Dân Chúa Âu Châu

#GNsP – 13 năm trước, tức năm 2004, khi còn là thầy chủng sinh, tôi được bề trên sai đến thực tế mục vụ một tháng hè tại thành phố Pkeiku, tôi đã đến viếng nghĩa trang đồng nhi. Lúc ấy cha Nguyễn Văn Đông còn là cha Sở Giáo xứ Đức An và là người lập nên nghĩa trang đồng nhi nói rằng: có khoảng vài trăm ngôi mộ hài nhi không được chào đời được chôn trong nghĩa trang của Giáo xứ.

Lần ấy, tôi đã đến viếng các em đồng nhi và đứng cầu nguyện trong một buổi chiều mưa ảm đạm giữa thành phố núi sương mù Pleiku. Khu chôn cất những sinh linh bé bỏng không được chào đời nằm ở dãy cuối cùng trong khu nghĩa trang của Giáo xứ Đức An. Nghĩa trang rộng lớn nằm trên một ngọn đồi.

Nhìn những ngôi mộ bé nhỏ, vùi lấp đơn sơ với những tấm bia nhợt nhạt, đánh dấu nơi an nghỉ của các em, tôi không cầm được nước mắt. Tối đó, tôi đã thức gần trắng đêm để viết một bài cảm nhận với tựa đề: “những thiên thần không bao giờ thấy mặt trời!” để làm tư liệu cho chuyến mục vụ hè.

13 năm sau, tôi có dịp trở lại đây, một khung cảnh hoàn toàn khác xưa. Những ngôi mộ đồng nhi nay mộc lên như nấm, chi chít chắn cả lối đi. Những ngôi mộ vẫn be bé như xưa, nhưng nay đã được xây cất tươm tất, thẳng hàng, ra lối. Nghĩa trang rộng lớn của Giáo xứ xưa, nay cũng phủ kín bởi những người nằm xuống.

Giờ đây, tôi chỉ có thể nhận ra những ngôi mộ đồng nhi xưa, nhờ thấy nó be bé và trên bia đề vô danh. Tôi đi dọc theo những hàng mộ ấy, nhìn kỹ vào những tấm bia thì thấy vô số những nấm mồ khác của các em ghi tên tuổi hẳn hoi với ngày mất cũng là ngày sinh. Đang lơ ngơ như kẻ mất hồn thì một người đàn ông xuất hiện. Ông ta tự giới thiệu mình là Nguyễn Phước Phụng, người đi nhặt những hài nhi về chôn cất ở đây.

Tôi hỏi về Cha Đông và công việc của cha thì được biết đã từ lâu rồi cha Đông vì tuổi cao và sức yếu đã không còn đi nhặt thai nhi về chôn cất nữa và đã nhờ ông Phụng lo công việc này. Cha cũng đã thuyên chuyển đến Giáo xứ khác rồi!

Qua ông Phụng, tôi được biết số thai nhi được chôn ở đây đã vượt qua con số 22.000. Chỉ 13 năm, từ con số vài trăm nay đã lên đến hàng chục ngàn!

Thấy tôi ngạc nhiên vì sao những sinh linh chưa chào đời lại có tên họ đầy đủ ghi trên bia mộ, ông đã giải thích: “những cái tên đó là tên của những nhà hảo tâm cho tiền xây mộ.”

Ông Phụng nói thêm: “Mỗi ngày người ta biết đến nghĩa trang này, nên đến viếng nhiều hơn. Nhiều người đau xót khi chứng kiến cảnh tượng những hài nhi không được chào đời, nên đã bỏ tiền ra xây như cách an ủi cho các vong linh. Cứ mỗi mộ như vậy là 300 ngàn tiên công xây cất. Hễ ai cho tiền thì tôi xây và tôi đề tên người cho tiền trên bia mộ.”

Tôi hỏi ông: “Vậy bình quân mỗi ngày ông chôn cất bao nhiêu hài nhi?”

Ông đáp: “tùy theo ngày và tùy theo mùa! Hễ sau dịp 30/4, có ngày bệnh viện gọi đến nhặt về cả mấy chục bé do những người đến phá. Các bệnh viện phá thai đã quá quen với tôi rồi. Hễ có người đến phá thì họ lại gọi cho tôi đến nhặt về đem chôn.”

Ông cho biết thêm: “Ngoại lệ có những bé khi tôi đến lấy thì đã bị vứt vào những bịch rác. Bị kiến ăn mất nửa người. Có bé khi bị giết đã đầy đủ hết các bộ phận!”

Ông dẫn tôi đến viếng những ngôi mộ đồng nhi đặc biệt mà ông đã xây cất. Đến trước một ngôi mộ xinh đẹp trên bia ghi rõ tên em: “Nguyễn Trung Thu”. Ông giải thích: “Đây là tên mà cha Đông đặt cho em. Em ra đi đúng vào đêm Trăng Rằm Trung Thu – một đêm an bình, đêm của trẻ thơ.”

Ông lôi trong túi ra một xấp hình những hài nhi bị giết và lựa tấm hình của em Nguyễn Trung Thu cho tôi xem và giải thích: “Đây là hình của em. Khi chết rồi mà bàn tay của em còn nắm lấy ngón tay của cha Đông. Khi cha Đông đưa em về, mở gói giấy báo ra để làm nghi thức an táng cho em, Cha chạm vào em thì bất ngờ bàn tay bé bỏng của em cầm lấy ngón tay của cha, như muốn van xin, cầu cứu.”

Ông nói thêm: “Tấm hình này đã gây xúc động bao người, trong đó có bạn bạn Trần Đình Ngọc đã cảm động viết nên vần thơ: con nằm đây, hai tay chắp khẩn cầu/ Lạy mẹ cha trăm ngàn lạy nữa/ hãy để con, cho con được sinh ra!…”

Ông dẫn tôi đến viếng những ngôi mộ khác nữa và giải thích từng tên gọi được ghi khắc trên bia như: “Bé Đỏ”, “Tân Xuân”… Mỗi một tên gọi đều có một lịch sử đau lòng.

Tôi quay sang hỏi ông: “Vậy có khi nào cha mẹ các em tìm đến đây để chuộc tội trước con mình chưa?”

Ông thở dài ngao ngán: “Rất nhiều! Nhiều cha mẹ sau nhiều năm giết con, đã quay lại đây tìm. Nhưng không thể tìm được nữa! Họ khóc than vật vã vì quá khứ sai lầm. Họ muốn chết đi để con mình được sống lại. Nhưng tất cả đã muộn màng.”

Lời nói sau cùng của người đàn ông này, trước khi tôi chia tay, không biết có thức tỉnh lương tâm của những người đang có dư định giết đi đứa con của mình không?

Vũ Hoàng Trương