Dân Chúa Âu Châu

JuttaChân Phước Jutta ở Thuringia (c. 1264?)

Chân Phước Jutta nhìn thấy diện mạo của Thiên Chúa trong các người bất hạnh và cảm thấy vinh dự khi được phục vụ.

Lược sử

Vị thánh quan thầy của nước Phổ sinh trong một gia đình giầu có và quyền thế nhưng từ trần cách đơn sơ như một người nghèo. Sau khi kết hôn với một người quý tộc và đạo đức, Jutta và chồng sống rất đạo hạnh, cả hai quý trọng chân lý và cố gắng trau dồi nhân đức.
Trong một cuộc hành hương đến các thánh địa ở Giêrusalem, người chồng lâm bệnh và từ trần. Bà quả phụ Jutta ở vậy nuôi con. Sau khi con cái đã khôn lớn và có đủ nhu cầu cho đời sống, bà Jutta quyết định sống một cuộc đời chỉ để làm vui lòng Thiên Chúa. Bà bán mọi y phục, nữ trang, đồ đạc đắt tiền và gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục, với chiếc áo dòng tầm thường.
Kể từ đó trở đi, cuộc đời bà tận tụy cho tha nhân: chăm sóc người đau yếu, nhất là người bị cùi; lo cho người nghèo ngay ở các lều tranh lụp xụp của họ; giúp đỡ người tàn tật và mù lòa mà bà cho họ sống ngay trong nhà. Nhiều người quý tộc thời ấy đã cười nhạo bà Jutta là không biết dùng thời giờ cho đúng. Nhưng bà Jutta đã nhìn thấy diện mạo của Thiên Chúa trong các người bất hạnh và cảm thấy vinh dự khi được phục vụ.
Vào khoảng năm 1260, trước khi từ trần không lâu, bà Jutta sống gần các người ngoại đạo ở miền đông nước Đức. Ở đó, bà dựng 1 mái nhà đơn sơ và không ngừng cầu nguyện cho sự hoán cải của những người chung quanh. Trong nhiều thế kỷ, bà được sùng kính như vị quan thầy đặc biệt của nước Phổ.

Suy niệm 1: Giầu có

Vị thánh quan thầy của nước Phổ sinh trong một gia đình giầu có và quyền thế nhưng từ trần cách đơn sơ như một người nghèo. Bản Hiến Chương Nước Trời với tám mối phúc thật của Đức Giêsu vạch ra một hướng sống hạnh phúc đi ngược hoàn toàn với quan niệm người đời.
Phúc cho người nghèo, trong khi ai cũng sợ nghèo và mơ được giàu có. Phúc cho người ăn ở hiền lành, trong khi thực tế cho hay người hiền thường chịu thiệt thòi và kẻ thắng mới được làm vua...
Phải chăng đó là ảo tưởng vì không ai thực hiện được và chấp nhận sống theo? Chân phước Jutta đã cho câu trả lời xác thực. Xuất thân từ một gia đình giàu có và quyền thế, nhưng ngài không bị cuốn theo dòng xoáy ấy, cho dầu bị giới quý tộc thời ấy cười nhạo, ngược lại ngài đạt được hạnh phúc trong lối sống nghèo ngay ở đời này và đi vào cõi phúc ở đời sau.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết thực hiện ước mơ hạnh phúc không theo quan niệm người đời mà theo hướng sống của Chúa.

Suy niệm 2: Nghèo

Vị thánh quan thầy của nước Phổ sinh trong một gia đình giầu có và quyền thế nhưng từ trần cách đơn sơ như một người nghèo.
Để có thể chết như một người nghèo, Jutta đã thật sự sống như một người nghèo. Để làm vui lòng Chúa, Đấng vốn giàu có trở nên nghèo khó (2Cr 8,9), dầu giàu có, bà bán mọi y phục, nữ trang, đồ đạc đắt tiền và gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục, với chiếc áo dòng tầm thường.
Là người nghèo, bà có thể dễ dàng đến với người nghèo và sống cho người nghèo, đặc biệt người ngoại đạo ở miền đông nước Đức. Ở đó, bà dựng một mái nhà đơn sơ và không ngừng cầu nguyện cho sự hoán cải của những người chung quanh.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chấp nhận kiếp nghèo của cải vật chất nhưng thật giàu lòng thương người.

.Suy niệm 3: Đạo hạnh

Jutta và chồng sống rất đạo hạnh, cả hai quý trọng chân lý và cố gắng trau dồi nhân đức.
Là người đạo hạnh, cả hai vợ chồng rất quý trọng chân lý. Cả hai đều hết mực sống đức chung thủy trong bậc hôn nhân kitô giáo, đến mức khi chồng qua đời, bà Jutta vẫn sống đời góa bụa nuôi con chứ không tái giá, để thể hiện lòng trung thành với chồng đến chết.
Là người đạo hạnh, cả hai vợ chồng luôn cố gắng trau dồi nhân đức. Với điều kiện kinh tế sẵn có, họ không quản ngại đường xa cách trở, họ hy sinh thì giờ để lên đường tham gia các cuộc hành hương, để cầu nguyện và học đòi các nhân đức nơi các thánh tích. Và trong một cuộc hành hương đến các thánh địa ở Giêrusalem, người chồng đã lâm bệnh và từ trần.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đi đâu hoặc gặp ai thì cũng đều chú tâm học hỏi các nhân đức để mỗi ngày mỗi nên hoàn thiện hơn.

Suy niệm 4: Quả phụ

Bà quả phụ Jutta ở vậy nuôi con.

Là người Á Đông, chúng ta quá quen thuộc với câu nói liên quan đến nghĩa vợ chồng trong nếp sống gia đình: Phu tử tòng tử, có nghĩa là chồng chết rồi thì ở góa vậy để thờ chồng và nuôi con. Lời răn dạy này cũng được đón nhận cách trân trọng trong xã hội Việt Nam trải qua bao thế kỷ với không thiếu những trường hợp ngay cả các góa phụ còn trẻ tuổi.
Đã là điều hay điều tốt thì mang tính phổ quát, nghĩa là ở đâu cũng vậy. Vì thế trong một cuộc hành hương đến các thánh địa ở Giêrusalem, người chồng đã lâm bệnh và từ trần. Bà Jutta đã chấp nhận ở vậy chứ không tái giá để nuôi con. Một đàng bà muốn nói lên lòng chung thủy tuyệt đối của bà với chồng vượt xa cả rào cản của quy luật hôn nhân, và nhất là bà muốn thể hiện tình yêu đối với chồng, để thay chồng và cùng với chồng dầu vắng bóng tiếp tục bổn phận giáo dục con cái nên người.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không sống nệ luật với những gì cấm đoán hoặc cho phép mà phải vươn xa hơn đến tình yêu trọn hảo.

Suy niệm 5: Tha nhân

Kể từ đó trở đi, cuộc đời bà Jutta tận tụy cho tha nhân.

Bà chăm sóc người đau yếu, nhất là người bị cùi. Sự dị dạng của thân thể do căn bệnh hủy hoại không làm bà e sợ hay chùn bước. Các vết thương ung thối và lở loét không làm bà ghê tỡm hoặc ngại bị lây nhiễm. Lòng thương người cao độ của bà đã lướt thắng tất cả.
Hơn thế bà còn tìm đến tận nơi bất kể thời tiết và đường sá không tốt lành, để lo cho người nghèo ngay ở các lều tranh lụp xụp của họ; bà sẵn lòng giúp đỡ người tàn tật và mù lòa đến mức đón rước họ về nhà và bà cho họ sống ngay trong nhà. Tất cả cũng chỉ vì tình yêu tha nhân cao độ của bà.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tìm biết thương người hơn được người thương mến.

Suy niệm 6: Phục vụ

Bà Jutta đã nhìn thấy diện mạo của Thiên Chúa trong các người bất hạnh và cảm thấy vinh dự khi được phục vụ.
Sở dĩ bà Jutta có lòng thương người cao độ bằng các việc bác ái phi thường nhằm phục vụ các người bất hạnh, là nhờ bà nắm được bí quyết then chốt là nhìn thấy diện mạo của Thiên Chúa trong các người bất hạnh, điều mà Đức Giêsu đã từng dạy bảo, cụ thể trong cuộc phán xét được Tin Mừng Mátthêu ghi lại ở chương 25.
Như thế ai cũng thừa biết được rằng giúp người là giúp Chúa. Nhưng ít có ai khám phá thêm như bà Jutta: đó là một niềm vinh hạnh mà Chúa ban cho. Vì tự bản chất, Chúa quá đầy đủ để không cần có ai trợ giúp. Thế nhưng Chúa tạo nên cách ấy để cho con người có cơ hội tạo nên công nghiệp như là giá mua lấy phần phúc thiên đàng.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chẳng những nhận ra Chúa nơi tha nhân mà còn lấy làm vinh dự được phục vụ, để nhờ đó chúng con không đánh mất cơ hội nào tạo nên công nghiệp.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ