Dân Chúa Âu Châu

don roman mykievych sacerdote greco cattolico ucraino autore della testimonianzaMột linh mục Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương, cha Roman Mykievych, cha sở giáo xứ Tsmenytsia ở miền tây Ucraina, cho biết: “Những đám tang các binh sĩ tử trận là thách đố lớn nhất đối với chúng tôi”.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, truyền đi ngày 03 tháng Năm vừa qua, nhân dịp lễ Phục sinh theo các Giáo hội Đông phương, cha Mykievych nói: “Lễ này ở nơi trung tâm đời sống Kitô và luôn hiện diện nơi các tín hữu Ucraina, nhưng với chiến tranh, lễ này càng trở thành một lối sống để có thể đương đầu với cái chết của bao nhiêu người, kể cả những người trẻ, dù là họ là thường dân hay binh sĩ”.

Cha cho biết sự đồng hành với người chịu tang bắt đầu với lễ an táng. Đối với các linh mục Ucraina, lễ an táng các binh sĩ tử trận là một trong những thách đố lớn nhất hiện nay, kể từ ngày 24 tháng Hai năm 2022, khi Nga bắt đầu tấn công Ucraina. Cha Mykievych cũng là Quản hạt gồm 17 giáo xứ. Cha kể: “Các bạn hãy nghĩ xem trong 17 giáo xứ này, không có giáo xứ nào mà không có các lễ an táng các binh sĩ đã tử trận ở chiến trường. Tất cả các giáo xứ đều có các lễ an táng như vậy. Có vài giáo xứ có tới hơn 10 lễ. Tại đây, giáo xứ Tysmenytsia này của tôi, tôi đã có 5 lễ an táng các binh sĩ, và trong Giáo hạt này, đã có 30 lễ như vậy”.

Để nâng đỡ các gia đình đối phó với thảm trạng, giáo xứ tìm cách cử hành lễ an táng một cách trọng thể bao nhiêu có thể, với sự tham dự của các binh sĩ, đại diện chính quyền địa phương và tất cả các linh mục trong giáo hạt. Cha Mykievych nói: “Đó là những kinh nghiệm rất quan trọng để nâng đỡ tinh thần cho gia đình, cho những người còn sống. Và sự nâng đỡ này bắt đầu chính từ lễ an táng, với sự hiện diện của một linh mục...”

Cha Mykievych giải thích rằng nếu một linh mục không tham dự lễ an táng và chỉ đến sau đó để đề nghị hỗ trợ và giúp đỡ gia đình tang chế thì điều đó không hiệu năng lắm. “Gia đình không thể được an ủi bằng những trợ giúp vật chất, và đó là việc của nhà nước. Trái lại, một linh mục phải đích thân giúp dân chúng sức mạnh để sống. Điều này rất quan trọng ngày nay, vì dân đang đánh mất sức sống và điều này người ta thấy rõ ràng. Dân chúng ta thán, một số cho biết là bị trầm cảm, xuống tinh thần, không thấy có viễn tượng nào, một số người khác nói là sợ hãi. Tóm lại, dân chúng mất sức sống và họ không biết tìm ở đâu. Vì thế, khi linh mục đến nói chuyện với họ, điều này giúp ích cho họ. Tại nơi đây, các linh mục còn có uy tín, tại đất nước Ucraina linh mục là nhà tâm lý đầu tiên.”

Trong tư cách là Quản hạt, cha Mykievych chủ sự tất cả các lễ an táng trong hạt. Cha nhận xét rằng: “Khi bạn đứng trước một thi hài của một binh sĩ trẻ, bạn nghĩ rằng lẽ ra bạn phải là người nằm đó, bạn ý thức rằng nếu binh sĩ này không chiến đấu, thì không biết bạn còn ở đây hay không, còn sống và bước đi trên mặt đất này hay không”.

Cha Mykievych nói rằng: “Trong bối cảnh đó, cử hành lễ Phục sinh trở thành trung tâm cuộc sống. ‘Đối với chúng tôi, Phục sinh không phải chỉ là một truyền thống hay một lễ. Đối với chúng tôi, Phục sinh là tất cả. Chúng tôi không cần giải thích cho dân Phục sinh là gì. Đối với họ, đó là tột đỉnh, là thánh thiêng. Cho dù một người cả năm không đi nhà thờ, nhưng đối với họ đi kính viếng ảnh Chúa Kitô, được tháo gỡ khỏi thập giá hoặc lễ làm phép bánh cho lễ Phục sinh, là điều thánh thiêng. Trước lễ Phục sinh, các tín hữu đi xưng tội đông đảo. Vì thế, lễ Phục sinh là một biến cố rất quan trọng đối với dân của chúng tôi”.

(Vatican News 3-5-2024)