Dân Chúa Âu Châu

Một chứng bệnh thông thường đã có từ ngàn năm xưa, được xem như một loại bệnh thuộc về hàn thấp, song không hẳn là phong tê thấp, mà do sự chuyển hóa (métabolisme) thất thường của thức ăn. Bệnh này thường gặp trong giới mày râu hơn là giới liễu bồ, tỉ lệ qua các báo chí y-khoa, cho hay chín nam mới có một nữ. Miệng người cho rằng con tạo sao lắm bất công. Tuổi ngoài 20 đã có thể bị rồi, và tuổi càng cao, lại càng dễ bị. Theo châm ngôn thời xưa Hippocrate, thì trai không bệnh gút trước thời giao cấu (coit), nữ không mắc bệnh trước thời mãn kinh (ménopause), quan hoạn (eunuques) thì chẳng bao giờ biết đến thống phong. Cứ theo sự ước lượng thì trên 1% người dân ở các nước Âu châu mắc bệnh gút. Quan niệm thời xưa, bệnh gút chỉ thấy ở xã hội quan liêu ăn sung mặc sướng. Châm ngôn, Pháp ngữ thường nói “une maladie des riches”, và nhắc đến các danh nhân lỗi lạc, như Léonard de Vinci, Newton, Darwin v.v... cũng đều không tránh khỏi. Thời nay với nếp sống rất cao, ăn uống dồi dào dư dả ở các nuớc văn minh tân tiến, cho nên bất kể tầng lớp xã hội nào, không cứ gì giàu nghèo, cũng đều chung một bệnh, nếu ta xem thường thói quen ăn uống, bất chấp kiêng cữ là gì. Ta thử đi ngược lại dòng thời gian, thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, nạn đói kém lan tràn khắp nơi, có mấy ai mắc bệnh gút? Nếu không muốn ám chỉ tới cách ăn uống.
Hỏi: bệnh gút là gì?
Danh từ chuyên môn của ta gọi là “thống phong”, nhưng sau này để dễ hiểu, ta mượn danh từ ngoại ngữ là “goutte articulaire” nên cho gọn, ta gọi tắt là bệnh “gút khớp”. Từ đời thượng cổ, bệnh này mang từ ngữ là “podagre”, mãi cho tới thời trung cổ (moyen-âge) được đổi thành là “goutte” cho hợp với định nghĩa.
CÓ NHỮNG TRIỆU CHỨNG GÌ? Bệnh gút rất là đa dạng, nên ở đây chúng ta chỉ đề cập đến gút khớp ngón chân cái mà thôi.
Chẩn bệnh, không mấy gì khó khăn. Người bệnh đi khám sau cơn đau nhức liên tục, đau bất thần, chỉ trong một vài giờ nhịp độ đã gia tăng dữ dội, thường thường vào quãng giữa đêm, phá mất giấc ngủ do những cơn đau tới tấp, hung tợn, trăn trở không yên, chân cẳng nặng nề kèm theo là cơn nóng sốt, ớn lạnh, thân mình mệt mỏi. Cứ như thế, khớp ngón sưng đỏ rất nhanh, làn da trở nên mọng đỏ như nhót, nóng hầm, nhức nhối khôn tả, đi đứng cực kỳ khó khăn, chân cẳng trở nên nặng nề cảm tưởng như cả tấn chì, đủ để diễn tả ý nghĩa thế nào là cơn thống phong.
Riêng về phái nữ, ta ít khi thấy trường hợp dữ dội như trên, phần nhiều bệnh gút chỉ thể hiện qua các cục kết (tophus) cũng gọi là sạn urat ở cùi chỏ, khuỷu tay, vành tai v.v.
NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA BỆNH:
1) Theo lời khai người bệnh, thường thì sau bữa ăn không cứ gì là thịnh soạn, nhưng rượu chè, đôi khi quá chén, họp mặt bạn bè, đùa vui nhậu nhẹt, với các thức ăn chứa nhiều chất purine như thịt vụn, thịt cổ cánh, lòng lợn (abat, tripes de porc), hoặc loại cá sardines, cá trổng (anchois), cá trích (hareng) v.v.
2) Sau cuộc giải phẫu cũng có thể gây nên bệnh gút.
3) Sau khi bị chấn sang (traumatisme physique).
4) Sau cuộc khủng hoảng tinh thần (traumatisme psychique), lo âu quá độ cũng có thể cho bệnh gút..
5) Thể dục quá sức lâu ngày.
6) Có những loại dược phẩm gây ra chứng gút như lợi niệu (diurétiques) v.v. trong khi chữa bệnh áp huyết cao, v.v.
7) bệnh gút do nhân tố di truyền (facteur génétique) thường là yếu tố gây nên bệnh gút. v.v.
GIẢI THÍCH SINH LÝ BỆNH HỌC THEO ĐÔNG PHƯƠNG (physio-pathologie):
* Ẩm thực: vấn đề ăn uống hằng ngày đã mang một tầm quan trọng không nhỏ cho sức khỏe con người. Khi ăn uống quá độ, tỳ, là tạng âm trở nên quá thực làm phương tổn đến thận (theo luật ngũ hành) do đó thận (tông khí) không bài tiết được acide urique (uricoélimination).
* Nhiễu loạn tâm thần (perturbation psychique): bảy loại tình chí (sept sentiments) trong Nội kinh có nói, khi bị kích thích quá độ sẽ ảnh hưởng tới tạng phủ có liên quan, như:
- lo âu quá mức sẽ ảnh hưởng đến tỳ vị, gây nên ăn uống vô độ (boulimie), hay đã làm cho khí dương bốc lên, khí âm bì hãm lại
- Mang nhiều tham vọng (ambition), ước muốn vô độ, một trong tình chí liên lụy đến tạng can, tiếp đó ảnh hưởng đến bộ tỳ vị, và lây lan cả đến thận, và cứ như thế theo luật ngũ hành, sẽ gây rối loạn chức năng trong ngũ tạng lục phủ.
- Cách đây không lâu, có nhóm khảo nghiệm bên kia bờ đại tây dương cho hay trong số người có nhiều tham vọng lớn lao, kết quả thử nghiệm trí tuệ thông minh (test d’intelligence) của họ rất cao song song với chất uricémie của họ cũng vượt lên cao trên mức trung bình. Thêm vào đó, hình thái, sắc diện của những người này thuộc hình hỏa (type feu), cho thấy có sự trùng hợp với giả thuyết đông phương đã có hơn hai ngàn năm nay.
- Là những tạng người hoặc tánh tình nóng nảy triền miên, tức giận không nguôi, uất ức dai dẳng, can hỏa bốc lên phương hại đến tỳ vị làm mất cán cân quân bình. v.v...
THỬ NGHIỆM
Trong máu, chất uricémie thường vọt lên cao trên mức trung bình 60 mg/l ở nữ và 70 mg/l ở nam. Có thể trên 90 mg/l. nhưng bệnh không nhất thiết phát hiện, lại có lúc tỷ lệ dưới mức bình thường 60 mg/l. bệnh gút lại xuất phát, cho nên ta không lấy đó làm chuẩn.
CÓ NHỮNG BIẾN CHỨNG NÀO NGUY HẠI?
-Có thể ảnh hưởng đến tim và mạch máu
-Có thể phương hại sau này đến thận (néphropathie, insuffisance rénale) thận hư hoặc sỏi thận, (lithiase urique), hay cơn sỏi thận (colique néphrétique).
ĐIỀU TRỊ:
Tây phương:
A) Trong lúc cơn đau hung tợn (accès aigu):
- Colchicine, công hiệu rất nhanh chóng, thời gian chữa trị được rút ngắn lại thay vì bệnh thường kéo dài trên tuần lễ. Colchicine chống bệnh gút, được xếp vào loại độc dược, nên thận trọng và hãy theo lời chỉ dẫn của y sĩ.
- Các loại thuốc chống viêm (Anti-Inflammatoire Non Stérodien / AINS).
- Dược phẩm chống đau hiện có rất nhiều (nhưng trừ phi Aspirine, vì có thể làm bệnh gia tăng). Nên theo lời giải thích dặn dò của y-sĩ.
- Nên uống nước nhiều, không dưới hai lít mỗi ngày. Tốt hơn nữa, nước có loại kiềm hóa (eau alcaline).
B) Ngoài cơn đau:
1) Ngừa bệnh: có thể dùng allopurinol (hypouricémiant) để ngừa bệnh, dược phẩm có công dụng làm hạ tỉ lệ uricémie. Thế nhưng là con dao hai lưỡi, cần cân nhắc kĩ lưỡng và chỉ có y sĩ mới quyết định được với đồng tâm chặt chẽ cộng tác của người bệnh. Vì một khi đã theo thuốc, thì phải tiếp tục theo đều đặn dùng cho đến khi vô hạn định, nếu không muốn nói là mãn đời.
2) Ngừa bệnh: bằng kiêng cữ là điều thiên nhiên và dễ thực hiện
- Kiêng cữ rượu bất kể dưới hình thức nào, ngay cả bia (bière)
- Kiêng cữ các thức ăn như:
Thịt vụn (abats)
Tuyến ức bê, cừu (ris de veau), bầu dục, cật (rognons), gan, lòng (tripes) thịt lợn ướp (charcuterie), thú săn (gibier), bồ câu, vịt, thịt đỏ tươi, gà tây con, lợn con, thịt bê, thịt phơi khô, nước dùng (bouillon de viande)
Các loại cá: cá trổng (anchois), sardine, cá trích (hareng), cá hồi (truite), cá thu chấm đen (cabillaud), xúp cá (soupe de poissons)
- Tôm, ốc, ngao, sò (fruits de mer)
- Pho mát lên men nhiều (fromages très fermentés)
Các loại acides aminés (acide glutamique, acide aspartique) thường làm gia tăng chất purines trong máu
Đông phương:
Trong cơn đau nhức dữ dội
Thuốc ta: cũng dùng colchicine, ta gọi là tỏi độc (colchique). Là một loại cỏ mọc hoang những vùng ôn đới. Tác dụng dược lý của nó được áp dụng để hạ nhiệt, chống dị ứng, và chống bệnh gút. Gần đây có giả thuyết cho rằng có lẽ có tác dụng kích thích vỏ thượng thận do đó có sự tiết hocmon như cortison.
Châm cứu:
- Trong cơn đau: hai huyệt Túc tam lý và Tam âm giao, đủ để hạ cơn đau, và nhằm lập lại sự lưu thông khí huyết của tỳ vị, tốt hơn nữa kích thích bằng máy điện (stimulation). Kết quả nhanh chóng. Nếu như người bệnh chịu đựng được, thêm ba huyệt thái bạch, thương khưu và Hành gian. Hai huyệt Giải khê, Hãm cốc, cũng cho kết quả nhanh chóng như nhau. Kết quả hay không là tùy thuộc cách thao tác và sự am hiểu của người thủ thuật.
 Ngoài cơn đau nhức:
- Trấn an người bệnh, lập lại lưu thông khí huyết, chỉnh đốn lại quân bình âm dương tỳ vị, thận can với những huyệt tương xứng (points adéquats).
- Kiêng cữ và vệ sinh ăn uống như đã kể trên,
Vì rằng "Phục dược bất như giảm khẩu" uống thuốc chẳng bằng kiêng cữ. Chớ nên quá ỷ lại vào thuốc men. Ta nên tự thành thực hiểu rằng, bệnh thường có là do ăn uống gây ra "Bệnh tòng khẩu nhập", bệnh qua miệng vào mà.
KẾT LUẬN
Thống phong, còn gọi là bệnh gút khớp, đã có từ ngàn năm nay, theo quan niệm thời xưa, thì do bất túc hay suy giảm công năng bộ máy chuyển hóa ăn uống (déficience du métabo-lisme alimentaire). Một chứng bệnh rất tầm thường, được diễn ra thường xuyên, tuy nhiên bịn rịn, lắm lúc bực bội, không mấy được thoải mái trong cuộc sống hằng ngày.
Ngoài cách ăn uống, còn rất nhiều yếu tố khác dự vào sự xáo trộn gây ra bệnh này, như thói quen ẩm thực không được hợp với bản tánh cá nhân, rượu chè quá chén, hay tình chí bất an, tinh thần khủng hoảng, tâm tình nóng nảy, ngược ý thường xuyên, uất ức dai dẳng, tham vọng, ước ao vô đáy. Nhân tố di truyền (facteur génétique) cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Dược phẩm, một vài loại mà ta dùng hằng ngày cũng có thể gây nên bệnh gút. Tất cả nêu trên đã làm xáo trộn chức năng lý hóa điều hòa của các tạng phủ tỳ vị, thận can v.v.
Cách chữa trị ngày nay đã là bước tiến khả quan với nhiều dược phẩm công hiệu nhanh chóng, thế nhưng vô tình đã làm mờ đi đường lối chữa trị tự nhiên, nhẹ nhàng vô hại, bằng kiêng cữ ăn uống. Tìm hiểu sâu hơn chút nữa, về mặt bề trái của sự công hiệu thuốc men, là những chứng hậu (effets secondaires) hay bệnh độc hại (maladies délétères) do chính thuốc men gây ra có thể có trong tương lai gần hay xa, mà không một ai tiên đoán được.Vậy chớ gì ta hãy thức tỉnh, theo một đường lối chữa trị khác, phần nào tự nhiên hơn.