Dân Chúa Âu Châu

Đôi mắt của những đứa trẻ con chị Nga vẫn mở to và không hiểu vì sao chúng lại bị chia tách với mẹ. Còn những đôi mắt nào cho quê hương Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, cho tương lai của Người Việt chúng ta?

chị NgaTòa án tỉnh Hà Nam vừa tuyên án chín năm tù giam đối với chị Trần Thị Nga, một người nghèo, nạn nhân của những đòn thù của chính quyền địa phương. Chị là một người mẹ có hai con còn thơ ấu, nhưng đã chọn sống vượt trên những lo toan thường tình với những bổn phận và trách nhiệm phải có đối với bản thân và gia đình, để lo cho những “thân mình” khác, lo cho một “gia đình lớn” là dân tộc Việt Nam, là quê hương Việt Nam.

Chị dấn thân để thực hiện những điều đáng ra phải là nhiệm vụ của những người sức dài vai rộng.

Trong những hành vi nhân ái, can đảm và bất chấp hiểm nguy, Chị đã dám bày tỏ chính kiến, công khai lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng và sự công bằng cho những công nhân nghèo bị bóc lột, bị ăn chặn, bị bỏ rơi, khi phải vất vả làm thuê ở nước ngoài.

Chị dấn thân đòi công lý cho những dân oan bị cướp đi những mảnh đất tổ tiên để lại, khi những chính sách quy hoạch tùy tiện và những vụ cưỡng chế bất nhân, cộng thêm sự thao túng của nhà chức trách liên kết với những tập đoàn “cá mập”, đã khiến những nông dân chân chất một nắng hai sương bị bần cùng hóa, trở thành những con người vất vưởng ngay trên quê hương mình.

Chị hy sinh cho việc liên kết và liên đới với những người kiên cường đấu tranh cho quyền con người, cho tự do và công bằng, cho độc lập và dân chủ cho quê hương…

Hai đứa con thơ của Chị có lẽ chưa thể ý thức được hết những gì mẹ chúng và các bạn của mẹ chúng đã làm và đang làm, và cả những gì người ta đã làm và đang làm đối với mẹ chúng. Nhưng những đôi mắt ngây thơ, ngơ ngác mở to của chúng, chính là những đôi mắt biết nói. Những ánh mắt ấy chứa đựng một khát khao ám ảnh chúng cả ngày lẫn đêm, khát khao một điều thiêng liêng cao cả nhất.

Chúng cần có mẹ, mẹ Nga của chúng, yêu thương và săn sóc chúng, để chúng được lớn lên trong sự che chở ấm áp và hình thành nhân cách nhờ sự dạy bảo hằng ngày mà bất cứ người mẹ nào cũng đều muốn làm cho các con của mình, như một nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả nhất.

Chúng cần có mẹ để tựa nương. Chúng cần hơi ấm của mẹ trong những đêm dài lạnh lẽo. Chúng cần nụ cười của mẹ để khích lệ và sẻ chia. Chúng quyến luyến và ngưỡng mộ người mẹ, như mọi đứa trẻ quyến luyến với mẹ của mình.

Bây giờ chúng chưa thể hiểu hết những hy sinh của người mẹ dấn thân cho một lý tưởng cao đẹp và cần thiết cho dân tộc, cho quê hương, cho đất nước, bây giờ và mai ngày. Nhưng khi lớn lên và trưởng thành hơn, chúng sẽ hiểu và tự hào vì những gì đã xảy ra cho mẹ chúng hôm nay.

Hôm nay, chúng đã không được phép nhìn thấy mẹ Nga trong phiên tòa được nói là công khai nhưng thật ra là khuất tất, cho dù chúng là những người thân thuộc gần gũi nhất của mẹ Nga, người đang bị tòa xét xử. Nhưng sau này, chắc chắn chúng sẽ biết chính phiên tòa khuất tất này càng làm cho mẹ chúng trở thành anh hùng hơn trong tâm khảm của rất nhiều con người có lương tri.

Bản án đầy bất công và bất nhân bỗng như quay ngược lại tố cáo những kẻ hèn nhát và nhu nhược, không dám “nhìn” vào hiện tình bi thương và mối nguy mất nước, khi kẻ thù hàng ngày bức tử Biển Đông, bách hại những ngư dân Việt hiền lành, và đầu độc những người dân Việt nghèo khổ bằng đủ mọi thứ sản phẩm mưu ma chước quỷ.

Thật đau đớn khi bản án nặng nề dành cho người phụ nữ yêu nước ấy được tuyên ngay trong những ngày bãi Tư Chính ngoài Biển Đông bị bỏ mặc vì sức ép của “anh bạn vàng bốn tốt”…

Người ta đã tuyên bản án quá khắc nghiệt và nhẫn tâm ấy với những ánh mắt lạnh lùng và những cái đầu đầy toan tính, với những thủ đoạn hèn hạ tàn nhẫn như chỉ muốn giáng trên những người dân của mình một đòn thù, lăm lăm đày đọa cả những người chân yếu tay mềm. Nhưng chính vì vậy, bản án ấy càng cho thấy rõ sự khiếp nhược nhục nhã của cả một hệ thống chính trị đồ sộ trước sự thật, trước công lý, và trước một “nhúm” người lên tiếng đòi nhân quyền, đòi công bằng và đòi thượng tôn pháp luật.

Đôi mắt của những đứa trẻ con chị Nga vẫn mở to và không hiểu vì sao chúng lại bị chia tách với mẹ.

Còn những đôi mắt nào cho quê hương Việt Nam?

Còn những suy tư, trăn trở nào cho dân tộc Việt Nam?

Còn những băn khoăn, khát khao nào cho tương lai của Người Việt chúng ta?

Chẳng lẽ chúng ta chỉ biết góp gạch xây cái nhà tù lớn, một nhà tù lớn ngột ngạt, được xây bởi những viên gạch của sự vô cảm, phủi bỏ trách nhiệm và hãi sợ của chính chúng ta?

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Nguồn: dcctvn.org

Merken