Dân Chúa Âu Châu


Thomas More thinkingThánh Tôma More (1478-1535)

Trên đoạn đầu đài, Thánh Tôma More, Vị Tử Đạo của Đức Giáo Hoàng và quan thầy của các luật gia, tuyên bố với đám đông rằng ngài chết như "một tôi trung của nhà vua - nhưng trước hết là tôi trung của Thiên Chúa."

Lược sử

Thánh Tôma More sinh ở Luân Đôn năm 1478. Sau khi thông thạo căn bản tôn giáo và kinh điển, ngài theo học luật ở Oxford. Sau đó, ngài là một luật sư và lập gia đình với bà Jane Colt có bốn người con. Ngài dành nhiều thời giờ cho việc giáo dục con cái. Chính ngài là một người trí thức và là bạn của hàng thức giả thời bấy giờ như Linacre, Fisher và Erasmus.
Tôma More thăng tiến mau chóng trong sự nghiệp.
Vào năm 1532, giữa lúc tột đỉnh danh vọng và sự nghiệp, Tôma More từ chức khi nhà vua nhất định duy trì lập trường của ông về vấn đề hôn nhân và uy quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng.
Tôma More bị tống giam ở Ngục Luân Đôn. Mười lăm tháng sau, ngài được đưa ra tòa về tội phản quốc.Trên đoạn đầu đài, ngài tuyên bố với đám đông rằng ngài chết như "một tôi trung của nhà vua -- nhưng trước hết là tôi trung của Thiên Chúa". Ngài bị chém đầu ngày 6 tháng Sáu năm 1535.
Năm 1935, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng là "Vị Tử Đạo của Đức Giáo Hoàng" và đặt làm quan thầy của các luật gia.

Suy niệm 1 Căn bản

Sau khi thông thạo căn bản tôn giáo và kinh điển, Tôma More theo học luật ở Oxford.
Môn học gì cũng đòi hỏi phải có căn bản, vì nếu để mất yếu tố then chốt ấy thì không thể nào tiến xa lên được. Hiểu thế nên ngay từ đầu, ngài đã xây dựng tòa nhà trí thức mình bằng nền móng vững chắc ấy, nhất là trong lãnh vực tôn giáo.
Đó cũng là lý do giúp chúng ta hiểu được vì sao ngài đã đứng vững được trong niềm tin chính truyền trước bao chước cám dỗ của thời cuộc, thậm chí trước sức tấn công đủ mặt của nhà vua, để rồi cuối cùng chấp nhận bị tù tội và bị đổ ra giọt máu cuối cùng.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết xây nhà đức tin mình trên nền đá vững chắc, để không phải bị sụp đổ trước bao bão tố của cuộc đời.

Suy niệm 2 Giáo dục

Tôma More dành nhiều thời giờ cho việc giáo dục con cái.
Là luật sư, là thành viên trong Nghi Viện và cũng là Quan Chưởng Ấn, chắc hẳn ngài rất bận rộn trong công việc. Nhưng ngài cũng không quên một nhiệm vụ quan trọng phải đảm trách trong phạm vi gia đình, đó là trách nhiệm của môt người cha. Nên ngài đã sắp xếp để dành nhiều thời giờ cho việc giáo dục con cái.
Ngài tâm sự: "Mỗi ngày đều có các cơ hội xúc phạm đến Thiên Chúa, nên tôi phải trang bị cho mình trong cuộc chiến đấu ấy bằng việc rước Mình Thánh Chúa. Nếu tôi cần sự soi dẫn và khôn ngoan để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, tôi phải đến với Đấng Cứu Độ để tìm sự khuyên bảo và sáng suốt của Người."

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tìm đến Bí Tích Thánh Thể như là lẽ sống và nguồn trợ lực hữu hiệu cho đời mình.

Suy niệm 3 Thăng tiến

Tôma More thăng tiến mau chóng trong sự nghiệp.

Ngài là một luật sư nổi tiếng và được chọn vào Nghi Viện khi mới 22 tuổi. Từ đó, ngài tiếp tục thăng quan tiến chức cho đến 47 tuổi, ngài được sự chú ý của vua Henry VIII và được chọn làm Quan Chưởng Ấn kế vị Đức Hồng Y Wolsey.
Đường đời của ngài xem ra rất thành công và đáng cho nhiều người thèm khát. Nhưng sự nghiệp tôn giáo đối với ngài mới là điều quan trọng và đáng được phấn đấu hơn, vì được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì. Chính vì thế ngài đã chọn con đường tử đạo, nhờ đó vào năm 1935, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng là "Vị Tử Đạo của Đức Giáo Hoàng".

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cương quyết chọn Chúa hơn tất cả mọi sự trên đời này.

Suy niệm 4:. Từ chức

Vào năm 1532, giữa lúc tột đỉnh danh vọng và sự nghiệp, Tôma More từ chức khi nhà vua nhất định duy trì lập trường của ông về vấn đề hôn nhân và uy quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng.
Vì vua Henry VIII muốn li dị bà Catherine ở Aragon, là người không sinh được con trai để nối dõi và muốn đặt các con người vợ lẽ làm thừa kế. Tôma More không đồng ý với hành động của nhà vua, và cũng không công nhận Henry là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh, như nhà vua đã tự xưng nhằm mục đích tách biệt khỏi Giáo Hội Rôma và khước từ quyền bính của đức giáo hoàng.
Trên đỉnh cao danh vọng trần thế, vậy mà Tôma More quyết định từ chức để phản đối lập trường của nhà vua, để rồi chấp nhận bị tống ngục và bị hành quyết, quả là một quyết định anh hùng, thật xứng với vị tiền bối Gioan Tiền Hô, Đấng cũng đang được mọi người tôn vinh nhưng vì phản đối cuộc hôn nhân bất chính của vua Hêrôđê nên bị tống ngục và bị chém đầu.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm chấp nhận mọi thiệt thòi đời này vì Chúa và vì đức tin tinh tuyền.

Suy niệm 5 Tòa

Tôma More bị tống giam ở Ngục Luân Đôn. 15 tháng sau, ngài được đưa ra tòa về tội phản quốc.

Trước tòa ngài cho biết là không thể hành động trái với lương tâm, và cầu chúc các quan tòa rằng "tất cả chúng ta sẽ gặp nhau ở đời sau trong hạnh phúc thiên đàng để được cứu chuộc đời đời."
Thái độ hiên ngang và không hãi sợ trước tòa để có được một lời phát biểu như thế, chắc hẳn phải nhờ vào sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần như Đức Giêsu đã từng đề cập tới (Mt 10,20), và đã được minh chứng cách đậm nét ở trường hợp các tông đồ (Cv 4,13-21).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn vững tin vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần trong mọi nghịch cảnh.

Suy niệm 6 Trung thành

Trên đoạn đầu đài, Tôma More tuyên bố với đám đông rằng ngài chết như "một tôi trung của nhà vua -- nhưng trước hết là tôi trung của Thiên Chúa". Ngài bị chém đầu ngày 6 tháng Sáu năm 1535.
Là một quân sư và nhà ngoại giao hàng đầu, Tôma More không tương nhượng các quy tắc đạo lý của chính ngài để chiều theo nhà vua, vì biết rằng sự trung thành đích thực với quyền bính không có nghĩa mù quáng chấp nhận những gì người cầm quyền mong muốn. Tôma More đã can đảm trung thành với lý tưởng ấy cho đến giọt máu cuối cùng.
Lòng trung thành cần phải được đánh giá qua các thử thách. Thử thách càng lớn và càng nhiều thì lòng trung thành càng có giá trị cao cả. Với Tôma More, chẳng những ngài hy sinh cả sự nghiệp trần thế đầy quang vinh mà còn cả mạng sống. Trong khi đó chỉ với ba mươi đồng bạc thì Giuđa Ítcariốt đã đánh mất lòng trung thành để phản bội Thầy mình.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vượt qua mọi thử thách lớn nhỏ trong đời, để minh chứng lòng trung thành với Chúa.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ