Dân Chúa Âu Châu

GNsP – Người người thường nói về một phố cổ Thăng Long với bề dày lịch sử cả ngàn năm, một phố cổ Hội An hình thành từ thế kỷ 15 -16. Ấy vậy mà, Kontum cũng có phố cổ đấy, kể từ năm 1848, năm mà vị tu sĩ Công giáo đầu tiên, thầy phó tế F.X Nguyễn Do, đặt chân lên miền đất này, thành lập giáo xứ và đưa Tây Nguyên hội nhập vào Quốc gia Việt Nam. Trước niên đại này, Kontum nói riêng, Tây Nguyên nói chung được “tự trị”, khoán trắng cho những người hùng không chân dung là các Già làng mà vị chủ soái là Già làng Kiơm, người Tây Nguyên gọi cách kính cẩn là “Bok”, cha già Kiơm. Bok Kiơm chưa già, râu không dài và không ngồi một chỗ với nắm bùa phép hù dọa dân làng. Trái lại, bok Kiơm lực lưỡng, uy quyền trên khắp Tây Nguyên đến độ được triều đình Huế trao cho toàn quyền hành xử trên vùng cao này. Một trong những nhiệm vụ cụ thể bok Kiơm đối với triều đình là bắt  và giao nộp cho quan quân những thừa sai người nước ngoài và các tu sĩ Công giáo bén mảng đến Tây Nguyên truyền đạo. “Tây Nguyên và đồng bằng được coi như hai lãnh thổ, có những cửa khẩu bất thành văn mà người Kinh, người Thượng dùng làm nơi trao đổi hàng hóa. Các thương lái không dám vượt qua ranh giới vô hình này nếu không muốn lãnh lấy những tai họa khôn lường, thường khi là cái chết” (Vũ Sinh Hiên – 150 Phố Đạo Tây Nguyên, trg 8), mà cũng chẳng thương lái nào muốn vượt qua ranh giới này bởi ở đây “phải đi chân đất, thường xuyên đỉa và kiến càng cắn. Bơi lội qua sông khi gần đến các làng, luôn cảnh giác lo sợ đạp phải những mũi chông độc cắm trên mặt đất. Kế đến là những cơn sốt rét, những lần trái gió trở trời, những âm mưu được tính toán trong bóng tối. Tắt một lời, mọi điều đều gây nguy hiểm hoặc thất bại !”(thư của Đức cha Cuénot Thể gửi Hồng Y Matthêu ngày 11/02/1852, sđd trg 7). Một dặn dò hàng đầu của Bề trên nói với thầy phó tế Nguyễn Do là bằng mọi cách phải tránh gặp mặt vị tù trưởng khét tiếng của Tây Nguyên, bok Kiơm. Ấy vậy mà một hôm, thật tình cờ ở lối vào làng Konphar, sừng sững trước đoàn truyền giáo : “Tôi là bok Kiơm đây !”. Thầy Sáu Do và mọi người như chết đứng trước mặt “hung thần” chưa hề biết chân dung nhưng lạ thay bok Kiơm tỏ ra hiền hòa, độ lượng. Ông đề nghị được kết nghĩa anh em với thầy Do và ân cần gọi hai vị thừa sai là bố. Từ đó, đoàn truyền giáo tiên khởi được bok Kiơm che chở, đùm bọc, giúp xây dựng giáo xứ ở Gò Mít, nay là giáo xứ Tân Hương trên đường Nguyễn Huệ. Từ đó người Kinh, người Thượng sống quây quần bên nhau và thành phố Kontum được thành lập năm 1913. Cũng trong năm này, nhà thờ chính tòa Kontum được xây dựng toàn bằng gỗ. Ngôi Thánh đường hiện nay là một địa điểm tham quan cho du khách đặt chân đến Kontum.

Thành phố Kontum hiện nay được phát triển dọc theo quốc lộ 14 mang tên phố Phan Đình Phùng, với các cửa hiệu như tại các thành phố hiện đại. Cầu Đak Bla được coi như cửa ngõ vào thành phố Kontum. Vừa qua khỏi cầu ngay bên tay trái là bảo tàng Kontum, nơi tầng ba ngay trung tâm sảnh trưng bày cuốn sách với hai trang vàng ghi lại câu nói của Cụ Hồ về sự đoàn kết các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Tầng này dành để trưng bày các hình ảnh, mô hình, các vật dụng mô tả sinh hoạt của các dân tộc Tây Nguyên, tài nguyên khoáng sản, rừng, động vật hoang dã, …đáng cho khách tham quan. Còn tầng hai dành để trưng bày những hình ảnh tuyên truyền dường như chỉ để cho các “quan lớn” xem và để thực hiện đúng chính sách thông tin của bộ máy tuyên truyền. Khách đến không ai buồn xem, nên ban quản lý làm một việc rất có “ý nghĩa” là đóng cửa hoàn toàn, kéo cửa sắt khép kín lại. Môt điều khiến khách tham quan không khỏi thắc mắc là bảo tàng mới khánh thành năm 2013, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kontum (1913-2013), cách đây 4 năm mà nay đã xuống cấp, nước mưa dột lênh láng. Theo tư liệu trên mạng, bảo tàng được khởi công năm 2007 với chi phí 7 tỷ đồng.

Hai trang vàng khác ghi lại ngắn gọn lịch sử phát triển Kontum, chỉ nhắc đến “công ơn” của Đảng ta, chứ hoàn toàn không đề cập đến bok Do (thầy phó tế Nguyễn Do), người đầu tiên lên khai phá Kontum năm 1848 và biết bao nhiêu nhà truyền giáo, những giáo dân lập nên các làng mạc ở vùng này. Việc không nhắc đến công lao của những người đi trước là một sự thiếu lương thiện trí thức đã đành mà còn bộc lộ một sự đố kỵ rõ rệt mỗi khi nhắc đến vùng đất Tây Nguyên “nhạy cảm” này. Đã có những sự thật về Kontum bị bóp méo, xuyên tạc một cách lố bịch như trường hợp cái chết của linh mục Jules Vialleton (1848-1909), có tên Việt Nam là Truyền. Nhà truyền giáo người Pháp này đến Bồng Sơn, Bình Định năm 1872. Sau khi học tiếng Việt ở Bến Đá và hoạt động mục vụ tại giáo xứ Đồng Hâu – Đồng Quả, ông lên Kontum làm cha sở họ đạo Tân Hương – Gò Mít (1875). Sau đó là Bề trên vùng truyền giáo miền Thượng trong 24 năm cho đến khi mất (1885-1909). Vị linh mục này qua đời bình an vào ngày 11/11/1909 ở tuổi 62 tại giáo xứ Kontum của Ngài, được các linh mục tu sĩ trong vùng truyền giáo Kontum quây quần thương tiếc và được mọi tín hữu Kinh cũng như Thượng thương nhớ. Thế mà trong cuốn sách tài liệu “Kontum-100 năm lịch sử và phát triển” của Ban Tuyên giáo” lại có thể viết : “Tháng 11/1909, nghĩa quân Xê đăng đánh chiếm hai đồn Đak Sút và Đak Tô, linh mục Jules Vialleton bị giết”. Than ôi, không lẽ “chính trị” chính là thực tế nhưng được dàn dựng lại cho dù là dàn dựng một cách lố bịch.

(http://www.tuyengiaokontum.org.vn/indexKT100.aspx)

Nhưng nếu khi vừa qua khỏi cầu Đak Bla, du khách quẹo phải ta đang hướng về phía phố cổ của Kontum đấy. Trên đường Nguyễn Huệ là giáo xứ Tân Hương, tức Gò Mít, nơi người Kinh đầu tiên dựng lều trên Tây Nguyên. Ở đây trước năm 1975 có đường Bok Do, nay là đường Nguyễn Văn Trỗi dài khoảng 500m nối từ trường Cao đẳng Sư phạm Kontum trên đường Nguyễn Huệ đến Chủng viện Kontum trên đường Trần Hưng Đạo. Ở đây trước năm 1975 có đường Bok Kiơm, nay là đường Bạch Đằng chạy từ cầu Đak Bla cặp theo bờ sông đến góc Nguyễn Huệ và Trần Phú. Ở đây có ngôi nhà thờ chính tòa toàn bằng gỗ được xây dựng trên 100 năm mà mỗi Chúa Nhật văng vẳng tiếng hát, tiếng cồng chiêng của các dân tộc cao nguyên.Ở đây, trong khuôn viên Tòa Giám mục có nhà truyền thống trưng bày những hiện vật của Tây Nguyên, trình bày những chặng đường của người Kinh lên Tây Nguyên từ lâu lắm trước ngày có Đảng ta. Ở đây băng qua cầu treo Kon Klor là làng dân tộc Kon Kơtu còn giữ được dáng vẻ nguyên thủy của Tây Nguyên, mặc dù hôm nay đồng bào đã định canh định cư với những mái nhà tôn, với ngôi Thánh đường kiểu nhà rông quen thuộc.

Chúng tôi mong rằng Giáo phận Kontum sẽ gìn vàng giữ ngọc những kỷ vật này của Tây Nguyên chứ không nên như ở Saigon Nhà Truyền thống của Ủy ban Văn hóa đang được “dọn dẹp” sau cái chết của vị Giám mục đặc trách, mặc dù Nhà Truyền thống đã được tạo dựng với nhiều công sức.

Ở Kontum, Phố Cổ của Kontum là Phố Đạo đấy !

 

                                                         Vũ Sinh Hiên