Dân Chúa Âu Châu

proiettili per armiChi phí quân sự trên hoàn cầu đã đạt tới mức kỷ lục: thế giới ngày càng võ trang thêm, theo phúc trình mới nhất của Viện quốc tế nghiên cứu về hòa bình, gọi tắt là SIPRI, ở Stockholm, thủ đô Thụy Điển.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Chiến tranh nay được liệt kê vào doanh vụ mang lại nhiều lợi tức nhất trên thế giới, với những chi phí khổng lồ ở các miền trên trái đất. Thực vậy, chi phí cho võ trang đã leo thang liên tiếp trong chín năm nay, và nay lên tới đỉnh cao 2.443 tỷ Mỹ kim, trong đó 55% do Mỹ và khối NATO. Con số này tương đương với 2,3% tổng sản lượng thế giới.

Viện SIPRI nhấn mạnh rằng từ năm 2009, các cuộc đầu tư về quân sự đều gia tăng tại năm châu. Một trong số những động lực đẩy mạnh sự leo thang đặc biệt này phải kể đến chiến tranh tại Ucraina, một nhân tố đã hoàn toàn đảo lộn những viễn tượng của các nước Âu châu về an ninh. Sự thay đổi này được phản ánh qua việc ngày càng gia tăng tỷ lệ tổng sản lượng quốc gia cho chi phí quân sự.

Sự gia tăng ấy cũng diễn ra tại Á, Úc châu và Trung Đông. Rất tiếc là không có miền nào trên thế giới có sự cải tiến trong lãnh vực này.

Nga và Ucraina

Đặc biệt trong lãnh vực chi phí quân sự, Nga đứng thứ ba trên thế giới: nước này dành ngân khoản tương đương với 102 tỷ Euro, tức là 4,5% trên bình diện thế giới và mỗi năm tăng 24%, tức là 5,9% tổng sản lượng quốc gia. Ucraina đứng thứ tám trên thế giới về đầu tư trong lãnh vực võ khí. Nước này đã gia tăng chi phí lên 51%, tương đương với hơn 60 tỷ Euro, tức là bằng một phần ba tổng sản lượng quốc gia. Với gần 32 tỷ Euro viện trợ quân sự nhận được, Ucraina đã thu hẹp khoảng cách với Nga: tổng chi phí quân sự của Ucraina bằng 91% chi phí của Nga.

Mỹ và NATO

Trong bối cảnh thế giới trên đây, theo phúc trình của viện SIPRI, đứng đầu chính là Mỹ, với mức đầu tư là 2,3% tổng sản lượng quốc gia, tức là 860 tỷ Euro, và chiếm 37% chi phí quân sự của thế giới, và 68% chi phí quân sự của 31 nước thành viên khối NATO.

Trung Đông cũng gia tăng chi phí quân sự trong một thập niên, tức là tăng 9%, đứng đầu là Arập Saudi, tiếp đến là Israel gia tăng 24%, vì cuộc tấn công tại Gaza, sau cuộc khủng bố của Hamas, ngày 07 tháng Mười năm 2023.

Tại Viễn Đông, theo SIPRI, Trung Quốc chi gần 278 tỷ Ero, tức là tăng 6%, Nhật Bản chi 50,2% cho quân sự trong năm ngoái (2023), tức là tăng 11% so với năm 2022 trước đó. Cả chi phí của Đài Loan cũng tăng 11% trong năm ngoái, với 16,6 tỷ Mỹ kim.

Theo ông Maurizio Simonelli, Phó Giám đốc viện Nghiên cứu Quốc tế giải trừ võ trang, các dữ kiện trên đây cho thấy các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Đài Loan đang gia tăng võ trang, và Trung Quốc vẫn là nước đứng thứ hai trên hoàn cầu về chi phí quân sự, sau Mỹ. Thái Bình Dương tiếp tục là vùng căng thẳng cao: “Trung Quốc là nước cạnh tranh lớn với Mỹ. Nhưng chi phí quân sự của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba so với Mỹ”.

Tại Liên Hiệp Âu châu, năm ngoái (2023), tất cả 27 nước đều gia tăng chi phí quân sự. Cuộc xung đột tại Ucraina càng làm cho quan hệ quốc tế căng thẳng, và hiện nay giữa Nga và các nước Tây phương không có chỗ cho đối thoại, và người ta chỉ nghĩ đến việc gia tăng ngân sách quân sự. Điều này bao hàm việc trở về thời chiến tranh lạnh hoàn toàn trong ngàn năm mới”.

Ông Simoncelli cũng nhận định rằng: “Thật là một ảo tưởng hoàn toàn khi nghĩ rằng các vấn đề quốc tế có thể được giải quyết bằng võ lực. Chúng ta đã thấy điều đó trong lịch sử: mỗi khi con người tìm cách giải quyết các vấn đề bằng bạo lực, thì lại tạo nên những tiền đề cho các cuộc chiến tranh mới và những oán ghét kéo dài trong nhiều thập niên”.

(Vatican News 22-4-2024)