Dân Chúa Âu Châu

DownloadThánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, Tá Điền (1813-1839)

- Lễ ngày 19 tháng 12

 

Thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh sinh năm 1823 tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình ngoại giáo, rất nghèo. Anh Nguyễn Văn Vinh tính tình hiền lành, thật thà, siêng năng làm việc. Anh cùng quê với thánh Mới và thánh Đệ. Vì nhà quá nghèo nên anh phải bỏ làng đến họ Kẻ Mốt thuộc xã Đức Trai làm mướn cho các gia đình có nhiều ruộng đất ở đây. Vì nhà nghèo nên anh không được đi học. 

Trường học duy nhất trong đời, anh được lui tới và anh rất thích thú theo học là trưòng dậy Giáo lý. Chính nơi đây anh đã tập đánh vần và học truyền khẩu. Tuy anh ít học, nhưng giáo lý và kinh hạt thì anh rất thuộc và nhất là anh đã đem ra thực hành sống hằng ngày một cách rất nghiêm chỉnh. Mọi người trong làng đều thương mến vì anh đơn sơ, chất phác lại rất thật thà, khiêm tốn với mọi người. Những ngưòi thuê mướn anh làm việc đều rất hài lòng với anh vì anh làm việc cách tận tụy, chu đáo như chính việc của nhà anh. Có lẽ vì nhà nghèo, lại phải đi làm thuê làm mướn vất vả nên anh chưa nghĩ tới việc lập gia đình. Bởi vậy khi bị bắt vì đạo lúc 25 tuổi thì anh vẫn còn sống độc thân.

Ngày 29 tháng 6 năm 1838, khi quan quân kéo nhau về vây làng Kẻ Mốt để bắt Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, quan truyền lệnh mọi người phải ra tập trung tại đình làng để kiểm tra. Quan bắt những người theo đạo Gia Tô phải bước qua Thập Giá. Nhiều người vì sợ hãi đã liều lĩnh bước qua, đến lượt anh Nguyễn Văn Vinh thì anh mạnh bạo nói thẳng thắn rằng: “Tôi thà chết chứ không bao giờ chịu đạp lên Thập Giá, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật”. Nói xong anh còn quì xuống hôn kính Thập Giá.

Vì những lời xưng đạo của anh và nhất là vì cử chỉ hôn kính Thập Giá, quan tưởng anh là người Kitô hữu, nên cho lệnh bắt anh đeo gông và xiềng xích chân tay rồi giải về phủ cùng với Cha thánh Tự và bốn chiến sĩ Đức Tin khác là thầy Mậu, thầy Úy anh Mới, anh Đệ, Khi bị bắt, anh Vinh tỏ ra rất hoan hỉ và hãnh diện vì được kể là người Kitô giáo, mặc dầu anh chưa phải là người Công giáo vì anh chưa lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Theo chứng thư của thầy Mậu và thầy Úy thì các thầy đã Rửa Tội cho cả trăm tù nhân ngoại giáo xin theo đạo Công giáo, trong đó anh Nguyễn Văn Vinh cũng đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội và nhận thánh Stêphanô làm thánh bổn mạng. Có lẽ vì tính hiền lành thật thà, lại yêu thích học hỏi giáo lý và kinh bổn nên Chúa đã thương ban cho anh được trở lại làm con cái của Chúa và nhất là được trở thành nhân chứng Đức Tin của đạo thánh Chúa.

Khi quan phủ cho lệnh giải về tỉnh nộp cho quan đốc tỉnh. Quan đốc tỉnh tra khảo hỏi anh:

- Anh có phải là người theo đạo Gia Tô không?

Anh mau mắn trả lời:

- Bẩm quan lớn, tôi thà chết chứ tôi không bao giờ bỏ đạo.

- Anh bỏ đạo thì Ta tha. Nếu ngoan cố thì sẽ bị tra tấn và phải chết.

Anh vẫn giữ vững lập trường, sẵn lòng chịu tra tấn, bị đeo gông và xiềng xích rất nặng rồi tống giam vào tù cùng với thầy Mậu, thầy Úy, anh Đệ và anh Mới. Trong nhà tù, các Ngài tổ chức đọc kinh chung, khuyến khích nhau can đảm chịu mọi khổ hình vì Chúa. Mỗi khi quan gọi ra trình toà thì cả 5 người đi chung. Có lần quan bắt lính kéo anh Vinh qua Thập Giá thì anh cúi gò người xuống sát đất để hôn Thập Giá. Thấy cử chỉ như vậy thì quan bực mình cho lệnh nọc anh ra cho lính đánh đòn, máu chảy ra thấm ướt cả quần cả áo. Thế nhưng anh Nguyễn Văn Vinh vẫn can trường chịu mọi sự đau đớn một cách rất anh dũng.

Thời gian kéo dài đã hơn một năm với nhiều lần khuyên dụ, với bao trận đòn bầm da, xé thịt, nhưng 5 chiến sĩ Đức Tin của Chúa không hề lay chuyển niềm tin Thất vọng với những người này, triều đình quyết định lại việc xử giảo cả 5 người.

Ngày 19 tháng 8 năm 1839, quan đốc tỉnh cho điệu cả 5 người ra toà. Quan cho để Thập Giá một bên, bên đối diện là những dụng cụ tra khảo như kìm, kẹp, lò than đốt cháy bừng bừng. Quan đốc trịnh trọng tuyên bố:

- Các anh bị giam cầm đã lâu ngày, chịu khổ cũng đã quá nhiều. Vậy giờ đây các anh hãy bỏ đạo, bước qua Thập Giá, Ta sẽ cho về với gia đình, với vợ con.

Thầy Mậu đại diện cho anh em bình tĩnh trả lời:

- Bẩm quan lớn, anh em chúng tôi đã quyết tâm trung thành với Thiên Chúa, nên quan lớn ra lệnh làm khổ chúng tôi, hay bất cứ hình khổ nào khác, ngay cả việc giết chết chúng tôi. Chúng tôi xin vui lòng chấp nhận hết. Còn việc bước qua Thập Giá và bỏ đạo thì xin quan lớn đừng bao giờ hy vọng chúng tôi bỏ. Chúng tôi vui mừng được chết để làm chứng cho đạo thánh Chúa là đạo thật.

Thầy Mậu vừa nói xong thì cả 5 người đều quì xuống bái lạy Thánh Giá và cầu nguyện rằng:

- Lạy Chúa! Xin cứu chúng con. Chúng con xin phó thác linh hồn trong tay Chúa.

Quan đốc nhìn các Ngài thất vọng, cho lệnh dẫn cả 5 người trở về ngục thất và nói lớn tiếng:

- Trời ơi! Bọn này cưồng tín quá, không thể tha thứ được. Ta muốn tha bọn chúng mà chúng có muốn được tha đâu! Lại một lần nữa, trước khi thi hành bản án lệnh, ngày 24 tháng 11 quan đốc lại cho gọi 5 người tới hầu toà. Quang cảnh cũng như lần trước, cũng dao búa, kìm kẹp trông lạnh cả người. Nhưng các tôi trung của Chúa vẫn bình tĩnh, không hề tỏ dấu sợ hãi. Các Ngài vẫn một lòng kiên quyết không bỏ đạo. Thầy Mậu thay anh em ôn tồn trình với quan:

- Bẩm quan lớn, đã nhiều lần chúng tôi đã thưa là chúng tôi chỉ tôn thờ một Thiên Chúa là Cha chung muôn loài muôn vật. Ngài là vua trên hết các vua, là Đấng chúng tôi mong ước được đổ máu ra để chứng tỏ lòng trung thành và yêu mến của chúng tôi đối với Ngài.

Nghe thầy Mậu nói, quan lớn thở dài không nói gì thêm nữa. Lần này không tra tấn, không đánh đập, không kìm kẹp, nhưng cho lệnh dẫn 5 người về ngục thất.

Sáng ngày 19 tháng 12 năm 1839, trước khi đem đi xử, quan đốc lại cho các Ngài một cơ hội cuối cùng. Quan đốc âu yếm nhìn 5 chiến sĩ Đức Tin anh hùng của Chúa, ôn tồn nói:

- Ta rất thương mến các anh. Ta không muôn giết các anh, vậy đây là ơn huệ cuối cùng Ta dành cho các anh. Bây giò các anh không phải bước qua Thập Giá nữa, mà chỉ cần các anh đi vòng quanh cây Thập Giá là dấu các anh bằng lòng bỏ đạo thì Ta cũng tha cho các anh.

Những nhân chứng Đức Tin này nghe quan đốc nói chỉ nhìn nhau mỉn cười rồi bảo nhau cùng quì gối đọc kinh Kính Danh Chúa Giêsu. Thầy Mậu thay anh em thưa với quan:

- Bẩm quan lớn, Chúng tôi mong ước được về với Chúa lắm rồi. Xin quan lớn cứ cho thi hành án lệnh của đức vua.

Biết không thể làm thay đổi lòng tin sắt đá của các Ngài nên quan đốc tỉnh truyền lệnh đem đi xử.

Đoàn quan quân hùng hậu dẫn giải các Ngài ra pháp trường, một anh lính mang tấm bảng án viết chữ lớn đi trước, nội dung viết như sau:

“Bọn gian ác này theo đạo Gia Tô. Mặc đầu đã khuyên răn sửa phạt rất nhiều lần. Nhưng bọn chúng vẫn ngoan cố không chịu bước qua Thập Giá. Nạy án lệnh vua truyền bọn chúng phải xử giảo”.

Trên đường tiến ra pháp trường, thầy Mậu nhanh chân bước đi trước, bốn anh em hân hoan kiên cường bước theo sau. Dân chúng đi xem rất đông. Trong đám đông nhiều người oán trách: “Những người này đều là dân làm ăn, hiền lành thật thà. Người ta có làm gì nên tội mà đem giêt người ta như thế này. Không phải là bất nhân lắm sao”. Người khác nói xen vào: “Đạo Gia Tô cũng khuyên người ta ăn ngay ở lành, thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất muôn vật, nghe có lý lắm chứ, sao lại cấm người ta”. 

Có người còn nói thật lớn:

- Các ông ơi! Các ông chết thì nhớ cầu nguyện cho chúng tôi nhé. Thật là tội nghiệp! Thầy Mậu vui vẻ quay lại nói:

- Chúng tôi về Thiên Đàng đây. Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho mọi người.

Đoàn quân đã tới pháp trường gần làng Cổ Mễ, mỗi vị đều bị trói chân tay vào cọc đã chôn sẵn, rồi lý hình lấy giây thừng cuốn vào cổ. Mỗi đầu giây có hai lý hình cầm giây sẵn sàng, đợi hiệu lệnh chiêng trống lên hồi, khi quan giơ tay ra lệnh thì các lý hình cầm hai đầu giây kéo xiết thật mạnh cho tới khi tắt thở. Sau đó để biết chắc là tội nhân đã chết thì lính đốt đầu ngón chân cái các Ngài. Thi hành xong mọi việc, quan quân kéo nhau về. Các tin hữu đem thi hài các Ngài về an táng nơi quê quán của mình. Thánh Mậu ở Kê La, thánh Úy ở Đồng Tiến, thánh Mới ở Phượng Vĩ, thánh Đệ ở Phong Cốc, thánh Vinh ở Hương La thuộc xứ Tứ Nê. Tất cả đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn cả năm vị nhân chứng Đức Tin anh hùng tử đạo lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng các Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988

 

Lm.Alexandre de Rhodes. S.J. (Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS)