Dân Chúa Âu Châu

GNsP (27.02.2017)- “TP.HCM quyết tâm có giải Nobel y học” là khẳng định của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trong buổi gặp gỡ thuốc tiêu biểu nhân dịp 62 năm ngày Thầy thuốc VN (27.2.1955-27.2.2017).

Giải Nobel Sinh lý học và Y khoa do Quỹ Nobel quản lý, được trao hàng năm cho những khám phá nổi bật trong lĩnh vực khoa học sự sống và y học. Hãy khoan nói đến “những khám phá nổi bật“ (nếu có) nhưng hãy nhìn vào thực trạng “ứng dụng” trên nền tảng công nghệ đã có sẵn trong y học tại Việt Nam là như thế nào ?

Nhìn vào thực trạng y tế của Việt Nam hiện nay, không khó khăn gì để nhận ra một chữ THIẾU là tình trạng chung trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân.

Thiếu bệnh viện: Nguyên nhân của tình trạng quá tải bệnh nhân là do thiếu bệnh viện.

Thiếu bác sĩ: Việc bác sĩ xin nghỉ việc đã trở thành một “trào lưu” khiến cho “ tình trạng thiếu bác sĩ sẽ ngày càng tăng”- PGS.TS Phạm Duệ.

Thiếu thuốc men: Nhiều bệnh viện lớn “kêu cứu” vì thiếu thuốc, thậm chí là những thuốc rất cần thiết cho việc cấp cứu, điều trị như thuốc giảm đau, thuốc gây mê.

Có ba điều rất cơ bản để đánh giá sự phát triển của nền y học của một đất nước đó là: Bệnh viện, bác sĩ và thuốc men thì Việt Nam thiếu cả ba. Cái hạ tầng cơ sở là những dịch vụ chăm sóc sức khỏe rất cơ bản cho người dân còn chưa đáp ứng thì lấy gì để xây dựng thượng tầng kiến trúc là những khám phá nổi bật trong y học và đời sống ?

“Người nghèo nhất trong tất cả mọi người không phải là người không có một xu dính túi, mà là người không có lấy một ước mơ.” Vâng! Ước mơ là nguồn động lực giúp con người trở nên lớn lao và thăng tiến cuộc sống.

Dẫu không phải ước mơ nào cũng có thể trở thành hiện thực nhưng khi mơ những gì mình muốn có thì dù ít hay nhiều, chúng ta đã có cơ sở, kế hoạch, lòng quyết tâm và sự nổ lực bền bỉ để làm những gì mình muốn đạt được. Ví như học sinh nào cũng muốn bước chân vào cổng trường đại học, thế nhưng hãy khoan nói đến điều ấy khi cái bằng tốt nghiệp trung học cứ ì ạch mãi mà không lấy được.

Ngay cả trong chuyện cổ tích thì khi muốn giúp cô bé Lọ Lem có áo quần đẹp, có cỗ xe lộng lẫy đi dự dạ hội với Hoàng Tử, bà Tiên đỡ đầu vẫn cần có trái bí, có những chú Chuột nhắt và quan trọng nhất là phải có cây đũa thần. Ông Bụt muốn giúp cô Tấm hiền lành xinh đẹp có xiêm y tha thướt để đi trẫy hội ở hoàng cung cũng cần có bộ xương cá Bống. Nghĩa là ước mơ có trở thành hiện thực hay chỉ mãi là mơ ước điều đó phụ thuộc vào việc chúng ta có sẵn sàng trả giá cho việc thực hiện ước mơ đó hay không?

Trao đổi với PV Thanh Niên, GS-BS Nguyễn Ngọc Phượng cho hay để đạt được giải Nobel, y tế TP cần tập trung vào chiến lược đào tạo y tế ở tầm cao. Ngoài ra, y tế TP cần tiếp cận trang thiết bị y tế, đầu tư phòng thí nghiệm, bệnh viện thực hành hiện đại. Đồng thời, theo bà Phượng, TP cần mở một đại học y có đầy đủ cơ sở học tập, thực hành, chương trình dạy phù hợp với tầm cao ở thế giới.

Những điều này há chẳng phải là xa tầm tay với so với thực trạng y học, y tế của Việt Nam hiện nay ? Bởi lẽ ước mơ mỗi bệnh nhân được nằm một gường bệnh; bệnh viện có cơ sở vật chất và trang thiết bị khang trang, hiện đại, bệnh nhân có đầy đủ thuốc tốt để chữa bệnh; có những “lương y như từ mẫu”, có đội ngũ thầy thuốc giỏi về chuyên môn và hết lòng với người bệnh … vẫn chỉ là mơ ước thì việc “quyết tâm có giải Nobel trong y học” chẳng khác gì đứa bé chưa biết đi đã đòi chạy.

Thế nhưng nếu vào ngày 27-06-2016 thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng: “TP.HCM phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường” thì lời khẳng định của bí thư Đinh La Thăng là “TP.HCM quyết tâm có giải Nobel y học” há chẳng phải là một sự hòa điệu tuyệt vời trong tài khoác lác của lãnh đạo Việt Nam hiện nay hay sao ?

Điền Phương Thảo

http://suckhoedoisong.vn/pgsts-pham-due-so-rang-tinh-trang-thieu-bac-si-se-ngay-cang-tang-n121684.html
http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20111205/thieu-benh-vien-tai-sao-khong-xay-them/468023.html
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nhieu-benh-vien-lon-keu-cuu-vi-thieu-thuoc-353144.html
http://thanhnien.vn/thoi-su/bi-thu-dinh-la-thang-tphcm-quyet-tam-co-giai-nobel-y-hoc-794825.html