Dân Chúa Âu Châu

GregoryGrassiChân Phước Gregory Grassi và Các Bạn (k. 1900)

Gregory Grassi được sai đến Trung Hoa, làm Giám Mục của giáo phận Bắc Shanxi. Vào năm 1900, trong cuộc nổi dậy của các võ sĩ, cùng với 14 nhà truyền giáo Âu Châu và 14 tu sĩ Trung Hoa, ngài chịu tử đạo vào thời kỳ bách hại ngắn ngủi nhưng đẫm máu.

Lược sử

Các nhà thừa sai Kitô Giáo thường bị bắt trong các cuộc chiến chống với chính quốc gia của mình. Gregory Grassi sinh ở Ý năm 1833, thụ phong linh mục năm 1856 và năm năm sau ngài được sai đến Trung Hoa Lục Địa. Sau đó Cha Gregory được tấn phong làm Giám Mục của giáo phận Bắc Shanxi. Vào năm 1900, trong cuộc nổi dậy của các võ sĩ, cùng với 14 nhà truyền giáo Âu Châu và 14 tu sĩ Trung Hoa, ngài chịu tử đạo vào thời kỳ bách hại ngắn ngủi nhưng đẫm máu ấy.
Tất cả bị chết chém vào ngày 9 tháng Bảy 1900. Ba giáo dân Trung Hoa khác bị giết ở Shanxi chỉ vì làm việc cho các tu sĩ Phanxicô và bị bắt cùng với các người khác. Ba tu sĩ Phanxicô người Ý cũng được tử đạo trong tuần đó ở tỉnh Hunan. Tất cả các vị tử đạo được phong chân phước vào năm 1946.

Suy niệm 1 - Của mình

Các nhà thừa sai Kitô Giáo thường bị bắt trong các cuộc chiến chống với chính quốc gia của mình.
Đức Giêsu đã từng xót xa thốt lên về số phận của vị sứ giả Tin Mừng: "Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình" (Lc 4,24) hoặc thê thảm hơn: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi" (Mt 13,57).
Vì kẻ thù chính là người nhà (Mt 10,36), là sói đội lốt chiên (Mt 7,15), nên không tài nào nhận ra. Và thảm kịch xảy ra lại càng gia tăng niềm đau xót hơn là đối với một người xa lạ. Do đó Đức Giêsu đã than thở về trường hợp của Giuđa Ítcariốt: "Thà nó đừng sinh ra thì hơn!"(Mt 26,24).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thà bị người phản bội chứ đừng bao giờ bội phản ai.

Suy niệm 2 - Nổi dậy

Vào năm 1900, trong cuộc nổi dậy của các võ sĩ, cùng với 14 nhà truyền giáo Âu Châu và 14 tu sĩ Trung Hoa, Gregory Grassi chịu tử đạo.
Sao xảy ra cuộc nổi dậy này? Khi các chính phủ Anh, Đức, Nga và Pháp buộc nhà cầm quyền Trung Hoa phải nhượng bộ đất đai vào năm 1898, cả một phong trào chống người ngoại quốc nổi dậy ở Trung Hoa càng ngày càng mãnh liệt cho đến năm 1990.
Lúc báy giờ ngài làm Giám Mục của giáo phận Bắc Shanxi. Theo gương Đức Giêsu vốn dẫn đầu đoàn các tông đồ tiến lên Giêrusalem chịu Tử Nạn (Mc 10,32), vì Mục Tử nhân lành thì phải hy sinh mạng sống vì đàn chiên (Ga 10,11.14-15), ngài chấp nhận chịu tử đạo.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các chủ chăn luôn tiên phong vác thập giá cho đến chết như một tấm gương soi cho đàn chiên.

Suy niệm 3 - Tử đạo

Gregory Grassi chịu tử đạo vào thời kỳ bách hại ngắn ngủi nhưng đẫm máu ấy.

"Tử đạo là một phần của bản chất Giáo Hội, vì nó biểu lộ cái chết của Kitô Hữu trong hình thức tinh tuyền, là một cái chết vì đức tin không chịu kiềm chế. Qua sự tử đạo, sự thánh thiện của Giáo Hội, thay vì thuần túy vẫn chỉ có tính cách không tưởng, đã thể hiện một diễn đạt tỏ tường cần thiết nhờ ơn sủng của Thiên Chúa.
Ngay từ thế kỷ thứ hai, người chấp nhận cái chết vì đức tin Kitô Giáo hoặc luân lý Kitô Giáo được coi là một 'chứng nhân'. Danh từ này xuất phát từ Phúc Âm, vì Đức Giêsu Kitô là 'chứng nhân trung tín' tuyệt đối (Kh 1,5; 3,14)" (Karl Rahner, Tự Điển Thần Học, tập 2, trang 108-109).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con anh dũng sống đời chứng nhân giữa một xã hội sống xa rời đức tin và phi luân lý này.

Suy niệm 4 - Ngắn ngủi

Gregory Grassi chịu tử đạo vào thời kỳ bách hại ngắn ngủi nhưng đẫm máu ấy.
Thời kỳ bách hại tuy ngắn ngủi nhưng thật đẫm máu, với cái chết vì đạo của năm giám mục, 50 linh mục, hai trợ sĩ, 15 nữ tu và 40.000 Kitô Hữu Trung Hoa đã bị giết.
Tuy nhiên, số giáo dân Công Giáo Trung Hoa vào năm 1906 là 146.575 đã tăng lên đến 303.760 vào năm 1924. Sự hy sinh lớn lao đã đem lại kết quả lớn lao.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vững sống niềm xác tín rằng máu tử đạo luôn trổ sinh con nhà có đạo.

Suy niệm 5 - Chết chém

Tất cả bị chết chém vào ngày 9 tháng Bảy 1900.

Cùng một cách bị tử hình vào cùng một ngày nêu trên gồm có hai mươi sáu vị tử đạo bị bắt theo lệnh của Yu Hsien, quan đầu tỉnh Shanxi. Đó là năm vị thuộc dòng Phanxicô Hèn Mọn; bảy vị thuộc tu hội Phanxicô Truyền Giáo của Đức Maria - là các vị tử đạo tiên khởi của tu hội. Về phía người Trung Hoa có bảy chủng sinh và bốn giáo dân, tất cả đều thuộc dòng Ba Phanxicô. Ba giáo dân Trung Hoa khác bị giết ở Shanxi chỉ vì làm việc cho các tu sĩ Phanxicô và bị bắt cùng với các người khác.
Ngoài ra phải kể đến ba tu sĩ Phanxicô người Ý cũng được tử đạo trong tuần đó ở tỉnh Hunan, dầu khác ngày nhưng cũng cùng bị chết chém. Đầu rơi máu đổ, nhưng tinh thần bất khuất của các ngài vẫn hiện diện trên bầu trời Trung Quốc như ánh sao sáng chói dẫn đưa hậu thế vượt qua biển đời cập bến thiên đàng bình an. Dòng máu tươi thắm của các ngài thấm đậm miền đất khô đạo khiến trổ sinh những bông hoa kitô hữu rực rỡ sắc màu, chỉ trong vòng hai thập niên từ 1900 đến 1924 đã có số lượng tăng hơn gấp đôi.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu được giá trị tất yếu phải có của việc hạt lúa phải mục nát đi mới trổ sinh được bộng hạt.

Suy niệm 6 - Làm việc

Ba giáo dân Trung Hoa khác bị giết ở Shanxi chỉ vì làm việc cho các tu sĩ Phanxicô.
Chưa hẳn ba giáo dân này bị bắt và bị chém chết vì làm việc cho các tu sĩ Phanxicô vốn là người ngoại quốc, theo tinh thần bài ngoại của phong trào nổi dậy thời ấy. Thật ra họ cũng muốn khởi đầu cuộc bách hại bằng việc cô lập hóa các tu sĩ ngoại quốc, để các vị này tự động rút lui.
Nhưng chắc chắn lý do khiến ba giáo dân này bị giết là vì họ là những người kitô hữu. Chẳng những họ sống đạo, mà còn sống cách tích cực qua cách làm việc cho các tu sĩ, nghĩa là hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo của các tu sĩ này, theo phương cách và điều kiện của họ. Chính vì thế cái chết của họ được xét là tử đạo.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết dùng việc làm để thánh hóa bản thân và tha nhân.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ