Dân Chúa Âu Châu

Lc 19 45 48Ðấng xóa tội trần gian.

Thứ Tư trước lễ Hiển Linh.

"Ðây Chiên Thiên Chúa"

 

LỜI CHÚA: Ga 1,29-34

Ngày hôm sau, Gioan thấy Chúa Giêsu đến với mình thì nói: Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian. Ðây chính là Ðấng mà tôi đã nói rằng: Có người đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi, vì Người vốn có trước tôi. Phần tôi, trước tôi không biết Người, nhưng tôi đã đến làm phép rửa bằng nước, để Người được tỏ mình ra trong Israel.

Và Gioan đã làm chứng rằng: Tôi đã thấy Thánh Thần như con chim bồ câu từ trời xuống ngự trên Người. Và trước tôi không biết Người, nhưng Ðấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước bảo tôi: Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì chính người đó là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy và làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Tôi đã thấy

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Suy niệm:

Biết một người là đi vào một mầu nhiệm.

Chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, hai lần Gioan khẳng định:

“Tôi đã không biết Người” (cc 31-33).

Cho đến khi làm phép rửa cho Ðức Giêsu,

Gioan thú nhận mình vẫn chưa biết Ngài là Mêsia.

Dù Ðức Giêsu là bà con họ hàng của ông (x. Lc 1,36),

dù hẳn ông đã có một số thông tin về Ngài.

và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (x. Mt 3,14),

nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.

Ðược Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ.

Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá

Ðấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.

Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là Mêsia.

Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Ðức Giêsu

lúc Ngài được ông ban phép rửa.

Bây giờ có thể nói ông đã biết Ðức Giêsu.

Ông đã biết sau khi ông đã thấy.

Từ cái biết nhờ thấy, do ơn Thiên Chúa ban,

Gioan đã trở nên người làm chứng trung tín.

Ông vui lòng giới thiệu Ðức Giêsu cho môn đệ mình.

Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga 3,26).

Ông vui khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật (Ga 3,30).

Làm chứng cho Ðức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng.

Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Ðức Giêsu.

Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm,

thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn.

Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh lọc.

Hành trình của Gioan cũng là của tôi: thấy, biết, làm chứng.

Biết một người là chuyện khó.

Biết Ðức Giêsu Kitô còn khó hơn nhiều.

Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người độc đáo này,

nơi giao nhau giữa trời và đất, giữa Tạo Hóa và thụ tạo.

Ðể biết Ðức Giêsu, tôi cần thấy Ngài tỏ mình.

Không hẳn tôi sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng.

Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng.

Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những chuyện đời thường,

qua những con người đơn sơ tôi vẫn gặp.

Tôi cần tập thấy Ngài ẩn sau lớp vỏ xù xì của thực tế.

Cần thường xuyên làm mới lại cái biết về Ðức Kitô.

để có tương quan thâm trầm hơn, thân mật hơn với Ngài.

Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư,

là hiệp thông, gặp gỡ, chia sẻ chính cuộc đời Ngài,

là để mình sống trong Ngài và Ngài sống trong mình,

thì biết là nỗ lực của cả một đời Kitô hữu.

Gioan đã làm chứng cho dân về Ðấng họ đang đợi.

Con người hôm nay đang đợi ai?

Ðức Giêsu do chúng ta trình bày và sống

có đáp ứng những khát vọng sâu thẳm của họ không?

Tôi cần thấy và biết Ngài hơn, để làm chứng tốt hơn.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,

để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,

để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,

để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,

xin làm cho con thật mạnh mẽ,

để không nỗi thất vọng nào

còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,

để ngay cả một ước muốn nhỏ

cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,

để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,

để không phải là con,

mà là chính Ngài đang sống. Amen

 

Suy Niệm 2: Nhìn thấy Thiên Chúa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

“Phúc cho ai có lòng trong sạch vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa”. Thánh Gioan Tẩy giả có tâm hồn trong sạch nên Ngài đã nhìn thấy Thiên Chúa. Ngài trong sạch vì không vướng mắc tội lỗi. Được khỏi tội từ khi còn trong lòng mẹ. Và từ khi sinh ra cho tới khi qua đời, Ngài luôn giữ tâm hồn trong sạch. Trong sạch trong đời sống khổ hạnh. Sống trong sa mạc, ăn châu chấu và mật ong, mặc áo da thú. Sự phấn đấu trong đời sống khổ hạnh làm chứng một tâm hồn mạnh mẽ. Một tâm hồn mạnh mẽ như thế không để tội lỗi len lỏi vào được. Trong sạch không để tâm hồn ô nhiễm thói đời. Khiêm nhường dù lúc đã nổi danh và được nhiều người mến mộ. Không nhận những gì không phải của mình. Nói sự thật để người khác đừng gán cho mình những danh hiệu và những vinh dự không phải thuộc về mình.

Vì thế nên Ngài đã nhìn thấy Thiên Chúa. Nhìn Thấy Thiên Chúa kể cả khi Thiên Chúa ẩn thân trong xác phàm, ẩn mình trong đám đông, ẩn mình xếp hàng giữa những người tội lỗi đến xin chịu phép rửa. Ngài nhìn thấy Thiên Chúa theo lời Chúa Cha đã hứa: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”. Vì thế khi Đức Ki-tô đến, ngài có thể giới thiệu một cách chính xác: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”.

Thánh Gio-an Tẩy giả sống công chính vì được Thiên Chúa sinh ra. Như thư Gio-an dạy: “Phàm ai sống công chính thì đã được Thiên Chúa sinh ra”. Đức Ki-tô xuất hiện và ngài nhận biết. Vì ngài thanh sạch. Như thư Gio-an dạy: “Phàm ai đặt hi vọng như thế vào Đức Ki-tô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch”. Thánh Gio-an nhận biết Chúa vì luôn ở trong Chúa và thanh sạch. “Phàm ai ở lại trong Người thì không phạm tội. Còn ai phạm tội thì đã không thấy Người, và cũng chẳng biết Người”.

Hãy sống trong sạch, ta sẽ được nhìn thấy Chúa. Sẽ được biết Chúa. Sẽ được ở trong Chúa. Đó là điều quan trọng nhất đời ta.

 

Suy Niệm 3: Ðây Chiên Thiên Chúa

(‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

Vào một buổi tối năm 1741, người ta thấy người nhạc sĩ giả Hallmen lang thang trong một phố nghèo lênh đênh bên Anh Quốc. Người nhạc sĩ già như đang nuốt từng nỗi đắng cay mà triều đình đã dành cho ông. Từ hơn 40 năm qua, ông đã đem tất cả tài năng và sự hăng say của mình để phục vụ triều đình. Thế nhưng, giờ đây ông cảm thấy mình giống như một trái chanh đã vắt hết nước.

Bốn năm trước đó, ông đã bị chứng xuất huyết não làm cho ông bị bại hẳn một bên, khiến ông không còn đi đứng bình thường và sáng tác được. Nhưng dần dần nhờ ý chí sắt đá, ông đã thu hồi được khả năng đi lại và bắt đầu sáng tác lại. Nhưng giờ đây với cái tuổi 60 và với khí trời lạnh như cắt của nước Anh, ông cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Tình cờ, khi đi qua một ngôi Thánh Ðường, ông bỗng nghe vọng lên trong tâm hồn ông chính tiếng kêu của Chúa Giêsu: Lạy Chúa con, lạy Chúa trời con. Sao Chúa bỏ con".

Như có một sự thôi thúc lạ lùng, người nhạc sĩ quay về nhà, trong đám giấy vứt ngổn ngang trên bàn làm việc, ông đọc được câu Kinh Thánh như sau: "Người đã bị khinh bỉ và bị mọi người phế bỏ". Nguồn cảm hứng tưởng đã cạn nay lại trải cuộn trên từng trang giấy, hết trang này đến trang khác, những nốt nhạc cứ thế mà tuôn trào. Sau hai mươi bốn ngày làm việc liên lỉ, nhạc sĩ Hallmen đã hoàn thành tác phẩm để đời tựa đề là: "Ðấng Cứu Thế". Từ đó, cứ mỗi dạo Giáng Sinh và Phục Sinh người ta lại có dịp nghe được tác phẩm tuyệt trác để đời.

Anh chị em thân mến!

Người ta thường ví sự chào đời của một tác phẩm với sự cưu mang, cũng như một người mẹ mang nặng đẻ đau thì nhà nhạc sĩ cũng cưu mang ý tưởng để rồi với không biết bao nhiêu nhọc công và cố gắng, tác phẩm mới được chào đời. Hơn bất cứ ai trong trường hợp nào, tiếng khóc Ðấng Cứu Thế đã được nhạc sĩ Hallmen cưu mang để rồi sinh ra với muôn nghìn đớn đau của ông. Hơn ai hết, chính khi cảm nghiệm được thế nào là sự bỏ rơi để có thể diễn tả được tâm tình ấy, đúng hơn ông đã để cho chính sự bỏ rơi của Chúa Giêsu được nhập thể trong tâm hồn ông, nên một với nỗi lòng của ông.

Tin Mừng hôm nay có lẽ cũng mời gọi chúng ta hãy cưu mang những tâm tình ấy. Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với chúng ta hai tước hiệu tóm gọn với tước hiệu Nhập Thể: "Chúa Giêsu vừa là Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian vừa là Con Thiên Chúa". Chúa Giêsu, Người là Ðấng Cứu Thế bởi vì Ngài vừa là Con Người, vừa là Thiên Chúa. Ðó là mầu nhiệm trọng đại mà chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm trong suốt Mùa Giáng Sinh này. Thiên Chúa đã trở thành một con người, Thiên Chúa đã sống trọn vẹn kiếp sống của con người, Thiên Chúa đã từng cảm nghiệm được những niềm vui nỗi khổ của con người và cuối cùng Ngài đã chết như một con người.

Ðó là tất cả những gì chúng ta có thể nói khi suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể. Mầu nhiệm Nhập Thể một cách nào đó cũng được hiểu qua cuộc sống của người tín hữu. Thánh Phaolô đã diễn tả tuyệt hảo chân lý đó khi Ngài nói: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".

Ðể cho Chúa Giêsu sống trong chúng ta, có nghĩa là kết hiệp với Ngài qua các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Ðể cho Ngài sống trong chúng ta có nghĩa là trong từng tâm hồn, từ những suy nghĩ và hành động, chúng ta luôn mặc lấy chính tâm tình của Ngài. Một cách cụ thể trong mỗi một phút giây, người tín hữu nên một với Ðức Kitô đến độ luôn tự hỏi: Nếu Ðức Kitô là tôi thì trong giây phút này đây Ngài sẽ làm gì, suy nghĩ gì và hành động như thế nào?

Nguyện cho Ðấng đã sinh ra cách đây 2,000 năm cũng sinh lại trong tâm hồn chúng ta để chúng ta cùng được lớn lên với Ngài và đạt được tầm mức viên mãn của Ngài. Amen.

 

Suy Niệm 4: Đây Chiên Thiên Chúa.

Emilio, một điêu khắc gia nổi tiếng của Hoa kỳ là người thích tạc vẽ ảnh tượng đạo đức và khuôn mặt được ông tạc tượng nhiều nhất là Chúa Giêsu. Trong vòng 10 năm, từ 1960 đến 1970, ông đã hoàn thành khoảng 700 tượng Chúa với những hình dạng khác nhau và ông cho biết: “Điều tôi mong ước nhất, đó là giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác”.

Giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác, đó cũng là sứ mệnh của Gioan Tẩy giả và của người môn đệ Chúa. Thật vậy, Gioan là người chuẩn bị đường nẻo cho Chúa đến. Ông đã chu toàn sứ mệnh này bằng đời sống đạo đức, khắc khổ, và đã rao giảng thanh tẩy thống hối để được tha thứ tội khiên. Ông còn thâu nhận môn đệ để rồi trao họ lại cho Chúa Giêsu. Tin Mừng hôm nay thuật lại khi Gioan thấy Chúa Giêsu đến với mình, ông đã giới thiệu Ngài với các môn đệ và dân chúng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây đấng xóa tội trần gian”.

Trong Cựu Ước, con chiên đã trở thành hy lễ đền tội, hy lễ cứu thoát, nhất là từ khi Thiên Chúa qua miệng Môsê truyền cho người Do Thái: trong đêm Vượt Qua, mỗi gia đình phải giết một con chiên, lấy máu chiên bôi lên cửa nhà như dấu cứu thoát trước khi rời khỏi Ai cập.

Khi gọi Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, với tư cách là tiên tri, Gioan muốn nói rằng Chúa Giêsu là hy lễ đã được Thiên Chúa chọn và chấp nhận, hy lễ đời đời mà những con chiên bị sát tế cho đến lúc đó chỉ là hình bóng. Những lời của Gioan đã được Giáo Hội lặp lại trong thánh lễ để giới thiệu với chúng ta hy lễ cứu độ trần gian. Chúa Giêsu là Con Chiên của kỷ nguyên mới, Ngài đã tự hiến mình làm lễ đền tội thế gian, chỉ một lần là đủ.

Chúa Cứu thế đã sinh ra cho chúng ta, Ngài đã đến để cứu thế gian, tẩy sạch tôi lỗi nhân loại. Ước gì chúng ta biết noi gương thánh Gioan Tẩy giả sống đời chứng nhân cho Chúa, tức là nói lên cho mgn bằng cách sống của mình: “Tôi đã thấy và tôi làm chứng rằng Ngài là Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.

 

Suy Niệm 5: Tất cả để vinh danh Chúa hơn

Có một câu chuyện kể về bản di chúc của một người sắp quá cố, trong đó có đoạn viết: “Khi tôi chết, xin đừng ghi tên tuổi, chức nghiệp của tôi qua tấm bia nơi phần mộ, nhưng hãy ghi rằng: ‘Những gì tôi đang có, xin trả lại cho đời. Những gì thuộc về tôi nay không còn nữa. Những gì tôi cho đi, từ nay thuộc về tôi’”. Thật tuyệt vời khi không nghĩ gì cho mình, mà chỉ còn nghĩ đến người khác, ngay cả lúc chết!

Hôm nay, thánh Gioan Tẩy Giả sau khi đã trả lời cho các Tư tế và thầy Lêvi về thân thế, vai trò của mình, ông đã lợi dụng cơ hội này để giới thiệu cho họ biết về Đấng Kitô mà muôn dân đang mong đợi.

Thật vậy, Gioan Tẩy Giả đã không ham hố quyền lợi, uy tín, công danh, vì thế, khi ông thấy Đức Giêsu tiến về phía mình thì đã hô lên và chỉ cho mọi người biết về con người và sứ vụ của Đức Giêsu, ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Khi nói như thế, Gioan đã thực sự khiêm nhường khi nhận mình chỉ là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, nay Đấng ấy đến, ông không ngần ngại reo lên để mọi người biết và tin theo Ngài! Đồng thời ông cũng trao lại cho Đức Giêsu tất cả mọi sự từ uy tín, đến sứ vụ ...

Chính sự khiêm tốn đó, Gioan đã để lại cho muôn thế hệ tấm gương sáng ngời về sự khiêm tốn.

Noi gương thánh Gioan, mỗi người chúng ta hãy sống chân thành, khiêm tốn, không quá coi trọng những lời khen ngợi, không nên tự mãn lúc thành công khi được người đời ca tụng, lại càng loại trừ thói kiêu ngạo, tính bề trên kẻ cả ra khỏi đời sống đạo của mình.

Mặt khác, hãy biết trả lại cho anh chị em chúng ta những nét đẹp mà họ đang có, tránh sự hiềm khích mà trù dập uy tín, danh dự của họ.

Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất chính là quy chiếu về Thiên Chúa mọi sự thành công của chúng ta và không ngừng tri ân, cảm tạ Ngài.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, sự khiêm nhường, đơn sơ của Chúa mời gọi chúng con thay đổi nếp sống cũ là nếp sống kiêu ngạo, khoe khoang, để thay vào đó là một nếp sống Tin Mừng mà chính thánh Gioan là người đã sống và loan báo.

Ước gì Lời Chúa hôm nay đem lại cho chúng con hạnh phúc khi mỗi người luôn tìm vinh danh Chúa trong mọi sự. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Chiên Thiên Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu được Thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu như con chiên gánh tội lỗi trần gian. Con Chiên được sát tế trong lễ vượt qua để xóa bỏ tội nhân loại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong kinh Vinh Danh, con vẫn đọc “chỉ có Chúa là Đấng Thánh”. Vâng, Chúa là con chiên vô tì tích, thế mà Chúa đã gánh lấy tội nhân loại để đền thay cho tất cả nhân loại. Là con chiên vô tội, Chúa đã dùng máu mình để cứu rỗi loài người khỏi ách tội lỗi. Hôm nay, con hiểu được nỗi oan khiên vô tội của Chúa. Tội lỗi của từng con người, tội lỗi của mọi thế hệ, đã được Chúa gánh chịu thay.

Con hiểu được phần nào gánh nặng tội lỗi ấy khi chiêm ngắm Chúa sinh hạ trong máng cỏ nghèo hèn. Con hiểu được phần nào gánh nặng tội lỗi ấy khi chiêm ngắm cảnh tượng Chúa toát mồ hôi máu trong vườn cây dầu. Con hiểu được phần nào gánh nặng tội lỗi ấy khi nghe Chúa thốt lên trên thập giá: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con!”. Con hiểu được phần nào gánh nặng tội lỗi ấy khi chiêm ngắm thập giá Chúa. Vì lạy Chúa, nếu tội lỗi của nhân loại không quá nặng nề thì Chúa đã không phải chết cách khủng khiếp đến thế.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã yêu thương loài người mà gánh lấy tội lỗi chúng con. Con phủ phục trước tấm lòng của Chúa đã hy sinh để chúng con khỏi hư mất. Xin cho nhân loại hôm nay đừng chất thêm vào gánh nặng tội lỗi ấy. Xin cho con một cảm thức nhậy bén với tội lỗi để con dứt khoát tránh xa tội lỗi. Xin cho con biết nhận ra tội lỗi của mình. Xin cho con biết sống bác ái nhiều hơn để góp phần làm vơi đi gánh nặng tội lỗi nhân loại. Amen.

Ghi nhớ: “Ðây Chiên Thiên Chúa”

 

Suy Niệm 7: Con chiên cứu mạng

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Trên mái một nhà thờ ở Werden - Đức Quốc, người ta có thể nhìn thấy một tảng đá chạm trổ một con chiên (cừu non). Đây là câu chuyện về tảng đá đó:

Một công nhân đang làm trên mái nhà thờ này thì dây thừng an toàn bị đứt, anh công nhân bị rớt xuống sân nhà thờ, mà sân thì xếp đầy những đống đá lớn. Thế nhưng anh công nhân không bị thương nặng. Có một con chiên đang gặm cỏ giữa hai khối đá lớn. Anh công nhân rớt xuống trên con chiên và đè nó chết, làm tiêu tan điều được coi là cú rơi định mệnh…

Để nhớ ơn, anh công nhân đã chạm trổ một con chiên bằng đá và đặt trên mái nhà thờ. Đó là một cách tốt đẹp bày tỏ lòng biết ơn của anh ta đối với một con vật đần độn, đã cứu mạng anh mà nó không biết (Arthur Tonne).

Suy niệm

“Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian”. “Tội trần gian” theo truyền thống thường hiểu là tội gốc, là tội nguyên tổ và những hậu quả di căn cho con người là tất cả những lỗi lầm, tội lỗi cá nhân.Không chỉ thế, “tội trần gian” được nhắc đến trong Tin Mừng là ý niệm về một quyền lực “bóng tối” (x. Ga 8, 12), chi phối và đè bẹp con người mất tự do. Thánh Gioan và thánh Giacôbê đã nhấn mạnh sự liên hệ giữa tội lỗi và thế gian (x. Ga 16, 8.17, 14; 1 Ga 2, 1; 2, 15-17; 4, 1.4.5; 5, 19; Gc 1, 27; 3, 15; 4, 4), chính thế lực tạo nên sự chống đối lại sự sáng - thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống. Trong đó, “tội trần gian” là sự thống trị của vật chất được hình tượng hóa bằng bò vàng mà dân Do Thái tôn thờ (x. Xh 32, 1-6). Hành vi tôn thờ bò vàng muốn nói lên là họ không cần đến Thiên Chúa, cắt mình ra khỏi sự gắn bó với Thiên Chúa, tự sức mình làm chủ cuộc đời và muốn thế giới theo ý mình. Chúng ta thấy rõ việc tôn thờ “bò vàng” qua cách sống thực dụng duy vật chất của người đời hôm nay. “Tội trần gian” còn là di căn của tội như đau khổ và phải chết do tội nguyên tổ, những hậu quả đi vào đời sống hàng ngày là những lo lắng ưu tư, những khốn khó, bệnh tật mà con người đang bị đè nặng từ khi bóng tối làm chủ thế gian…”Đây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian”, Thánh Gioan Chrysostome và thánh Augustinô đã nhấn mạnh: “Chiên là biểu tượng của sự vô tội và của công chính. Người vô tội chết cho người có tội, người công chính chết cho nhân loại vốn mất ân sủng do tội, được trở nên công chính hóa”. Vì thế, Giáo hội tuyên tín từ xa xưa: “Khi Người tự hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, Người hủy diệt tội lỗi xưa để đổi mới muôn loài sa ngã, và hoàn lại sự sống nguyên tuyền cho chúng con” (Kinh Tiền Tụng Phục Sinh IV).

Ðức Kitô - Chiên Thiên Chúa đã dùng giá máu mình để cứu chuộc nhân loại (x. 1Pr 1, 18; Kh 5, 9; Dt 9, 12-15) được loan báo trước bằng hình ảnh máu của con chiên cứu dân Do Thái. Gioan, người môn đệ đã thấy hình ảnh Chiên Thiên Chúa hiến tế đã nhấn mạnh: Ngài đã cứu họ khỏi “bụi trần” (Kh 14, 3); Phêrô xác tín thêm: Ngài đã cứu nhân loại khỏi cái thế giới buông theo gian tà phát sinh do đạo thờ ngẫu tượng (x. 1Pr 1, 14.18; 4, 2tt), nhờ đó từ nay họ có thể tránh tội (x. 1Pr 1, 15tt; Ga 1, 29; 1Ga 3, 5-9), hình thành nên vương quốc tư tế mới, nên dân tộc được thánh hiến cho Thiên Chúa (x. 1Pr 2, 9; Kh 5, 9tt; Xh 19, 6). Chính dân tộc thánh này sẽ dâng lên Thiên Chúa cuộc thờ phượng thiêng liêng bằng một đời sống không có gì chê trách được (x. 1Pr 2, 5; Dt 9, 14). Chính vì lẽ đó, Tông đồ Phaolô khuyên người tín hữu hãy sống “tinh tuyền và chân thật” như bánh không men vì “Ðức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5, 7).

Ước chi tôi và bạn đặt tất cả niềm tin và cuộc sống nơi Chiên Vượt Qua - Đức Kitô, trong Ngài chúng ta được chữa lành mọi vết thương, được giải phóng mọi tình trạng nô lệ ở đời này.

Ý lực sống

Chiên Vượt Qua là Kitô Đức Chúa

Đổ máu đào vô tội cứu sinh linh

Này bánh không men nuôi dưỡng lòng thành

Hồn trinh trắng khỏi sa vòng tục lụy… (Thánh Thi Phục Sinh)

 

Suy Niệm 8: Đây Đấng xóa tội trần gian

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1 Sau khi Gioan làm chứng về Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế trước mặt phái đoàn Do thái đến chất vấn, ông lại làm chứng về Đức Giêsu trước mặt đám đông dân chúng đến với ông.

Khi thánh Gioan thấy Chúa Giêsu, thì giới thiệu cho mọi người biết: đây là chiên Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, là Đấng xóa tội trần gian , Đấng mà tôi loan báo sẽ đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi, vì Người là Con Thiên Chúa. Tôi đã thấy Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Người nên tôi nhận biết Người là Con Thiên Chúa. Tôi chỉ làm phép rửa bằng nước để dọn lòng anh em đón tiếp Người. Còn Người đã được đầy tràn Thánh Thần thì sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.

2. Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Chúa Giêsu cho mọi người. Tin Mừng thuật lạ: Khi ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Con Chiên Thiên Chúa. Đây Đáng xóa tội trần gian. Chính người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Israel, tôi đến làm phép rửa trong nước”.

Ông Gian còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 129-34).

Có lẽ khắp toàn văn Thánh Kinh, đây là câu nói rõ nhất về sứ mệnh và cách thức cứu chuộc của Chúa Giêsu. Ơn cứu độ không chỉ xóa bỏ Tội Nguyên tổ, mà còn xóa bỏ Tội Trần Gian. Lại nữa, cách thức cứu chuộc không phải theo cách thức binh hùng tướng mạnh mà là như là con chiên chịu sát tế, làm của ăn và dấu hiệu cứu dân trong Đêm Vượt Qua.

3 ”Đây Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29).

Mỗi ngày trong Thánh Lễ, Linh mục nâng Mình Thánh lên và lặp lại lời của thánh Gioan Tiền Hô nói trong bài Tin Mừng hôm nay: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian...” Lời này gợi lại cho chúng ta hình ảnh con chiên bị sát tế trong đêm vượt qua xưa, khi Chúa cứu Israel khỏi cảnh nô lệ Ai Cập và vượt qua Biển Đỏ, thịt chiên làm của ăn lễ vượt qua, máu chiên bôi lên khung cửa để thoát thần tru diệt hại dân. Hôm nay, Chúa Giêsu được ví như Con Chiên chịu sát tế để giải phóng nhân loại khỏi cảnh nô lệ tội lỗi, vượt qua biển trần gian từ cõi chết vào cõi sống. Đặc biệt, Thịt Máu Chúa Giêsu nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta và rửa sạch chúng ta hết mọi tội khiên.

4.” Đây Đấng xóa tội trần gian (Ga 1,29).

Tội trần gian theo thần học Gioan (x. Ga.1,29), được hiểu như là sự lạm dụng tự do Nguyên Tổ đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, rồi một khi tội lỗi bắt đầu xuất hiện thì đà xuống dốc không thể dừng lại được và kéo theo môi trường hay một tình trạng hư hoại. Trải qua thế hệ này đến thế hệ khác, tội lỗi cứ thêm chồng chất và mọi người đều đóng góp vào “tội trần gian” ấy. Đó là tình trạng khi một người sinh ra đã ở trong môi trường tội lỗi và rồi lệ thuộc tình trạng sẵn có này. Với khả năng nhỏ bé con người không thể lướt thắng mãnh lực tội lỗi nên cần đến Ơn Cứu Rỗi.

5. Trong đạo Do Thái người ta cần có những con chiên gánh tội. Khi người ta có tội, người ta đem một con chiên đến Đền thờ, đặt tay trên đầu nó, tỏ ý trút hết tội của mình xuống nó, rồi giết chết nó hoặc đuổi nó vào sa mạc. Kể như nó đã mang hết tội người ta và chịu phạt tội thay cho người ta. Chúa Giêsu đã tình nguyện làm con chiên gánh tội trần gian. Ngài cũng muốn các Kitô hữu làm con chiên gánh tội cho những người của thời đại mình.

6. Truyện: Con chiên chết thay.

Trên mái một nhà thờ ở Werden, nước Đức, ai đi qua cũng có thể nhìn thấy tảng đá chạm trổ hình con chiên. Người dân ở đây đã kể lại câu chuyện về tảng đá đó như sau:

Có một công nhân đang làm việc trên mái nhà thờ cao chót vót này thì dây thừng an toàn của anh bị đứt, anh công nhân bị rơi xuống sân nhà thờ. Ai cũng tưởng anh đã chết. Nhưng may là anh rơi xuống trên một con chiên đang gặm cỏ ở sân. Con chiên chết nhưng anh được sống.

Để nhớ ơn, anh công nhân đã chạn trổ một con chiên bằng đá và đặt trên mái nhà thờ. Đó là một cách tốt nhất của anh để bầy tỏ lòng biết ơn đối với con chiên hiền lành, vô tội, đã cứu mạng anh mà nó không biết.

 

Suy Niệm 9: Gioan làm chứng về Đức Giêsu

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Gioan tẩy giả đã làm chứng về bản thân mình (3 không 2 phải). Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Gioan làm chứng về Đức Giêsu. Ta cũng có thể tóm tắt lời chứng của Gioan về Đức Giêsu thành 2 điểm:

1. Đức Giêsu là Con Chiên của Thiên Chúa: Kiểu nói “Chiên của Thiên Chúa” có thể mang 3 nghĩa quy chiếu về 3 nơi trong Cựu Ước:

. Con chiên trong Is 53,7 (“như con chiên bị lôi đến lò sát sinh”): Đức Giêsu chính là Người Tôi Tớ mà Is tiên báo bằng hình ảnh con chiên hiền lành chịu chết vì tội muôn dân.

. Con chiên trong Khải huyền 5,6 14,10 17,14 đã từng bị sát tế và được nâng lên: Đức Giêsu đã chịu chết nhưng đã sống lại và chiến thắng tội lỗi.

. Con chiên vượt qua trong Ga 19,14 (Đức Giêsu bị giết vào đúng lúc người ta giết chiên để ăn tiệc vượt qua): Đức Giêsu chính là Con chiên vượt qua dùng cái chết của mình để thực hiện cuộc giải phóng nhân loại.

2. Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn: Kiểu nói “Đấng mà Thiên Chúa đã tuyển chọn” cũng mang âm hưởng Is 42,1 nói về Người Tôi Tớ.

B.... nẩy mầm.

1. Có người so sánh một cách thi vị rằng Linh mục và tu sĩ là những chiếc đò đưa khách sang sông. Con thuyền phải đưa khách sang sông chứ không giữ khách lại mãi trong thuyền, vì nếu thế thì nó không phải là chiếc đò nữa.

2. Trong đạo do thái người ta cần có những con chiên gánh tội. Khi người ta có tội, người ta đem một con chiên đến Đền thờ, đặt tay trên đầu nó, tỏ ý trút hết tội của mình xuống nó, rồi giết chết nó hoặc đuổi nó vào sa mạc. Kể như nó đã mang hết tội của người ta và chịu phạt tội thay cho người ta. Chúa Giêsu đã tình nguyện làm con chiên gánh tội trần gian. Ngài cũng muốn các kitô hữu làm con chiên gánh tội thay cho những người của thời đại mình.

3. Chúa Giêsu là Đấng cứu độ. Để gánh tội tôi, Người đã bước lên cây thập giá đẫm máu. Cuộc chiến chống tội lỗi luôn cam go. - Cuộc chiến đấu chống tội lỗi trong con người tôi hẳn cũng phải theo con đường của Chúa: nhiều lần vác thập giá, nhiều lần chịu đổ mồ hôi sôi nước mắt, chịu chết lên chết xuống với con người cũ… Lạy Chúa xin cho con được cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ ngay bản thân con.

4. “Gioan làm chứng về Đức Giêsu: Tôi đã thấy nên xin chứng thực Ngài là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,34)

Nhiều người hỏi tôi: “Chúa có thật không? Nếu có thì Người ở đâu? Có gì minh chứng cho sự hiện hữu ấy?” Tôi chẳng thuyết phục được ai, nhưng luôn tin rằng có Thiên Chúa. Quả thực tôi chưa hề thấy Chúa bằng con mắt xác thịt, nhưng được Người cho thấy bằng con mắt đức tin. Gioan đã được nhìn tận mắt, nhưng để khám phá Đức Giêsu là Đấng phải đến và để làm chứng cho Người, ông phải được Thánh Thần soi dẫn. Cũng thế, to chẳng bao giờ có thể thấy và làm chứng cho Chúa nếu như Người không trợ giúp.

Lạy Chúa, xin mở mắt cho con được thấy xa hơn những dòng chữ viết về Ngài trong Thánh Kinh, để con gặp được một Thiên Chúa sống động. Xin mở mắt cho con được thấy những hành vi âm thầm nhưng kỳ diệu của Chúa trên đời con, để con biết rằng có một Thiên Chúa hiện hữu. (Epphata)

 

Suy Niệm 10: Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa.

Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa là Con chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Và ngài còn nói rõ: Đấng đã sai tôi làm phép rửa, bào tôi rằng: người thấy Thần Khí xuống trên ai chính đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy nên tôi làm chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn. (Ga 1, 34)

Ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói: Đây là con Chiên Thiên Chúa. Gioan đã thấy Chúa Giêsu nên mới giới thiệu. Ngày nay người Kitô hữu muốn giới thiệu Chúa cho kẻ khác thì điều kiện tiên quyết cũng phải là thấy Chúa. Nhưng cách sống đạo đã giúp chúng ta thấy Chúa chưa, hay đạo của chúng ta mới chỉ là một mớ kiến thức về Chúa mà thôi? Thấy Chúa bằng đức tin là một điều tối quan trọng trong đời sống người Kitô hữu.

Chuyện kể rằng một nhà bác học vô thần kia gặp một người nông dân đi đến nhà thờ, liền hỏi:

- Ông đi đâu đó?

Người nông dân đáp:

- Tôi đến nhà thờ để gặp Chúa.

Người vô thần cười cách hóm hỉnh, hỏi lại:

- Chúa ông có to không?

Người nông dân cũng cười và trả lời:

- To lắm chứ, to đến nỗi cả trời đất không chứa hết, và cũng rất nhỏ, nhỏ đến nỗi ngài có thể ở trong trái tim tôi.

Người nông dân đã giới thiệu Chúa bằng đức tin đơn sơ nhưng vững chắc của mình. Sau này nhà bác học vô thần kia đã phải thú nhận rằng, câu trả lời của người nông dân kia đã làm ông phải suy nghĩ nhiều hơn là những pho sách của các nhà bác học.

Câu chuyện trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng, người ta có thể thấy Chúa bằng đức tin và giới thiệu Chúa bằng đức ái, bằng trái tim của mình trong đó có Chúa ngự.

2. Chúng Ta Cũng Phải Giới Thiệu Đức Kitô.

Sau Gioan, mỗi người Kitô hữu cũng phải là người giới thiệu Đức Kitô cho người khác. Cách thức giới thiệu có thể khác nhau: người thì dùng lời nói, kẻ khác bằng hành động bác ái, xã hội, hoặc đời sống nhân chứng theo đúng nghĩa Kitô giáo.

Xin đan cử một thí dụ: Vào thời Giáo Hội mới được khai sinh, các tín hữu đã có một đời sống rất gương mẫu làm cho dân ngọai phải ngạc nhiên. Sách Công vụ Tông đồ ghi lại: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 44-47).

Phải nói đây là cách giới thiệu Chúa hay nhất: Giới thiệu bằng cuộc sống. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16).

Muốn chiếu giãi ánh sáng Chúa Kitô cho người khác, chúng ta phải chiêm ngắm Chúa Kitô bằng cách học hỏi Lời Chúa, áp dụng vào đời sống hằng ngày để chúng ta có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 19). Nếu Đức Kitô sống trong ta, Ngài sẽ hoán đổi dần con người của ta để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, nhờ đó ta sẽ chiếu giãi Chúa Kitô cho người khác được.

Một ngày Chủ nhật nọ, có một người đàn ông đã từng sống một đời sống vô cùng lạnh nhạt, khô khan về việc đạo. Tình cờ ông đi ngang qua nhà thờ giáo xứ Churning, ông gặp một cô bé đang vào nhà thờ với các em nhỏ khác. Ông dừng lại quan sát thái độ tử tế khác lạ của cô và ông đã theo cô vào nhà thờ lúc nào không hay. Trong nhà nguyện chật chội và nghèo nàn đó, ông thấy cô ngoan ngoãn quì xuống đất, chắp tay ngước mắt nhìn Chúa Giêsu trong Nhà Tạm với tất cả lòng tin yêu cung kính như khi ta đến trước mặt người có chức tước đáng quí trọng. Tới lúc vị linh mục dâng thánh lễ, ông cũng quì gối để dễ bề quan sát thái độ của cô. Ông cảm động khi thấy gương mặt của cô tươi đẹp như người xuất thần với đức tin mạnh mẽ vào sự hiện diện của Chúa trong phép Thánh Thể. Cảm động, ông trở về nhà và từ đó ông ăn năn trở lại sống đời giáo hữu thật sốt sắng.

Cô bé đó chính là Laura Diconia, có lẽ cô không nhận ra hiệu lực của lòng sốt sắng nơi mình, nhưng chính hành vi và lẽ sống của cô đã là một chứng tá cho đức tin và tình yêu Chúa. Thái độ bên ngoài của cô tuy rất tầm thường và đơn sơ nhưng chính sự trịnh trong của tâm hồn và tình yêu sâu đậm của con tim đã mặc cho những cử chỉ bên ngoài đó một vẻ sâu xa khác thường khiến cho người ta cảm thấy ngay sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa, xin biến mỗi người chúng con thành chứng nhân cho Chúa. Amen.