Dân Chúa Âu Châu

SAM 6606
Thành phố thủ đô của nước Hungary mà tiếng Việt tôi thường nghe gọi là (Hung gia Lợi) phải công nhận là rất đẹp và nhiều biểu tượng rất nổi tiếng như tòa nhà Quốc Hội v.v... nhưng tôi sẽ chia sẻ tường thuật sau. Hôm nay tôi muốn chia sẻ về Ngôi thánh đường nổi tiếng Mathias nằm bên dòng sông hiền hòa và thơ mộng dó là dòng sông Donau.
Sông Donau nằm giữa thủ đô Hung Gia Lợi, chia đôi hay ngăn cách giữa Buda và Pest  trong nhiều chục năm trời. Mãi sau này trải qua nhiều cuộc chiến tranh và biến động về chính trị mới thống nhất lại được nên gộp chung hai bên lại thành ra tên gọi chung của thủ đô là Budapest.
 
Nếu bên phía Pest có Vương cung thánh đường mang tên vị vua Stephan thì bên Buda có vua Mathias. Bên Pest có tòa nhà Quốc Hội đẹp và hùng vĩ với tháp cao 96m thì bên Buda có Pháo đài Ngư Phủ Fisherman’s Bastion với ngọn tháp của nhà thờ mang tên vị vua Mathias cũng cao 96m ngang ngửa nhau mà trong tiếng Việt xưa của chúng ta có câu " Bên tám lạng, bên nửa cân" là rất chính xác luôn. Hai bên thành phố Budapest nối với nhau bằng cây cầu dây xích Chain Bridge bắc qua dòng sông dẫn lên đồi Buda Castle nhìn rất đẹp cho nên chắc ai đến đây cũng đều mê mẩn và muốn quay trở lại đây lần nữa.
Nhà thờ mang tên vị vua nổi tiếng Matthias này là nhà thờ Công giáo La Mã nằm ở Budapest ngay kế bên Bến ngư phủ và Lâu đài của Buda là nhà thờ lớn thứ hai của thủ đô này. Theo sách vở của nhà thờ ghi lại thì được bắt đầu xây dựng theo phong cách La Mã vào năm 1015, và được mang tên là nhà thờ Đức Bà Maria nhưng đã bị đội quân Mông Cổ xâm lăng hai lần vào thế kỷ 13 (như hai lần ở Việt Nam) làm cho khoảng 2 triệu người Hungary bị chết và nhà thờ bị phá hủy. Nhà thờ hiện nay được xây dựng theo phong cách Gothic vào nửa sau của thế kỷ 14 và được phục hồi rộng rãi vào cuối thế kỷ 19. Đây là nhà thờ lớn thứ hai của Budapest thời trung cổ và nhà thờ lớn thứ bảy của Vương quốc Hungary.

Đại thánh đường Matthias mang màu sắc tươi sáng của mái nhà lợp ngói rất đặc biệt với nhiều sắc màu hài hòa. Đại thánh đường được đặt tên là Nhà thờ Matthias bởi vì vua Matthias rất thông minh giỏi giang về quân sự đến độ dám đương đầu với cả đội quân của tòa thánh La Mã và nhiều đội quân hùng mạnh nhất lúc bấy giờ như Otteman Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra vị vua anh minh này còn thông thạo nhiều ngoại ngữ nữa, ông trị vì vào khoảng 30 năm. Sau này ông mất đi thì đế chế Thổ mới có cơ hội chiếm đóng ở nước này.
Vào năm 1686 trong một cuộc bao vây Buda của quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ rất nguy kịch khi chúng tấn công và phá hư làm cho một phần bức tường của nhà thờ bị sụp đổ do hỏa lực mạnh, bỗng dưng có một bức tượng Đức Mẹ Maria bằng vàng nơi bức tường đã xuất hiện ngay lúc người Hồi giáo đang cầu nguyện, tinh thần của họ suy sụp hoảng hốt và chạy toán loạn dẫn đến bại trận.
Tôi khá thú vị khi bước vào bên trong Đại thánh đường Mathias này vì cảm giác nó rất khác các nhà thờ Công giáo khác ở châu Âu mà tôi đã từng thăm viếng rất nhiều. Đây cũng là Đại thánh đường và là nơi đăng quang của nhiều vị vua, bao gồm cả vua Charles IV năm 1916 (vị vua cuối cùng của Habsburg) cũng là nơi đã cử hành hôn lễ của Vua Matthias, sau đó là Beatrice xứ Naples, thì rất xứng đáng với danh hiệu là Vương cung thánh đường Hoàng gia.
Sau hàng thế kỷ làm nơi diễn ra lễ đăng quang của các vị vua Hungary đã trở nên thành di tích lịch sử của nước Hungary và Âu Châu cũng như Thế Giới thì chắc chắn phải được bảo tồn văn hóa. Bởi thế chúng ta không lạ gì khi Budapest là thành phố sở hữu nhiều Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Quần thể có Vương cung thánh đường Mathias này cũng đang là một quần thể được UNESCO trông coi trong danh sáng bảo trợ.
Khi chúng tôi vào bên trong nhà thờ để tham dự thánh lễ và tai nghe tiếng đàn organ vô cùng hay và ấn tượng. Hôm nay là ngày chúa nhật nên vô tình chúng tôi được tham dự thánh lễ bằng tiếng La-tinh và như vậy mới có cơ hội nghe nhạc công organist đệm  đàn cho những giọng ca thánh thót của dàn hợp xướng tài năng. Mặc dù chỉ hiểu chút ít tiếng La-tinh nhưng trong âm nhạc và nhất là nhạc thánh ca thì sự cảm nhận của những người Kitô hữu thật tuyệt vời!. Sau thánh lễ chúng tôi tranh thủ chụp một số ảnh và thăm viếng những nhà nguyện và một số di tích lịch sử của ngôi Đại Thánh Đường này. 
Nổi bật trong nội thất Đại thánh đường này không thể không nhắc kể đến những bức tranh tường bằng vàng lá và những khung cửa kính màu rực rỡ lung linh sắc màu diễn tả về những ý nghĩa trong thánh kinh. Trong đây còn có cả Bảo tàng Nghệ thuật về nhiều những di tịch của Giáo hội công giáo Hungary. Những bảo vật thiêng liêng, những bản sao các món trang sức trong ngày đăng quang và vương miện hoàng gia Hungary v.v...

Sau thánh lễ tôi mới biết rằng khách du lịch vào tham quan thì phải mua vé mới được vào, còn trong những giờ có thánh lễ thì không cho tham quan. Thánh đường mở cửa cả ngày vào các ngày trong tuần, buổi sáng các ngày Thứ Bảy và buổi chiều Chủ Nhật. Chúng tôi đã trở lại đây vào ngày hôm sau để tham dự thánh lễ và để có cơ hội được viếng thăm cũng như ngắm nhìn những di tích lịch sử xinh đẹp này thêm một lần nữa.
Ai đã tới Budapest thì không nên bỏ qua hai đại thánh đường ở thủ đô này là Vương cung thánh đường Stephan và Mathias nhé.
Không vào viếng hai nơi này thì uổng lắm! đặc biệt là những người hành hương Kitô Hữu.
Trầm Hương Thơ_2020