Dân Chúa Âu Châu

Ngày 23 tháng 5, trong một điện thư gởi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, nhân dịp buổi họp thượng đỉnh quốc tế đầu tiên về trợ giúp nhân đạo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Phanxicô lấy làm tiếc các trợ giúp này thường bị gò bó bởi các điều kiện thương mại. “Ngày nay có quá nhiều quyền lợi riêng đã ngăn chận các giải pháp nhằm giải quyết các cuộc xung đột; các chiến lược quân sự, kinh tế, địa chính trị lấy chỗ của con người, áp đặt thần tiền bạc, thần quyền lực lên con người,” ngài lấy làm tiếc.

Cuộc họp thượng đỉnh thế giới này phải là dịp để “công nhận việc làm của những người phục vụ cho người anh em và góp phần an ủi các nạn nhân của chiến tranh, của các tai ương, của người tị nạn, của những người buộc phải ra đi”, Đức Giáo hoàng nói thêm. “Không một ai thích khái niệm, không một ai thích một ý tưởng; chúng tôi yêu những con người”, ngài khẳng định thêm.

Thách thức của Đức Phanxicô

Để kết thúc, ngài đưa ra một “thách thức” cho những thành viên tham dự cuộc họp thượng đỉnh thế giới: “Ước gì chúng ta nghe tiếng kêu của các nạn nhân và những người đau khổ. Ước gì chúng ta để cho họ dạy chúng ta một bài học nhân đạo. Ước gì chúng ta thay đổi lối sống, thay đổi các chọn lựa chính trị, cách ứng xử và thái độ trịch thượng về mặt văn hóa của chúng ta”.

Cuộc họp thượng đỉnh này được Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Istanbul vào ngày 23 và 24 tháng 5. Khi đến đảo Hy Lạp Lesbos ngày 16 tháng 4 vừa qua, Đức Phanxicô đã chúc cho cuộc họp này được thành công, ngài cổ vũ một sự hợp tác tốt hơn giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các cơ quan nhân đạo đối với thảm họa của người di dân. Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đứng đầu một phái đoàn đại diện Tòa Thánh trong cuộc họp này.

Hành động khẩn cấp giúp các nạn nhân các cuộc xung đột

“Trong thế giới rối ren của chúng ta, một thế giới bị sóng gió bởi các cuộc xung đột nặng nề và âm thầm, không có gì quan trọng hơn à có những biện pháp phòng ngừa và chấm dứt các thù địch này, Đức Hồng y Parolin tuyên bố tại Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài nhấn mạnh “bản chất cơ bản của chiến tranh là vô nhân đạo”, ngài cổ vũ cho một “hành động khẩn cấp” để giúp các nạn nhân của các cuộc xung đột. Ngài nói thêm, “chúng ta không thể chỉ cậy vào các giải pháp quân sự nhưng còn phải đầu tư vào sự phát triển, đó là điều thiết yếu cho an ninh và cho hòa bình lâu dài”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Nguồn: phanxico.vn