Dân Chúa Âu Châu

GLsqmkQXEAA6sbJamericamagazine.org, 2024-04-22

Hồng y Christophe Pierre, sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ nêu lên “xu hướng rút lui, tự động quy chiếu” ngày càng tăng, cả ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.

Ngài nói với hãng tin CNS: “Chúng ta phải chia sẻ sự giàu có, của cải của mình, đặc biệt trong thế giới ngày càng chủ nghĩa cá nhân. Tôi xem đây là thách thức của Giáo hội.”

Hồng y Christophe Pierre về Rôma nhận Nhà thờ Thánh Biển Đức – nhà thờ trên danh nghĩa xác nhận danh tính hồng y với tư cách là thành viên hàng giáo sĩ Rôma. Vào thời xa xưa, các hồng y bầu chọn giáo hoàng đều là cha xứ của các giáo xứ Rôma.

Hồng y đã cử hành thánh lễ tại đây với sự tham gia của giáo dân địa phương, các thành viên Giáo triều Rôma, hồng y James Harvey của Hoa Kỳ, các đại sứ mà ngài đã làm việc trong suốt sự nghiệp ngoại giao 47 năm đại diện cho Tòa thánh và khoảng 15 người thân trong gia đình ngài ở Bretagne, nước Pháp.

Ông Joe Donnelly, đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh nói với hãng tin  CNS: “Hồng y Pierre là cầu nối giúp phá bỏ những khác biệt giữa Hoa Kỳ và Vatican, hồng y cố gắng kết nối người Mỹ với Vatican.”

Mở đầu Thánh lễ, Nữ tu dòng Truyền giáo Xaviê người Pháp Nathalie Becquart, phó thư ký dưới quyền Thượng Hội đồng Giám mục đọc to tuyên bố chính thức công nghị của Đức Phanxicô ngày 20 tháng 9 năm 2023 phong hồng y, tước hiệu, các đặc ân của một hồng y và nhà thờ cho hồng y Christophe Pierre.

Bốn chủng sinh Hoa Kỳ và hai phó tế đang theo học tại Học viện Giáo hoàng Bắc Mỹ ở Rôma phục vụ thánh lễ.

Trong bài giảng, hồng y Pierre nhắc lại, khi còn là chủng sinh, mới đầu ngài nghĩ ơn gọi của mình là tiếp tục làm mục tử trong giáo phận Rennes, quê hương Pháp của ngài, nhưng sau gần 50 năm đi khắp thế giới trong ngành ngoại giao, giáo hoàng cho tôi một giáo xứ, một giáo xứ mà tôi chưa từng có.”

Ngài nói: “Là hồng y là nhân vật của đại chúng, có thể “lơ lửng” giữa nhiều vai trò nhưng giáo hoàng nói ‘không’, cha không nên bồng bềnh, ngược lại cha phải có cội rễ sâu trong giáo hội.”

Hai hồng y Pháp Pierre và Bustillo nhận giáo xứ Rôma của các ngài

Khi đại diện cho Tòa Thánh tại chín quốc gia trên năm châu lục, hồng y Pierre cho biết ngài luôn tìm thấy “một giáo hội địa phương, một đất nước địa phương, một nền văn hóa địa phương”.

Ngài nói: “Chúng ta gặp Chúa Kitô trong Giáo hội, và Giáo hội không phải là một ý tưởng, không phải là một cấu trúc bên ngoài cuộc sống chúng ta. Giáo hội là sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự tồn tại của chúng ta.”

Hồng y cũng suy tư về vai trò của một sứ thần với tư cách là một nhà truyền giáo, và ngài nói, hai từ làm nổi bật sứ mệnh của Đức Phanxicô với Giáo hội là “gặp gỡ và hoán cải”.

Ngài nói: “Công việc của một linh mục, của một nhà truyền giáo, chính là tạo cuộc gặp gỡ này, chứ không phải cuộc gặp gỡ của tôi với người khác, nhưng cuộc gặp gỡ của Chúa Kitô qua tôi hay qua người khác giúp chúng ta hoán cải.”

Trước khi được cử đến Hoa Kỳ năm 2016, hồng y Pierre đã làm sứ thần Tòa Thánh tại Mexico, Uganda và Haiti. Ngài cũng phục vụ tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Vatican ở Thụy Sĩ, Brazil, Cuba, Zimbabwe, Mozambique và New Zealand.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn