Dân Chúa Âu Châu

Trong bản tường trình thường niên, cơ quan “Giáo hội trong cơn nguy khốn” (KiN) cảnh báo về tác động toàn cầu gây bởi các phong trào tôn giáo cực đoan.

15 tháng 11 năm 2016 – Ban Biên Tập KiN

 Peshmerga, Telskuf / © KiN - KIRCHE IN NOT

Trong bản báo cáo thường niên „ Tự do tôn giáo trên toàn cầu năm 2016“, tổ chức từ thiện Công Giáo „Giáo Hội Trong Cơn Nguy Khốn“ (KiN) đã cảnh báo về những tác động toàn cầu của hiện tượng bạo lực mới, có động cơ từ tín ngưỡng, được gọi là „Hồi giáo cực đoan“. 

Tác giả bản tường trình đã định nghĩa sự siêu cực đoan mới này và nêu ra những khác biệt, chứng tỏ đó là mối đe dọa cho nền hòa bình thế giới, sự ổn định và hài  hòa trong xã hội Tây phương. Một trong những đặc điểm chính của „Hồi Giáo cực đoan“ là nỗ lực có hệ thống, nhằm đánh đuổi tất cả các phe nhóm không đồng quan điểm, kể cả những người ôn hòa. Họ dùng những phương pháp tàn bạo chưa từng có, xử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông xã hội được phổ biến trên toàn cầu, thường được dùng để tôn vinh bạo lực. 

Tất  cả đã ủng hộ việc lên án các cuộc bách hại của IS là hành động diệt chủng và cảnh báo nỗ lực rộng lớn của nhóm này nhằm thay thế chủ nghĩa đa nguyên bằng đường lối độc tôn. Các bản tường trình của 196 quốc gia, đánh giá hiện tình tự do tín ngưỡng trên toàn thế giới, đưa đến kết luận:“Trên một phần Trung Đông, bao gồm cả Iraq và Syria, sự cực đoan của IS đã loại bỏ tất cả các hình thức đa dạng tôn giáo“. Đó là nguy cơ sẽ xảy ra tại nhiều nơi ở Phi châu và Á châu.   

Cha Jacques Mourad, người đã viết lời tựa cho bản tường trình, cũng có cùng quan điểm này. Cha Mourad, một giáo sĩ Kitô giáo, đã từng bị quân IS giam giữ 5 tháng tại Syria, trước khi Ngài trốn thoát vào tháng 10 năm 2015. Trong lời nói đầu Cha đã viết: „Thế giới chúng ta đang đứng bên bờ vực thảm họa, vì chủ nghĩa cực đoan  đe dọa sẽ quét sạch tất cả dấu vết đa dạng trong xã hội chúng ta“.

Bản tường trình được công bố hai năm một lần dựa trên cuộc điều tra của các phóng viên, học giả và tu sĩ. Theo bản tường trình, trong thời gian hai năm cho đến tháng sáu năm 2016, cứ một trong năm nước trên thế giới, từ Úc đến Thụy Điển và ở 17 quốc gia Phi châu , xảy ra một vụ khủng bố có liên quan đến nhóm siêu cực đoan.

Khác với quan điểm thông thường, cho rằng chính phủ là người chịu trách nhiệm cho các cuộc đàn áp, bản tường trình nhận định, tại 12 nước trong số 23 quốc gia bị đàn áp mạnh nhất, các nhóm quân phiệt vũ trang không thuộc cơ cấu của chính phủ đã gây nên các bạo hành này.  Nhìn vào con số người người tị nạn với kỷ lục mới là 65,3 triệu người theo thống kê Liên Hiệp Quốc, bản tường trình khẳng định, nhóm Hồi Giáo cực đoan là động cơ thúc đẩy cho cuộc di cư lớn lao từ các nước như Afghanistan, Somalia và Syria.

Hơn nữa, cơ quan KiN cũng vạch ra hiện tượng domino tại các nước Tây phương, nơi mà cơ cấu xã hội và tôn giáo đang bị bất ổn do số người đến tị nạn nhiều chưa từng có. Những vấn nạn này trở nên trầm trọng hơn vì Tây phương đang đối mặt với sự gia tăng bất ngờ các cuộc tấn công của nhóm Hồi Giáo cực đoan. Tuy nhiên, không phải tất cả các vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo đều do nhóm Hồi Giáo quân phiệt gây ra. Ngay tại Trung Hoa và Turkmenistan  đã có những báo cáo về các cuộc đàn áp mới, nhắm vào các nhóm tôn giáo, cũng như sự liên tục từ chối nhân quyền cho các tín hữu ở Bắc Triều Tiên và Eritrea, nơi mà quyền làm người luôn bị chà đạp. 

Tuy nhiên, không phải ở khắp mọi nơi đều có triển vọng xấu. Tại Bhutan, Ai Cập và Katar, nơi đã từng nổi tiếng vì những vi phạm tôn giáo, tình hình của các nhóm tôn giáo thiểu số đã được cải thiện.

John Pontifex, tổng biên tập tại Luân Đôn, giải thích:“Kết quả quan trọng cho cuộc nghiên cứu của chúng tôi là xác tín sự phát sinh một hình thức tôn giáo cực đoan, đã tàn phá và để lại vết sẹo tại nhiều nơi trên thế giới, là dấu chỉ mục tiêu rõ ràng của họ là „diệt chủng“. Bản tường trình của chúng tôi là một tiếng chuông cảnh tỉnh, cho thấy chủ nghĩa cực đoan đã bước qua giai đoạn mới và nguy hiểm hơn. Nhận thức có thể rút ra từ đấy là việc các nhóm tôn giáo phải khống chế được sự hận thù trong hàng ngũ của chính mình.“

„Làm sao có được triển vọng hòa bình thế giới, nếu các phe phái mạnh trong bất cứ nhóm tôn giáo nào,  khinh miệt những người không cùng quan điểm với mình- và xóa bỏ quyền sống, không chỉ cho các thành viên của các tôn giáo khác mà ngay cả các tín hữu ôn hòa trong cộng đồng đức tin của chính mình? Khó khăn khác được nhấn mạnh là sự thiếu hiểu biết về tôn giáo của các chính trị gia Tây phương, cần phải suy nghiệm lại cái nhìn tổng quan của họ. Không thể chấp nhận được nữa sự kiện, xếp việc thể hiện đức tin truyền thống vào quá khứ, trong khi thực tế cho biết, tôn giáo vẫn là trung tâm cuộc sống, là động lực cho tất cả các hành động của hàng triệu người.“

Bản tường trình của cơ quan KiN đã được phổ biến lần thứ 13. Cơ quan từ thiện đã  cứu trợ khẩn cấp, giúp đỡ cho những người bị bách hại và các Kitô hữu nghèo khổ tại 140 quốc gia trên toàn thế giới.

Bản tin về „Tự do tôn giáo trên toàn cầu“ có thể xem trên mạng 

www.religionsfreiheit-weltweit.at

(Nguồn: KiN Österreich)

BP. chuyển dịch