Dân Chúa Âu Châu

Phú Trung- Sài Gòn - Buổi sáng ngày di dân trôi qua nhanh chóng với những cung điệu trầm bổng của cảm xúc. Sau đó, mọi người quy tụ lại thành những giáo xứ, giáo hạt cùng nhau ăn trưa, gặp gỡ mục tử và hát cho nhau nghe trong thời gian nghỉ ngơi. Tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng để đến với cao điểm của ngày Hội ngộ - đó chính là thánh lễ cầu nguyện cho di dân diễn ra vào lúc 15 giờ cùng ngày.

Có một điều ai cũng có thể dễ dàng nhận ra trong lần hội ngộ di dân lần thứ X này. Đó là lực lượng di dân trẻ chiếm thế thượng phong với hơn 70%. Số lượng di dân thiếu nhi cũng tăng lên, chứng tỏ những lớp thế hệ di dân mầm non sinh ra tại thị thành đã được bố mẹ  kết nối với giáo phận quê nhà từ khi còn bé dại. Số lượng linh mục đoàn giáo phận quê hương năm nay về với ngày di dân cũng đông hơn, rải đều tất cả các giáo hạt, giáo xứ. Trong niềm trăn trở của Đức cha Giuse  Nguyễn Chí Linh – Giám mục giáo phận Thanh Hóa, ngài mong muốn mỗi giáo xứ sẽ  có đại diện của mục tử để trước hết là tập hợp được nhiều hơn đàn chiên lạc khắp mọi nơi tại khu vực phía Nam này, thứ hai là kết nối được những di dân cùng một giáo xứ, thứ ba thể hiện sự quan tâm, săn sóc của người mục tử đối với đàn chiên của mình…

Tuy nhiên, do bận rộn mục vụ tại quê nhà, nên điều mong mỏi của Đức cha Giuse chưa thể thực hiện vẹn tròn được. Chính vì  vậy, quý linh mục đoàn đại diện có mặt trong ngày di dân năm nay có trách nhiệm gấp đôi, gấp ba, đặc biệt là về phía UB di dân với cha Antôn Vũ Mạnh Hà làm trưởng ban và các cộng tác viên của ngài.

Thánh lễ diễn ra trong không khí sục sôi của sức trẻ, trong nhịp điệu rộn ràng của trái tim yêu thương được hâm nóng, trong cái sức sống Thanh Hóa rất riêng giữa lòng Sài Gòn rực rỡ.

Gần hai ngàn con tim hướng về thánh đường giáo xứ Phú Trung với những ánh mắt lấp lánh niềm tin, hy vọng. Có thể nhiều người nghĩ rằng ngày này năm nào cũng giống nhau, cũng lễ, cũng gặp gỡ. Nhưng với những ai đang sống, đang cảm nhận từng dòng huyết quản chảy theo điệu nhạc, được tắm mình trong cái không khí rất riêng của những người con Thanh Hóa này có lẽ sẽ không nói như vậy. Là di dân, nhưng tất cả đều được yêu thương, đều sống trong vòng tay liên đới của giáo phận quê nhà. Hơn nữa, chưa bao giờ đàn chiên ấy bị bơ vơ. Mười năm, biết bao mái đầu đã điểm bạc, biết bao lưng đã còng xuống, nhưng chưa năm nào di dân thiếu vắng Đức cha giáo phận, linh mục đoàn quê nhà… Đó chính là hạnh phúc riêng mà có lẽ ít thấy ở các giáo phận.

Xúc động hơn cả vẫn là những lời chia sẻ chân tình của vị cha chung giáo phận Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh.Trước tiên ngài cảm thấy rất vui, “ấm lòng” khi được nhìn thấy di dân Thanh Hóa quy tụ đông đủ đến giờ phút này.

Đức cha Giuse cũng nêu lên tình hình của giáo phận quê nhà. Không chỉ là các bạn trẻ, là giáo dân di cư mà ngay cả trong đời sống dâng hiến, giáo phận Thanh Hóa chỉ có một hội dòng nên đành tặc lưỡi để con em đi tu xa nhà. Nhiều giáo xứ các hoạt động, hội đoàn bị tê liệt vì không có người, có chăng chỉ là người già và trẻ em.

Ngài nhấn mạnh: “Nhưng có lẽ người đau lòng vẫn là bố mẹ các con. Các con hãy thử tưởng tượng những ngày trở trời, đau yếu bố mẹ các con làm gì không? Nhớ các con… Cả địa phận nhìn theo bước chân của các con, bất lực nhìn các con ra đi mà không giúp gì được”.

Một lần nữa Đức cha thương cảm cuộc đời của di dân: sự khó khăn, nhọc nhằn, cay cực và thiếu thốn. “Nhưng Giáo hội chỉ có thể yêu các con bằng con tim. Còn không biết bao giờ mới có thể giúp đỡ được các con về kinh tế. Mỗi lần nghĩ tới các con cha đều thấy nao lòng, muốn làm nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu”.

Đức cha cũng động viên các bạn trẻ, Xã hội ngày nay là xã hội di chuyển, vì vậy di dân là niềm hy vọng của thời đại mới. Không chỉ có di dân Thanh Hóa mà trên khắp địa cầu, đâu đâu cũng là di dân. “Chính các cha xứ của các con bây giờ, ngay từ khi bước vào cuộc đời mang tu phục là đã bước vào đời di dân, nay đây mai đó, tất cả đều là nhà”.

Di dân ra đi là để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn. Đức cha có chỉ dẫn bằng thực tế tại nước Mỹ. Đó là thành quả của sự di chuyển của người Châu Âu. Bằng nỗ lực của họ, trong vòng gần 100 năm, nước Mỹ đã trở thành siêu cường mà thế giới phải ngưỡng mộ. Vì vậy, Đức cha tin tưởng rằng các bạn trẻ di dân Thanh Hóa cũng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.

Bằng cuộc đời di dân của Chúa Giêsu, của Thánh Giuse, Đức cha nhấn mạnh hơn nữa sự hy sinh, khiêm tốn, âm thầm vì nhân loại. “Chúng ta cũng hãy âm thầm nhen lên những ngọn lửa của đức tin, là những chứng tá của Chúa ở những nơi mà các con đến, các con sinh sống như tấm gương của Đức Kitô, của Thánh Giuse. Như vậy là các con đã tham gia vào kế hoạch to lớn của Chúa Giêsu. Nếu các con thành công trên con đường di dân thì giáo phận sẽ vô cùng hãnh diện về các con, Chúa Giêsu cũng hãnh diện về các con. Cha cầu chúc cho tất cả các con sống theo tinh thần đó”…

Kết thúc thánh lễ là nghi thức sai đi, cùng với những lời nhắn nhủ của vị cha chung giáo phận, mỗi di dân là một ngọn lửa của đức tin, để chiếu sáng bất kỳ nơi nào họ tới.

Cuộc họp nào cũng có giờ phút kết thúc không ai mong đợi, gặp nhau rồi lại chia ly, hẹn năm sau ta lại về đây để gặp lại. Đó là cảm xúc trong những giây phút cuối ngày, khi thánh lễ khép lại. Mọi người ai cũng tranh thủ níu kéo thêm chút thời gian để trao vội món quà cho các mục tử, để bắt tay, để chụp những bức ảnh kỷ niệm với Đức cha, quý cha…

Lời chào và cũng là lời hẹn cho năm sau, sẽ tiếp tục tại nhà thờ Phú Trung này, chúng ta – di dân Thanh Hóa, làm sống lại một Thanh Hóa thân thương giữa Sài Gòn nhé…

Én Trần - Pauline Bastier

Nguồn: http://gpthanhhoa.org/new/2822.gpth