Kính gửi Cô Tuyết Hằng thương mến,
Cô ơi, cháu mới có "16 tuổi, mà cứ gặp chuyện nhà quá buồn! Bố hay gây gỗ với mẹ con hoài. Mẹ cũng không nhịn, cãi lại hà rầm! Thế là mỗi bữa cơm tối, hai chị em con thường nuốt cơm với sợ hãi, với nước mắt như chan canh của mẹ! Ba thì la lối xong là bỏ đi sang nhà bạn nhậu nhẹt!
Vấn đề gây nhau, chỉ vì tiền bạc, vì mẹ thất nghiệp đã hơn năm rồi, chưa tìm được việc làm khác, dù mẹ con có bằng Kế Toán Thương Mại. Bố bảo, nghề dậy học của ông không đủ nuôi ăn học, cơm áo cho cả bốn người trong nhà. Bắt mẹ phải tìm việc làm gấp rút. Mẹ tủi thân khóc lóc, rồi dắt thằng em trai nhỏ đi về nhà ngoại cả mấy tuần rồi. Bỏ con lại một mình trong căn nhà rộng. Tuy bố rất thương con, nhưng sao con sợ bố lắm! Đi học về, phải vào bếp làm cơm hầu bố. Phải lau chùi nhà cửa đủ thứ. Vì không có mẹ ở nhà, bố rất buồn bực, để bừa bãi đồ đạc lung tung từ phòng ngủ cho đến phòng khách. Bữa cơm tối thường thở dài nhìn con, nhìn quanh nhà mãi. Không biết, bố có nhớ mẹ như con thương nhớ mẹ không, hở cô?
Con khổ sở quá đi thôi! Học bài vở không “tiêu hoá“ được các môn. Nhất là môn toán học đấy cô ơi! Nhưng cái đau đầu điếng lòng con là bài... Toán đố làm sao cho mẹ con trở về nhà? Làm sao cho Bố chịu đi đón mẹ và em? Cô Hằng ạ, có chuyện này nữa, cô nghĩ hộ giùm con nhé: Có cô giáo đồng nghiệp của bố, tối tối thường điện thoại đến nhà trò chuyện với ông rất lâu! Mới đầu, ông rất vui vẻ, hôm qua không chịu tiếp điện thoại nữa, sau khi buông ra hai chữ ngắn “Không được“. Rồi lại bàn ăn, kế đó bị sặc sụa vì ăn bát canh rau quá mặn của con vừa nấu mang lên. Làm bố ho sù sụ, ho ra nước mắt. Thấy con sợ sệt xin lỗi, thì ông hiền lành vuốt tóc con, cười: “Gái phải liệu học hành cho giỏi chứ. Cũng nên dành thì giờ học làm bếp với mẹ con!“ - Rồi bố buồn rầu ngồi uống nước chè hoài! Bố mới 43, mẹ 38 tuổi. Con thương bố mẹ lắm!
Cô Hằng ơi, vậy là sao cơ? Có phải bố còn thương yêu mẹ không cơ? Hãy chỉ cho con cách thức để làm cho bố mẹ thuận hoà lại với nhau nhé? Con nhớ mẹ, nhớ em lắm rồi! Giúp con nhé? Và rất đợi thư hồi âm của cô! Thương mến chào cô!
Hoa Thiên Lý
TRẢ LỜI: Bông hoa Thiên Lý dễ thương ơi,
Cháu gái thực là ngoan! Dễ thương quá chừng cơ! Và cũng rất ư hiếu thảo với bố mẹ. Cô Hằng sung sướng được “làm quen“ với Hoa Thiên Lý, rung rinh cánh thơ ngây thắm xinh dưới ánh trăng rằm mười sáu ngọc ngà!
Cô rất thông cảm nỗi lòng nhớ thương da diết mẫu thân của cháu lắm! Bởi vì,
Người đã chín tháng cưu mang,
Nhai cơm thịt đút, xẻ cá lừa xương!
Bao năm hoạn dưỡng cưu mang ẵm bồng!
Nhà không có mẹ... vào ra lạnh lùng!
Thương con ngoan ngoãn, “bố“ ơi,
Lẽ nào đành để trẻ thơ khổ sầu?!
Một nhà phải đủ mẹ cha,
Một chồng, một vợ... gái trai reo cười!
Có phải vậy chăng “Bố già“ của Hoa Thiên Lý? Vậy thì, chớ nên loại bỏ địa vị một người vợ, một người mẹ trong gia đình! Tiền bạc tuy rất cần thiết cho cuộc sống con người. Thế nhưng... nếu ta để cho tình cảm mãi “đi vắng“ hoài trong trái tim khô héo. Thì đời sống sẽ trở nên cằn cỗi dầy mịt đá sỏi long chong. Tâm hồn cạn cùng như cái giếng khô nước, còn đâu là thi vị của hạnh phúc tổ ấm tình nồng! Hỡi Ai đó ơi, nỡ nào nhẫn tâm để cho bông hoa Thiên Lý héo rũ tuổi thơ, sướt mướt tàn rơi tuổi hồng?! Hãy chịu khó đắn đo mọi đường. Có bằng có cấp cao, thì sẽ có việc làm tốt. Là người có ăn, có học... thì xin Ai đó chớ có quá “độc tài“ buộc vợ mình phải ráo riết len chân chen “giò“ bôn ba hoài ngoài ngưỡng cửa gia đình, nhé?
Nụ hoa be bé nì, theo suy đoán của Cô, thì bố cháu cũng “nhớ gắt“ mẹ bé ấy! Nếu không muốn cho cô nào “nhào đại“ vào nhà, lúng liếng “ẵm mất“ trái sim tình của mẹ con nhà mình. Cháu phải lanh chân, nhanh tay “báo động“ loan truyền mạng lưới “Tình tan, tình tựu“ cho mẹ con biết gấp nhe. Để bà mẹ trẻ dẹp tự ái, dọn cửa tình mà sớm “hồi hương“. Chuẩn bị thứ tha,
Con thuyền rong ngược rong xuôi,
Bến nào đi được, gắng công chờ thuyền!
Cháu có biết không, hở Nụ Hoa Nhỏ dễ yêu? Phần của Bé là hãy tìm cơ hội bố con vui vẻ với nhau. Mà cố ý nhắc nhở các món ăn thức uống mẹ thường hay làm cho cả nhà ăn ngon. Cố gắng làm sợi... dây lòi tói “xích cẳng“ bố, lôi kéo cho “bố trẻ“ phải ràng buộc với me cháu, ha!
Nè, nói khẽ cho Bé Cưng nghe nhé! Cũng nên “ra chiêu“ buông chưởng nầy nầy... Hẳn nhiên, bố già hết còn đường chống trả, sẽ “thấm đòn, đo ván“ thẳng thừng đấy nha! Là... hãy tu tu khóc lóc, tu tu than thở liên hồi thảm thương, thực ướt mưa...
Nhè nhè, nhỏ nhẻ... nhè nhè,
Nài xin... Bố hãy đón Me về nhà!
Đấy nhé, cứ thế mà tiến bước dìu mẹ về với cha. Mến yêu chúc cháu sớm thành công toại lòng! Thương nhiều,
Cô Tuyết * Hằng