Dân Chúa Âu Châu

Thứ Sáu tuần IV MC
Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria
Bài đọc: 2 Sm 7, 4-5a. 12-14a. 16; Rm 4, 13, 16-18. 22; Mt 1, 16. 18-21. 24a.

GIUSE, NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Con người thường bị giằng co giữa hai thái cực, một bên là đức tin, tin tuyệt đối vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa; một bên là lý trí hiểu biết của con người. Khi có sự xung đột, có người cho rằng nên dựa vào hiểu biết của mình, thực lực trong tay dễ dàng hơn. Điều đó thật là sai lấm, vì Thiên Chúa phán qua ngôn sứ Isaia rằng: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất thế nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các người như vậy” (Is 55, 8-9). Lịch sử cứu độ cho chúng ta thấy, khi biết nghe lời và làm theo ý Chúa thì mọi sự đều tốt đẹp và bình an.

1. Xem

Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô. Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

2. Xét

Mở đầu bài Tin Mừng, Mat-thêu giới thiệu cho chúng ta bảng gia phả rút gọn của Đức Giê-su. Chứng tỏ Ngài có nguồn gốc theo bản tính nhân loại, có cha mẹ và ông nội. Trong Cựu Ước có 2 cặp Gia-cóp sinh Giuse (Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này (Mt 1, 2), trong đó có Giuse. Ta gọi là Tổ phụ Giuse) và sau thời lưu đày ở Ba-by-lon có Mát-than sinh Gia-cóp ; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô (Mt 1, 15). Tổ phụ Giuse là hình bóng báo trước thánh Giuse sau này. Cả hai đều là người của chiêm bao. Tổ phụ Giuse nhờ giải mộng chiêm bao mà được làm tể tướng và điều khiển nền kinh tế cho Ai –cập. Trong nạn đói thời đó, ông đã cứu gia đình và dân Israel. Nhà vua cứ bảo mọi người ‘Hãy đến cùng Giuse’. Thánh Giuse cũng được sứ thần Thiên Chúa báo mộng đón Maria về nhà mình, đem Mẹ và Hài Nhi trốn sang Ai-cập, đưa Mẹ và Hài Nhi trở về quê hương Na-da-rét.

Phong tục cưới hỏi của người Do thái có 3 giai đoạn: giai đoạn 1, hứa hôn. Cha mẹ hai bên hứa ngồi suôi với nhau lúc 2 trẻ cón nhỏ. Giai đoạn này không buộc, vì khi lớn lên 2 trẻ có thể thay đổi; giai đoạn 2, đính hôn. Giai đoạn này coi như vợ chồng đúng theo pháp ly, nhưng không ăn ở như vợ chồng. Thánh Giuse và Đức Maria đang trong giai đoạn này; giai đoạn 3, tân hôn rước dâu. Từ đính hôn đến tân hôn thường là 1 năm. Cách giải thích ngày xưa cho rằng Đức Maria muốn giữ đồng trinh, điều này không đúng với việc Truyền Tin. Phải nói rằng, Đức Maria cũng như bao phụ nữ khác muốn có gia đình và có con cái. Nhưng vừa đính hôn, Thiên Chúa đã can thiệp vào. Đức Maria có con, nhưng là con của Thiên Chúa. Mẹ được thụ thai do bởi phép Chúa Thành Thần chứ không do người nam. Sau đó, Mẹ đến thăm chị họ và ở lại giúp chị 6 tháng rồi trở về nhà mình, lúc ấy Mẹ mang thai được 3 tháng. Thánh Giuse thật ngỡ ngàng, không biết bàu thai đó do đâu, chắc chắn không phải là của mình. Hơn nữa, thánh Giuse tin tưởng tình yêu ở Đức Maria, chỉ có điều chưa hiểu rõ sự việc. Ngài vốn là người công chính, cũng có nghĩa là ‘công bằng’, Ngài không lấy đi cái gì không phải là của mình nên Ngài âm thầm ra đi kín đáo và không tố giác vợ theo luật ấn định. Sau khi được sứ thần báo mộng, Ngài biết rõ mọi sự liền thi hành những gì được báo. Thánh Giuse là người ít nói nhưng thích làm và làm mau mắn.

3. Làm

Thánh Giuse đã làm như Sứ thần dạy, ông cũng không nói câu nào, một sự im lặng đến không ngờ, con người qua bao thời đại luôn ngỡ ngàng khi nói về Giuse. Sự thinh lặng của một con người luôn dò tìm Thánh ý Chúa trong cuộc đời, và mau mắn đáp trả. Có thể nói ông là một người câm, nhưng ông lại nói rất nhiều bằng việc làm và bằng cuộc đời của mình, vì từ đây ông dốc toàn tâm toàn ý cho Chương trình Cứu độ của Thiên Chúa. Chấp nhận làm cha nuôi Đấng Cứu Thế là ông chấp nhận bước vào chặng đường gian khổ và sóng gió. Kinh Thánh tường thuật ba sự kiện: thứ nhất, thánh Giuse chấp nhận đính hôn với Đức Mẹ để trở thành cha nuôi của Đấng Cứu Thế; thứ hai, thánh Giuse chấp nhận đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn sang Ai-cập lúc đang đêm; ngài không nại lý do đang đêm hay làm gì sinh sống nơi đất lạ quê người; sau cùng, ngài chấp nhận đưa gia đình hồi hương và lập nghiệp tại Nazareth; không than phiền phải di chuyển đến nơi ở mới một lần nữa.
Nói tóm lại, tuy thánh Giuse không để lại một lời nào cho hậu thế; nhưng ngài để cho chúng ta một tấm gương luôn biết lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Ngài hoàn toàn tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa, và khiêm tốn thi hành những gì Thiên Chúa truyền, vì Ngài biết trí khôn của mình không thể hiểu nổi sự quan phòng của Thiên Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta biết noi theo thánh Giuse nói ít, nhưng mau mắn nghe và thi hành Lời Chúa.
@ Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Đức Giê-su cho thánh cả Giu-se, và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Xin nhậm lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà ban cho Giáo Hội biết luôn luôn cộng tác với Đức Giê-su, để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
@ Tiểu sử
Thánh Giu-se, bạn trăm năm của Đức Ma-ri-a, có sứ mạng “chăm sóc Đức Giê-su như một người cha”. Nhưng Chúa đã muốn người chủ thánh gia ở Na-da-rét tiếp tục sứ mạng ấy trong Hội Thánh, thân thể của Chúa Ki-tô. Đức Ma-ri-a là Mẹ của Hội Thánh thì thánh Giu-se là Đấng che chở Hội Thánh.

Lm. Nhan Quang ( nguồn: Trang thơ đạo Công giáo )