Dân Chúa Âu Châu

screenshot 2024 04 19 alle 10 1713516335Trong những ngày qua, hai thánh đường lớn nhất ở Thánh địa đã kỷ niệm một trăm năm thánh hiến.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hôm thứ Sáu, ngày 19 tháng Tư vừa qua, các cha Dòng Phanxicô mừng kỷ niệm trăm năm thánh hiến Vương cung Thánh đường Giệtsimani ở Jerusalem, quen được gọi là “Vương cung thánh đường mọi dân nước”. Hai ngày trước đó, ngày 17 tháng Tư, kỷ niệm tương tự cũng diễn ra tại Vương cung Thánh đường Chúa Hiển Dung, trên núi Tabor ở miền Galilea. Đây là hai nhà thờ thuộc số các nơi thánh được biết đến và kính viếng nhiều nhất ở Thánh địa. Cả hai được kiến thiết sau Thế chiến Thứ I, trên nền các thánh đường cũ bị phá hủy. Cả hai nhà thờ đều do kiến trúc sư Antonio Balduzzi (1884-1960) người Ý thiết kế. Sau đó, ông còn đảm trách việc xây các nhà thờ và nhà nguyện khác, theo sự ủy nhiệm của các cha Dòng Phanxicô ở Thánh địa.

Nhân dịp kỷ niệm “Bách chu niên” này, có cuộc triển lãm tựa đề “LuxTenebra”, Ánh Sáng - Bóng tối, tại cả hai Vương cung Thánh đường, trình bày ý nghĩa các nơi thánh đó, lối kiến trúc, bối cảnh lịch sử và những khám phá khảo cổ học. Các buổi lễ kỷ niệm do cha Massimo Fuserelli, Bề trên Tổng quyền Dòng Phanxicô, chủ sự.

“Vương cung thánh đường mọi dân nước” tọa lạc ở thung lũng Kidron, dưới chân núi Cây Dầu, tưởng niệm nơi Chúa Giêsu đã tới sau bữa Tiệc Ly để cầu nguyện trong hấp hối trước khi bị bắt, rồi bị điệu đến trước quan Philatô và bị kết án tử hình đóng đinh. Nhà thờ được trang trí với những màu sậm, mang sắc thái của đêm đen và chết chóc. Sở dĩ thánh đường được gọi là “Vương cung thánh đường mọi dân nước”, vì được xây cất với tiền tài trợ từ mười hai quốc gia, trong đó có nước Đức.

Trong bài giảng thánh lễ kỷ niệm, cha Tổng quyền Fusarelli nhận xét rằng: một người có thể để cho mình bị đen tối và bóng đen phủ ngập, chúng ta có thể cam chịu và tìm kiếm những giải thích của con người cho những gì xảy ra. Nhưng các tu sĩ Phanxicô tại chỗ này và tại Thánh địa, giúp tiếp tục một đời sống mới và một sự tăng trưởng mới nhờ kinh nguyện, nhờ chứng tá cuộc sống, việc phục vụ và trách nhiệm của mình.

(KNA, CAN 21-4-2024)