Dân Chúa Âu Châu

Des volontaires lors d'une distribution de vivres à Beyrouth (Liban), le 7 août 2020 | ANSA

12/12/2020

Hơn 50 cơ quan từ thiện Công giáo đã kiểm điểm tình hình khủng hoảng tại Siria và Irak: tình trạng cấp thiết về nhân đạo, thảm trạng dân tị nạn, sự xuất cư của các tín hữu Kitô khỏi nguyên quán.

  1. Trần Đức Anh, O.P.

Những vấn đề trên đây được đề cập đến và tìm biện pháp đáp ứng trong cuộc hội luận trực tuyến lần thứ IV, do Bộ Phát triển nhân bản toàn diện tổ chức, chiều ngày 10/12/2020 vừa qua, tại Vatican.

Sau sứ điệp khích lệ của Đức Thánh cha, Đức Tổng giám mục ngoại trưởng Paul Gallagher đã đọc thay diễn văn mở đầu của Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, vì Đức Hồng y còn ở nhà thương. Đức Hồng Quốc vụ khanh phác họa bối cảnh ở hai nước Siria và Irak vẫn còn bị khủng hoảng kinh tế, bế tắc về chính trị và cả cuộc khủng hoảng các cơ chế chính quyền, và nay lại thêm đại dịch Covid-19. Trước tình trạng đáng lo âu ấy, Đức Hồng y Quốc vụ khanh khuyến khích mỗi người, mỗi cơ quan, tiếp tục theo đuổi các dự án giúp đỡ đặc biệt tại Siria, Irak, và cả tại Giordani và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức Hồng y Parolin viết: “Ngày nay, hơn bao giờ hết chúng ta không được bớt chú ý đến các nhu cầu của dân chúng tại các nước ấy, nhưng trong tư cách là Giáo hội, chúng ta phải canh tân dấn thân bác ái cạnh những người dễ bị tổn thương và túng thiếu nhất, và không quên việc huấn luyện các công nhân viên về mặt nghề nghiệp và tinh thần.” Đức Hồng y cũng bày tỏ quan tâm đến sự sụp đổ hệ thống tài chánh, cuộc khủng hoảng xã hội kinh tế và vụ nổ ở cảng Beirut, Liban: “Cần dấn thân mạnh mẽ, không những trong việc tái thiết, nhưng còn nâng đỡ các trường học và nhà thương Công giáo, là hai cột trụ nâng đỡ sự hiện diện của Kitô tại Liban và trong toàn vùng”.

Khóa họp được chia làm bốn phần: trước tiên là tình hình chính trị ngoại giao của hai nước Siria và Irak, tiếp đến là vai trò của Giáo hội tại hai nước này; thứ ba là tình trạng những người di dân và tị nạn; sau cùng là hoạt động của các tổ chức Công giáo, tiến từ giai đoạn khẩn trương đến giai đoạn phát triển toàn diện.

(Vatican News 10-12-2020)