Dân Chúa Âu Châu

GNsPHôm 21.08 vừa qua khoảng 8000 tín hữu gốc Vinh đang sinh sống tại các tỉnh thành thuộc miền Nam đã quy tụ về nhà thờ giáo xứ Khiết Tâm, Thủ Đức thuộc Giáo phận Sài Gòn để tham dự thánh lễ đồng hương Vinh và cầu nguyện cho quốc thái dân an.

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Vinh đã đến chủ tế và giảng lễ. Sau đây là nguyên văn nội dung bài giảng của ngài trong thánh lễ được GNsP ghi lại.

Kính thưa Cộng Đoàn Phụng Vụ, đặc biệt những người con, và những người bạn của Giáo Phận Vinh chúng ta hiện diện ở đây để tri ân cảm tạ Chúa và dâng lên Đức Mẹ vị quan thầy của Giáo Phận chúng ta những lời ca tiếng hát. Tuy nhiên chúng ta cũng ý thức rằng, Đức Mẹ và nhất là CHÚA đang mời gọi chúng ta làm sao thể hiện tâm tình tri ân cảm tạ đó qua cuộc sống. Làm sao biến những lời ca đó thành những hành động, những quyết định, những chọn lựa dấn thân để phục vụ Giáo hội và để phục vụ anh chị em chúng ta.

Thời đại chúng của ta, chúng ta nghe những quá nhiều tuyên ngôn, quá nhiều khẩu hiệu và nhân loại hôm nay cũng như một triết gia nhân bản vô thần đã nói, cần những người Kitô Hữu phải hát những bài ca hay hơn nữa, những bài ca nhân bản đượm tình Chúa và những bài ca tôn giáo Thắm tình nhân loại để họ có thể tin ở Thiên Chúa là đấng Vô Hình mà họ không thấy được.

Kính thưa Cộng Đoàn, chính trong ý hướng đó chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân của Lòng Chúa Thương Xót , chứng nhân của tình yêu bởi vì đạo của chúng ta là đạo Yêu Thương.
Tất cả những giới răn của Cựu ước, Đức Giêsu tóm lại chỉ có một giới răn quan trọng đó là giới răn Tình Yêu. Giới răn Tình Yêu đó hôm nay Giáo hội khai triển thành ba vế: Mến Chúa, Yêu Người và Trách Nhiệm Với Vũ Trụ Vạn Vật bởi vì vũ trụ thiên nhiên là người em sinh đôi đối với nhân loại chúng ta.

Rất mong rằng dù chúng ta sống trong hoàn cảnh nào dù chúng ta gặp bất trắc, dù chúng ta bị đối xử tàn nhẫn nhưng vì chúng ta là người con của Chúa vì chúng ta là tín đồ của đạo Yêu Thương, chúng ta không thể đánh mất căn tính của mình. Chúng ta không thể chủ trương lấy oán báo oán ,chúng ta không thể chủ trương là hòn đất ném đi hòn chì ném lại.

Trái lại , theo Thánh Phaolô chúng ta được mời gọi để lấy Ân mà Báo Oán bởi vì lấy oán báo oán, oán sẽ chập chùng và nhân loại sẽ không bao giờ ra khỏi vòng oán hận của bạo lực phải lấy Ân mà báo Oán lúc đó mới giải thoát chúng ta, giải thoát đồng bào chúng ta khỏi bạo lực, nhân loại mới đi vào một thế giới Công Bình Bác Ái và Yêu Thương; để nhân loại có đủ khả năng để nhìn nhận nhau như là anh chị em.

Việc thứ hai đó là đạo Yêu Thương đối với anh chị em. Thánh Gioan người môn đệ được Chúa yêu thương đã cảm nghiệm một cách sâu sắc tình Chúa đã nói với chúng ta: “ai nói rằng mình yêu CHÚA mà lại ghét anh em là người mình nhìn thấy thì đó là người nói dối” bởi vì làm sao có thể yêu thương Chúa mà lại không yêu thương mà lại ghét anh em mình là hình ảnh của Thiên Chúa.
Chính vì vậy không phải là vô lý mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói một câu mà hôm nay trở thành kinh điển: “nếu nhìn về nguồn gốc, con người là hữu thể duy nhất được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, được Chúa Ba Ngôi hứa hẹn hạnh phúc đời sau, được Chúa Thánh Thần chọn làm đền thờ. Chính vì vậy bất cứ hành động nào xâm phạm đến con người, bất cứ hành động nào vi phạm nhân phẩm, nhân quyền đều đáng được CHÚA báo oán.” Ngài dùng câu báo oán đó theo tinh thần các ngôn sứ để nhấn mạnh cho chúng ta biết rằng: Đụng chạm tới con người chính là đụng chạm đến Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người.

Chính vì vậy, hôm nay đòi hỏi chúng ta phải thể hiện tình yêu thương đó một cách cụ thể. Tôi đã băn khoăn cách thế làm sao để thể hiện tình yêu thương và có rất nhiều cách thế nhưng mà cách thế hay nhất là: “những gì mình không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho người khác”.

Tôi xin phép lấy lại thí dụ Mâm Cơm của người Việt Nam. Chưa bao giờ trên bàn ăn của người Việt Nam hôm nay ta gặp âu lo, ta gặp nghèo nàn, ta gặp khốn khổ như hôm nay .
Từ thuở xa xưa những mâm cơm của gia đình Việt Nam là nơi mà gia đình quây quần nhau. Hôm nay vì công ăn việc làm những gia đình còn có thể có khả năng để quay quần nhau bên mâm cơm. Mà hơn nữa, mâm cơm ngày xưa dù đạm bạc bao nhiêu nhưng mỗi lần được quay quần bên mâm cơm ta gặp thấy những niềm vui; ta gặp thấy sự an lành; ta gặp được cơ hội để tiếp thu thêm năng lượng và đồng thời cùng những người thân yêu chia sẻ những thức ăn đó.

Hôm nay như ta thấy, ít khi có thể quy tụ nhau những thành viên của gia đình bên mâm cơm và hơn nữa cái mâm cơm đó chúng ta đang đối diện với thực phẩm nào? Bao nhiêu là thực phẩm sạch? Bao nhiêu là thực phẩm lành? Bao nhiêu là thực phẩm bẩn? Bao nhiêu là thực phẩm có độc tố?

Tôi nhớ có một gia đình trồng rau, rồi đưa rau ấy biếu cha sử dụng và nói rằng: “Thưa cha, rau này cha ăn thoải mái vì chúng con trồng để ăn và để biếu cha còn rau mà xịt thuốc và có chất độc thì chúng con đem ra chợ bán hết rồi!”. Câu nói rất hồn nhiên biểu lộ tâm tình của một gia đình Công Giáo đạo hạnh đối với một linh mục. Nhưng mà tại sao câu nói hồn nhiên đó mà cảm thấy đau, đau đến như vậy. Luống rau có thuốc trừ sâu, có độc tố mình không ăn, mình đem ra chợ bán một cách thản nhiên.

Nếu là người Kitô Hữu, Chúa đòi chúng ta phải Yêu Thương người khác như chính bản thân, tại sao ta có thể làm được như vậy và điều đó; hôm nay không phải chỉ người bán rau, mà người bán cá, bán thịt, nuôi gia súc cũng đang dùng những chất tạo nạc và những chất đó, ta biết rằng không có tốt cho sức khỏe để rồi có nhiều tiền hơn !

Và rất nhiều người cũng vì ham lợi đang buôn bán những sản phẩm có độc tố, những sản phẩm đến từ Trung Quốc có độc tố.
Yêu Thương là muốn điều thiện cho người khác. Tại sao những sản phẩm những hóa chất những rau cải ta không ăn được, không dám ăn mà vì lợi nhuận ta bán cho người khác! Tại sao hôm nay chúng ta có khả năng để mua, chúng ta có đồng tiền, chúng ta có thể sử dụng đồng tiền để trừng phạt những món hàng đểu; những người sản xuất những món hàng đểu, những món hàng có độc tố mà nhiều khi vì ham rẻ mặc dầu biết rằng: “Của rẻ là của ôi” vẫn mua về.

Biết bao nhiêu đồ chơi, biết bao nhiêu thực phẩm đến từ Trung Quốc . Đó là thực phẩm giả, thực phẩm có độc chất, có độc tố mà ta đã mua bởi vì ta ham rẻ.

Đây là lúc chúng ta phải suy nghĩ làm sao sống Bác Ái, Yêu Thương trong hoàn cảnh ngày hôm nay. Bác Ái, Yêu Thương là làm sao trên mâm cơm của chúng ta không còn có món ăn độc.
Làm sao trên mâm cơm của người khác cũng không có món ăn bẩn mà do ta sản xuất. Làm người Kitô Hữu là không sản xuất những thực phẩm bẩn và không mua thực phẩm bẩn cũng không buôn bán những thực phẩm bẩn .

Cái áo xanh của đội di dân hôm nay, tuổi trẻ di dân đây, nhìn thấy cũng đẹp đẹp! Nhưng màu cũng đã bạc bạc không hiểu có phải vải của Trung Quốc không?

Thưa cha giám đốc! nếu là vải của Trung Quốc! yêu cầu chúng con, tối nay về đốt hết! Rồi cha đầu tư cho vải khác! (tiếng vỗ tay và cười vang lên sau câu nói này của ngài)

Vế thứ ba đó là TÌNH YÊU đối VỚI THIÊN NHIÊN.

THIÊN, ĐỊA, NHÂN hiện nay là ba yếu tố quan trọng trong văn hóa Đông Phương. Đó là chiếc kiềng ba chân. Ta không thể sống khỏe mạnh, ta không thể sống an nhiên; ta không thể sống hạnh phúc giữa một thiên nhiên bị phá hủy, giữa một môi trường bị ô nhiễm. Người Việt Nam ta, ngày xửa ngày xưa vẫn nghĩ rằng là “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Nhưng để làm cho nhà sạch thì quét rác rưởi ra bên ngoài! Để làm cho nhà sạch thì nghĩ rằng những con vật chết vứt xuống kênh, xuống sông cho nhà mình sạch là đủ. Hôm nay chúng ta biết rằng, nhà sẽ không sạch và sẽ không mát nếu mà môi trường chung quanh bị ô nhiễm và đặc biệt chúng ta những người con của miền Trung, quê hương của sỏi đá, quê hương của thiên tai! quê hương mà một người nào đó đã nói: “Quê tôi gắp sỏi tìm cơm, hết mưa, thôi hạn; lại cơn bão gần.”

Hôm nay ngoài thiên tai, còn có nhân tai. Đó là thảm họa môi trường biển của bốn tỉnh Miền Trung.

Thiên tai bão đi qua rồi qua và chúng ta cũng biết bão đi về đâu và có cơ hội xây dựng lại. Nhưng thảm họa biển của bốn tỉnh Miền Trung không hiểu rằng 30 năm sau, 20 năm sau có hồi phục lại môi trường sinh thái nguyên thủy hay không? Và cũng không biết rằng cá nào là cá có độc tố; cá nào là cá có thể ăn được. Người ta đang chỉ trích nặng nề một số quan chức của Hà Tĩnh và Quảng Bình đã xuống biển tắm và rủ nhau ăn cá.

Có lẽ một số người cũng tin như vậy mà hôm nay tại một số Giáo phận, Giáo xứ Vinh ở Quảng Bình một số người được tuyển chọn để đi Hàn Quốc làm công nhân nhưng khi đi tuyển chọn thì trong máu có lượng chì và lượng thủy ngân cao quá, quá nhiều mức độ cho phép. Thành thử không được đi và cũng có một linh mục hiện thời đang ở trong tình trạng đó. Chúng ta những người Công Giáo ở thế hệ hôm nay, chúng ta phải có trách nhiệm để trả lại môi trường sinh thái cho con cháu của chúng ta. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái. Và chúng ta nhất quyết theo quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô để xác quyết rằng tất cả những gì phạm đến môi trường sinh thái, phá hủy môi trường sinh thái đó là tội. Tội phạm đến con người và phạm đến Thiên Chúa.

Chính vì vậy tất cả những người Công Giáo chúng ta nhất quyết được đòi hỏi, được xử lý để trả lại môi trường sinh thái tự nhiên để trừng phạt đích đáng những người đã gây ra thảm họa môi trường đó! Và bồi thường xứng đáng cho các nạn nhân của môi trường.
Hành động như vậy cũng là thể hiện giới răn Yêu Thương của Chúa . Yêu thương là đứng về phía những người nghèo khổ, đứng về phía những nạn nhân, đứng về phía những người đang bị gạt ra bên lề xã hội. Yêu thương là bảo quản thiên nhiên này, bảo vệ thiên nhiên này. Yêu thương thiên nhiên này và trả lại cho thế hệ mai sau quyền để được sinh sống trong một thiên nhiên sạch sẽ, thiên nhên an lành.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!

Chân thành cám ơn quý ông, quý bà, quý anh quý chị và tất cả các con đã về đây trong ngày lễ Đức Mẹ. Đức Mẹ như chúng ta vừa hát trong bài ca của linh mục Nguyễn Duy “xưa nay chưa thấy ai đến nhờ Mẹ mà Mẹ không cứu giúp”.

Trong lịch sử của chúng ta rất nhiều lần trong quá khứ vào thời bách hại, Đức Mẹ đã cứu giúp và hôm nay nếu được phép, chúng ta cũng có thể mượn câu thơ của một thi sĩ Việt Nam để nói rằng Mẹ vẫn đưa mắt nhìn đến những người con của Mẹ, dù ở nơi Giáo Phận, dù ở trong Nam, dù ở ngoài Bắc, dù ở Thái Lan, dù ở Lào, dù ở Mã Lai , dù ở Nam Hàn, dù ở Đài Bắc là những nơi mà chúng ta có những cộng đoàn và là nơi mà chúng ta chuẩn bị đi đến . Dù ở bất cứ nơi nào, dù lớn, dù nhỏ cặp mắt và tình yêu của Mẹ vẫn theo dõi chúng ta như lời thi sĩ nào đó đã nói: “con dù lớn vẫn là con mẹ, đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con.” Chính vì vậy Mẹ cũng đang theo dõi hành trình của chúng ta.

Rất mong rằng vì là người con của Mẹ, vì là người con của Giáo phận Vinh có một truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống và bảo vệ niềm tin, chúng ta cố gắng sống và sống tốt hơn nữa. Chúng ta cố gắng trở nên nhân chứng của Lòng Thương Xót Chúa trong năm thánh của Lòng Chúa Thương Xót này. Qua lòng từ bi thương xót của Chúa và nhất là cuộc sống huynh đệ của chúng ta, người khác nhận ra Tin Mừng Cứu Độ của Chúa.

Và một cử chỉ cụ thể của ngày hôm nay, sau lễ hội này chiều đến trên Giáo xứ Khiết Tâm này, và các nơi mà các cha hằng năm vẫn tiếp đón chúng ta, vẫn mở rộng vòng tay để tiếp đón chúng ta, và trong tương lai tôi nghe nói cha bề trên cũng như cha chánh xứ vẫn gật đầu chứ không lắc đầu khi anh chị em tới để xin tổ chức đại hội này. Các bạn trẻ thân mến! không có cọng rác nào còn động lại trên khu vực của thánh đường này nếu còn cọng rác nào thì tội hủy hoại môi trường, cha Giám đốc (GĐ) phải chịu tội, mà chắc rằng anh chị em thương cha GĐ không để cha GĐ và cha phó GĐ phải chịu tội. Đồng ý không? Ai đồng ý giơ tay! (tiếng vỗ tay lại vang lên…)
Đó là hành động của ngày môi trường. Đó là một hành động nhỏ để Yêu Thương. Đó là một hành động nhỏ của trách nhiệm đối với môi sinh.

Xin Đức Maria cộng tác và xin Chúa luôn chúc phúc cho người con xa quê của Giáo Phận.

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp
(GNsP ghi lại)