Dân Chúa Âu Châu

#GNsP (06.05.2018) – Những ngày vừa qua, những người dân giáo xứ kẻ Gai đang trong tình thế lo lắng và phẫn nộ khi biết tin Phòng PC45 trực thuộc cơ quan công an tỉnh Nghệ An triệu tập hai người giáo dân đến làm việc với lý do “hành vi bắt giữ người trái phép” hôm xảy ra sự việc ngày 17/12/2017 trước đây.

Theo thông tin mà GNsP nhận được, công an tỉnh Nghệ An đã gửi giấy triệu tập đến hai người giáo dân gồm anh Nguyễn Văn Ân và Võ Đình Phúc với yêu cầu phải có mặt tại cơ quan cảnh sát điều tra PC45 công an tỉnh Nghệ An vào lúc 8h00 ngày 07 tháng 5 năm 2018 để làm việc vì hành vi liên quan đến việc bắt giữ người trái phép.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Ân cho biết: “ngày hôm qua (04/5/2018) tội nhận được tin báo là công an Nghệ An gửi giấy triệu tập cho tôi yêu cầu phải có mặt tại cơ quan điều tra để làm việc liên quan đến sự kiện xảy ra hôm 17/12/2017 trước đây. Họ không trực tiếp đưa giấy triệu tập cho tôi và cũng như gia đình. Tuy nhiên, họ lại nhờ một người trong xóm cầm về, người này lại chụp hình rồi gửi qua điện thoại. Đến giờ phút này, tôi vẫn chưa chính thức nhận được giấy triệu tập. Cũng trong ngày hôm qua, công an đã gửi giấy triệu tập đến anh Võ Đình Phúc nhưng anh Phúc đã từ chối nhận giấy triệu tập vì cho rằng mình không có liên quan đến vụ án nào đã bị khởi tố nên công an không có quyền gửi giấy triệu tập”.Anh Nguyễn Văn Ân bị công an Nghệ An gửi giấy triệu tập.

Tại sao công an Nghệ An lại triệu tập giáo dân Kẻ Gai?

GNsP xin nhắc lại sự việc diễn ra vào ngày 17/12/2017 như sau: Hưởng ứng lời kêu gọi của Linh mục Nguyễn Đức Nhân chánh xứ Kẻ Gai, bà con giáo dân đã tiến hành sửa sang lại con đường dân sinh, làm mương thuỷ lợi trên mảnh đất của một hộ gia đình trong giáo xứ. Ngay sau đó, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động, an ninh đến bao vây bà con giáo dân. Ngoài ra, ông chủ tịch xã Hưng Tây còn huy động 2 xe buýt chở nhóm cờ đỏ đến và ra lệnh chỉ đạo đánh đập bà con giáo dân. Nhận được tin bà con giáo dân Kẻ Gai bị nhóm cờ đỏ vây đánh nên bà con các giáo xứ thuộc Giáo phận Vinh ở lân cận đã đến hỗ trợ. Sau đó, bà con giáo dân đã tìm ông chủ tịch xã Hưng Tây để hỏi lý do vì sao lại huy động nhóm cờ đỏ đến đánh đập người dân nhưng ông này đã lẫn trốn. Tuy nhiên, bà con giáo xứ Kẻ Gai đã “mời” ông phó bí thư xã Hưng Tây, trưởng công an huyện Hưng Nguyên và hai cán bộ huyện tới nhà người dân trong giáo để làm rõ hành vi “Nhóm Cờ Đỏ” đánh bà con giáo dân Kẻ Gai.

Sau đó, bà con giáo dân đã yêu cầu ông Trưởng công an huyện Nghi Lộc viết bản tường trình sự việc xảy ra hôm 17/12/2017 việc nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An và đại diện là ông chủ tịch xã Hưng Tây đã chỉ đạo nhóm cờ đỏ đánh đập bà con giáo dân. Tiếp sau đó, bà con giáo dân đã viết đơn yêu cầu nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An điều tra, khởi tố vụ án cố ý gây thương tích mà hội nhóm cờ đỏ đã gây ra.

Vậy tại sao, sau khi sự việc xảy ra cho đến bây giờ, công an Nghệ An lại gửi giấy triệu tập bà con giáo dân lúc này?

Một nhà hoạt động giấu tên cho biết: “Lý do vì sao công an tỉnh Nghệ An gửi giấy triệu tập giáo dân Kẻ Gai lúc này có thể xảy ra với hai mục đích. Một là uy hiếp tinh thần bà con giáo dân Kẻ Gai, Linh mục Nguyên Đức Nhân nói riêng và công giáo nói chung. Để bà con công giáo khắp nơi thấy sự việc dám đấu tranh đòi công lý, đòi sự thật sẽ lãnh nhận hậu quả lao tù giống như bà con Kẻ Gai. Hai là yêu cầu linh mục Nguyễn Đức Nhân và bà con giáo dân Kẻ Gai thoả hiệp việc rút đơn kiện Hội cờ đỏ thì những giáo dân bị triệu tập sẽ được an toàn.”

Hướng giải quyết nào cho giáo dân Kẻ Gai ngay lúc này?

Theo luật định, Trước hết, quyền “bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” của “mọi người” (chứ không chỉ là “công dân”) được Hiến pháp qui định rõ tại khoản 1 Điều 20. “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định” (khoản 2 Điều 20 Hiến pháp). “Luật định” ấy được qui định tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng Hình sự (“BLTTHS”) là: “Việc bắt và giam giữ người phải theo qui định của Bộ luật này”. Như vậy, việc công an “triệu tập” hiểu là hành vi “bắt buộc”, “cưỡng chế có mặt”…ngoại trừ “trường hợp phạm tội quả tang”, buộc phải theo Luật định.

Điều 35 BLTTHS chỉ qui định cho phép Điều tra viên “được phân công điều tra vụ án hình sự” (tức vụ án đã được khởi tố) có quyền triệu tập và hỏi cung bị can, triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Cũng theo qui định tại khoản 3 Điều 49; khoản 4 Điều 51; khoản 3 Điều 52; khoản 3 Điều 53; khoản 2 Điều 54 và điểm a khoản 4 Điều 55, những đối tượng nêu trên “phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra”. Riêng “bị can” (tức “là người đã bị khởi tố về hình sự”- khoản 1 Điều 49 BLTTHS) trong trường hợp “vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã” theo khoản 3 Điều 49 BLTTHS. Và theo khoản 1 Điều 134 BLTTHS “Trong trường hợp người làm chứng đã được cơ quan điều tra…triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra…thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng có thể ra quyết định dẫn giải”.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 60 và khoản 2 Điều 61 BLTTHS qui định “người giám định” và “người phiên dịch” cũng “phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra”, nhưng lại không qui định cơ quan điều tra được “triệu tập” Người bào chữa và Người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Người bào chữa có quyền “có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can…” theo qui định khoản 2 Điều 58 BLTTHS.

Như vậy, theo Luật định, chỉ khi vụ án đã được khởi tố, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra đã có quyết định phân công Điều tra viên trong việc điều tra vụ án hình sự (đã khởi tố), lúc ấy, “Điều tra viên được phân công thụ lý chính điều tra vụ án” mới “được ký giấy triệu tập bị can tại ngoại để hỏi cung, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”, và phải “theo kế hoạch- đã được Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án- duyệt” (khoản 1.1 mục 1 Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11).

Khoản 1.4 mục 1 Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) nêu rõ: “Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng. Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định”.

Như vậy là rõ, nếu không phải là “Người tham gia tố tụng” trong một vụ án hình sự cụ thể, công dân không thể bị “triệu tập”. Không phải là “Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” thì không được sử dụng Giấy triệu tập. Việc sử dụng Giấy triệu tập phải đúng Luật định.

Tóm Lại

Trong thời gian vừa qua, những người tham gia đấu tranh đòi công bằng, dân chủ và sự thật luôn bị nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An luôn tiến hành “bắt nguội” nhằm trả thù một cách “bẩn thỉu” khiến người dân bức xúc, phẫn nộ. Chẳng hạn, sự việc anh Nguyễn Nam Phong (lái xe cho Linh mục Nguyễn Đình Thục), nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, ông Cao Sỹ Hoán, bà Bùi Thị Nhiệm, bà Nguyễn Thị Sâm thuộc giáo xứ Phú Yên đã bị nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An bắt cóc, khởi tố vụ án dù sự việc đã diễn ra cách đây 2 năm.

Qua sự việc công an Nghệ An gửi giấy triệu tập đến hai người dân giáo xứ Kẻ Gai cho thấy một thông điệp mà nhà cầm quyền đang muốn ám chỉ đó là “trả thù những người công giáo dám đứng lên đấu tranh đòi lại công bằng cho người dân”. Chính vì vậy, mong công đồng, các tổ chức nhân quyền, các cơ quan thông tấn lên tiếng bảo vệ người dân giáo xứ Kẻ Gai nói riêng và người công giáo nói chung.

Nguyên Nguyễn/GNsP