Dân Chúa Âu Châu

Chúa Nhật lễ Hiện Xuống
Bài đọc: Cv 2, 1-11; I Cr 12, 3-7, 12-13; Ga 20, 19-23.
185882300 4324636277566909 2323264394811165879 nSứ vụ rao giảng Nước Trời của Chúa Giê-su được kết thúc qua cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Sứ vụ đó được nối tiếp bởi Chúa Thánh Thần đến soi sáng cho các tông đồ, qua các tông đồ là Giáo hội, ra đi loan báo những gì Chúa Giê-su đã nói và thực hiện. Ngay khi Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài đã ban Thánh Thần cho các ông với quyền Cầm buộc và Tháo cởi, đầy Bình an của Thiên Chúa Ba Ngôi mà ban phát cho mọi người từ Giê-ru-sa-lem đến tận cùng thế giới.

1. Xem

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

2. Xét

Cụm từ ‘ngày thứ nhất trong tuần’ rất ý nghĩa trong Ki-tô giáo, ngày Chúa đã sống lại khải hoàn. Ngày làm đảo lộn trong Giê-ru-sa-lem và cả thế giới. Cứ tưởng rằng, những nhà lãnh đạo Do thái, nhất là Thượng Hội Đồng, hả hê chiến thắng vì đã loại trừ một đối thủ là Đức Giê-su, nào ngờ 3 ngày sau Ngài đã sống lại. Kẻ xem là chiến thắng trở nên lo sợ, người thất bại lại trở nên chiến thắng khải hoàn. ‘Ngày thứ nhất trong tuần’ còn là ngày Chúa hiện ra với bà Maria Madalena, với 2 môn đệ trên đường Emmaus và với 11 tông đồ trong phòng đóng kín (bài Tin Mừng hôm nay).

Chúa Phục Sinh xuất hiện trước các ông làm gì? Ngài ban Bình an của Ngài, thứ bình an không phải kiểu thế gian. Ngài ban Bình an đến hai lần:
+ Lần thứ 1: “Bình an cho anh em!”, nói xong Người cho anh em xem tay và cạnh sườn. Những vết tích còn in dấu trên một thân xác phục sinh như một dấu chứng của một tình yêu dâng hiến. Các tông đồ thấy Thầy làm tâm hồn bình an đâm sâu, vì từ nay không u sấu buồn bã nữa. Thầy đã sống lại thật rồi!
+ Lần thứ 2: “Bình an cho anh em!” Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Rồi Người thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông. Thánh Thần là hơi thở và sự sống của Thiên Chúa. Chúa Phục Sinh đã ban cho các tông đồ sự sống thần linh Thiên Chúa. Sự sống ấy thật mãnh liệt, có thể biến đổi mọi sự.

Chúa Thánh Thần như làn gió, như Chúa Giê-su diễn tả bằng thổi hơi trên các tông đồ. Thánh Thần chính là làn hơi của Thiên Chúa, Ngài như là gió. Người ta không thấy gió, người ta không biết gió bắt nguồn từ đâu và đến đâu thì dừng lại. Cho dù các nhà khí tượng học có bao trước được các trận bão, ta vẫn có cảm tưởng mình bị một sức mạnh vừa huyền bí vừa mạnh mẽ bao trùm. Gió thổi và gây tiếng động. Gió bẻ gãy và nhổ bật lên. Gió tàn phá, nhưng cũng làm cho đất đai ra phì nhiêu. Có khi gió quạt mát, có lúc gió thiêu đốt. Về làn gió Thánh Thần cũng thế. Ngài mạnh mẽ, Ngài len lỏi vào mọi sự. Nếu chúng ta mở lòng ra với Ngài, Ngài sẽ bẻ gãy, Ngài nhổ tung và phá hủy tất cả những gì chống lại tình yêu Thiên Chúa; Ngài cũng làm cho các con tim nên dồi dào phong phú. Ngài liên tục làm việc trong lòng chúng ta, như thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6).

3. Làm

Chúa Ki-tô mà chúng ta gặp trong Thánh Kinh, tôn vinh trong phụng vụ và những buổi cầu nguyện, chính là Chúa Ki-tô Phục Sinh ban cho chúng ta Bình an và Thánh Thần, và sai chúng ta đi hân hoan chia sẻ niềm tin và niềm hy vọng ấy. Chúng ta cần phải để Người đưa chúng ta ra khỏi ngôi mộ của sợ hãi, của ích kỷ, của những sai lầm, để tin tưởng đi vào lòng thế giới. Quả thật, Đức Giêsu không giải thoát các môn đệ khỏi những ưu phiền (x. Ga 16,33), nhưng ban cho chúng ta sự vững vàng, không lay chuyển và sự tin tưởng an bình.

Nếu chúng ta chờ đợi một sự biến đổi đột ngột, tức khắc và lạ lùng sau khi được rửa tội, chắc chắn chúng ta phải thất vọng. Thánh Thần triển khai các hành động của Ngài như một hạt giống nhỏ bé trong tim chúng ta. Hạt giống ấy sẽ lớn lên dần dần trong âm thầm thinh lặng, nhưng chắc chắn sẽ kết quả. Việc Chúa Thánh Thần làm tiệm tiến, từ từ, khiêm tốn. Mong sao mỗi chúng ta cộng tác với Ngài cách tích cực và hiệu quả!

@ Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần đến thánh hoá Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai, và sai Giáo Hội đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện mà tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen. 

Lm. Nhan Quang