Dân Chúa Âu Châu

Những ngày cuối tháng 12 vừa qua, thông tin 235 người chết và mất tích cùng 1,7 tỉ USD tài sản tiêu tan, trong năm 2016, do mưa lũ, trong đó chắc chắn có phần đóng góp do việc xả lũ của các đập thuỷ điện miền Trung, đã làm những người có lương tri xót xa, căm phẫn.

Tuy nhiên, nếu tính từ thời điểm bắt đầu xây dựng, chưa cần hoạt động, số người dân có cuộc sống bị bần cùng hoá nặng nề bởi các đập thuỷ điện ít nhất đã là 463.256 nạn nhân.

Những nạn nhân này bị buộc phải di dời khỏi bản làng, quê hương. Tại nơi tái định cư cuộc sống tồi tệ vì các điều kiện không bằng nơi ở cũ, làm “tỷ lệ nghèo đói trong những cộng đồng tái định cư rất cao, ví dụ; nhà máy Sông Tranh 2 (60,3%), nhà máy A Vương (80,5%) và nhà máy Đăk Mi (93,3%). Thực tế, điều kiện sống và sinh kế trong cộng đồng tái định cư hiếm khi ngang bằng với vùng cư trú trước đây của họ, huống chi là tốt hơn”. Mất mát chưa dừng ở đó, vì “Hơn 90% dân cư phải di dời bởi các dự án thủy điện tại Việt Nam là người dân tộc thiểu số”, do đó những nạn nhân này ngoài việc trở thành nghèo đói hơn nữa ở nơi tái định cư, họ còn mất cả nền văn hóa bản địa truyền thống!

Tất cả để phục vụ 815 dự án thuỷ điện.

Để hiểu tiến trình bần cùng hoá những người dân này, mời quý vị theo dõi một phần trích từ một nghiên cứu đăng trên trang Đại học Newcastle, Australia, tháng 8/2015, do các tác giả: Chinh Thi Dieu Luu, Sittimont Kanjanabootra, Jason von Meding, Doanh Pham thực hiện.

Tổng quan:

“Tại Việt Nam, 815 dự án thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất lắp đặt là 24.324,3 MW. Các dự án này thường đòi hỏi thu tóm những khu vực đất đai rộng lớn, và hệ quả là cộng đồng dân cư sinh sống tại đó phải đối mặt với việc di dời và tái định cư”.

Đối tượng bị loại trừ để xây dựng các đập thuỷ điện và thực trạng sau tái định cư:

“Hơn 90% dân cư phải di dời bởi các dự án thủy điện tại Việt Nam là người dân tộc thiểu số. Trong quá khứ, chính phủ đã không công bố số liệu hay nghiên cứu chính thức nào cho biết tổng số người di dời do các dự án thủy điện. Nhưng theo số liệu thống kê có sẵn, đã có ít nhất 463.256 người phải rời đi để tạo ra 15.059 MW công suất thủy điện lắp đặt.

[…]. Đa số người dân di dời không được cấp đất canh tác hoặc thiếu sự hỗ trợ sản xuất cần thiết để khôi phục sinh kế. Ngoài ra, tỷ lệ nghèo đói trong những cộng đồng tái định cư rất cao, ví dụ; nhà máy Sông Tranh 2 (60,3%), nhà máy A Vương (80,5%) và nhà máy Đăk Mi (93,3%). Thực tế, điều kiện sống và sinh kế trong cộng đồng tái định cư hiếm khi ngang bằng với vùng cư trú trước đây của họ, huống chi là tốt hơn.”

“Ví dụ, người dân tái định cư thuộc nhà máy thủy điện Thác Bà đã bị bỏ lại hơn 40 năm mà không có nguồn điện. Tại nhà máy thủy điện A Vương, người dân thuộc diện di dời nhận không đủ đất canh tác và phải chịu mất mát nền văn hóa bản địa truyền thống”

Việc quan trọng lẽ ra cần làm trước tiên khi xây dựng dự án là nghiên cứu đánh giá tác động xã hội.

“Tại hầu hết các nước đang phát triển, mục tiêu phát triển cốt lõi thường liên quan đến cải thiện kinh tế và xã hội. Do đó việc thực hiện Đánh giá tác động xã hội đặc biệt thích hợp bởi nó đóng vai trò một phương thức giúp kiểm tra trước lợi ích kinh tế của một dự án và hiểu thêm về quá trình phát triển. […] việc thực hiện tái định cư tốt nhất nên tiến hành sau phân tích tác động xã hội, trong đó Đánh giá tác động xã hội cần được phân tích ngay từ đầu quá trình chuẩn bị dự án bởi các chuyên gia độc lập. Phân tích tác động xã hội cũng là bước đặc biệt quan trọng để giảm thiểu khả năng xảy ra tranh chấp.”

Tuy nhiên, thực tế làm việc của nhà cầm quyền Việt Nam trong vai trò điều hành, quản lý: “Đúng quy trình” là không hề buộc phải có nghiên cứu đánh giá tác động xã hội trong hồ sơ dự án. Hơn thế nữa, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được quyền cấp phép trước cả khi chủ đầu tư lập hồ sơ di dời và tái định cư.

Hồ sơ di dời và tái định cư thường chỉ được chuẩn bị sau khi việc đầu tư cho dự án đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Sau khi dự án đã phê duyệt, việc tham gia của người dân [vào quá trình hoạch định tái định cư] rất hạn chế và việc đánh giá tác động về mặt xã hội cũng không được cân nhắc”.

***

Công bằng mà nói, trong vài chục năm gần đây các đập thuỷ điện (lớn) đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp năng lượng điện tại Việt Nam, phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên cái giá phải trả do cách thức quản lý của nhà nước không hề nhỏ. Theo nghiên cứu trên, chúng ta thấy nếu phẩm giá của những con người trong các cộng đồng dân cư phải di dời được những nhà quản lý ý thức và đặt ra trong tiến trình xây dựng các đập thuỷ điện, thì hậu quả nửa triệu người bị bần cùng hoá cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, di sản văn hoá đa dạng của đất nước bị mất dần, có lẽ sẽ tránh được rất nhiều. Vì theo nghiên cứu: “Vấn đề tác động về mặt xã hội và đói nghèo thường không được xem xét đúng mức tại các nước đang phát triển, và do đó phải được đề cập đến”. Vì vậy, “đã có những nghiên cứu về vấn đề này trên quy mô toàn cầu, với kết quả đạt được có thể áp dụng cho Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa được áp dụng”.

 Cecilia – Can Đê

Nguồn: DCCT