Dân Chúa Âu Châu

GNsP (19.02.2017) – Ngày 16 tháng 2 năm 2017, ở một vùng rừng núi thuộc địa bàn Huyện Hương Khê, Tỉnh Hà Tĩnh, Giáo xứ Vĩnh Lộc, Giáo Phận Vinh đã tổ chức lễ tạ ơn về hồng ân tử đạo của Chân Phúc GB. Malo.

1487261516.nv

Chân phúc G.B. Malo người gốc Pháp, thuộc Hội Thừa sai Paris làm nhà truyền giáo ở Hoa lục trong vòng 6 năm, bị trục xuất về trú ngụ ở Lào được 16 tháng, bị Patheth Lào (cộng sản Lào) bắt giải giao qua biên giới Việt Lào trao cho Việt Nam, lực lượng cộng sản Việt Nam dẫn giải cha GB. Malo về Huế để giao cho Pháp trục xuất khỏi Việt Nam. Khi đến Vĩnh Lộc, cha GB. Malo kiệt sức bỏ mạng bên bờ sông Ngàn Sâu. Trong bức thư của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam gởi đến buổi lễ, ngài nói: cha GB. Malo đã chịu tử vì đạo mà không hề đổ máu vì trong ngài đã không còn giọt máu nào để mà đổ ra, không đổ máu vì ngài bị hành hạ, tra tấn dã man và bị bỏ đói kiệt sức.

Điều đáng nói là Đức Tổng Giám Mục L.Girelli đã có mặt ở Toà Giám Mục Vinh, Xã Đoài. Tỉnh Nghệ An nhưng không được phép đến dự lễ ở Hà Tĩnh. Cũng trong thư gởi đến ngài nói: tôi đã bị ngăn cấm đến Hà Tĩnh.

17 vị Tử Đạo của Giáo Hội Lào vừa được tuyên Chân Phúc ngày 11/12/2016 tại thủ đô Vạn Tượng Lào là một biến cố đáng làm cho chúng ta suy nghĩ. Mười bảy vị Chân Phúc theo tài liệu công bố là các vị đã hy sinh trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1970, tất cả đều chết bởi Patheth Lào (cộng sản Lào) trong đó có trường hợp của cha GB. Malo chết bởi cộng sản Việt Nam. Lễ tuyên phong được tổ chức ngay tại thủ đô của một nước mà chính quyền sở tại do đảng cộng sản lãnh đạo.

Bằng đó chi tiết trên tạm đủ làm cho người công giáo Việt Nam phải suy nghĩ. Cùng là một đất nước vùng Đông Nam Á, cùng chịu sự cầm quyền của đảng cộng sản, tại sao Giáo hội Lào lại có thể tiến hành hồ sơ tuyên phong với thời gian kỷ lục (15 năm, từ năm 2001 – 2016) và tổ chức được lễ tuyên phong công khai và long trọng như vậy? Với thời gian (1954 – 1970) bao nhiêu vị anh hùng của Giáo Hội Việt Nam đã hy sinh bởi tù đày, xử tử, … trên một đất nước dư tràn máu tử đạo này? Chẳng lẽ các vị ấy tất cả đều không xứng đáng. Nhà nước cộng sản đi những nước cờ ngoại giao đầy trí trá, Toà Thánh Roma tiếp hết các lãnh đạo này đến các lãnh đạo khác của Việt Nam, tiếp đi tiếp lại nhiều lần nhưng vẫn không cải thiện được mối tương quan, cứ sau mỗi lần tiếp là một lần mất cơ sở tôn giáo, một lần tấn công linh mục tu sĩ, …! Sự đối thoại nghiệt ngã! Hôm nay, Vị đại diện của Toà thánh không được đến dự lễ tạ ơn trong khi đó trên lễ đài có sự hiện diện của đại diện ông Đại sứ Pháp tại Hà Nội, ông này được công khai mời phát biểu sau thánh lễ.

Trên đuòng đi vào Hà Tĩnh dự lễ tạ ơn, nhiều xe của các linh mục Tỉnh Nghệ An bị chặn lại không lý do, các cha hỏi thì chỉ được nhân viên cảnh sát giao thông trả lời: theo lệnh cấp trên, cấp trên là ai thì không hề nói! Chắc hẳn rằng họ sợ anh em linh mục Nghệ An vào Hà Tĩnh đến Kỳ Anh, nơi có toà án thị xã mà Formosa trú đóng. Thật là khó hiểu khi người dân đi kiện một doanh nghiệp theo đúng luật định mà bị nhà nước ngăn cản, nhà nước này là của ai, cho ai ?

Ngôi mộ cha GB. Malo được người dân phát hiện một cách lạ kỳ, theo như những người cao tuổi ở nơi đây cho biết, khi neo thuyền nơi khúc sông này thì nghe tiếng hát thánh ca, nhiều người sợ hãi không dám neo thuyền nữa, những người khác gan dạ mon men tìm nơi phát ra tiếng hát thánh ca, họ tìm ra ngôi mộ của những người bị chết trên đường giải giao, toán lính áp giải đã hành hạ, đánh đập và bỏ đói đến độ kiệt sức, biết đó là mộ của các thừa sai, cha xứ Vĩnh Lộc đã cải táng về sân bên phải nhà thờ để chăm sóc, từ đó nhiều phép lạ đã xảy ra cho những ai chạy đến kêu cầu.

Ngày 14 tháng 2 năm 2017, giáo dân Giáo xứ Song Ngọc và cha G.B. Nguyễn Đình Thục trên đường đi nộp đơn khiếu kiện cũng bị đánh đập dã man, nhưng ai xem đoạn video phát ra từ những nữ tu và những người ngồi trên chiếc xe bị câu về đồn công an, bị xì hơi bánh xe, bị trùm bạt kín mít mà không khỏi ngao ngán. Trong bóng tối bao trùm, trong chiếc xe ngột ngạt, họ nghĩ ngay đến cái chết, họ bảo nhau vui mừng lên, bình tĩnh chấp nhận, cuối cùng họ lần chuỗi cầu nguyện, mặc bên ngoai tiếng hò hét, đập cửa, đập xe, … Cũng không mất tinh thần, không hoảng loạn. Tiếng cầu kinh cứ vang đều chậm rãi, giọng cầu kinh hân hoan.

Hình ảnh những nạn nhân bị đánh đập trong vụ Song Ngọc ngày 14/2/2017 được giới “truyền thông nhân dân” loan truyền trên mạng, nhìn những thương tích trên thân thể những người già nua và trẻ em mới thấy được sự dã man của bạo lực. Ngày 15/02/2017 Ban Công Lý và Hoà Bình Giáo Phận Vinh đã ra thông báo phản đối cách hành xử bạo lực của nhà câm quyền Nghệ An và kêu gọi mọi người, mọi cá nhân, mọi đoàn thể cầu nguyện. Đây là việc làm chính đáng và cần thiết, không thể để bạo lực tiếp diễn biến những người dân vô tội trở thành nạn nhân của những kẻ dùng bạo lực để cắt tiếng nói của người khác.

Thiết nghĩ không chỉ một Giáo Phận Vinh, nhưng mọi người Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới này, đặc biệt ở Việt Nam phải có trách nhiệm với quê hương đất nước, với tiền đồ của dân tộc. Đất nước không của riêng ai, không của riêng người công giáo, cũng chẳng của riêng Giáo Phận Vinh.

Lm Vĩnh Sang, CSsR.

Nguồn: GNsP

19/02/2017