Dân Chúa Âu Châu

IMG 2826
Phía bên núi nơi nhà thờ "Kinh Lạy Cha" chúng tôi đi xuống núi một đoạn khoảng vài trăm mét về hướng Giêrusalem, nơi đây có "Vườn Cây Dầu" mà trong sách vở thường gọi là vườn Ghệtsêmani. Đây là nhà thờ Chúa Giêsu nộp mình cho quân dữ bắt. Nhà thờ này có hàng rào rất kỹ chúng ta phải đến trong những giờ mở cửa thì mới vào được. 
Tôi đọc nhiều sách vở hoặc các phái đoàn hành hương hay tường thuật thì gọi là "NHÀ THỜ CHÚA HẤP HỐI" tại sao gọi như thế thì tôi không biết. Còn tôi gọi đây là nhà thờ "Chúa Giêsu Nộp Mình cho quân dữ". Vì sau khi Chúa Giêsu Lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly cùng các tông đồ xong, mấy Thầy trò dẫn nhau từ bên Giêrusalem đi qua thung lụng Khidon để sang bên núi Cây Dầu. Đây là nơi vườn GIỆTSÊMANI và sau khi cầu nguyện với Chúa Cha thì Ngài đã vâng phục và phó mình cho quân dữ đến bắt khi Juda Iscariốt phản bội đến hôn Ngài. Lúc này Ngài chưa bị xử chết, chưa bị tra tấn đánh đòn, vác Thập tự giá và đóng đinh thì sao lại gọi là "NHÀ THỜ CHÚA HẤP HỐI" ?
Theo tôi nên gọi là Vương Cung Thánh Đường Giệtsêmani thì đúng nhất. Vương Cung Thánh Đường Giệtsêmani này do nhiều quốc gia góp tiền xây dựng vào năm 1922 đến 1924 thì xong nên còn có tên khác nữa là "Nhà Thờ các dân tộc". Nhà thờ này được xây lên trên nền nhà thờ đầu tiên ở thế kỷ IV. 
Trước bàn thờ nơi cung thánh có tảng đá rất lớn và khá phẳng, mà Truyền thống cho là Chúa Giêsu đã quỳ cầu nguyện với Chúa Cha đến nỗi đổ mồ hôi máu trên tảng đá này. 
Ngày nay nơi đây được các Linh mục và Tu sỹ dòng Phanxicô trông coi. Tảng đá này được rào lại chung quanh khoảng cao 40cm thôi, chắc có lẽ để cho khách hành hương đến có thể chạm tay vào được và được phép chụp ảnh ngoài giờ thánh lễ. Tôi qùy nơi hàng ghế cầu nguyện và suy niệm hình dung lại khi Chúa Giêsu qùy nơi đây cầu nguyện trong đêm cô đơn một mình khi biết mình sắp sửa phải hiến dâng làm hy tế nó đau đớn lắm! Nhất là khi những người thân cận nhất của mình là các Tông Đồ thì nằm ngủ đến độ Chúa gọi và nói như van lơn: Các con không thể thức với Thầy một giờ được sao... Thế mà mắt họ cứ trĩu lại đến độ không mở ra nổi. 
Còn cái đau đớn nào hơn khi phải một mình giữa sự sống và chết. Truớc đó mấy giờ đồng hô Phêrô còn nói rất mạnh, rất hăng là: dù cho tất cả những người này bỏ Thầy thì một mình tôi cũng nhất định không bao giờ bỏ Thầy đâu...
Phúc Âm thuât lại rằng:
Bấy giờ Đức Giêsu đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghệtsêmani. Người nói với các môn đệ: 
"Anh em ngồi lại đây, trong lúc Thầy đi đến đàng kia cầu nguyện".
Rồi Người đưa ông Phêrô và hai người con ông Dêbêđê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: 
"Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy".
Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: 
"Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha".
Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: "Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?
Suy gẫm đoạn Phúc Âm này xong tôi thấy khó thật. Mình không khéo còn thua xa các tông đồ khi xưa, có khi theo Thầy thấy ngon lành thì đi sát bên, khi rục rịch thấy chuyện bất lợi có khi còn rút trước khi đi với Chúa sang núi Cây Dầu này nữa, chứ đừng nói là đi với Chúa tới khi Ngài bị bắt với tìm đường mà chạy. Nhiều người tôi dám chắc đã chạy từ sớm rồi. Lậy Chúa xin ban cho con ơn tỉnh thức và bền đỗ Amen.
Nếu ta chú ý thì thấy ngay là chân bàn thờ có hình cái chén thánh đỡ bên dưới cái mặt bàn, nó mang ý nghĩa là "Chén đắng".
- VƯỜN GIẾTSÊMANI 
Bên ngoài Vương Cung Thánh đường này là vườn - núi Ô-liu cũng tức là vườn Giệtsêmani, có nghĩa “nơi ép dầu”. Đây chính là chỗ mà ngày xưa sản xuất dầu ô-liu, Ôliu thu hoạch từ trên núi, người ta mang xuống đây gọm lại lại làm nơi ép dầu. Hiện nay trong Vườn vẫn còn nhiều cây Ô liu cổ thụ, trong đây có nhiều cây hàng nghìn năm tuổi. Vườn nằm sát Nhà Thờ, người ta nói là có từ thời Chúa Giêsu. Tôi không biết có đúng không nhưng có chụp ảnh đây.
Đây là cây Ôliu lớn nhất trong vườn này mà tôi thấy. Nó có đường kính rất to, chắc đây là cây Ôliu to nhất mà tôi từng thấy. Những cây Ôliu này đa số là gốc của nói đã rỗng và nó không chết nhưng mà chia ra làm nhiều thân nhưng cái gốc rễ của nó thì ta có thể thấy được nó là một cây mà rất lâu năm rồi.
Loài cây Ôliu thì nó không cao lắm chỉ cao khoảng chưa tới chục mét trở lại mà thôi, khi nó già cỗi thì đa số ruột cây hay bị rỗng và có thể tách thân ra làm nhiều mảnh. Nhưng nếu môi trường không qúa khắc nghiệt nó sẽ vẫn sống tốt tươi, thậm chí còn sống rất khỏe và sống dai. Đặc biệt thường nó vẫn cho trái hàng năm.
Phía bên trong hàng rào là những cây Ô liu ngàn năm tuổi, ngày nay người ta rào lại kỹ lưỡng khách hành hương chỉ có thể đứng phía bên ngoài hàng rào để xem mà thôi. Không thể vào bên trong được, trừ một vài trường hợp ngoại lệ thì sẽ có các tu sỹ dòng Phanxicô mở cửa dẫn chúng ta vào. Theo tôi biết thì các phái đoàn nào được Linh mục Joseph Nguyễn Trọng Tước tổ chức dẫn đi , thì ngài quen biết với các Tu sỹ dòng Đaminh ở đây nên vào được. Sẽ có một buổi tối ngài dẫn phái đoàn vào trong vườn dầu này để giải thích và cầu nguyện theo phuơng pháp tĩnh tâm Linh Thao.
Chúng tôi cố gắng ghi lại vài tấm ảnh trước khu vườn Giệtmani, để đánh dấu Mùa chay thánh 2019 đã đến nơi Vườn Cây Dầu này,  nơi mà Chúa Giêsu và các môn đệ đã nhiều lần ở đây. Cả lúc Chúa sắp nộp mình để làm hy lễ cứu chuộc cả nhân loại chúng ta cũng tại nơi đây.
Trầm Hương Thơ
Mùa chay thánh 2019