Dân Chúa Âu Châu

IMG 2677
Như tôi đã trình bày trong mấy bài trước, tôi đến hành hương thành phố Nagiarét lần thứ ba, và lần này gia đình chúng tôi đi riêng nên có nhiều thời gian để lang thang thăm viếng những nơi mình muốn đến. Sau khi thăm viếng hai nơi mà Giáo hội công giáo cho là quan trọng nhất ở Nagiarét là Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin và Nhà thờ Thánh Giuse. Chính tại nơi đây khi xưa gia đình Thánh Gia sinh sống, và chính Đức Kitô cũng đã ở trong ngôi nhà này hơn 30 năm trời.
Buổi chiều nay tôi quyết định đến thăm nhà thờ Gabriel nơi giếng Đức Mẹ. người ta hay gọi là giếng nước Đức Mẹ bởi tại cái giếng này khi xưa Đức Trinh Nữ Maria hàng ngày vẫn thường đến đây lấy nước về nhà dùng. Theo như truyền thống người ta cho biết, vào thời cách đây hơn hai ngàn năm trước cả làng Nagiarét chỉ có một cái giếng này thôi, bởi nước của giếng rất trong và hầu như chưa bao giờ cạn. 

Chính tại địa điểm này ngày nay có một ngôi thánh đường trang nghiêm thuộc Giáo hội Chính Thống Giáo Hy Lạp điều hành và cai quản. Ngôi thánh đường mang tên của Thiên thần Truyền Tin Gabriel. Đây cũng là ngôi Thánh đường mà Giáo Hội Chính Thống Giáo cho rằng: Thiên Thần Gabriel đã truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria khi đang lấy nước nơi giếng này. Khi chúng tôi đi vào thì thấy đang có ba ông đứng nơi cái bục như bên công giáo chúng ta đọc thánh thư vậy, và cái cuốn sách đặt trên đó họ có thể xoay qua lại để tới phiên ai thì người đó xoay lại phía mình để đọc. Họ vừa đọc và vừa hát bằng tiếng Palestin rất chăm chú và sốt sắng, tôi không hiểu họ đang đọc kinh hay là hát thánh vịnh. Có một số giáo dân khoảng hai-ba chục người trong thánh đường cùng hòa theo hiệp nguyện. Chúng tôi ngồi phía sau cầu nguyện cảm thấy bầu không khí trang nghiêm lắm. Một lúc sau thì tôi thấy một vị Linh mục từ trong bước ra đầu đội mũ Linh mục chính thống giáo, và cất lời ca ngợi rồi xông hương bàn thờ, bấy giờ tôi mới biết có vị Linh Mục hiện diện nhưng ngồi ở trong cung thánh. Cung thánh này phân cách với giáo dân bởi những bức bình phong chạm trổ tinh vi nhưng hơi thấp để giáo dân ở ngoài vẫn có thể nhìn thấy Linh mục được. Bàn thời của họ thì quay lên trên như nghi thức thời Công Giáo trước công đồng Vatican II vậy.

 
Lúc sau đó có một phái đoàn hành hương đi vào và người hướng dẫn viên làm hiệu cho đoàn giữ im lặng mọi người cúi đầu bái chào và cầu nguyện một chút rồi đi theo vào trong và xuống dưới cầu thang, tôi thấy vậy liền đi theo vì tôi đoán cái giếng khi xưa Đức Mẹ kín nước nó nằm ở dưới đó. Đường xuống cầu thang này những bậc cách nhau hơi cao chứ không như những bậc bình thường ngày nay. Tôi thấy có rất nhiều phái đoàn hành hương trong đó có cả Việt Nam khi hành hương đến Nagiarét, thường thì sau khi viếng Vương 
Cung Thánh Đường Truyền Tin của Công Giáo xong cũng hay sang đây thăm viếng và uống ngụm nước ở tại giếng này, có nhiều người còn đựng vào chai đem về. 
 
Như hình tôi chụp bên đây là địa điểm cái giếng, có phía trên có bức ảnh Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria. Ngày nay họ đã làm một khung sắt để rào lại, có lẽ vì nhiều người đến đây đã không giữ gìn đoàng hoàng nên ban điều hành họ cũng đã xây lấp một đoạn trên, chỉ để lại một ít cho chúng ta có thể nhìn thấy nước chảy qua mà thôi. Có lẽ họ dùng máy bơm nước lên trên một cái thùng lớn để khách hành hương có thể lấy uống được. Tôi cũng đã uống một ly nước này, nước mát lạnh cảm giác ngon lành giải cơn khát. Tôi đến gần sát miệng giếng và đưa máy vào hàng rào để chụp tấm ảnh làm tài liệu. Thấy có nhiều đồng bạc cắc vất xuống giếng và còn có cả những mảnh giấy nữa, có lẽ ai đó đã viết những lời cầu xin và thảy xuống đây.
Như vậy bảo sao ban quản lý họ phải rào và xây lên một lớp bên trên để giữ gìn vệ sinh cho nguồn nước trong ở trong giếng. Cái giếng này không chỉ là cho dân làng nguồn nước mà nó còn là một di tích lịch sử vô giá. Một chứng tích đã trường tồn từ trước thời Chúa Giêsu Giáng Sinh, trong đó có Đức Maria mẹ Người vẫn thường tới đây lấy nước về dùng cho gia đình, trong đó có cha mẹ ngài là ông thánh Giakim và bà thánh Anna.
 
Đây là một trong những bức tranh mà giáo hội Chính Thống Giáo tin rằng Thiên Thần Gabriel đã truyền tin cho Đức Trinh nữ Maria ngay bên bờ giếng khi đến đây lấy nước. Bức tranh này được khảm bằng đá Mosaic nên tôi không biết đã bao lâu rồi. Trong đây còn có nhiều bức tranh nữa cũng được vẽ như vậy nhưng nhìn rất cũ, có lẽ cũng lâu lắm rồi. Trong nhà thờ tôi chú ý thấy rất nhiều người vào đây đốt nên cầu nguyện ngay bên dưới một bức ảnh truyền tin có vẻ đã cũ lắm rồi. 
Bức ảnh này được vẽ chắc đã rất lâu rồi, khung ảnh được chạm trổ một cách tinh vi rất đẹp, những hoa văn tiết họa chắc theo cách của họ ở đây khi xưa. Cứ thấy sau khi đốt nến họ đến cúi đầu vào bức ảnh để thì thầm cầu nguyện. Tôi cũng đến cầu nguyện cùng Đức Mẹ, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban ơn tha tội cho Đất nước Việt Nam chúng con mau thoát khỏi ách cộng sản vô thần.
Tôi tìm hiểu thì biết được thánh đường Gabriel này nằm tọa lạc ngay trên con suối và có mạch nước chảy vào giếng làng Nagiarét. như vậy có hai truyền thuyết Thiên Thần truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria. Theo Chính Thống giáo thì cho rằng Thiên Thần Gabriel đã hiện ra lúc Đức Mẹ một mình ở bờ giếng làng, vào thời đó cả làng chỉ có duy nhất một giếng nước này mà thôi. Còn theo đạo Công Giáo thì Thiên Thần hiện ra truyền tin lúc Đức Mẹ đang cầu nguyện tại nhà. Vì thế Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin đã được xây dựng ngay trên ngôi nhà Đức Mẹ đã ở năm xưa.
Phía bên ngoài sân thánh đường này họ cũng có những bức ảnh về Đức Mẹ của nhiều Quốc Gia như bên Vương Cung Thánh Đường Công Giáo, nhưng đa số là những ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đạo Chính Thống Giáo họ rất súng kính Đức Mẹ đặc biết là mẫu anh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, và họ tin rằng mẫu ảnh này được chính thánh sử Luca sáng tác. Những ảnh Đức Mẹ của họ làm nhìn rất đẹp và mang tính tôn Giáo trang nghiêm để tôn kính. Sau khi xem một số ảnh chung quanh tôi đi vào một viện bảo tàng nho nhỏ của họ ở nơi đây. Trong đây có rất nhiều những bức tranh đẹp họ vẽ về ý nghĩa trong cựu ước và cả tân ước nữa. 
Một số vẽ về những vùng đất nơi đây, có dòng sông Gio Đan, nơi vùng đất Chúa Giêsu chịu phép rửa tội và hoạt
động cùng với các tông đồ của Ngài. Nhiều hình ảnh các tông đồ như thánh Phêrô, thánh Phaolô, các thánh tổ phụ v.v... cũng đều giống bên Công Giáo.
Nhận xét chung thì thấy Đạo Chính Thống Giáo cùng một nguồn với Công Giáo nên tranh ảnh cũng tương trợ như nhau. Có thể nghi thức phụng vụ và đời sống tu trì có khác nhau một số thôi.
Một buổi chiều cảm thấy vui và hạnh phúc khi đang trên đường hành hương về miền đất thánh trong mùa xuân 2019.
Trầm Hương Thơ.
Mùa xuân 2019.