Dân Chúa Âu Châu

Caritas quốc tế, hiệp tiếng với các Giáo hội Kitô ở Ethiopia kêu gọi quốc tế mở lại ngay việc trợ giúp lương thực cho dân chúng tại Ethiopia bên Phi châu.

Từ ngày 30 tháng Ba năm nay, Chương trình Lương thực của Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là PAM, và cơ quan Mỹ trợ giúp phát triển quốc tế, gọi tắt là UsAid, đã ngưng chương trình cứu trợ lương thực cho dân chúng tại miền Tigray, mạn bắc Ethiopia vì có những phúc trình nói về những vụ ăn trộm đồ cứu trợ. Liên HIệp Quốc thông báo những biện pháp an ninh chặt chẽ hơn để giúp các đồ cứu trợ thực sự được đưa tới những người đang cần được giúp đỡ. Sau đó, việc ngưng cứu trợ này được nới rộng tới toàn lãnh thổ Ethiopia.

Các vị lãnh đạo Kitô ở nước này đã lên tiếng kêu gọi các tổ chức quốc tế thu hồi các biện pháp vừa nói.

Hồi đầu tháng Bảy này, tân Tổng thư ký Caritas quốc tế, ông Alistair Dutton cũng lên tiếng và nói: “Trong ba tháng, hàng triệu người cần được trợ giúp nhân đạo đã bị tước bỏ lương thực, với hậu quả là tình trạng sức khỏe và an ninh của những người vốn đã bị chấn thương và thiếu thốn vì chiến tranh từ hai năm và còn vì nạn hạn hán.”

Theo ông Dutton, mặc dù những trợ giúp sinh tử, trong đó có những chương trình dinh dưỡng cho các phụ nữ và trẻ em, nước uống và hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp và phát triển, vẫn được tiếp tục, nhưng việc ngưng phân phối lương thực cho phần còn lại của dân chúng đang đe dọa thêm sinh mạng con người, nhất là những người già và những người ở trong tình trạng sức khỏe yếu kém, các trẻ em và những người di tản nội địa. “Dân chúng đang chết đói. Trong những tuần lễ gần đây, hàng trăm người đã chết tại vùng bắc bang Tigray, vì thiếu lương thực. Đây là điều vô nhân đạo và không hợp với luân lý”.

Thông cáo của ông Tổng thư ký Caritas quốc tế cũng nhấn mạnh rằng “nạn ăn cắp và tham nhũng về trợ giúp lương thực là điều không thể dung thứ và những kẻ trách nhiệm phải trả lời về vấn đề này. Cần tiến hành việc điều tra kỹ lưỡng và đề ra các biện pháp trách nhiệm minh bạch để tránh những vụ ăn chặn đồ cứu trợ trong tương lai, nhưng không thể để những người vô tội phải chịu đau khổ trong thời gian thi hành các biện pháp đó và phải trả giá vì những vụ lạm dụng do những người khác”.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA