Dân Chúa Âu Châu

Pho te trong phuc vu on goi trong cham soc 1Nhân dịp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho ơn gọi chúa nhật 21 tháng 4, cha Jules Solot làm chứng cho vẻ đẹp và sự cần thiết của ơn gọi phó tế vĩnh viễn. Không phải là linh mục hạng hai cũng không phải là giáo dân dấn thân, các phó tế “phục vụ” đáp trả ơn gọi làm phong phú cho Giáo hội và cho ơn gọi của đức bác ái.

vaticannews.va, Jean-Benoỵt Harel, Vatican, 2024-04-19

Năm 2024 là năm kỷ niệm chức phó tế được Công đồng Vatican II thành lập. Đoạn 29 của Hiến chế Tín lý về Hội thánh, Lumen Gentium nêu rõ: “Ở cấp độ thấp hơn của hàng phẩm trật, các phó tế được đặt tay “không phải trong mục đích của chức linh mục, nhưng trong mục đích phục vụ”.

Ơn gọi phó tế phục vụ, còn được gọi là chức phó tế vĩnh viễn ngày càng phát triển trên khắp thế giới. Theo Niên giám giáo hoàng 2024 có hơn 50.000 phó tế trên khắp thế giới, nhưng hơn 97% phó tế ở các vùng châu Âu và châu Mỹ. 

Sứ vụ Bác ái

Đặc sủng của ơn gọi phó tế là trao tình yêu Thiên Chúa, trao bác ái chính là Thiên Chúa trong các mối quan hệ cả trong và ngoài kitô giáo, linh mục Jules Solot có trách nhiệm đào tạo các phó tế trong giáo phận Namur, nước Bỉ giải thích: “Trọng tâm của ơn gọi này là bác ái. Để bảo đảm việc phục vụ trong đức ái, người phó tế phải để mình được Chúa Kitô phục sinh và Chúa Thánh Thần truyền cảm hứng. Vấn đề không phải là sao chép một mô hình cũ, nhưng đi theo con đường dệt các liên kết.”

Phục vụ trong Giáo hội

Công việc của các phó tế trong Giáo hội rất đa dạng, tham dự vào việc phục vụ Giáo hội, trong Giáo hội phục vụ. Trong tiếng hy-lạp cổ, “phó tế” có nghĩa là tôi tớ và toàn thể Giáo hội được mời gọi để phục vụ. Theo cha Jules Solot, chức phó tế nhắc đến chiều kích phục vụ và bác ái của Giáo hội, phó tế là người kích thích lòng bác ái trong đời sống Giáo hội.

Linh mục Solot giải thích: “Đằng sau thách thức của chức phó tế là thách thức của cái đẹp trong Giáo hội. Nếu Giáo hội đánh mất chiều kích cao cả ‘chăm sóc’ thì chức phó tế sẽ mất đi tính thích hợp của nó. Vì vậy, mối nguy hiểm trong đời sống Giáo hội là mọi người bị cuốn vào việc truyền giáo, rao giảng lời Chúa và những việc liên quan đến chiều kích bí tích, nhưng điều không thể coi nhẹ, đó là việc ‘chăm sóc’ người khác đôi khi bị lãng quên.”

Thừa tác viên tình yêu của Chúa

Linh mục Solot giải thích tiếp: “Nhưng ơn gọi chăm sóc không chỉ giới hạn ở vai trò nhân viên xã hội theo nghĩa kỹ thuật, nhưng ơn gọi xuất phát từ đức tin, được lời cầu nguyện và Lời Chúa nuôi dưỡng, khi đó sứ vụ của họ trở thành chứng tá sống động của tình yêu Thiên Chúa cho mọi người. Một ơn gọi được thực hiện cách nghiêm túc vì đó là mục vụ chức thánh, là một ơn gọi, vì vậy câu hỏi được đặt ra là liệu Chúa có gọi mình không.”

Các chân dung khác nhau của phó tế

Linh mục Solot nhấn mạnh: “Phó tế có một vị trí hơi lạ vì ở giữa linh mục và giáo dân. Phó tế thuộc mọi tầng lớp xã hội, kết hôn hay không, có việc làm hay không… Trích lời giám mục Rouet, linh mục Solot giải thích: ‘Cần thiết phải để các phó tế tiếp tục công việc nghề nghiệp để họ giáo hội hóa công việc của họ.’”

Khi phó tế được mời cử hành một số bí tích như rửa tội hay hôn phối, linh mục Solot cảnh báo về nguy cơ bóp méo ơn gọi của phó tế. Không phải là linh mục phụ cũng không phải giáo dân siêu thế tục, phó tế có một vị trí rất đặc biệt trong đời sống Giáo hội. Nguy cơ giản lược chức phó tế thành những việc đơn thuần phụng vụ hoặc hành chính là đe dọa bản chất thực sự của chức phó tế. Chẳng hạn đôi khi tôi thấy linh mục nói: ‘Thầy phó tế lo giùm việc rửa tội’. Tôi hơi tiếc về cách làm này vì linh mục phải nói một cái gì đó với cộng đồng.”

Cha Solot, phụ trách đào tạo phó tế, cha ghi lại kinh nghiệm phó tế để cải thiện việc đào tạo, bên cạnh việc đào tạo thần học kết hợp với Đại học Công giáo Louvain.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn