Dân Chúa Âu Châu

Việt Nam vẫn đeo đuổi mô hình kinh tế thị trường chẳng giống ai

20161013 TS DoanhTiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương và hiện là thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hợp Quốc, đưa ra vài dẫn chứng cụ thể:

(1) Đất đai và tài nguyên thiên nhiên được coi là “sở hữu toàn dân”, tức là không có chủ sở hữu cụ thể, dẫn đến thực trạng một số quan chức tham lam đã lạm dụng quyền lực để thu lợi bất chính.

Vài ví dụ:

– Sự chênh lệch quá cao giữa giá đến bù đất cho nông dân với giá đất xây dựng.

– Việc thuê đất, giao đất không dựa trên hợp đồng tự nguyện giữa người dân và doanh nghiệp, mà thông qua biện pháp hành chính, cưỡng chế, gây ra bất bình trong xã hội.

– Hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên, rừng và đất rừng được chuyển giao cho danh nghiệp khai thác cũng còn thiếu công khai minh bạch, tạo ra miếng đất màu mỡ cho quan chức suy thoái tham nhũng.

(2) Tín dụng lãi suất vẫn còn được điều hành bằng biện pháp hành chính, phần lớn tín dụng được giao cho các tập đoàn và tổng công ty nhà nước với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. Kết quả là nguồn lực được phân bổ không hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước sử dụng nhiều vốn nhưng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng.

(3) Nhà nước vẫn còn can thiệp vào thị trường ở các cấp khác nhau, tạo cơ hội cho lợi ích nhóm phát triển. Nhà nước duy trì độc quyền ở nhiều sản phẩm và dịch vụ chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả, làm môi trường kinh doanh kém lành mạnh, tạo cơ hội cho một số đối tượng giàu lên nhanh chóng, trong khi số đông doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa vật vã mãi chưa lớn lên được. Chính vì vậy, sau một thời gian tăng trưởng, kinh tế Việt Nam lại rơi vào tình trạng bất ổn, bội chi ngân sách cao, nợ công tăng, và tốc độ tăng trưởng giảm sút.

(4) Chi thường xuyên còn cao do bộ máy công kềnh, không có kỷ luật ngân sách nghiêm minh, công khai, minh bạch, gắn liền với trách nhiệm giải trình và trách nhiệm cá nhân để tiết kiệm chi tiêu.

Trong 9 tháng, Chính phủ vay nợ thêm khoảng 16 tỷ USD

20161013 vay noBằng nhiều kênh huy động khác nhau, tính đến hết 30/9, Chính phủ đã vay nợ 250.320 tỷ đồng (hơn 11 tỷ USD) dưới hình thức trái phiếu, vay vốn nước ngoài quy đổi khoảng 4,88 tỷ USD.

Riêng trong tháng 9/2016 Chính phủ đã ký kết 1 Hiệp định vay mới nước ngoài của Pháp với trị giá 58,4 triệu USD.

Như vậy, tính chung cả vay nợ nước ngoài và huy động qua trái phiếu (quy đổi ra USD), trong vòng 9 tháng, Chính phủ đã vay thêm khoảng 16 tỷ USD.

Đang khi ấy, theo báo cáo tổng kết của Bộ Tài chính, bội chi ngân sách 9 tháng đã vượt 152.200 tỷ đồng, bằng 59,9% so với dự toán năm.

Việt Nam “đói vừa phải”

Theo Chỉ số Đói Toàn cầu (Global Hunger Index – GHI) 2016, Việt Nam đứng thứ 64 trong tổng số 118 quốc gia được xếp hạng. Những nước càng xếp về cuối của xếp hạng này có mức độ đói càng cao. Với điểm số đói hiện tại là 14,5, Việt Nam thuộc nhóm nước đói “vừa phải”, tức là vẫn đói!

Chỉ số Đói Toàn cầu được thực hiện dựa trên các số liệu về tình trạng suy dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong ở trẻ em, và trẻ thấp còi.

Báo cáo của IFPRI cho biết hiện có khoảng 795 triệu người phải đi ngủ trong tình trạng bị đói mỗi đêm.

“Chúng ta có công nghệ, tri thức và nguồn lực để đạt mục tiêu không có người đói. Điều còn thiếu là sự hối thúc và ý chí chính trị để biến các cam kết thành hành động”, ông Dominic MacSorley, Giám đốc tổ chức Concern Worldwide, phát biểu.

GDP tăng chậm

Theo số liệu chính thức do Chính phủ đưa ra, tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam ước tính đạt 5,93%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,7% do Quốc hội đặt ra hồi tháng 11 năm 2015.

Về nguyên nhân dẫn đến GDP tăng chậm so với kỳ vọng, tiến sỹ Lê Đăng Doanh phân tích:

“Trước hết là tình hình khô hạn trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long, ở miền Trung Nam Bộ và ở Tây Nguyên, đã gây ra tác động khắc nghiệt đối với nông nghiệp Việt Nam. Nền nông nghiệp Việt Nam đã có tăng trưởng âm, khoảng -0,18%.

20161013 FormosaThứ hai là vụ Formosa đã tác động hết sức tiêu cực đối với đời sống người dân ở 4 tỉnh miền Trung.

Thứ ba là tình hình kinh tế thế giới, giá các mặt hàng nông sản và giá dầu tiếp tục ở mức thấp, vì vậy cho nên Việt Nam xuất khẩu dầu và xuất khẩu nông sản cũng đều gặp các điều kiện bất lợi”.

Hiện nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang gặp khó khăn bởi vì dư lượng kháng sinh, và sự thận trọng của các nước nhập khẩu sau khi có vụ Formosa càng làm cho việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn hơn, theo tiến sỹ Lê Đăng Doanh.

Việt Hùng tổng hợp

Nguồn: DCCT