Dân Chúa Âu Châu

Theo Phúc trình của Tổ chức Lương nông quốc tế, FAO, ở Roma, công bố ngày 12 tháng Bảy vừa qua, mục tiêu xóa bỏ nạn nghèo đói trên thế giới vào năm 2030 vẫn còn rất xa vời.

Phúc trình về tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng của tổ chức FAO, hiện nay trên thế giới có 735 triệu người ở trong tình trạng thiếu an ninh về lương thực, và trong số các nguyên nhân, chủ yếu là nạn lạm phát, thay đổi khí hậu và chiến tranh.

Làn sóng dài hậu Covid-19, chiến tranh tại Ucraina, những thay đổi khí hậu và lạm phát tiếp tục làm cho 735 triệu người ở dưới mức an ninh lương thực. Đối chiếu tình trạng giữa năm 2019 và 2022, người ta thấy rõ so với năm liền trước đại dịch và năm ngoái, có thêm 122 triệu người bị đói, nhất là Phi châu là vùng bị nặng nhất.

Cộng tác vào việc soạn phúc trình vừa nói có tổ chức FAO, tổ chức Nhi đồng của Liên Hiệp Quốc, Unicef, Chương trình Lương thực thế giới, PAM, và tổ chức Sức khỏe Thế giới (OMS), Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp Ifad. Phúc trình xác nhận điều đã được nói đến nhiều, đó là không thể đạt tới những mục tiêu phát triển do Liên Hiệp Quốc đề ra cho đến năm 2030. Dầu vậy có một động lực để lạc quan, đó là số người đói trên thế giới trong năm 2022 giảm được 83 triệu so với 828 triệu người trong năm 2021.

Ngày 04 tháng Bảy vừa qua, trong sứ điệp gửi Đại hội thứ 43 của Tổ chức FAO ở Roma, Đức Thánh cha đã nhận xét rằng “mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nạn đói, do Liên Hiệp Quốc đề ra, từ nay cho đến năm 2030, theo nhiều chuyên gia, sẽ không đạt được trong thời gian hạn định. Tuy nhiên sự thiếu khả năng đáp ứng trách nhiệm này không được dẫn tới sự biến các ý hướng ban đầu thành những chương trình mới, được xét lại, mà không để ý đến những nhu cầu thực sự của các cộng đoàn địa phương. Cần tránh nạn thực dân ý thức hệ làm biến thái những khác biệt văn hóa và các đặc tính truyền thống, nhân danh ý tưởng thiển cận về sự tiến bộ”.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA