Dân Chúa Âu Châu

SADDAM HUSSEIN Cựu TT Iraq

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Nhà độc tài SADDAM HUSSEIN Cựu tổng thống Iraq đã đền tội trước thềm năm mới
Trong lúc mọi người đang chuẩn bị đón chào Năm Mới 2007 thì bất ngờ trên Internet và đài truyền hình Iraq chịu hình cựu Tổng thống Saddam Hussein bị treo cổ, như một bằng chứng xác định nhà độc tài hung ác nhất ở Trung Đông đã đền tội. Người Muslim hệ phái Shia thì vui mừng, nhưng người Muslim hệ phái Sunni lại đau buồn và biểu tình chống đối.
Dư luận trên Thế giới cũng không thống nhất về án tử hình và câu hỏi được đặt ra là:
-Tại sao Saddam Hussein bị treo cổ?
Trả lời cho thắc mắc này, chúng ta cần lật lại những trang sử trong những năm gần đây của Iraq.

Đôi hàng tiểu sử

Saddam Hussein tên thật là Saddam Hussein Abd al-Majid al-Tikriti, sinh ngày 28.4.1937, ở thị trấn Al-Awja, cách thành phố Tikrit 13 cây số, thuộc khu vực người Muslim hệ phái Sunni. Tên “Saddam” tiếng Ả-rập có nghĩa là “kẻ đối đầu”. Saddam không bao giờ gặp bố vì ông bỏ nhà ra đi từ lúc cậu bé mới được 6 tháng. Cùng trong thời gian này người anh 13 tuổi của Saddam bị chết vì ung thư. Người mẹ túng quẫn không nuôi nổi, phải gửi con trai của mình cho ông cậu Khairallah Talfah nuôi tới 3 tuổi. Không thể sống đời sống góa bụa, Mẹ Saddam tái giá, lấy Ibrahim al-Hassan và sinh được 3 con. Người cha ghẻ không ưa gì đứa con trai của vợ, nên mới 10 tuổi Saddam phải bỏ nhà về thủ đô Baghdad sống với ông cậu Talfah. Năm 1963, ông cậu cho phép Saddam thành hôn với con gái mình là Sajida Talfah.

Đúng ra cuộc giao ước kết hôn giữa hai gia đình bắt đầu khi Saddam mới 5 tuổi và Sajida mới 7 tuổi. Sau đó lễ thành hôn đã diễn ra ở Ai Cập trong thời gian Saddam tị nạn chính trị tại đây. Cuộc hôn nhân đầu mang lại cho hai người 5 con, 2 trai (Uday, Qusay) và 3 gái (Rana, Raghad, Hala). Uday sau này kiểm soát toàn bộ hệ thống truyền thông và được Liên hiệp các nhà báo Iraq vinh danh là nhà báo của thế kỷ. Qusay nắm lực lượng Vệ binh Cộng hòa và cảnh sát. Theo dư luận thì Saddam còn cưới Samira Shahbandar vào năm 1986, sau khi bắt ép chồng phải ly dị. Samira sinh cho Saddam một con trai tên Ali. Hai vợ chưa đủ, Saddam lại cưới bà vợ thứ ba là Nidal al-Hamdani, tổng giám đốc trung tâm nghiên cứu năng lượng mặt trời, sau khi ép buộc chồng phải ly dị.

Sau vụ hai con rể phản loạn và con trưởng Uday bị ám sát, Saddam Hussein không tin ngay cả vợ và con gái của mình. Vợ (Sajida) và hai con gái (Raghad và Rana) bị quản thúc tại gia.
Sống với ông cậu có tinh thần quốc gia cao độ, nên cuộc đời của Saddam chịu ảnh hưởng trực tiếp tinh thần này. Vừa tới tuổi thanh xuân, Saddam đã vào học trường quốc gia và gia nhập Đảng Xã Hội Ba’ath (Ba’ath Socialist Party) lúc mới 20 tuổi. Năm 1968 Saddam tham gia vào cuộc đảo chính Tướng Abdul Karim Kasim, người cũng đã thành công trong một cuộc đảo chính năm 1958. Saddam bị bắn vào chân, nhưng trốn thoát và chạy ra ngoại quốc. Ngày 25.2.1960 Saddam bị kết án tử hình khiếm diện, vì tội tham gia đảo chính. Sau thời gian học tại Ai Cập, Saddam theo đoàn quân Cách Mạng Ramadan do Ahmed Hassan al- Bakr và đảng Ba’ath chủ động lật được Tướng Kasim vào năm 1963. Nhưng tình hình trở nên rối ren và một cuộc đảo chính khác đã xảy ra do Tướng Abdul Salam Arif cầm đầu và trở thành Tổng thống. Năm 1968, nhờ Ai Cập hỗ trợ, Ahmed Hassan al-Bakr đảo chính lật đổ TT. Arif lên nắm chính quyền. Saddam lại bị bắt bỏ tù ngày 14.10.1964. Nhờ thành tích hoạt động, dù đang ở trong nhà lao, Saddam được đề cử vào chức vụ Phó Tổng Thư ký đảng Ba’ath.
Theo giới truyền thông Iraq thì Saddam vượt ngục năm 1967. Tháng bẩy 1968 ông ta có chân trong Hội đồng Lãnh đạo Cách mạng và đưa ra nhiều đường lối mới vào thập niên 1960-1970. Khi Tổng thống Ahmed Hassan al-Bakr (TT. từ 1968-1979) bị bệnh phải từ chức ngày 16.7.1979, Saddam lên thay thế trong chức vụ Tổng thống. Cuộn phim còn ghi lại trong phòng qui tụ nhiều sĩ quan cao cấp cho thấy có 68 người chống đối đã bị Saddam Hussein ra lệnh lôi đi và 21 bị xử tử.
Sau khi nắm quyền lực trong tay, Saddam Hussein đã thi hành chính sách đàn áp đối lập, bất kể sự đối lập phát xuất từ các tổ chức chính trị hay tôn giáo. Bề ngoài, ông ta vẫn cho tổ chức các cuộc bầu cử. Nếu không tìm hiểu sâu hơn, người ta cứ tưởng dân chúng Iraq có quyền tự do. Nhưng thực tế cho thấy Saddam Hussein đã áp dụng chính sách đe dọa và khủng bố những ai không bỏ phiếu cho mình.

Nắm quyền lực tại Iraq chưa đủ, Saddam Hussein muốn bành trướng thế lực ra ngoài lãnh thổ và có tham vọng trở thành lãnh tụ cho cả vùng Trung Đông. Để chứng tỏ sức mạnh, Saddam Hussein mở màn hai cuộc chiến:

1- Với Iran

Trận chiến kéo dài gần 8 năm, từ 22.9.1980 tới 20.8.1988. Nguyên nhân gây nên cuộc chiến bắt nguồn từ sự tranh chấp giữa hai vương quyền xa xưa, thời Mesopotamia (gồm vùng thung lũng Tigris-Euphrates, ngày nay là Iraq) và vùng cao nguyên tới phía Đông (vịnh Ba Tư, ngày nay là Iran). Nguyên nhân gần là sự tranh dành thành phố giầu tài nguyên thiên nhiên Khuzestan (nay nằm trong lãnh thổ Iran) là lãnh địa của Đế quốc trung lập Elamite có thủ đô là Susa, không thuộc vương quyền nói tiếng Ả Rập-Do Thái (Semitic), cũng không thuộc vương quyền nói tiếng Ấn-Âu. Nguyên nhân trực tiếp là sự xung đột về đường dẫn nước Shett-el-Arab và sự bành trướng hệ phái Shia, sau cuộc cách mạng Islam do đạo trưởng Ayatollah Ruhollah Khomeini cầm đầu.
Để khiêu khích, Iran đã khai hỏa bằng pháo binh vào lãnh thổ Iraq và TT. Sadam Hussein đã trả đũa bằng lệnh tổng tấn công Iran. Cuộc chiến bất phân thắng bại kéo dài trong suốt 8 năm trời không chỉ giết chết hơn 1,5 triệu người, mà còn tạo nên sự chia rẽ trầm trọng giữa hai hệ phái Islam, Shia và Sunni; cũng như giữa các nước Ả Rập trong vùng Trung Đông.

2- Với Kuwait

Sau khi chiến tranh Iran-Iraq kết thúc ngày 20.8.1988, TT. Saddam Hussein cần một ngân khoản lớn để tái thiết đất nước và xây dựng lại nền kinh tế đã bị suy sụp toàn bộ trong cuộc chiến. Để có khả năng đánh bại Iran trong chiến tranh vừa qua, Saddam Hussein phải vay nợ 30 tỷ Mỹ-kim từ các quốc gia Ả Rập trong vùng, trong đó Kuwait cho vay hơn một nửa, 17 tỷ. Viện cớ Iraq đã tốn xương máu và tiền bạc trong suốt 8 năm chống trả với Iran để bảo vệ các nước Islam hệ phái Sunni, Saddam Hussein yêu cầu Kuwait 3 điều kiện:
-Hủy bỏ số nợ cũ,
-Cung cấp tài chính tái thiết Iraq, vì Kuwait đã bơm dầu từ giếng Al-Rumailah thuộc vùng dầu hỏa ranh giới giữa hai nước. Số lượng dầu hỏa này trị giá khoảng 2,4 tỷ Mỹ-kim.
-Trả thêm cho Iraq 10 tỷ Mỹ-kim vì khủng hoảng tài chính do chiến tranh gây ra.
Để làm áp lực, Saddam Hussein điều động một lực lượng quân sự hùng hậu tới biên giới Kuwait và đe dọa sẽ tấn công, nếu ba yêu sách không được thỏa mãn. Kuwait chỉ chịu xóa nợ cũ và từ chối thỏa mãn hai yêu sách sau, nên Saddam Hussein ra lệnh tấn công Kuwait ngày 2.8.1990. Chỉ trong 24 giờ, quân Iraq làm chủ tình hình Kuwait.
Thấy tình thế nguy ngập có thể tạo nên cuộc chiến lan rộng toàn vùng Trung Đông, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (HĐBA/LHQ) liền triệu tập cuộc họp khẩn cấp để lên án hành động xâm lăng của Iraq, Với đa số, HĐBA/LHQ đã ban hành Quyết định 660, ngày 2.8.1990, yêu cầu quân Iraq phải rút khỏi Kuwait. Liên Đoàn Ả Rập, qua Đại hội bất thường tại Moharram, cũng lên án cuộc xâm lăng và đòi Iraq phải thi hành quyết định của Liên Hiệp Quốc. Sợ bị Iraq tấn công bất ngờ trong khi lực lượng quân sự còn yếu kém, Ả Rập Saudi đã yêu cầu quân đội Đồng Minh gồm Hoa Kỳ, Anh và Pháp đổ bộ vào vùng biên giới giáp Iraq để bảo vệ đất thánh.
Dù có quyết định của HĐBA/LHQ và sự phản đối từ khắp nơi trên thế giới, Saddam Hussein vẫn không chịu rút quân. Ngày 16.1.1991, Không quân Mỹ được lệnh mở đầu cuộc chinh phạt bằng các phi vụ oanh tạc cơ sở quân sự và quốc phòng của Iraq. Sau đó lực lượng bộ binh và thiết giáp của Đồng Minh nhập cuộc tiến công từ nhiều hướng và đánh bật quân Iraq ra khỏi Kuwait. Toàn bộ lực lượng và chiến cụ của quân Iraq bị hủy diệt nằm ngổn ngang trên sa mạc và trên đường tháo chạy. Quân Đồng Minh thắng lợi tiến về thủ đô Baghdad. Nhưng TT. George Bush bất ngờ ra lệnh dừng quân. Đây là sự khó hiểu của các tướng lãnh trên chiến trường cũng như nhiều nhà lãnh đạo quốc gia Đồng Minh. Cuộc chiến kết thúc với những cam kết của Saddam Hussein, trong đó có một số điểm quan trọng như: phải để phái đoàn LHQ tới thanh tra các cơ sở sản xuất vũ khí nguyên tử và vũ khí giết người hàng loạt; không được xâm phạm không phận từ vĩ tuyến 38 tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (nhằm bảo vệ dân Kurdistan ở phía Bắc) và vĩ tuyến 32 tới biên giới Ả Rập Saudi (nhằm bảo vệ dân Shiite ở phía Nam.)

3- Với dân Kurdistan

Dân Kurdistan ngày nay coi như bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Hơn 3,5 triệu dân Kurdistan phải sống rải rác tại vùng biên giới giữa các quốc gia Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và tại Âu Châu. Iran, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý cho dân Kurdistan thành lập một quốc gia độc lập tại khu tam giác giáp ranh giữa ba quốc gia này. Họ vẫn dùng dân Kurdistan làm con cờ trong thế chính trị, khi có sự xung đột giữa các nước trong vùng.
Iran hỗ trợ cho Liên Hiệp Yêu Nước Kurdistan “P.U.K” (Patriotic Union of Kurdistan) để chống Iraq; Iraq hỗ trợ cho Đảng Dân Chủ Kurdistan “K.D.P” (Kurdistan Democratic Party) để chống lại Iran và tay sai của Iran; Syria ủng hộ Đảng Công Nhân Kurdistan “P.K.K” (Kurdistan Workers’ Party) gồm phần lớn dân Kurdistan đang sống và có ảnh hưởng chính trị lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì sự can thiệp của ba nước vào nội bộ dân Kurdistan khiến họ không thể đoàn kết trong một tổ chức kết hợp để có tiếng nói mạnh trên diễn đàn quốc tế và lực lượng quân sự mạnh để đòi yêu sách.

4- Các cuộc chống đối TT. Saddam Hussein

Phải sống dưới chế độ độc tài, không chỉ dân Kurdistan hay Shiite mà cả dân Sunni cũng bất mãn. Một số vụ chống đối điển hình đã xẩy ra như sau:
-Ngày 14.6.95, nhóm Duaini của dân Sunni đặt chất nổ tại Baghdad nhằm chống lại các hành động độc đoán của S. Hussein.
-Ngày 10.7.1996, hai con rể của Saddam Hussein là Tướng Saddam Kamel Hussein Khaled và Đại tá Kamel Hassen al-Majid chống bố vợ bị thất bại phải chạy trốn sang Jordan. Khi ở Jordan hai người con rể có tiết lộ là chỉ 3 tháng trước ngày quân đội Đồng Minh giải phóng Kuwait, Iraq sắp thành công chương trình chế tạo trái bom nguyên tử đầu tiên. Ngày 22.12.1996, Đại tá Kamel Hassen bất đồng với vua Hussein của Jordan, muốn tỵ nạn tại quốc gia thứ ba và yêu cầu các nước Ả Rập giúp ông lật đổ Saddam Hussein, nhưng không ai tiếp nhận. Sau đó qua sự móc nối của mẹ vợ và vợ, hai chàng rể lại xin được trở về thú tội với bố vợ. Nhưng những kẻ phản bội không thể tha thứ được, Saddam Hussein đã ra lệnh cho con trưởng, Saddam Uday giết chết hai chàng rể phản nghịch vào ngày 23.2.1997. Hai con gái, Ragda và Rana bị quản chế tại gia cùng với mẹ ở Ouja.
-Gia đình của hai chàng rể bất mãn đã vận động phe nhóm dùng vũ khí chống lại Saddam Hussein, nhưng không thành công. Một số cận vệ thuộc Liên đoàn Bảo vệ Phủ Tổng thống cũng bị xử tử, vì có âm mưu ám sát Tổng thống.

-Ngày 20.7.1996, anh em họ của Saddam Hussein là Barzan Ibrahim Tarkriti, đại sứ Iraq tại Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ sự bất mãn và tuyên bố không trở về Iraq nữa.
-Ngày 12.12.1996, Saddam Uday bị hai người đeo mặt nạ bắn trọng thương ở bụng và bọng đái, khi anh ta đậu xe tại Bộ chỉ huy Mật vụ thuộc khu vực Mansour. Uday thoát chết, nhưng phải ngồi xe lăn nhiều tháng.

5- Ngày tàn của một bạo chúa

Saddam Hussein tự cho mình là nhà cách mạng xã hội và canh tân dựa theo chính sách của cố Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser. Phụ nữ được hưởng nhiều tự do và tham dự vào các công tác ngoài xã hội, kể cả các chức vụ trong chính quyền. Hệ thống pháp luật được thành lập theo khuôn mẫu Tây phương chứ không áp dụng luật Sharia của Islam. Nhưng Saddam Hussein lại không cho bất cứ ai phê bình và chống đối các hành động, dù bạo hành của mình. Thẳng tay đàn áp, bắt bỏ tù và thủ tiêu các thành phần đối lập. Quyết tâm thực hiện chương trình chế tạo bom nguyên tử và vũ khí giết người hàng loạt, bất tuân các Quyết định của LHQ kể từ cuộc chiến Bão Tố Sa Mạc 1992-1993 là hậu quả đưa tới quyết định tấn công Iraq và lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein do Hoa Kỳ khởi xướng.

Cuộc hành quân năm 2003 của Đồng Minh do Hoa Kỳ chủ động tiến vào lãnh thổ Iraq như tiến vào chỗ không người. Với thành quả kỹ thuật quốc phòng đã đạt tới đỉnh cao và vũ khí hiện đại, chỉ trong vòng 2 tuần lễ, quân đội Đồng Minh hoàn toàn làm chủ tình thế. Saddam Hussein phải trốn chui trốn lủi dưới hầm và bị bắt ngày 13.12.2003 tại làng Al-Dawr.
Ngày 5.11.2006, Saddam Hussein bị đưa ra tòa án đặc biệt của Iraq vì tội phạm hình sự chống lại con người. Can phạm bị qui trách đã giết 148 người, tra tấn và hành hạ đàn bà, trẻ em và bắt bỏ tù 399 người trái phép. Ngoài ra, tội nhân cũng phải chịu trách nhiệm khi ra lệnh dùng bom hóa học tấn công giết 5.000 ngàn người Kurdistan ở Halabja và nhiều ngàn người bị thương tại các vùng phía Bắc Iraq.

Saddam Hussein bị kết án treo cổ.

Ngày 26.12.2006, bị can kháng án nhưng bị từ chối và án lệnh được thi hành vào 3 giờ sáng ngày 30.12.2006 tại căn cứ quân sự Al-Adala, thuộc thành phố Kazimain nằm về phía Đông-Bắc thủ đô Baghdad. Đây cũng là nơi xưa kia Saddam Hussein tra tấn và giết chết nhiều người. Theo tin tức Iraq thì thi hài của nhà độc tài được chôn cất gần mộ hai con trai của mình đã bị chết trong cuộc giao chiến với lính Mỹ tại Tikrit vào năm 2003. Video do một trong ba người vệ binh quay lúc Saddam Hussein bị treo cổ được đài truyền hình Al-Iraqiya chiếu lại đã gây nên làn sóng phẫn nộ của người Muslim phái Sunni. Hiện chính quyền Iraq đã điều tra và bắt hai cảnh sát đặc biệt hành động trái phép. Hành động này là nguyên nhân tạo nên sự phẫn nộ trong hàng ngũ Muslim hệ phái Sunni, cũng như sự phê phán của nhiều người trên thế giới.
Tuy nhiên, đối với những người đối lập Saddam Hussein thì hành động này cần thiết và có giá trị để chứng minh ông ta đã chết thật. Ngoài các cuộc biểu tình chào mừng chiến thắng của người Shiite với vẻ mặt hân hoan vui mừng, vì không còn sợ Saddam Hussein nữa; người ta cũng được nghe một người thi hành án lệnh đã hô to: “Vạn tuế Mugtada al-Sadr”, lãnh tụ của phe Shitte quá khích từng công khai dùng lực lượng quân sự, chống lại quân chính phủ Iraq và Mỹ.

6- Các biến chuyển sau cái chết của Saddam Hussein

Saddam Hussein là một nhà độc tài đã gây ra các cuộc xung đột vũ trang giết chết hơn một triệu người tại Trung Đông, cũng như các cuộc thanh trừng đẫm máu ngay trên đất nước Iraq, đặc biệt đối với dân Kurdistan ở phía Bắc và dân Shiite ở phía Nam, từ năm 1980… khách quan mà nói ông ta phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình trong quá khứ. Nhận định hay phê phán về bản án tử hình nặng hay nhẹ thì tùy thuộc vào luật pháp của mỗi quốc gia hoặc mỗi tôn giáo.

6.1- Về phía các nước Hồi giáo

-Người Muslim hệ phái Sunni ở Iraq và trong các quốc gia Islam tại Trung Đông, đặc biệt dân chúng Palestine đều phản đối án tử hình dành cho nạn nhân. Theo họ, Saddam Hussein là một biểu tượng anh hùng và cái chết đưa ông ta lên hàng Tử Đạo. Chính vì vậy mà các cuộc biểu tình mang theo hình Saddam Hussein đã diễn ra.
-Dân Muslim ở Iran, Kuwait và Kurdistan thì vui mừng, vì họ là nạn nhân trong các cuộc chiến do Saddam Hussein gây nên.
-Tại Libya, nhà độc tài Muammar al-Gadaffi lại thương tiếc và ra lệnh cả nước để tang Saddam Hussein 3 ngày.
-Tại Yemen, trước khi thi hành án xử tử, Thủ tướng Abdul Kade Benjamman viết thư cho TT. George W. Bush và Thủ tướng Iraq, Nouri Al-Maliki, xin can thiệp hủy bỏ án tử hình.
-Tại A Phú Hãn (Afghanistan) nhóm Taleban phản đối án tử hình và cảnh cáo cuộc thánh chiến chống tay sai và Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn.
-Ả Rập Saudi, hệ phái Sunni lớn nhất tại Trung Đông lên án Chính quyền Iraq, đa số dân Shiite, đã hành quyết Saddam Hussein vào ngày lễ quan trọng “Eid al-Adha” và bản án có tính cách chính trị. Ngày đại lễ này kỷ niệm biến cố Tổ phụ Abraham hiến con mình là Isaác cho Thượng Đế. Khi giết chết Saddam Hussein vào ngày này, theo ý nghĩ của người Sunni, phe Shiite muốn mượn lễ vật hiến tế này dâng lên Thượng Đế.

6.2- Về phía Tây phương

-Hồng Y Renato Martino, đặc trách về pháp luật và cựu đặc nhiệm của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã lên án bản án tử hình Saddam Hussein, vì nó trái nghịch với Giáo lý Công giáo. (Điều Răn thứ năm: “Chớ giết người”)
-Các nhà lãnh đạo của các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu cũng không chấp nhận bản án tử hình dành cho Saddam Hussein. Đa số đồng ý với bản án chung thân khổ sai là đủ.
-Cùng quan điểm với Tổng thống Mỹ George W. Bush, Tân Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-Moon, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nam Hàn (2004-2006) không trực tiếp lên án, nhưng phát biểu: “án tử hình Saddam Hussein là một quyết định công bằng với quá khứ.” Theo các nhà bình luận chính trị thì lời phát biểu trên không thích hợp với quan niệm chung của đa số các quốc gia hội viên LHQ muốn hủy bỏ án tử hình trên Thế giới.
-Phải chăng ông Tân Tổng Thư Ký LHQ người Nam Hàn, một cách gián tiếp, muốn cảnh cáo các nhà độc tài cộng sản còn lại, đặc biệt Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) của Bắc Hàn luôn lăm le giải phóng Nam Hàn và khiêu khích thế giới bằng vũ khí nguyên tử hãy noi gương:
-Trùm cộng sản Nikolae Ceausescu của Rumenia bị xử tử đúng vào ngày Lễ Giáng Sinh 25.12.1989, và
-Nhà độc tài Saddam Hussein bị treo cổ trước thềm năm mới, ngày 30.12.2006.