Dân Chúa Âu Châu

Rượu là một dược phẩm xưa nhất mà nhân loại biết tới. Và rượu cũng là một trong nhiều chất độc hại con người tự nguyện tiêu thụ.
Tại vài quốc gia Âu Mỹ, rượu là nguyên nhân thứ nhất gây ra chậm phát triển trí tuệ, đứng trên cả Hội chứng Down (Down syndrome), một trường hợp con chậm trí của mẹ luống tuổi sanh con lần đầu.
Từ thế kỷ thứ 18, các nhà nghiên cứu và các thầy thuốc Anh, Pháp đã quan sát thấy hậu quả không tốt của rượu đối với thai nhi mà người mẹ uống trong khi có thai. Những ảnh hưởng tai hại này đã được ghi trong Thánh Kinh: “người nữ có thai đều được nghiêm túc khuyến cáo là không uống rượu nho hoặc đồ uống mạnh và không được ăn thực phẩm không tinh khiết để tránh tổn thương cho thai nhi”. Triết gia Aristote thì nói những người mẹ say sưa, điên khùng, thường sanh ra con lù đù, chậm chạp.
ẢNH HƯỞNG NÀY ĐƯỢC CÁC GIỚI CHỨC Y TẾ PHÁP CÔNG BỐ VÀO NĂM 1968.
Đến năm 1973, trên tạp chí Y học Lancet, Kenneth Lyons Jones và David W. Smith đặt tên cho ảnh hưởng này là Fetal Alcohol Syndrome. Họ đã nghiên cứu hình dáng bất bình thường của năm đứa trẻ do các bà mẹ nghiện rượu kinh niên sanh ra. Rồi đến ngày 31 tháng Năm 1977, trong chương trình phát hình buổi chiều, đài NBC đã mang trình diện hình ảnh em bé Melissa bị ảnh hưởng của rượu mà người mẹ uống khi mang thai em. Đầu em nhỏ, thân hình mảnh khảnh, mí mắt hẹp. Dung mạo bất bình thường của em bé đã gây một xúc động lớn trong quần chúng.
Ngay ngày hôm sau hai cơ quan uy tín về Bệnh Nghiện Rượu ở Mỹ vội vàng lên tiếng rằng: đàn bà có thai mà uống trên 2 “drinks” rượu mỗi ngày thì đều có nguy cơ sinh con dị dạng, chậm trí. Mỗi “drink” tương dương với 15 ml rượu nguyên chất. Họ cũng công bố kết quả các nghiên cứu dịch tễ rằng rượu là chất gây quái thai, tâm trí bất thường khi còn là bào thai hoặc khi tăng trưởng. Các hệ thống thông tin lớn cũng vội vàng phổ biến rộng rãi tin tức quan trọng này. Từ đó, công chúng bắt đầu lưu tâm nhiều hơn với vấn nạn Mẹ-Rượu-Con-Khuyết-Tật. Giới y khoa mở rộng phạm vi nghiên cứu, điều trị. Y tế công cộng đưa ra các chương trình phòng ngừa, giáo dục hướng dẫn phụ nữ có thai đừng uống rượu.
Đến năm 1989, trên mỗi chai rượu đều ghi lời cảnh cáo về Fetal Alcohol Syndrome (FAS) như sau: “According to the Surgeon General, women should not drink beverages during pregnancy because of the risk of birth defects”. Việc ghi nhãn hiệu này cũng phải trải qua nhiều vận động từ năm 1977 vì các hãng sản xuất rượu bảo vệ quyền lợi của họ nên phản đối. Cũng năm 1989, trên giấy khai sinh có dành một ô trống để ghi nếu người mẹ có thai mà ghiền rượu.
Giống như ảnh hưởng không ít của thuốc lá, nhiều người cũng đứng ra kiện các nhà sản xuất rượu vì tác dụng tai hại này trên thai nhi.
ẢNH HƯỞNG CỦA RƯỢU TRÊN THAI NHI
Khi người mẹ uống rượu thì mẹ uống bao nhiêu con cũng uống bấy nhiêu vì rượu theo máu lưu chuyển sang con với cùng nồng độ. Nếu trong máu mẹ có mức rượu là 0,3 thì con cũng 0,3. Nhưng nhờ người to, lá gan lớn nên mẹ loại rượu ra mau hơn con. Thành ra người mẹ có thể say rượu trong vài giờ nhưng con tiếp tục li bì vài ngày, và say khướt (binge) trong thời gian ngắn lại hại hơn là uống lai rai kinh niên.
Sau khi uống, chất rượu ethanol được chuyển thành acetaldehyde mà chất này có tác dụng độc hại lên tế bào thai nhi. Các chuyên gia đã đề nghị một số giải thích ảnh hưởng này như sau:
a- Rượu tương tác với chất prostaglandins, một chất có liên hệ rất nhiều tới tăng trưởng và các chức năng của thai nhi.
b- Rượu làm giảm sự lưu thông máu từ mẹ qua con do đó chất dinh dưỡng, dưỡng khí giảm và tế bào thai nhi bị suy yếu, kém tăng trưởng.
c- Rượu cũng có thể ảnh hưởng tới sự hấp thụ khoáng chất zinc và magnesium hoặc làm thay đổi các yếu tố (enzymes), lượng kích thích tố như corticosteroid, kích thích tố tăng trưởng. Mỗi người, mỗi chủng tộc có những enzymes khác nhau để hủy rượu, nên ảnh hưởng của rượu thay đổi tùy người, tùy giống.
d- Rượu làm thay đổi cấu trúc của màng tế bào, đưa đến thay đổi hình dạng, kích thước, làm chậm tăng trưởng và phân bào. Mọi tế bào đều bị ảnh hưởng, nhất là tế bào thần kinh vào giai đoạn đầu của thời kỳ có thai.
e- Rượu cũng giảm khả năng tổng hợp các chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh cho nên các sinh hoạt trí não bị ảnh hưởng rất  nặng.
Ảnh hưởng cũng thay đổi theo tuổi của đứa bé. Tuổi còn thơ, bé hay bồn chồn, dễ kích thích, ăn ngủ khó khăn, chậm lớn, chậm phát triển, cử động không hòa nhịp. Trước khi đi học thì chúng hay năng động, chia trí, kém nhận biết, diễn tả ngôn ngữ khó khăn. Đến khi đi học thì không chú ý, quá hoạt động, không biết làm toán, học không vô, hành động mất kiểm soát. Lớn lên: kém trí nhớ; kém suy luận, nhận xét; không biết cách sử dụng tiền bạc; không biết hậu quả việc làm; dục tính không hợp lý; ghiền rượu thuốc; có vấn đề trong hành vi, cư xử.
Hội chứng này là một tàn tật (disability) kéo dài suốt đời, khó mà chữa và đứa trẻ không “lớn lên là hết” (grow out of it) vì tế bào thần kinh hư hao là không phục hoạt được. Nhiều tế bào thần kinh không được di chuyển tới vị trí định trước nên có vùng não không tăng trưởng, bỏ trống, thiếu dây thần kinh nối kết nên các chức năng bị rối loạn. Đây là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới sức khỏe nạn nhân cũng như có nhiều hậu quả xấu cho gia đình và xã hội.
ẢNH HƯỞNG CỦA RƯỢU TÙY THEO GIAI ĐOẠN CỦA SỰ CÓ BẦU VÀ SỐ LƯỢNG RƯỢU TIÊU THỤ:
a- Thời điểm:
Quan sát ở súc vật cho thấy uống rượu vào ba tháng đầu của thai nghén đưa tới khuyết tật cơ quan cơ thể; thời kỳ nhì và ba đưa đến hành vi bất thường. Nhiều quan sát cho thấy ngưng uống vào giai đoạn ba của thai nghén cũng giảm bớt một phần ảnh hưởng xấu. Dăm lần uống say mềm (binge) rồi ngưng cũng nguy hại dù sau đó ngưng hoàn toàn.
b- Về số lượng:  
Câu hỏi đầu tiên được nêu ra là có một mức an toàn nào cho người mẹ ghiền rượu không? Một số ý kiến là đã có nhiều thế hệ phụ nữ mang thai uống rượu mà có sao đâu. Ngoài ra, cơ thể mỗi người mỗi khác nên rất khó mà xác định số lượng nào thì có hại cho thai nhi cũng như uống bao nhiêu thì an toàn.
Số lượng uống nhiều ít được dư luận trong ngoài y giới lưu ý và trở thành một đề tài về sức khỏe công cộng. Phụ nữ được hướng dẫn, giải thích không nên uống rượu khi có thai. Truyền thông cũng nhắc nhở các bà mang bầu là đã có công sửa soạn có thai thì cũng nên tránh rượu để khỏi gây rủi ro cho con mình.
Mới đầu, vấn đề còn quá mới nên nhiều thầy thuốc cho là nếu uống chừng dưới 30 ml một ngày thì không sao. Ngay cả tổ sư môn học sinh đẻ Benson trong sách sản phụ khoa của ông ta xuất bản năm 1977 cũng cho là “đôi khi uống rượu, chẳng hạn một coctail trước bữa ăn tối, thì không có ảnh hưởng gì cho thai nhi”. Nhưng sau đó vì ảnh hưởng của rượu quá rõ ràng nên sách tái bản năm 1983 nói rằng: “có thai mà tránh uống rượu là điều hay nhất; rằng đôi khi uống thì được mà ghiền kinh niên thì có thể sinh ra con dị dạng, chậm trí”.
 Theo một quan sát của Royal College of Obstetricians and Gynecologists thì khi uống dưới 8.5 drinks một tuần hoặc 1 drink một ngày thì con không bị FAS hoặc bị ảnh hưởng.
Năm 1977, hai tổ chức quan trọng về bệnh nghiện rượu bên Mỹ “National Institute of Alcohol Abuse and Alcoholism” và “National Council on Alcoholism” ra chung một thông cáo tuyên bố rằng “hụ nữ có thai mà mỗi ngày uống từ  6 drinks (khoảng 90 ml) trở lên thì có nhiều nguy cơ sanh con khuyết tật”. Cẩn thận hơn nữa, hai cơ quan xác nhận  thêm “ngay cả từ 2 tới 6 drinks cũng có thể gây ra tổn thương cho thai nhi”.
Tập san của Hội Y Sĩ Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1984 có đăng một bài mà ý chung  là  “dù chỉ uống rượu vừa phải cũng gây ra chậm tăng trưởng cho thai nhi”.
Càng ngày càng có nhiều chứng minh chắc chắn là tác hại của rượu lên thai nhi tùy thuộc vào số lượng: uống nhiều, hại nhiều; mức độ rượu cao có tác dụng xấu hơn mức độ làng nhàng, chẳng hạn khi đột nhiên uống tới say mềm là hại. Vì không đồng ý với nhau về con số, nên giới chức thẩm quyền khuyên chẳng nên uống rượu khi có bầu.
Vấn đề FAS đặt ra đúng vào lúc tỷ lệ phụ nữ, nhất là thiếu nữ, dùng rượu tăng cao. Trong khi đó kỹ nghệ sản xuất rượu lại rất mạnh và đóng góp nhiều cho ngân sách  nhiều quốc gia. Rượu lại rất phổ thông, được bán hợp pháp, được quảng cáo rộng rãi, được nhiều người uống.
Riêng với người mẹ thì cũng có nhiều ấn đề trong thời gian mang thai. Họ dễ bị băng huyết, nhau tách sớm, sẩy thai.
DẤU HIỆU CỦA KHUYẾT TẬT
Ngay khi mới sanh, đứa bé có dấu hiệu như của một người ghiền nhớ rượu: rất dễ  bị kích thích, mình run rẩy, cơ thịt co dựt như lên kinh phong.
Hai thay đổi chính sau đây đã được diễn tả:
1- Thay đổi hình dáng:
- Mặt là nơi có những thay đổi rõ ràng, đặc biệt nhất. Đầu nhỏ, tóc mọc sau gáy, trán nhô, mặt dẹp, gò má thấp, tai thấp, mi mắt sụp, mắt nhỏ, mũi ngắn, sống mũi dẹp, môi trên mỏng đôi khi chẻ, răng nhỏ, cằm lẹm, khoảng cách giữa mũi và miệng rộng;
- Lồng ngực nhô ra hoặc xẹp vào, cột sống nghiêng vẹo;
- Khớp xương và tứ chi bất bình thường: ngón tay út ngắn, co quắp; dấu ngón tay mờ, cơ thịt nhão, khớp xương lỏng lẻo; cử động xương hông giới hạn;
- Ngũ quan cũng bị ảnh hưởng: về thị giác thì có lé mắt (strabismus), rung dật nhãn cầu (nystagmus), cận thị cả hai mắt. Dây thần kinh mắt bị giảm sản;
- Một phần ba nạn nhân bị điếc trong khi đó thì nhiều em lại có nhạy thính giác bất thường. Hầu hết hay bị viêm tai giữa.
- Tim thận có dị tật. Vách nhĩ thất thủng. Thận giảm sản, chia đôi; bọng đái có túi (ladder diverticula), ngọc hành nằm trong bụng.
Các em đều chậm lớn, biếng ăn, nhẹ kí, ngủ nghỉ bất thường. Đa số có thể tăng trưởng được nhưng rất chậm.
2- Chậm phát triển trí tuệ:
Hầu hết các em có chỉ số trí tuệ IQ chỉ khoảng 68. Khả năng đọc hiểu ở trình độ lớp 4, khả năng toán học ở lớp 2. Về phương diện giáo dục, chúng được xếp vào loại “có thể dậy dỗ được”. 90% kém khả năng tiếp nhận và diễn tả ngôn ngữ, và 95% không biết tiêu tiền.
Tiếng nói lơ lớ, âm thanh trong họng, đều đều, cứng nhắc, phát âm không rõ dù ý nghĩa và nội dung bình thường.
Thời gian phản ứng chậm, kém tập trung; không phân biệt được mầu sắc; khó nhớ tên người và sự vật; kém phán xét, không biết hậu quả hành động của mình; không ý thức được tương lai; không phân biệt khen chê, ơn nghĩa; kém phối hợp các hành động.
Ngay từ khi còn bé, các em đã ngang ngược, hay đòi hỏi và gây bực mình cho người khác. Lớn lên chúng thích cô đơn, bất cần đời, không chơi với ai, không nghe ai, lười biếng, thụ động, buồn vô cớ, ăn cắp vặt, xâm phạm tình dục, lạm dụng rượu.
Một hội nghị vào năm 1980 của các chuyên gia về hội chứng này đã đề nghị là để định bệnh, phải có một trong các dấu hiệu của ba loại sau đây:
1- Chậm tăng trưởng trước và sau khi sanh với thiếu cân, thiếu chiều cao, đầu nhỏ so với tuổi
2- Rối loạn về hệ thần kinh trung ương với các dấu hiệu bất bình thường các chức năng thần kinh, chậm phát triển về hành vi hoặc có hư hao trí tuệ
3- Có ít nhất hai dấu hiệu bất thường về đầu-mặt như đầu nhỏ, mắt ti hí, mép trên rộng, môi trên mỏng, mũi ngắn, gò má dẹp.  
ĐIỀU TRỊ - CHĂM SÓC
Chăm sóc, giải quyết những vấn nạn xã hội của người mẹ say sưa, những hậu quả của đứa con tật nguyền là trọng tâm.
Động cơ đưa người mẹ tới nghiện rượu cần được tìm hiểu, giúp đỡ. Có vấn đề gia đình, việc làm. Có đam mê, áp lực của bè bạn. Không hay biết tác hại của rượu.
Những chối cãi, giấu giếm cần được phát hiện, phanh phui.
Giáo dục, giải thích về hậu quả của rượu với mẹ và bào thai. Những khuyết tật, những chậm trí, những vần đề cá nhân và xã hội của đứa bé tăng trưởng trong say sưa của mẹ. Những tốn kém cho gia đình và ngân sách quốc gia.
Kinh nghiệm cho hay phụ nữ có thai trẻ, độc thân, kém văn hóa, ghiền thuốc lá thì lại hay uống rượu nhiều hơn. Họ cần được khuyên giải nhiều hơn. Trường hợp cần để bảo vệ thai nhi thì có thể đặt người mẹ dưới sự giám sát của pháp luật. Ghiền rượu khi có thai được nhiều người coi như một bạo hành với thai nhi, lấy đi cái quyền sống cuộc đời bình thường của chúng.
Trong hướng dẫn, giáo dục nên nhấn mạnh ở ảnh hưởng xấu của rượu và lợi ích cho cả mẹ lẫn con khi mẹ ngưng uống. Không bao giờ quá trễ để bỏ rượu, vì ngưng lúc nào là thai nhi bớt say lúc đó. Dọa nạt nhiều khi đưa tới thái độ đối kháng, bướng bỉnh.
Với con, việc chăm sóc điều trị phức tạp, tốn phí và lâu dài hơn vì đứa bé sinh ra với nhiều bệnh về thể xác và tâm thần. Vào tuổi đi học, các em đều mang nhiều vấn đề khó khăn tại học đường Lớn lên, các em hay có những hành vi bất xứng, phạm pháp, không giữ được liên hệ gia đình nhất là với người mẹ đã sinh ra mình. Đa số các em được chăm sóc bởi cha mẹ nuôi hoặc trong viện mồ côi. Nhiều em sau này cũng rơi vào vòng nghiện ngập, bê tha. Và chính quyền phải mang gánh nặng cưu mang giúp đỡ các em suốt đời.
KẾT LUẬN
Tuy tỷ lệ Mẹ-Rượu-Con-Khuyết-Tật không cao, nhưng những đứa con sinh ra đều mang nhiều tàn phế của cơ thể và sống trong những hoàn cảnh đáng thương. Tất cả chỉ vì sự thiếu ý thứ kèm theo một chút yếu lòng của người mẹ.
Đã mất công mang thai, đã hoài bão có con thì người mẹ cũng nên dằn lòng cho qua khỏi thời gian chín tháng mười ngày cưu mang. Để mẹ tròn, con vuông, cho gia đình đầm ấm với tiếng nói trong vui của trẻ thơ lành mạnh.