Dân Chúa Âu Châu

Con người chúng ta ai cũng ngại khó, sợ gian nan, lười tập luyện… Nhưng thử hỏi nếu là như thế, lấy đâu ra có những người tài giỏi cho khoa học, cho các nhà giáo dục, cho bát cơm ta dùng, cho công nghệ 4.0… Đường thiêng liêng cũng vậy, con người rất cần phải đi vào con đường thanh luyện, chịu thử thách gian khó mới đat tầm mức cao của thánh đức. Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia nói về Người Tôi Trung của Chúa ở bài ca thứ ba, Người Tôi Trung này chịu đau khổ để an ủi những ai cũng đi qua con đường đau khổ. Trong bài Thương Khó, tác giả mô tả cảnh đau khổ của Chúa Giê-su như là Người Tôi Trung mà sách Isaia bàn tới trong bài đọc 1.

1. Xem

Bài Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô theo Mc, 14,1 – 15, 47 hoặc bài ngắn Mc 15, 1-39.
✠ Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô. Ông Phi-la-tô hỏi Người : “Ông là vua dân Do-thái sao ?” Người trả lời : “Đúng như ngài nói đó.” Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội, nên ông Phi-la-tô lại hỏi Người : “Ông không trả lời gì sao ? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội !” Nhưng Đức Giê-su không trả lời gì nữa, khiến ông Phi-la-tô phải ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ lớn, ông thường phóng thích cho dân một người tù, tuỳ ý họ xin. 7 Khi ấy có một người tên là Ba-ra-ba, đang bị giam với những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi dậy. Đám đông kéo nhau lên yêu cầu tổng trấn ban ân xá như thường lệ. Đáp lời họ yêu cầu, ông Phi-la-tô hỏi : “Các ông có muốn ta phóng thích vua dân Do-thái cho các ông không ?” Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người. Nhưng các thượng tế sách động đám đông đòi ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba thì hơn. Ông Phi-la-tô lại hỏi : “Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do-thái ?” Họ la lên : “Đóng đinh nó vào thập giá !” Ông Phi-la-tô lại hỏi : “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác ?” Họ càng la to : “Đóng đinh nó vào thập giá !” Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giê-su, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá. Lính điệu Đức Giê-su vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại. Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người : “Vạn tuế đức vua dân Do-thái !” Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá. Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giê-su. Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ. Chúng trao rượu pha một dược cho Người, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba. Bản án xử tội Người viết rằng : “Vua người Do-thái”. Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái.Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói : “Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi !” Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau :“Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin.” Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người. Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng :“Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni !” Nghĩa là :“Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói : “Kìa hắn kêu cứu ông Ê-li-a.” Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói : “Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không.” Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở.
(quỳ gối thinh lặng trong giây lát)
Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói : “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.”

2. Xét

Kết thúc cuộc đời rao giảng 3 năm của Đức Giê-su là bản án tử hình trên thập giá. Như vậy, Đức Giê-su thất bại hay thành công? Dưới cặp mắt người đời đó là nỗi thất bại lờn trong cái chết ô nhục; nhưng dước cặp mắt Thiên Chúa và những ai có niềm tin, đó là thành công trong sứ vụ vâng phục Cha và cứu chuộc nhân loại. Thế nhưng, điều đáng buồn, trong cuộc Khổ Nạn của Thầy Chí Thánh, ta mới hiểu được lòng người ra sao. Họ phũi tay, vô ơn với Thầy. Đâu rồi những người được ăn bánh no nê? Đâu rồi những người đui mù, què quặt, câm điếc được chữa lành?... Ngay cả các môn đệ thân tín ngày ngày bên Thầy cũng biến mất hết. Ôi thật buồn làm sao! Nghe qua bài Thương Khó của Chúa, chúng ta rút ra những bài học cho chúng ta hôm nay.

2.1 – Hai cám dỗ
Khi đọc Bài Thương Khó, chúng ta mắc vào một trong hai thái độ: Thứ nhất, cảm thương khi thấy Chúa Giê-su bị sỉ nhục, đánh đòn, mang nhiều thương tích đau đớn; Thứ hai, căm ghét bọn bất lương gian ác với những roi đòn khủng khiếp, căm ghét những người kết án tử cho Chúa Giê-su. Hai tâm tình này đúng là hai cơn cám dỗ, đó là một linh đạo cảm xúc, ru ngủ chúng ta cảm thấy lương tâm mình ‘đúng đắn’ không như toán lính hành hình kia. Chúng ta cần chấn chỉnh lại suy nghĩ đó. Nên chăng, khi thấy Chúa chịu khổ hình thảm thiết vậy, ta nên đặt câu hỏi, vì sao Chúa phải chịu như thê? Chúa chịu vì ai? Vì vâng phục Chúa Cha và vì chúng ta. Khi thấy người ta kết án và xử nặng nề với Chúa như vậy, ta căm ghét họ làm gì? Nên chăng, ta đừng bao giờ vu khống hay kết án ai như vậy.

2.2 – Kinh nghiện đời môn đệ
Muốn biết ta có phải là môn đệ của Chúa không, ta cần quy chiếu vào Đức Giê-su. Thánh sử Mác-cô ghi lại khoảnh khắc của hai cuộc thẩm vần: Thượng Hội Đồng thẩm vấn Đức Giê-su bằng những câu hỏi quy chụp, gian dối, cón Đức Giê-su trả lời thật lòng; Trong khi cuộc ‘thẩm vấn’ của một phụ nữ và những người giúp việc dựa trên cơ sở đàng hoàng, Phê-rô lại trả lời dối trá. Tác giả đã đặt hai con người trong thế tương phản: khi Đức Giêsu trả lời thật cho các lời chứng dối trước một quyền bính hợp pháp, Phêrô lại trả lời dối cho các dò hỏi có cơ sở của những người cấp dưới không có chút quyền bính. Chính những lúc khó khăn mà vẫn sống giống như Đức Giêsu, người môn đệ mới đúng là môn đệ chân chính.

2.3 – Con người đau khổ
Làm người đứng trước cái chết ai cũng rùng mình khiếp sợ. Ngay cả Đức Giê-su là Con Thiên Chúa làm người cũng phải khiếp sợ khi thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể xin cất chén đắng khỏi con”, rồi ngay trên thập giá, Ngài cũng cảm thấy cô đơn của kiếp người “Lạy Cha, Lạy Cha, sao Cha bỏ con!” Con người đau khổ là vậy, kiếp nhân sinh có giới hạn là vậy. Nhưng có ơn Chúa rồi, mọi can đảm sẽ trổi dậy. Vì thế, Chúa Giê-su không ngần ngại thưa với Cha: “Thôi Cha, xin hãy làm theo ý Cha mà thôi” và trên thập giá Ngài cũng tin tưởng phó thác: “Mọi sự đã hoàn tất!”. Khi chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Chúa, chúng ta nhìn lên Chúa như nguồn sức mạnh gia tăng lòng mến nơi ta, để rồi ta hãy nhìn bên cạnh mình cũng đầy vẫy những cuộc Thương Khó, những chi thể của Chúa đang hoằng hoại mang những thương tích của bệnh tật, của covid-19, của những món nợ không trả nổi, của đói khát, chiến tranh, của không nhà ở… Những con người đau khổ ấy cần chúng ta cầu nguyện và nâng đỡ.

3. Làm

Chúa Giê-su thực hiện cuộc Khổ Nạn để cứu độ chúng ta, Ngài không dừng lại ở cái chết, nhưng Ngài sẽ Phục Sinh khải hoàn. Chính điều đó làm cho ơn cứu độ thêm giá trị mãnh liệt. Chính điều đó làm cho chúng ta tràn đầy hy vọng sửa lại trong ngoài, trở thành con người mới. Con người của Đức Ki-tô biết vâng phục và sống cho mọi người.

@ Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Đấng Cứu Thế mang thân phận người phàm và chịu khổ hình thập giá, để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc Thương Khó, và thông phần vinh quang phục sinh với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. 

Lm. Nhân Quang