Dân Chúa Âu Châu

185124821 2932260260323334 7834750986998238043 n

Tuần Cửu Nhật Kính Chúa Thánh Thần.
Thứ Năm, ngày 18/5/21.

Không thiếu những khó khăn và thất bại,
Cho người nào theo bước Chúa Kito.
Hành trình gian nan bức bách từng giờ,
Lo Liệu thế nào, làm sao tốt nhất.

Khi người ta nhốt con vào ngục thất,
Giới hạn phận người, ngõ cụt, sợ lo.
Chúa Thánh Thần sẽ Lo Liệu giúp cho,
Khi sợ hãi con “cứng đơ” tâm trí.

Chút Lửa Tin, con nguyện cầu liên lỉ,
Lạy Ngài, xin mau đến giúp con.
Xin Thánh Thần Chúa hoạt động ban ơn,
Ơn Lo Liệu, con tuân hành Ý Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần chính là ngọn lửa,
Sáng soi, sưởi ấm, sửa lại trong ngoài,
Dắt con đi trên những chặng đường dài,
Con khẩn khoản nài van Ngài ngự đến.

Chúc tụng Chúa Đấng chứa chan Tình Mến,
Suốt đêm trường Ngài canh giữ chở che,
Khi ngày lên Ngài chăn dắt mọi bề,
Ngài ở bên, con chẳng hề nao núng. (Tv 16,7-8)

Ơn Lo Liệu giúp con nhanh chóng
Biết làm gì ngay cả lúc gian nguy,
Dắt tay con trên mỗi bước đường đi
Tìm Chân lý trên con đường thiên lý.
--------------------
Kim Hải Phạm Thị.

XIN ƠN LO LIỆU
Tuần Cửu Nhật Chúa Thánh Thần]: Ngày thứ năm
Sao chép từ Trang Dòng Tên Việt Nam

Đặt mình trước tôn nhan Thiên Chúa, lòng hướng về Chúa Thánh Thần và bắt đầu với dấu Thánh Giá.
Khi làm dấu Thánh Giá chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi và hơn nữa qua dấu Thánh Giá, chúng ta xin ơn cho phép chúng ta được bước vào ngôi nhà của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thinh lặng và cầu nguyện thánh thi Veni Spiritus Creator –
Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến,
Đấng tạo dựng nên muôn loài,
xin thăm viếng tâm hồn con với quyền năng của Ngài.
Xin ban ân sủng, là khách trọ thân quen trong trái tim con mà Ngài đã tạo dựng.
Ngài được gọi là Đấng An ủi, quà tặng từ tay Thiên Chúa,
là nguồn gốc của mọi sự sống, ánh sáng và tình yêu, là lửa, và sự thiện hảo cao siêu nhất.
Ngài là lời hứa của bảy ân sủng, ngón tay của bàn tay Chúa Cha,
đã hứa ban cho chúng con bởi Chúa Cha
và Ngài làm cho miệng lưỡi chúng con nói điều sự thật.
Xin chiếu ánh sáng vào các giác quan của chúng con,
đổ tình yêu vào trái tim chúng con.
Xin ban cho thân xác yếu đuối của chúng con được mạnh sức,
để chúng con không bao giờ mệt mỏi làm điều tốt lành.
Xin đuổi kẻ thù xa chúng con, và ban cho chúng con bình an luôn mãi;
Xin cho chúng con luôn sẵn lòng theo những dấu chân Chúa,
để chúng con xa lìa con đường sự dữ.
Xin ban cho chúng con qua Ngài được lớn lên trong hiểu biết Chúa Cha và Chúa con,
và để chúng con tin mạnh mẽ vào Ngài hơn bao giờ hết.
Ước gì mọi lời ngợi khen và vinh dự đều thuộc về Chúa Cha trên ngai tòa cao sang,
cùng với Chúa Con phục sinh và với Đấng An ủi muôn đời. Amen.

Đọc bài Tin Mừng về việc Chúa Giê-su tiên báo những cuộc bác hại và chiêm ngắm bức tranh của Tissot.

“Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì:20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em “(Mt 10,19-20).

Chúa Giê-su dạy dỗ các môn đệ (1886-1894).James Tissot, Brooklyn Museum.
Suy niệm.
Đọc bài Tin Mừng và ngắm nhìn bức tranh của Tissot, chúng ta nhận ra hình ảnh Chúa Giê-su đang dạy dỗ các môn đệ của mình. Cụ thể Người dạy các ông ý thức về những khó khăn và cả những bách hại trên hành trình làm môn đệ, làm Ki-tô hữu. Thật vậy, chính Chúa đã phải trải nghiệm những bách bớ, hãm hại và cả cái chết thê lương do chính con người nhẫn tâm gây ra, thì người tín hữu theo Chúa cần ý thức những điều đó cũng có thể xảy ra cho chính mình.
Nhưng khi bị bách hại và người đời chất vấn về chính niềm tin của mình, chúng ta cần phải nói gì đây? Chúng ta phải lo liệu ra sao để có được thái độ và phản ứng nào cho tốt nhất? “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì:20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em “(Mt 10,19-20). Lời của Chúa Giê-su làm cho chúng ta an tâm, vì chính lúc chúng ta đụng tới “ngõ cụt” và giới hạn của bản thân, thì Chúa Thánh Thần sẽ hoạt động và lo liệu cho chúng ta cần phải nói gì và làm gì.
Ngoài ra, cuộc sống của chúng ta chắc chắn luôn có những giây phút khó xử nhất, những hoàn cảnh trớ trêu nhất, đến nỗi chúng ta rơi vào trạng thái “cứng đơ” và không biết phải làm gì cả. Ở trong giây phút này chúng cần trở về lời của Chúa Giê-su và khiêm tốn xin Chúa Thánh Thần hoạt động và ban cho chúng ta ơn biết lo liệu. ĐTC. Phanxico nói: “Khi chúng ta chào mừng và đón nhận Ngài trong tâm hồn mình, Chúa Thánh Thần lập tức bắt đầu làm cho chúng ta nhạy cảm với giọng nói của Ngài và hướng dẫn những suy nghĩ, những tình cảm và những ý định của chúng ta theo con tim của Thiên Chúa. Đồng thời, Ngài hướng cái nhìn nội tâm của chúng ta mỗi ngày một hơn vào Chúa Giêsu, như một mẫu gương của cách hành động và liên hệ với Thiên Chúa Cha và anh chị em của chúng ta”.
Ngoài ra, chúng ta cần luôn chú ý giữ tinh thần cầu nguyện liên lỷ như ĐTC. Phanxico khuyên nhủ, vì “cầu nguyện rất quan trọng. Cầu nguyện với những kinh nguyện mà tất cả chúng ta đều biết từ nhỏ, nhưng cũng cầu nguyện bằng lời lẽ riêng của mình. Cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin giúp con, xin chỉ bảo con, con nên làm gì bây giờ?” Và với cầu nguyện chúng ta dọn chỗ cho Chúa Thánh Thần đến và giúp chúng ta vào lúc đó, để khuyên nhủ chúng ta tất cả phải làm gì. Hãy cầu nguyện! Đừng bao giờ quên cầu nguyện. Đừng bao giờ! Không ai, không ai nhận ra chúng ta cầu nguyện trên xe buýt, trên đường phố: chúng ta cầu nguyện trong im lặng với con tim. Chúng ta hãy tận dụng những giây phút ấy để cầu nguyện, cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn biết lo liệu”.
Ngắm nhìn bức tranh của Tissot, đặt mình là một môn đệ đang ngồi nghe Chúa dạy dỗ, chúng ta để cho lời của Người vang lại trong tâm hồn chúng ta. Cuối cùng chúng ta âm thầm cầu nguyện lời sau:
“Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt
được Ngài ở bên, con chẳng nao núng bao giờ” (Tv 16,7-8).
Thinh lặng cầu nguyện trong khoảng 05 phút và chú ý rút ra một điểm nào trong bài Tin Mừng và trong phần suy niệm, để đưa vào ngày sống.