Dân Chúa Âu Châu

UKRAINE Một Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Không đổ máu

 

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

 

Trong những ngày qua, cả thế giới đều chứng kiến một trong các cuộc biểu tình lớn nhất và lâu nhất của dân chúng Ukraine. Bất kể trời tuyết, mưa phùn và gió lạnh, hàng chục ngàn người, từ nông thôn tới thành thị, đã hăng say xuống đường, tiến về thủ đô để phản đối Ủy ban Bầu cử Trung ương, và đòi hủy bỏ kết quả của cuộc bầu cử đã được tổ chức ngày 21.11.04. 
Để hiểu rõ vấn đề, chúng tôi xin trình bày các điểm sau đây:

 

I- ĐÔI HÀNG VỀ QUỐC GIA UKRAINE


- Về Địa Lý và Dân Số:


Ukraine có diện tích rộng 603.700 cây số vuông. Thủ đô là Kiev. Dân số tính đến tháng 7 năm 2004 có khoảng 47.732.079 người, trong đó có 77,8% Ukraine, 17,3% Nga, 0,6% Belarus, 0,5% Moldovan, 0,5%, Crimean Tatar, 0,4% Bảo Gia Lợi, 0,3% Hung Gia Lợi, 0,3% Lỗ Ma Ni, 0,3% Ba Lan, 0,2% Do Thái, và 1,8% người các sắc tộc khác.
Về Tôn Giáo: 
 Các tôn giáo tại Ukraine gồm:
- Giáo Hội Chính thống Nga có 26,5%, 
- Giáo Hội Chính thống Kiev có 20%, 
- Giáo Hội Công giáo Hy Lạp có 13% 
- Các Giáo Hội khác gồm: Chính Thống độc lập, Tin Lành và Do Thái.
Về Ngôn Ngữ:
 Các thứ tiếng thông dụng gồm: tiếng Ukraine, Nga, Lỗ Ma Ni, Ba Lan và Hung Gia Lợi.


- Về Lịch Sử:


 Ukraine hay Kievan Rus, được coi là quốc gia đầu tiên của dân Slavic (nói tiếng Ba-Lan và Nga), một trung tâm rộng lớn và quyền lực nhất trong thế kỷ 10 và 11 tại châu Âu. Sau đó quốc gia này bị suy yếu bởi tranh chấp nội bộ và cuộc xâm lăng của người Mông Cổ. Sau khi thoát ách xâm lăng, Ukraine sát nhập vào Lithuania và nằm trong Cộng đồng Thịnh Vượng Chung Ba Lan và Lithuania. Di sản văn hóa và tôn giáo của Kievan Rus là căn bản của chủ nghĩa quốc gia trường tồn qua nhiều thế kỷ.
 Quốc gia Ukraine hay Cossack Hetmanate được thành hình vào giữa thế kỷ 17, sau cuộc nổi dậy chống lại người Ba Lan. Tuy tiếp tục bị áp lực của Nga Sô, người dân Cossack đã dành được quyền tự trị trên 100 năm. Vào những năm cuối của thế kỷ 18, phần lớn đất đai của người thiểu số Ukraine bị sát nhập vào Đế quốc Nga. Khi Nga Hoàng Cza bị lật đổ vào năm 1917, Ukraine được tự trị một thời gian ngắn, từ năm 1917-1920. Sau đó bị Sô-viết tái chiếm và đặt dưới quyền cai trị bạo tàn của chế độ Cộng sản. Đặc biệt nạn đói khủng khiếp do nhà độc tài Stalin gây nên, bằng lệnh cấm tiếp tế lương thực cho vùng chống cộng sản này, đã xẩy ra vào thời kỳ 1921-1922 và 1932-1933, khiến cho hơn 8 triệu người bị chết. Trong Thế Chiến II, chiến tranh giữa quân đội Đức và Sô-viết tạo nên thảm họa cho từ 7 tới 8 triệu người Ukraine bị giết.
 Mặc dù năm 1991, Nga Sô cho Ukraine độc lập; nhưng vấn đề tự do dân chủ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chương trình cải tiến và phát triển kinh tế vẫn chưa thực hiện đúng mức theo nguyện vọng của toàn dân.


- Về Chính Quyền:


 Quốc gia Ukraine được lãnh đạo bởi Tổng thống Leonid D. Kuchma kể từ ngày 19.7.1994. Thi hành chính sách của Tổng thống là chính phủ, do Thủ tướng Viktor Yanukovych cầm đầu kể từ ngày 21.11.2002. 
 Bên cạnh cơ cấu Hành Pháp là Tối Cao Pháp Viện và Quốc Hội, được gọi là Hội đồng Tối cao Verkhovna Rada. Quốc hội có 450 dân biểu. Theo luật bầu cử thì 225 ghế dành cho các đảng đạt được 4% phiếu trở lên và 225 ghế dành cho các ứng cử viên độc lập. Nhiệm kỳ của các dân biểu là 4 năm.


- Về đảng phái: 


Ukraine có 16 đảng phái khác nhau đại diện cho đủ mọi thành phần trong xã hội. Các đảng phái được xếp theo hai khuynh hướng chính trị khác nhau. 
 Nhóm thứ nhất chủ trương xây dựng và phát triển đất nước đặt trên cơ sở tự do dân chủ theo cách tổ chức của Tây phương. Thủ lãnh có uy tín nhất của nhóm này là ứng cử viên Tổng thống Viktor Yushchenko. 
 Nhóm thứ hai tiếp tục chịu ảnh hưởng chính sách độc tài và tập trung quyền lực theo hệ thống Nga Sô. Đại diện cho nhóm này là đương kim Thủ tướng Viktor Yanukovych.


II- TẠI SAO CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG NGÀY 21.11.2004 LẠI BIẾN THÀNH CUỘC BIỂU TÌNH CHỐNG ĐỐI VÀ LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN?


 Dựa vào sử liệu nêu trên, chúng ta thấy sự xung đột bắt nguồn từ một lịch sử đẫm máu và đầy nước mắt. Dân tộc Cossack đã không được tự do dân chủ trong nhiều thế kỷ; đặc biệt dưới chế độ cai trị bạo tàn của Stalin. Gần 20 triêäu người bị chết là một chứng minh thực tế. Sau khi toàn bộ hệ thống cộng sản Liên Sô và Đông Âu bị sụp đổ; người dân Cossack xưa và Ukraine ngày nay được chứng kiến nếp sống tự do dân chủ mà các dân tộc Đông Âu hiện đang đượïc hưởng. Nếp sống này có được là do chương trình xóa bỏ tàn dư của chế độ cộng sản và đưa đất nước tiến theo chủ nghĩa Tư bản và kinh tế thị trường. Hình ảnh các quốc gia Tây phương là tấm gương sáng khiến cho người dân Ukraine ý thức được sự cần thiết phải canh tân đất nước và loại bỏ cái thối nát của thời Đế quốc Đỏ, còn tồn tại trong đầu óc của một số người lãnh đạo độc tài.


 Cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua là một cuộc bầu cử gian lận và bất công. Ủy ban Bầu cử Trung ương đã tuyên bố thắng lợi về đương kim Thủ tướng Yanukovych, trong khi đa số người dân được hỏi thì họ trả lời là bầu cho Yushchenko. Sự gian dối trong cuộc bầu cử cũng được các quan sát viên Tây phương của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu (OSCE) xác nhận. Chính vì vậy mà thủ lãnh đối lập Yushchenko đã hô hào biểu tình chống cuộc bầu cử gian lận và đòi hỏi Quốc Hội hủy bỏ kết quả bầu cử.

 
 Chính phủ Mỹ, qua Bộ trưởng Ngoại giao Colin Powell, Tổng Thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer, Chủ tịch Ủy ban Đặc nhiệm Liên Hiệp Âu Châu Jose Manuel Barroso, Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder và Phó Thủ tướng Gia Nã Đại, Anne McLellan v.v… đã đồng thanh tuyên bốõ phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử. ĐGH Gioan Phaolô II thì ưu tư và cầu nguyện cho dân chúng Ukraine.
Đặc biệt nhất là cựu Tổng thống Ba Lan, Lech Walesa, người hùng lãnh đạo Liên đoàn Đoàn kết (Solidarity) đã có công lật đổ chế độ cộng sản Ba Lan, cũng tới thủ đô Kiev ủng hộ dân chúng trong cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ.


Cuộc tranh chấp trở nên căng thẳng thêm, vì Tổng thống Nga Putin trong cuộc công du Âu Châu trong thượng tuần tháng 12.2004, lại tuyên bố ủng hộ Thủ tướng Yanukovych. TT. Putin cũng lên án các quốc gia Tây Âu đã nhúng tay vào nội bộ của Ukraine. Chính phủ Nga đã tung hàng trăm triệu Mỹ-kim vào cuộc bầu cử, và chính Tổng thống Putin đã hai lần tới Ukraine trong thời gian vận động bầu cử cốt ủng hộ gà nhà Yanukovych.


Cuộc biểu tình chống bầu cử gian lận kéo dài hơn hai tuần lễ và những người đeo khăn quàng cổ mầu vàng cam đã không nản chí, dù trời mưa to, tuyết rơi và gió bão. Sự kiện này nói lên quyết tâm của dân chúng muốn đất nước phải chuyển mình theo đà văn minh tiến bộ của thế giới.


Cuối cùng, ngày 28.11.2004, Quốc Hội đã ban hành quyết định cảnh cáo chính phủ không được dùng bạo lực đàn áp cuộc biểu tình ôn hòa; sau đó chính thức phủ nhận kết quả bầu cử. Tối Cao Pháp Viện, ngày 5.12.2004 đã tuyên bố cuộc bầu cử trong cuối tháng mười một vừa qua là bất hợp pháp. Ngày 8.12.2004, Quốc Hội biểu quyết một số đạo luật nhằm cải tổ luật bầu cử và hạn chế một phần quyền hành của Tổng thống. Có 402 phiếu thuận và 48 phiếu chống. Sau cuộc đàm phán có sự tham dự của cả hai phe, cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 26.12.2004. 


Nhằm bảo đảm sự công bằng và tránh tình trạng gian lận trong bầu cử, phe đối lập của ứng cử viên Yushchenko đã yêu cầu Tổ chức An ninh và Hợp Tác Âu Châu gửi 2.000 quan sát viên tới Ukraine. Số lượng này đông gấp hai ba lần so với cuộc bầu cử ngày 21.11.2004. 
Tuy vậy, các đề nghị của cựu Tổng thống Leonid D. Kuchma nhằm hạn chế quyền hành của Tổng thống trong tương lai được Quốc Hội thông qua lại là một bất lợi cho Yushchenko. Lý do: trong Quốc Hội phe của cựu Tổng thống và đương kim Thủ tướng Yanukovych vẫn nắm đa số. Họ có quyền chấp thuận hay không một số Bộ trưởng do Tổng thống đề nghị. Đặc biệt chức vụ Thủ tướng, Bộ trưởûng Quốc phòng và Ngoại giao, Giám đốc ngành an ninh và Công tố vẫn thuộc quyền bổ nhiệm của Quốc Hội. Đây là một trong các trở ngại lớn cho chương trình bài trừ tham nhũng và tệ đoan xã hội của Tổng thống Ukraine trong tương lai.
Như vậy, dù Yushchenko có thắng cử đi chăng nữa, chương trình canh tân đất nước, cải tổ kinh tế và bài trừ tham nhũng … vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đây chính là cú đá "giò lái" của phe Yanukovych thân Nga, để bù lại sự thất bại nhục nhã trong cuộc bầu cử gian lận vừa qua. 


III- ỨNG CỬ VIÊN TỔNG THỐNG YUSHCHENKO BỊ ĐẦU ĐỘC!


Vì chủ chương thân Tây phương và Hoa Kỳ, gia nhập khối NATO và trở thành hội viên của Liên Hiệp Âu Châu, nên Yushchenko có thể bị chính quyền và nhóm thân Nga Sô cố tình đánh gục bằng mọi giá. Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình BBC Yushchenko đã nói ông bị nhiều thư từ đe dọa tới mạng sống suốt trong thời gian vận động tranh cử. Ông nói: 
"Tôi biết, đất nước nào tôi đang sống và tôi biết cái mà chính quyền ở đây có thể cố gắng hành động. Vấn đề liên quan tới đầu độc, tôi đang chờ đợi."


Ngày thứ năm, 25.11.2004, theo tin tức từ bệnh viện tư Rudolfinerhaus tại thủ đô Vienna của Áo quốc, thì Yushchenko có thể bị đầu độc vào thức ăn. Các bác sĩ đã yêu cầu các chuyên gia ngoại quốc giúp đỡ. Họ nghi ngờ ông ta bệnh vì bị trúng độc (Toxins). Nhận định này dựa trên cơ sở là trước cuộc bầu cử, Yushchenko có gương mặt trẻ đẹp như một nam tài tử màn bạc; nhưng sau đó bỗng nhiên khuôn mặt ông ta trở nên đỏ bầm, đầy mụn, trông già nua và xấu xí vào những ngày cuối của cuộc bầu cử. 


 Theo Thông Tấn Xã Áo quốc thì Giám đốc bệnh viện, ông Michael Zimpfer, và Lothar Wicke, bác sĩ trưởng bệnh viện, đã phải yêu cầu cảnh sát bảo vệ, vì các ông cũng bị đe dọa. Đây là một bằng chứng chứng minh phe thân Nga muốn hạ sát đối thủ theo Tây phương của họ. 


KẾT LUẬN


 Cuộc đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ ở đâu cũng vậy và trong thời đại nào cũng gặp gian nan và nguy hiểm. Biết bao chiến sĩ tranh đấu cho lý tưởng tự do và nhân quyền đã, đang và sẽ còn bị bạo quyền giết chết. Giá trị của tự do thật là cao quí và không gì có thể so sánh được, vì nó được trả bằng máu và nước mắt của hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới.
 Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhân dân Ukraine thoát khỏi chế độ độc tài và Yushchenko thoát mọi nguy hiểm. Hy vọng dân chúng Ukraine có dịp sát vai cùng với dân chúng Âu Châu trong công cuộc xây dựng một nền hòa bình lâu dài tại lục địa này.   