Dân Chúa Âu Châu

general audience 3Sáng thứ Tư, ngày 24 tháng Tư năm 2024, có hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương đã tham dự buổi Tiếp kiến chung hằng tuần của Đức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Như thường lệ, sau khi tiến qua các lối đi để chào thăm mọi người, Đức Thánh cha mở đầu buổi tiếp kiến với phần tôn vinh Lời Chúa. Tám độc viên thuộc các ngôn ngữ khác nhau đã đọc đoạn thư thánh Phaolô gửi các tín hữu Colossê (1,3-5):

“Anh chị em thân mến, chúng tôi cảm tạ Chúa, là Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và liên tục cầu nguyện cho anh chị em, sau khi được tin về lòng tin của anh chị em vào Chúa Giêsu Kitô và về đức bác ái của anh chị em đối với tất cả các thánh, vì niềm hy vọng đang chờ đợi anh chị em trên trời”.

Bài huấn giáo

Tiếp đến, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ mười sáu này tựa đề là: “Đời sống ơn thánh theo Thánh Linh”.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Trong những tuần qua, chúng ta đã suy tư về các nhân đức trụ: khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ. Như chúng ta đã nhấn mạnh nhiều lần, bốn nhân đức này thuộc về một sự khôn ngoan rất cổ kính, có trước Kitô giáo. Cả trước thời Chúa Kitô, người ta đã tuyên giảng sự lương thiện như một nghĩa vụ dân sự, sự khôn ngoan như quy tắc hành động, can đảm như yếu tố cơ bản cho cuộc sống hướng tới điều thiện, sự điều độ như mẫu mực cần thiết để không bị đảo lộn vì những thái quá. Gia sản này của nhân loại không bị Kitô giáo thay thế, nhưng được điều chỉnh, đề cao giá trị, thanh tẩy và hội nhập.

Vì thế, trong tâm hồn mỗi người nam nữ có khả năng đón nhận sự thiện. Chúa thánh Linh được ban để ai đón nhận Người thì có thể phân biệt rõ ràng thiện và ác, có sức mạnh để gắn bó với điều thiện và tránh điều ác, và khi hành động như thế, họ đạt được sự thành đạt bản thân.

Nhưng trên hành trình tiến về đời sống sung mãn, vốn thuộc về vận mệnh của mỗi người, tín hữu Kitô được sự phù trợ đặc biệt của Thánh Thần Chúa Giêsu Kitô. Sự phù trợ ấy được thực hiện với ơn của ba nhân đức hoàn toàn là Kitô giáo, và thường được liệt kê chung với nhau trong các sách Tân ước. Những thái độ cơ bản này, là đặc tính của đời sống Kitô hữu, đó là đức tin, cậy và mến. Các tác giả Kitô đã sớm gọi các nhân đức này là “đối thần” hay “hướng thần”, vì chúng được lãnh nhận và sống trong tương quan với Thiên Chúa, khác với các nhân đức trụ, lý do vì các nhân đức này là trụ của một đời sống tốt lành. Tất cả các nhân đức được đề cập đến trong bao nhiêu suy tư hệ thống, họp thành bảy nhân đức tuyệt vời, thường được đặt đối nghịch với 7 mối tội đầu. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo định nghĩa tác động của các nhân đức đối thần là: “Thiết lập, linh hoạt và mang lại đặc điểm cho hoạt động luân lý của tín hữu Kitô. Chúng hình thành và linh hoạt tất cả các nhân đức luân lý. Chúng được Thiên Chúa phú vào trong linh hồn các tín hữu có khả năng hành động như những người con Chúa và suy tư về cuộc sống đời đời. Đó là bảo chứng sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Linh trong các khả năng của con người”. (n.1813)

Nguy cơ của các nhân đức trụ là tạo nên những con người nam nữ anh dũng khi làm điều thiện, nhưng xét cho cùng, họ cô độc, lẻ loi, trong khi đó, hồng ân lớn của các nhân đức đối thần là tác động của Chúa Thánh Linh. Kitô hữu không bao giờ lẻ loi. Làm điều thiện không phải vì một số gắng lớn lao trong sự dấn thân cá nhân, nhưng vì, như một môn đệ khiêm tốn, họ bước theo Thầy Giêsu. Các nhân đức đối thần là thuốc giải độc hiệu nghiệm chống lại sự tự mãn. Bao nhiêu lần một số người nam nữ, tuy có đời sống luân lý không chê trách được, nhưng họ có nguy cơ trở thành những người tự phụ và kiêu ngạo! Đó là một nguy hiểm mà Tin mừng cảnh giác chúng ta, khi Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ: “Cả chúng con, khi các con đã làm tất cả những điều được truyền cho các con, thì hãy nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã làm điều phải làm” (Lc 17,10). Sự kiêu ngạo là một độc dược cực mạnh: chỉ cần một giọt thôi là đủ làm hỏng cả một cuộc đời, vốn mang vết tích tốt đẹp. Một người có thể đã thực hiện một núi các công việc thiện, có thể đã thu hái được những tưởng thưởng và ngợi khen, nhưng nếu người ấy chỉ làm những điều đó cho mình, để tuyên dương bản thân, thì có thể tự nhận là người nhân đức hay không?

Điều thiện không phải chỉ là một mục tiêu nhưng còn là một cách thức. Điều thiện cần rất nhiều kín đáo, tế nhị. Nhất là điều thiện cần cởi bỏ mình khỏi sự hiện diện, nhiều khi quá cồng kềnh là cái tôi của mình. Nếu mỗi hoạt động mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống, chúng ta chỉ làm vì mình, thì động lực ấy có thực sự quan trọng như vậy không?

Để sửa chữa tất cả những tình trạng ấy, nhiều khi trở thành đau thương, các nhân đức đối thần là những trợ lực lớn. Nhất là trong những lúc sa ngã, vì cả những người có ý hướng đạo đức tốt nhiều khi cũng sa ngã. Cũng như nhiều khi những người hằng ngày tập sống nhân đức, đôi khi cũng sai lầm: trí tuệ không luôn luôn sáng suốt, ý chí không luôn luôn cương quyết, các đam mê không luôn luôn được chế ngự, can đảm không luôn vượt thắng sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta cởi mở tâm hồn cho Chúa Thánh Linh, thì Người khơi dậy trong chúng ta những nhân đức đối thần: khi ấy, nếu chúng ta đã mất lòng tín thác, Thiên Chúa lại mở ra cho chúng ta đức tin; nếu chúng ta nản chí, Thiên Chúa thức tỉnh trong chúng ta đức cậy trông; nếu con tim chúng ta trở nên cứng cỏi, Thiên Chúa làm cho nó mềm dịu nhờ tình thương của Người.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt và chào thăm bằng các ngôn ngữ khác nhau, kèm theo những lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Bắt đầu là tiếng Pháp, Đức Thánh cha chào thăm đông đảo các tín hữu đến từ các giáo xứ và trường học ở Pháp, từ Côte d’Ivoire và Cộng hòa Dân chủ Congo bên Phi châu. Đồng thời, Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng “Chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Thánh Linh làm cho chúng ta được đầy tràn tin, cậy và mến để giúp đỡ nhau trên con đường theo Chúa Giêsu và làm điều thiện.

Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các nhóm đến từ Anh quốc, Phần Lan, Ấn Độ, Indonesia, Tanzania, và Hoa Kỳ, rồi nói rằng trong niềm vui của Chúa Kitô Phục sinh, tôi khẩn cầu trên anh chị và gia quyến tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhớ rằng thứ Bảy, ngày 04 tháng Năm là kỷ niệm mười năm phong hiển thánh cho thánh Gioan Phaolô II. Khi nhìn cuộc đời của người, chúng ta có thể thấy điều gì có thể đến với con người khi đón nhận và phát triển nơi bản thân những ơn Thiên Chúa ban: tin, cậy, mến. Anh chị em hãy tiếp tục trung thành với gia sản của thánh nhân. Hãy thăng tiến sự sống và đừng để mình bị đánh lừa vì văn hóa chết chóc. Nhờ sự chuyển cầu của người, chúng ta hãy xin Thiên Chúa ơn hòa bình mà thánh Gioan Phaolô II, khi còn làm Giáo hoàng đã dấn thân rất nhiều.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các nữ tu Phan Sinh thừa sai Chúa Hài Đồng Giêsu đang cử hành Tổng tu nghị và các tu huynh Mariste, cùng với nhiều nhóm khác. Đức Thánh cha chào các quân nhân thuộc quân trường ở thành Napoli, nam Ý, cùng với nhiều nhóm khác.

Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc đến các bệnh nhân, người già và các đôi tân hôn và người trẻ. Ngài nhắc nhở rằng ngày mai, tức là 25 tháng Tư, chúng ta mừng lễ thánh Marcô, tác giả sách Tin mừng. Thánh nhân đã mô tả sinh động và cụ thể mầu nhiệm con người Chúa Giêsu thành Nazareth. Tôi mời gọi tất cả anh chị em hãy để cho mình được Chúa Kitô thu hút để hăng say và trung thành cộng tác vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa.

Trước khi ban phép lành kết thúc, Đức Thánh cha còn kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho nhân dân Ucraina, quá đau khổ vì chiến tranh, cầu cho Palestine, Israel, đặc biệt các nạn nhân tại Gaza, cũng như tại nhiều nước khác. Đức Thánh cha tái khẳng định rằng chiến tranh luôn luôn là một thất bại, và trong tất cả những chiến tranh trên đây, chỉ có những người sản xuất võ khí là được hưởng lợi. Mọi người đã nhiệt liệt vỗ tay hưởng ứng nhận xét của Đức Thánh cha.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.