Dân Chúa Âu Châu

Didier van Cauwelaertlepoint.fr, Jérôme Cordelier, 2023-10-01

Trong quyển sách mới “Chuyện khó nghe của các phép lạ” (L’Insolence des miracles, nxb. Plon), tác giả Didier van Cauwelaert mổ xẻ hàng loạt trường hợp lành bệnh không giải thích được làm cho cả khoa học và tôn giáo bối rối.

Didier van Cauwelaert là nhà văn có các tác phẩm bán chạy (hơn 6 triệu quyển sách phát hành 30 thứ tiếng), với nét hài hước đặc trưng của tác giả, ông xem xét những điều kỳ diệu trong bài tiểu luận vừa hấp dẫn vừa làm chúng ta bối rối. Đam mê về điều siêu nhiên, trong các tác phẩm trước đây, tác giả đã nghiên cứu tấm khăn liệm Turin, áo dài của Đức Mẹ Guadalupe.

Quyển sách này là dịp để xem lại một loạt trường hợp chữa lành hay những biểu hiện không giải thích được đã khuấy động cả tính hợp lý khoa học lẫn các nguyên tắc tôn giáo. Ở thời buổi của trí tuệ nhân tạo, trên thực tế  “Chuyện khó nghe của các phép lạ” không những thách thức lý trí con người mà còn cả niềm tin thiêng liêng. Đó là lý do vì sao cả y học và tôn giáo xem đây như những chuyện khó nghe. Theo chân của Tu viện trưởng René Laurentin, chuyên gia vĩ đại về các lần Đức Mẹ hiện ra, tác giả Didier van Cauwelaert mở cánh cửa để chúng ta có thể đến một thế giới khác.

Le Point: Liệu ở thời đại này chúng ta có còn tin vào phép lạ không?

Didier van Cauwelaert: Vấn đề không phải là tin mà là quan sát. Những hiện tượng tôi nghiên cứu đã được các bác sĩ chứng thực, các nhà khoa học công nhận với các thiết bị kiểm soát, máy quét hoặc MRI đáng tin cậy nhất. Bây giờ chúng ta có bằng chứng trước mắt, khi những căn bệnh nan y đột nhiên biến mất, khi các mô được tái tạo với một tốc độ đáng kinh ngạc.

Tôi xin dẫn trường hợp của người thợ săn Vittorio Micheli vùng Alpin năm 1963. Ung thư đã hủy hoại xương hông trái của ông, chân chỉ còn dính lại bằng thịt. Ông đi Lộ Đức, ông cảm thấy ngứa ngáy, ông tháo băng thạch cao và chúng tôi thấy mô xương được tái tạo ngay lập tức, giống như ống nước được tạm thời nối lại. Qua nhiều tuần, trên quang tuyến chúng tôi thấy xương hông trở lại hình dạng bình thường. Tôi có thể kể hàng chục hiện tượng thuộc loại này. Sự can thiệp của Thiên Chúa, sức mạnh của đức tin, sức lực không thể nghi ngờ của cơ thể con người? Ai cũng có thể có ý kiến riêng của mình. Nhưng thực tế của nhiều phép lạ là không thể phủ nhận.

Cần hết sức thận trọng. 

Phép lạ hay điều kỳ diệu?

Giáo hội dành riêng cho mình quyền quy kết và dùng từ phép lạ, Giáo hội nhắc lại không phải tất cả điều phi thường là từ Chúa. Chúng có thể nói đến khả năng của con người, hiện tượng huyền bí, mô phỏng xuất sắc hoặc thủ đoạn của ma quỷ: chúng ta phải hết sức thận trọng.

Phép lạ, có phải là thách thức cho thói kiêu ngạo của thời đại chúng ta khi con người muốn kiểm soát tất cả không?

Chính phép lạ là chuyện trái tai, theo định nghĩa của Học viện Pháp: “Một tính chất thách thức, khiêu khích mà chúng ta gán cho những gì đi chệch khỏi trật tự chung, là sự thiếu tôn trọng.” Một phép lạ, đó là chuyện không mấy lịch sự. Điều này gây bối rối cho khoa học cũng như cho các nhà chức trách tôn giáo. “Những người bẻ ghi điều khiển giao thông của Thiên đàng” thường không thích xác nhận mối quan hệ trực tiếp kiểu này giữa các thế lực thần thánh và những người có niềm tin – hoặc những người vô thần. Tôi kể một số người không tin trong số những người nhận được phép lạ ở Lộ Đức, họ đến đây không có lý do nào khác, họ đi để mang hy vọng cuối cùng đến cho gia đình họ…

Vì thế ông nhấn mạnh trong quyển sách, phép lạ thường được các khoa học gia rất duy lý phát hiện. Ông giải thích chuyện này như thế nào?

Đây là sứ mệnh được giao cho Ủy ban Y tế Quốc tế Lộ Đức, gồm khoảng ba mươi bác sĩ, tin hoặc không tin. Khi một chữa lành không rõ nguyên do xảy ra, bước đầu tiên là họ loại mọi giả thuyết bệnh tâm thể. Cuộc điều tra có thể kéo dài mười năm và các yêu cầu kỹ thuật rất khắc nghiệt: “Bệnh phải nghiêm trọng và đã được chứng minh, ảnh hưởng đến một cơ quan cụ thể và được lành, không có bất kỳ phương pháp điều trị y tế hiệu quả nào, phải nhanh chóng bất thường, không có giai đoạn dưỡng sức và dứt khoát.” Đó là chuyện bình thường: một người được phép lạ chết hai năm sau, sẽ là một xáo trộn cho y khoa và nhất là cho Giáo hội. Kể từ năm 1858, trong số hơn 7.200 trường hợp chữa lành không rõ nguyên nhân được các bác sĩ công nhận, Giáo hội chỉ chính thức xác nhận 70 phép lạ. Về mặt thiêng liêng, người nhận phép lạ phải sống xứng đáng với ơn đã nhận được.

Người ta có thể nghĩ Giáo hội công giáo dựa vào phép lạ để chiêu dụ. Vậy mà những người hoài nghi nhất lại là các chức sắc công giáo, xin ông làm rõ. Vì sao?

Giáo hội tuân theo một nguyên tắc cẩn thận rất khắc nghiệt. Đây không chỉ là theo chủ nghĩa hoài nghi nhưng là “giữ đúng thứ trật”.  Linh mục Agostino Gemelli, nhà tâm lý học thần kinh, chủ tịch Học viện Khoa học Giáo hoàng từ năm 1937 đến năm 1959 đã bức bách những người “làm” phép lạ như Thánh Piô Năm Dấu Thánh, hay mẹ Yvonne-Aimée de Jésus, bà là anh hùng Kháng chiến được Đại tướng De Gaulle vinh danh, một số chuyên gia xác định, bà có đặc sủng đặc biệt ở hai nơi một lúc (cùng một lúc bà can thiệp vào một số chiến trường) và khả năng ‘gánh lấy’ bệnh của người khác. Hồng y Ottaviani tuyên bố “Quá nhiều phép lạ!” khi bác bỏ hồ sơ phong chân phước cho bà năm 1960. Đúng là luôn có nguy cơ thờ hình tượng. Bernadette Soubirous đã trải nghiệm việc này ở Lộ Đức. Dù Bernadette lặp lại không biết bao nhiêu lần: “Tôi không làm phép lạ”, ai cũng đổ xô đến gặp cô, nghĩ rằng chỉ cần chạm vào cô là được chữa lành. Cô phải ẩn trong tu viện Nevers. Liệu cô có “chặn” thánh đường không? Sau bảy phép lạ đầu tiên được xác thực trong vòng chưa đầy chín tháng vào năm 1858, không còn chữa lành nào ở đó trong hai mươi năm.

Trên thực tế, Lộ Đức được kích hoạt lại nhờ một phép lạ “bên ngoài bức tường”. Phép lạ làm cho ông Pierre de Rudes, một công nhân nông nghiệp người flamand bị cây đổ đè lên chân. Chứng hoại thư bắt đầu xuất hiện, ông từ chối cắt cụt chân và suốt 8 tháng ông nằm chờ chết. Nhưng sau đó ông biết một hang đá giống như hang đá Lộ Đức được xây ở Oostakker, cách nhà ông một cây số. Ông lê nạng đến đó, khuỵu gối ở đó… rồi đứng dậy tuyên bố mình đã lành bệnh. Các bác sĩ khám thấy không còn vết hoại thư và các xương rời rạc được nối lại. Ông tiếp tục công việc của ông. 23 năm sau ông qua đời vì bị sưng phổi, khám nghiệm tử thi cho biết “hình dáng của những vết gãy cũ lâu ngày đã tự lành”. Giáo hội, đã không ngượng khi công nhận phép lạ này là phép lạ thứ tám ở Lộ Đức. Từ đó, việc chữa lành được tiếp tục ở Lộ Đức và tất cả những phép lạ được chính thức công nhận sẽ được chứng nhận là dứt khoát. 

Các sự việc là có, nhưng dĩ nhiên một số giải thích là của riêng tôi.

Người ta sẽ cho rằng tiểu thuyết gia Van Cauwelaert hơi quá. Ông sắp xếp lại các chuyện…

Không… Toàn bộ cuộc điều tra của tôi dựa trên hồ sơ y tế, chuyên môn khoa học, công trình của các nhà sử học và xác minh cá nhân. Các chuyện tôi kể là thật, dù tôi kể với giọng điệu của người viết tiểu thuyết, tôi giữ khoảng cách, cách kể chuyện là của tôi. Sự việc là như vậy, nhưng dĩ nhiên một vài giải thích là của riêng tôi.

Ông cho rằng Lộ Đức nợ nhà văn Émile Zola rất nhiều. Xin ông kể.

Tôi rất ngưỡng mộ nhà văn Zola. Đặc biệt là khi chuyện xui nhất cho một tiểu thuyết gia lại xảy ra cho ông. Năm 1898, ông bị chấn động vì cơn cuồng loạn đang thống trị Lộ Đức, ông muốn tố cáo hành vi khai thác nỗi đau của con người qua tiểu thuyết. Để điều tra trước khi viết, ông đi xe lửa của những người hành hương và chọn hai nữ bệnh nhân bị ho lao sắp chết để biến họ thành nhân vật của ông. Khi phỏng vấn họ, ông nghĩ: “Hai người này sẽ không qua khỏi đêm nay.” Và bây giờ họ bất ngờ được chữa lành ở thánh đường, trước mắt ông.

Một người bị bệnh lupus trên mặt và lành ngay lập tức. Nhà văn Zola trung thực ghi nhận các sự thật này trong sổ đăng ký của Văn phòng Y tế. Nhưng trong quyển tiểu thuyết Lộ Đức của ông, ông để hai nhân vật nữ này chết. Trên thực tế, họ sống được thêm 10 năm. Một người là bà Marie Lebranchu, nhân viên bán hàng ở cửa hàng Le Bon Marché, bà tổ chức các buổi hội thảo nói bà là nhân vật của nhà văn Zola, trở thành một phản-quảng cáo sinh động cho quyển sách. Đến mức nhà văn đề nghị giúp bà chỗ ở miễn phí nếu bà rời Pháp. Bà lịch sự từ chối. Nhưng năm 1908 khi phép lạ của họ được Giáo hội chấp nhận, họ vinh danh nhà văn Zola: “Nếu Chúa chữa lành chúng tôi, đó là nhờ nhà văn Zola đã chọn chúng tôi.”

Phép lạ nào làm cho ông cảm động nhất?

Trường hợp của em bé Mattheus, người Brazil sinh năm 2009, bị bệnh tuyến tụy không thể chữa khỏi và rất đau đớn, em bé không ăn bất cứ một loại thực phẩm nào ngoài đồ uống có protein. Một hôm, em cầu nguyện với chân phước Carlo Acutis qua đời khi 15 tuổi, anh hùng trên mạng của em: “Carlo, em muốn ăn bít-tết và khoai tây chiên như các anh trai của em.” Mười phút sau, em ăn được, không gặp vấn đề gì.

Các bác sĩ ghi nhận sự chữa lành tức thời của tuyến tụy và phép lạ này được ghi nhận trong hồ sơ phong chân phước cho Carlo Acutis ngày 10 tháng 10 năm 2020. Carlo là thiên tài máy tính, một tông đồ trên mạng. Năm 2006, trước khi qua đời vì căn bệnh bạch cầu tàn khốc, Carlo Acutis đã làm một bảo tàng ảo về các phép lạ Thánh Thể và bây giờ vẫn còn tiếp tục triển lãm vòng quanh thế giới. Bảo tàng gồm 136 trường hợp được khoa học xem xét kỹ lưỡng, trong đó có phép lạ biến tấm wafer thành cơ tim đã được giáo hoàng Phanxicô tương lai chứng kiến năm 1996 tại Buenos Aires. Phép lạ này sẽ sớm làm cho Carlo trở thành vị thánh trẻ nhất mọi thời đại.

Phép lạ có phải là độc quyền của Giáo hội công giáo không?

Không. Tôi dành một chương cho một phép lạ xảy ra ở Mecca năm 1986: chữa lành cho Leïla Lahlou. Người phụ nữ này có khối u ác tính ở vú trái suốt mười hai năm, kèm theo di căn phổi, khối u phát triển mà cả phẫu thuật hay hóa trị ở Maroc hay Pháp đều không thể chận được. Bị y học kết án, bà hành hương đến Mecca, được chữa khỏi và viết một quyển sách về căn bệnh này. Sau đó các người hồi giáo khác cũng nói mình được phép lạ như vậy.

Bị choáng ngợp trước các phương tiện truyền thông đưa tin về vụ này làm ảnh hưởng đến Mecca, Ả Rập Saudi đã nghĩ đến việc thuê một nhà tư vấn Lộ Đức để cải thiện việc kiểm soát y tế và quan hệ công chúng.

Ngày nay vẫn còn nhiều phép lạ phải không?

Hàng năm có hàng chục trường hợp được báo cáo cho Văn phòng Y tế Lộ Đức, (phép lạ mới nhất được Giáo hội công nhận cho đến nay là của bà Bernadette Moriau, 2018). Chưa kể đến hàng trăm trường hợp chữa lành gần đây, vừa lạ lùng vừa không thể giải thích, được cho là của Thánh Charbel Makhlouf bổn mạng của Lebanon, tôi đã kể lại trong sách những “trường hợp mổ” đáng kinh ngạc sau khi chết. Chính tôi cũng thấy khó tin những báo cáo y tế mà tôi trích dẫn, nhưng sẽ thật phi lý nếu cho tất cả những bác sĩ này là những người nói dối. Về các phép lạ Thánh Thể, càng ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.

Một trong những vụ gần đây nhất xảy ra khi tôi viết quyển sách này là phép lạ ngày 24 tháng 7 năm 2022. Gần Guadalajara, Mexico, một linh mục, theo lời xin của một giáo dân đã làm phép bức ảnh của chân phước Carlo Acutis, ngay lập tức dầu chảy ra sau khung kính. Trong thánh lễ sau đó, Mình Thánh lớn đặt ở giữa mặt nhật đột nhiên bắt đầu đập như nhịp đập của trái tim. Một số nhân chứng đã quay lại sự kiện này bằng điện thoại, kéo dài 30 giây và có thể xem trên Internet.

Theo chỗ tôi biết, các chuyên gia đã nghiên cứu mẫu bánh azyme đập 80 nhịp mỗi phút, họ không phát hiện một giả mạo nào. Điều làm tôi thích thú, hơn cả khía cạnh giật gân của những người được phép lạ là nguồn năng lực sau đó họ toát ra để phục vụ người khác. Dù nguồn gốc của phép lạ và sức mạnh của sự chói tai có như thế nào, tôi chú ý hơn hết là các hệ quả trên con người. Dù là người tin hay không, ở thời buổi trí tuệ nhân tạo đang được thần thánh hóa, việc nhìn vào những khả năng ít được biết đến của tâm trí chúng ta không phải là điều vô ích.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn