Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

Người Việt Nam vẫn được ca tụng là chăm chỉ và chịu khó trong công việc làm ăn. Nói như vậy, nếu chỉ nhìn bề ngoài, có lẽ người ta sẽ nghi ngờ vì không thấy tận mắt thành quả của sản phẩm mà người Việt ở ba miền Nam Trung Bắc đã làm ra và bán trên thị trường. Để chứng minh sự khéo léo và sáng tạo trong các ngành thủ công nghiệp của dân Việt, trong bài này chúng tôi giới thiệu một số làng nghề truyền thống tiêu biểu của Huế và miền Trung.


1-NGHỀ CHẠM CẨN

 

Theo sách "Ô Châu Cận Lục“ của Dương Văn An viết năm 1553, làng Địa Linh trước kia có tên gọi khác là Trạc Linh, làng có tên trong 67 xã thuộc huyện Tư Vinh. Người Chăm (Chàm) vốn là chủ nhân của vùng đất này. Một trong những di tích văn hoá Chăm có mặt ở đây trước năm 1306 là giếng cổ có hình vuông ở cuối thôn Địa Linh. Dân cư ở đây sống dọc hai bên đường tỉnh lộ 4, nơi ngày xưa là cửa ngõ thông thương giữa hai phố Thanh Hà và Bao Vinh.
Thời bấy giờ, Địa Linh là một trong những trạm truyền đệ công văn quan trọng gọi là trạm phố chính. Dân địa phương chủ yếu sống bằng nghề mộc mỹ nghệ và nghề buôn bán nhỏ. Cho đến hôm nay, làng vẫn giữ được nghề mộc truyền thống đó là nghề chạm cẩn. Nghề chạm cẩn có nguồn gốc từ Hà Nội.

 

Vào cuối thế kỷ XIX, để đáp ứng nhu cầu trang trí nội thất của triều đình nhà Nguyễn, nghệ nhân Trương Văn Thiện (quê ở Quảng Nam) đang hành nghề tại quận Hoàn Kiếm - Hà Nội, được mời vào Huế, trú ngụ tại thôn Minh Thanh (Hương Vinh) để truyền đạt những nét tinh hoa của nghề chạm cẩn cho dân địa phương. Từ đó, nghề được người dân học hỏi, lan rộng dần và tồn tại cho đến ngày hôm nay.


2- NGHỀ LÀM NÓN HUẾ

 

Nhin hình ảnh các cô sinh viên, học sinh mặc áo dài trắng tha thướt dưới gió và chiếc nón trên đầu che nắng chắn mưa, người dân Việt tị nạn nào lại không nhớ những kỷ niệm một thời đã qua. Chiếc nón cũng là biểu tượng khó quên mà các nữ sinh, đặc biệt các cô gái Huế, đã làm cho nó thêm ý nghĩa, không chỉ ở vào tuổi thiếu niên mà cả thời kỳ còn con gái cắp sách đến trường trung và đại học; hoặc khi về nhà chồng. Nhìn những chiếc nón đẹp như vậy người ta không khỏi thắc mắc ông tổ làm ra chiếc nón lá là ai?

 

Chiếc nón đã xuất hiện từ lâu, lâu lắm. Nếu đòi hỏi một thời điểm thì không ai có thể chứng minh nó xuất hiện vào thời kỳ nào. Tuy vậy, dựa vào ca dao của dân tộc Việt, người ta có thể nhận định chiếc nón Huế đã "có tuổi“, ít nhất từ thời kỳ khai sinh xứ Huế.

 

Ai ra xứ Huế mộng mơ,
Mua về chiếc nón bài thơ làm quà.
Hay:
Mát mặt anh hùng khi nắng hạ,
Che đầu thôn nữ lúc mưa sa.

Ở Huế không chỉ một làng làm nón mà nhiều làng. Một số làng sản xuất nón Huế có tiếng phải kể đến: Đồng Di, Tây Hồ, La Ỷ, Nam Phổ, Phủ Cam, Đốc Sơ... Nón đặc biệt của Huế phải kể đến chiếc nón ba lớp làm tại La Ỷ, Nam Phổ, Đốc Sơ. Nón bài thơ nổi tiếng thì có Đồng Di, Tây Hồ, Phủ Cam.
Chiếc nón tự nó không lãng mạn, nhưng thi ca đã tạo cho nó như có một tâm hồn hòa nhịp với người thiếu nữ duyên dáng, mặn mà của Kinh thành Huế. Mấy câu thơ tình tứ sau đây có thể diễn tả phần nào cái tâm tình đó:

 

Áo trắng hỡi thuở tìm em chẳng thấy,
Nắng mênh mang mấy nhịp Trường Tiền.
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế,

 

Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng.Cái đặc điểm của nón Huế không phải chỉ để che nắng, chắn mưa mà chứa đựng cả một hồn thơ cùng với những hình ảnh đẹp được ép dưới lớp lá nón mong manh. Chiếc nón Huế tha thiết với chủ nhân của nó như người tình e lệ. Nàng luôn che dấu sự duyên dáng như một thiếu nữ gia giáo nép mình bên màn cửa. Nét mặt yêu kiều của người con gái dấu sau chiếc nón bài thơ, lúc mở lúc che, nửa hở nửa kín, là một sự quyến rũ tuy nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa, mà người Việt tị nạn khó tìm thấy ở trời Âu hay Bắc Mỹ.


Chiếc nón bài thơ được làm như thế nào?

 

Nói đến nón bài thơ, người ta không thể không nói tới làng Tây Hồ, một làng nằm bên giòng sông Như Ý, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nghề làm nón không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả nam giới trong gia đình cũng có thể giúp chuốt vành, lên khung nón. Với cây mác sắc bén, họ chuốt từng sợi tre thành 16 nan vành; sau đó uốn thành vòng thật tròn trịa và chính xác cho phù hợp với khung nón.

 

Người phụ nữ thì làm vành và ủi lá cho thẳng. Để có được lá đẹp, người thợ thường chọn lá nón vẫn giữ được màu xanh nhẹ, ủi lá nhiều lần cho phẳng và láng. Khi kết hợp lá, người thợ phải khéo léo sao cho lá không bị chồng cộm lên nhau. Khi nón hoàn tất, người ta đính thêm vào chóp nón một cái "xoài“ được làm bằng chỉ bóng láng để tăng thêm vẻ duyên dáng, sau đó mới quét dầu bóng nhiều lần, phơi đủ nắng để nón vừa đẹp lại vừa bền.

 

Nét đặc biệt nhất của nón lá Tây Hồ so với sản phẩm cùng loại của nhiều làng nón khác ở xứ Huế chính là dáng thanh tao và mỏng manh, nhưng bền chắc. Màu nón nhã nhặn và đặc biệt nhất là những bài thơ chan chứa tâm hồn xứ Huế được cài trong chiếc nón. Để cho nón có giá trị cao hơn, người ta không chỉ ghép vào nón các bài thơ, mà ghép cả cảnh đẹp thiên nhiên của Kinh thành như: chùa Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền và sông Hương. Hai câu thơ được nhiều người yêu thích nhất vẫn là:

 

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.


3-ÁO DÀI HUẾ,

 

Chiến nón bài thơ đẹp và dễ thương, nhưng nếu chỉ đội để đi làm hay đi chợ trong bộ áo bình dân, áo bà ba hay áo cộc, thì cái vẻ duyên dáng của người phụ nữ sẽ giảm đi một phần. Chiếc nón bài thơ cùng với chiếc áo dài trắng tha thướt sẽ tạo cho người phụ nữ Huế cái vẻ thanh tao, dáng nhẹ nhàng và đầy sức quyến rũ.
Người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài đã lâu mà chắc không nhiều người biết cội nguồn của nó. Chiếc áo dài có vào thời nào vẫn là một câu hỏi khó trả lời.

 

Nếu cần chọn một thời điểm đáng ghi nhớ thì theo tác giả Lê Hồ, vào thời Minh Mạng, để sửa đổi cách ăn mặc thiếu đồng nhất tại các miền sau giai đoạn Trịnh-Nguyễn phân tranh, nhà vua ra sắc chỉ quy định y phục trên toàn quốc như sau:
-Các phi tần, người hầu kẻ hạ đều phải mặc áo dài ngay khi vừa bước chân khỏi cấm cung.
-Dân gian phải mặc quần, cấm không được mặc váy. Đối với người lớn, khi ra đường ai cũng phải mặc quần áo chỉnh tề.
Thời ấy, áo dài Huế cũng như ở các vùng miền khác thường có mầu đậm và áo có đến 5 tà (sau này sửa thành áo tứ thân - 4 tà). Mỗi thân trước và sau đều có 2 tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Tà thứ 5 ở bên phải, thân trước. Tay áo thì thường may nối dưới khuỷu tay (lý do thời đó các loại vải rộng nhất cũng chỉ đến khổ 40cm). Cổ áo cao khoảng 2cm-3cm, cùng tay và thân áo trên ôm sát người. Tà áo được may rộng ra từ sườn đến gấu và không chiết eo, dài đến đầu gối. Gấu áo thường võng, vạt rộng đến 80cm.
Về quần mặc cùng áo dài, phụ nữ Cố Đô thường chọn màu trắng đầy nữ tính. Riêng người trong hoàng tộc và các gia đình giàu có còn may quần chít ba (có 3 ly dọc 2 mép ngoài quần) để tạo dáng quần xòe rộng, trông yểu điệu mà cử động lại thoải mái hơn.
Chính vì lệnh vua Minh Mạng cấm mặc váy, nên trong dân gian mới có câu ca dao phản kháng truyền miệng được ghi trong Tục Ngữ Phong Dao của tác giả Ôn Như Nguyễn

 

Văn Ngọc:

 

Tháng sáu có Chiếu vua ra,
Cấm quần, cấm áo đôi ta ngặt ngùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi ra bóc lột quần chồng mà mang!
Nhưng theo tác giả Nguyễn Dư (Lyon 8/2003) trích trong sách "Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu" của nhà xuất bản Thuận Hóa lại ghi:
Tháng tám (tháng chín) có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì bóc lột quần chồng sao đang.

Đến đầu thế kỷ XX, từ khi có trường Nữ sinh Trung học Đồng Khánh (1917), các nữ sinh miền Trung đều dồn về Huế theo học và áo dài trở thành đồng phục hàng ngày. Các nữ sinh đều mặc quần trắng, áo dài tím khi đến trường, sau này đổi thành áo trắng mùa khô, xanh nước biển mùa mưa.

 

Đến những năm 1930 - 1940 của thế kỷ XX, kiểu dáng của áo dài xứ Huế cũng như các vùng miền không thay đổi, tuy nhiên, màu sắc và chất liệu phong phú hơn hẳn.
Một điều đáng lưu ý là áo dài xứ Huế sẽ không có kiểu dáng như ngày nay, nếu không trải qua một cuộc canh tân, do một họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, chủ tiệm may Le Mur danh tiếng ở Hà Nội và Hải Phòng tên là Cát Tường khởi xướng. Ông đã đem đến Hội chợ Huế 1939 một bộ sưu tập áo dài cách điệu lối Âu châu, với 2 tà thay cho 5, cổ khoét hình trái tim (có khi gắn thêm cổ bẻ và một chiếc nơ), tay nối trên vai bồng, hàng khuy chạy dọc theo vai và sườn phải đầy khêu gợi.

 

Thời trang mới này được phụ nữ Cố Đô tiếp nhận, tuy nhiên, do ảnh hưởng của nếp sống kín đáo, áo dài Huế chỉ canh tân trong chừng mực, bằng cách giảm số tà còn 2 và mở khuy từ vai xuống eo.
Những năm 1950, áo dài xứ Huế bắt đầu lượn eo theo thân người mặc, cổ cao hơn, vạt thu hẹp lại để tôn dáng thiếu nữ. Đến khoảng những năm 1960, các tiệm may Huế mới chít eo áo dài, tạo sức quyến rũ cho người mặc. Cuối thập niên 1950, theo mốt Sài Gòn, vai áo dài Huế lại được cắt "raglan" để tránh nhăn cho phần ngực và nách.


4-LÀNG MẮM NAM Ô

 

Nhứt nước mắm Nam Ô
Nhì cá rô Xuân Thiều

 

Làng Nam Ô, nay thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, vốn là một làng đánh cá ven biển nhỏ bé nằm ngay trên đường quốc lộ số 1, được bao bọc bởi những trảng cát trắng mịn màng, kéo dài hàng cây số. Theo các bô lão trong làng, vào nửa cuối thế kỷ XVI, những cư dân người Việt đầu tiên đến định cư trên vùng đất này vốn là những tướng sĩ nằm trong đội quân của Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558. Khi đi, họ chỉ đi một mình, không đem theo vợ con, gia đình.
Bấy giờ đã diễn ra những cuộc hôn nhân mà chàng rể là lính Việt và cô dâu lại là con gái Chăm. Cho nên, trong gia phả các tộc Đinh, Phạm, Mai, Trần.. những vị tiền hiền của tộc chỉ có tên ông mà không có tên bà.

 

Muốn muối cá cho ngon, người Nam Ô chuẩn bị rất công phu. Đầu tiên, phải mua loại muối có xuất xứ từ Đề Gi, Sa Huỳnh hay muối Cà Ná hạt to và chắc nặng. Cứ vào cỡ cuối năm, tức tháng mười một, tháng mười hai âm lịch, khi tiết trời thuận lợi, thường có các ghe chở đầy muối do thương lái người Bàn Thạch, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, ghé bến Nam Ô bán lại.

 

Ở Nam Ô, mùa đánh cá bắt đầu từ tháng ba đến tháng tám âm lịch. Có nhiều loại cá. Nhưng, loại cá ngon nhất, thích hợp nhất để muối cho ra thứ nước mắm thơm ngon tuyệt hảo là cá cơm than tháng ba.
Trong ký ức của những cụ già cao tuổi, vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở Nam Ô có hai gia đình muối cá nổi tiếng nhiều và ngon, đó là gia đình bà Tú Lâm và gia đình bà Đốc Núc. Họ cũng là những gia đình giàu có khét tiếng quanh vùng. Có câu chuyện kể khá lý thú rằng ông Phạm Sĩ Lâm, vốn học giỏi, đỗ tú tài nên mới có tên là Tú Lâm. Bấy giờ, ở làng Xuân Thiều có ông bà Thừa Văn họ Mai là gia đình giàu có ít ai sánh bằng. Cho nên, mới có bài vè:

 

Ve ve bắt vè Thừa Văn
Trong nhà gà chọi mun săn

 

Ruộng trâu ấp bộ gần bằng của vua.. Do giàu có, tiếp xúc nhiều, giao thiệp rộng, biết ruộng đất của làng chưa vô bộ điền, nói nôm na là ruộng tự khai phá, chưa có sự chứng nhận của chính quyền phong kiến đương thời, ông bà Thừa Văn bèn dựa vào thế lực đồng tiền đem đút lót, đãi đằng bọn Pháp nhằm cướp ruộng đất của dân. Thấy có nguy cơ mất trắng, dân làng Xuân Thiều mới nhờ ông Phạm Sĩ Lâm là người có học làm đơn mang ra tận triều đình Huế kêu kiện. Lúc đến kinh đô, ông làm quen với bà Tôn

Nữ Thị Huyền dòng Tôn Thất, lấy bà làm vợ hai, thông qua mối quan hệ này ông thắng kiện. Riêng bà Tôn Nữ Thị Huyền, sau khi về làm dâu nhà họ Phạm mới được gọi là bà Tú Lâm. Bà vốn khéo tay, nhanh ý, thấy người dân địa phương muối mắm ngon mới nảy ra ý định học hỏi làm theo. Bà lập kho mắm lớn, chứa một lúc mấy trăm kiệu, thuê hẳn một người vừa giữ kho vừa trông coi mắm. Cuối năm là thời điểm bà cho lọc, chuẩn bị chở đi các nơi phục vụ nhu cầu thị trường. Nước mắm của bà được đặt tên là nước mắm Ô Long, Ô, chắc chắn chỉ Nam Ô. Còn Long là rồng. Có lẽ bà muốn thương hiệu nước mắm của mình phát triển và thăng tiến mãi ở tư thế... rồng bay lên?
Ngoài ra, nước mắm Nam Ô còn tìm đường vào Sài Gòn thông qua những người con đất Quảng xa quê hiện đang làm ăn, sinh sống, nhưng vẫn không quên được hương vị

 

đặc biệt của nước mắm Nam Ô:

 

Nam Ô nước mắm thơm nồng,
Đi mô cũng nhớ mùi hương quê nhà

 

Hay:

 

Bữa nay đợi bún Chợ Chùa,
Đợi mắm Nam Ổ đợi cua Làng Gàn
h


5-LÀNG RÈN HIỀN LƯƠNG

 

Làng Hiền Lương là một trong những làng còn bảo tồn được khá nhiều yếu tố gốc của một làng Việt cổ truyền vùng duyên hải miền Trung, được thành lập sớm ở xứ Thuận Hoá.

 

Theo những tài liệu thư tịch cổ, theo tư liệu được khắc trên quả chuông cổ được đúc năm Gia Long thứ 18 (1819), khắc tên một số nhân vật người làng Hiền Lương nổi tiếng về nghề rèn và nghề cơ khí dưới triều Nguyễn như ông Nguyễn Lương Nhĩ, Nguyễn Lương Xa, Hoàng Văn Lịch... Trong các nhân vật tiền bối về nghề rèn làng Hiền Lương này, dân làng dành cho ông Hoàng Văn Lịch nhiều cảm tỉnh và kính trọng. Các bộ sử của triều Nguyễn, gia phả họ Hoàng ở làng Hiền Lương đều ghi rõ ông là người có tài đặc biệt về nghề rèn và cơ khí, làm gương cho một số người ở làng Hiền Lương học tập, nối nghiệp ông phát triển nghề rèn ở Hiền Lương và trở thành những người thợ có tiếng đương thời.

 

Gia phả họ Hoàng ghi: Ông Hoàng Văn Lịch sinh năm 1774, mất năm 1849, thọ 75 tuổi. Dưới thời Gia Long, ông làm việc ở đội Thạch Cơ (máy đá). Thời Minh Mạng, ông được thăng Chánh Trị sự kiêm quản Võ khố Đốc công sự vụ, đã từng chế tạo ra mấy chiếc thuyền chạy bằng máy hơi nước giống kiểu tàu của Pháp mà vua Gia Long mua về, Vua Minh Mạng sau khi xem tàu chạy thí nghiệm đã thưởng cho ông Hoàng Văn Lịch một cái nhẫn pha lê khảm vàng, một đồng tiền vàng lớn. Ngoài ra, đốc công và thợ được thưởng chung 1.000 quan tiền. Thời vua Thiệu Trị (1841 - 1847), ông được phong Chánh Giám đốc kiêm quản Bá Công Tượng cuộc. Sau đó, ông được phong tước Lương Sơn Hầu, và là người được coi là vị thuỷ tổ nghề cơ khí đầu tiên của Việt Nam.

 

Một người thợ rèn ưu tú thứ hai của làng rèn Hiền Lương là ông Trần Văn Đắc, ông được các triều vua Nguyễn phong tặng bằng sắc về công trạng trong nghề rèn và cơ khí như bằng sắc của vua Minh Mạng năm thứ 10 (1829); Tự Đức thứ 8 (1855) và Khải Định thứ 6 (1921). Thời vua Minh Mạng, ông làm việc ở một đơn vị lính thợ, thuộc Nhà Võ khố của triều đình, nhờ có tay nghề cao, được phong hàm Chánh Cửu phẩm, giữ chức Tượng cục - coi lính thợ. Thời Tự Đức được thăng hàm Chánh Bát phẩm và lên giữ chức Chánh Ty Tượng suất nội cuộc nhơn đẳng - đứng đầu ty lính thợ. Thời vua Khải Định, ông được truy tặng Minh nghĩa Đô uý. Điều đặc biệt hiếm có trong thời đại phong kiến, là những người con nổi tiếng của làng rèn Hiền Lương có công lớn trong phát triển nghề cơ khí, nghề rèn được phong đến tước Hầu, nhưng không phải xuất thân từ khoa bảng, mà chỉ là những người thợ có bàn tay vàng được tôn vinh, quý trọng.

 

Kế tục truyền thống của ông cha, trong thời cận đại còn có nhiều người con của làng rèn Hiền Lương nổi tiếng như ông Dương Phước Thiệu là người giỏi về kỹ thuật, chuyên môn sửa chữa các loại súng, các máy do Pháp chế tạo, và giỏi các nghề tiện, nguội, rèn. Ông Trương Quang Sừng là một thợ cơ khí bậc cao hiếm có, là người thầy dạy nghề nổi tiếng được quý trọng ở Trường Bá Công lập ra dưới triều vua Thành Thái (1889 - 1907), đã có công đào tạo ra một thế hệ người có tài trong lĩnh vực cơ khí như máy, tiện, đúc, gò, rèn...
-------------------
Tài liệu tham khảo:
-Mạng lưới Dũng Lạc
-Net Cố Đô & VietnamNet