹ kiên cố của đối phương. Odysseus vua xứ Ithaca, Achilles chủ tướng của đạo quân Myrmidon của Hy Lạp với 1.100 chiến thuyền và khoảng 50.000 tới 100.000 quân, đã bao vây và công phá thành Troy 9 năm, nhưng không thành công. Cuộc chiến tranh xẩy ra cũng chỉ vì mối tình ngang trái giữa hoàng tử tuấn tú Paris, con của vua Pram thành Troy, cướp người đẹp Helen, vợ của nhà triệu phú Menelaos xứ Sparta, em của vua Aggamemnon của xứ Mykenai.

 

Người ta cũng không quên cuộc phiêu lưu mạo hiểm dài mười năm của Odysseus với những lần gặp người độc nhỡn (Cyclops Polyphemus), các Mỹ nhân có cánh (Sirens) sống ở núi hải đảo, chuyên dùng tiếng hát ngọt ngào quyến rũ các thuỷ thủ, khiến họ lái thuyền đụng vào ghềnh đá vỡ tan và chết đuối. Phù thuỷ Circe đã cho các thuỷ thủ ăn uống rượu no say và biến họ thành những con heo. Penelope người vợ chung thuỷ muôn thuở của Odysseus nói riêng và biểu tượng trung thành trong tình yêu của dân Hy Lạp nói chung. Nàng bị bọn bộ hạ của Odysseus cướp quyền và bắt phải kết hôn với người trong bọn chúng. Nàng đã kiên nhẫn chờ chồng với mánh lới là khi nào đan xong khăn tẩm niệm cho cha chồng thì nàng sẽ quyết định. Ban ngày nàng đan khăn, nhưng đến đêm lại tháo ra. Khi Odysseus sống sót trở về đã diệt bọn gian tà mà nàng vẫn chưa đan xong cái khăn.

 

Theo trường thi Iliad bằng tiếng Hy Lạp thì một bài thơ (đoạn thơ) gồm 7 câu thơ, như hình đính kèm (Odysseus dài khoảng 12.110 câu thơ). Dựa vào các bản dịch sang tiếng Anh và Pháp thì Trường-thi Anh-hùng ca Iliad có khoảng 7.600 bài thơ (verses, có thể hiểu như một tiểu khúc hay điệp khúc trong một bản nhạc, có nơi ghi là hơn 15.600 câu thơ hay dòng thơ (lines of poetry (verses). Nhưng dịch qua thơ tiếng Pháp thì có thể dài hơn, tuỳ theo số dòng thơ của mỗi 7.600 đoạn hay bài thơ (verses). Iliad đã được dịch ra trên 200 bản dịch với nhiều tác giả khác nhau, bản lâu đời nhất vào khoảng năm 1598-1611 của George Chapman.

2/2- Thi hào Homer của Hy Lạp và H.C. Andersen của Đan Mạch

Cụ Nguyễn Du lấy cốt truyện Kim Vân Kiều của tác giả người Tầu là Thanh Tâm Tài Nhân để viết truyện Kiều bằng thơ Lục-bát.

 

Thi hào H.C. Andersen của Đan Mạch cũng đã mượn cốt truyện "Mỹ nhân có cánh" (the Sirenes) trong Trường thi Anh hùng ca "Odysseus" của thi hào Homer, người Hy Lạp, để viết thành truyện "Cô Bé Người Cá"(Den lille havfrue – The Little Mermaid).

Cả hai trường hợp, truyện Kiều của Nguyễn Du đã được mượn cốt truyện người Tầu; và H.C. Andersen đã mượn cốt truyện Odysseus và Mỹ nhân có cánh của Hy Lạp, rồi phóng tác thành tuyệt tác phẩm "Cô Bé Người Cá". Hai tác giả đã viết theo lối văn chương mang nặng tình cảm dân tộc; nên tác phẩm thi ca của Cụ Nguyễn Du và tác phẩm văn xuôi của H.C. Andersen được yêu thích hơn và hấp dẫn hơn hai nguyên tác. Điều này chứng tỏ mượn cốt truyện của nước ngoài để viết hoặc phóng tác thành các tuyệt tác phẩm theo tinh thần văn hóa dân tộc không còn là điều mới lạ hay có tính cách vay mượn.

Trong lịch sử văn học thế giới, người ta cũng gặp nhiều trường hợp tương tự.

 

Ví dụ:

- Ở Pháp có vở bi kịch “The Cid" (The Master) rất nổi tiếng, của Pierre Corneille sáng tác năm 1636, dựa vào truyện "El Cid" của Tây Ban Nha. Nội dung nói về cuộc tình ngang trái giữa Don Rodrigue và Chimène. Cái hay ở chỗ Pierre Corneille đã đem tâm hồn mình và người Pháp của thế kỷ XVII vào vở kịch  và biến nó thành một kiệt tác văn học đặc trưng Pháp, chứ không còn là nguyên gốc của Tây Ban Nha nữa.

- Ở Ý có “Hài kịch Thần thánh" (Divine Comedy, nguyên thuỷ là Commedia) của thi hào và cha đẻ ngôn ngữ Ý Dante Alighieri (1265-1321). Đây là một trong các tác phẩm lừng danh của nền văn chương Ý và Thế-giới.

- Ở Anh quốc nhà soạn kịch nổi tiếng William Shakespeare đã viết truyện tình oan trái giữa Romeo và Juliet từ tập quán viết tiểu thuyết thời Trung-cổ, cũng dựa vào một truyện của Ý được Arthur Brooke dịch ra thơ "Truyện bi thương của Romeo và Juliet" (The Tragical History of Romeus and Juliet) vào năm 1562. Sau đó William Painter kể lại qua văn xuôi với tựa đề "Lâu đài Khoái-lạc" (Palace of Pleasure) vào năm 1582. Shakespeare đã mượn cả hai văn bản, rồi bi thương hóa câu truyện thành bi kịch bản cho ra đời vào khoảng năm 1591-1595. Romeo và Juliet đã trở thành truyện tình ngang trái lừng danh muôn thuở và được coi là kiệt tác văn học, văn nghệ, xuất diện nhiều lần trên sách báo, phim ảnh và kịch trường thế giới.

 

Như vậy, về tính nhân loại trong văn học hay văn hóa ngày nay thì người ta sẽ không còn thắc mắc về cái nguồn gốc vay mượn của “Truyện Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh" hoặc "Cô Bé Người Cá" nữa. Truyện Kiều tổng hợp được hai yếu tố: văn học Việt Nam và tiếp nhận văn học Trung Quốc để biến đổi thành văn học Việt Nam, cũng chỉ là hoạt động văn học hỗn hợp có tính cách vượt qua biên giới quốc gia.

Tạm lấy 15.600 câu thơ trong tuyệt tác Iliad12.100 câu thơ Odysseus làm căn bản, chúng ta thấy 3.254 câu thơ Lục Bát của Cụ Nguyễn Du tuy ít hơn; nhưng nếu gần 100 điển tích văn hóa, văn học và lịch sử của người Tầu được dịch ra thơ, thì có thể truyện Kiều không thua về số lượng câu thơ.

Về phương diện thi văn thì truyện Kiều dĩ nhiên là tác phẩm thơ dài nhất và nội dung phong phú nhất của nền văn học Việt Nam, trong đó toàn bộ cái đẹp của điển tích trong lịch sử văn học và lịch sử Trung-quốc đã được gói ghém trong toàn truyện.

 

Vì thế, có thể nói truyện Kiều là một tác phẩm chứa đựng nội dung phong phú của hai nền văn học: Việt Nam qua thể thơ Lục-bát và Trung-quốc qua gần trăm điển tích.

Cái vĩ đại và nổi tiếng của truyện Kiều so với văn học thế giới là ở chỗ đó.  

--------------------------------  

Tài liệu tham khảo:

- vi.wikipedia.org/wiki/Odyssey

- www.livius.org/ho-hz/homer/homer_iliad.html

- www.dthoi.com/forums/showthread.php

- www.giacngo.vn/dulich/2010/01/29/5B5200/

- www.vantholacviet.org/.../Dong-Thien-Triet--Hoang-Hac-Lau.html<cite></cite>

<cite>- vi.wikipedia.org/wiki/Hoàng_Hạc_Lâu_(thơ_Thôi_Hiệu)</cite>