Dân Chúa Âu Châu

Biến cố cưỡng chế nhà đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng

BY: THIÊN LONG TỔNG KẾT

Trong suốt mấy tuần đầu năm 2012, dư luận trong và ngoài nước hết sức xôn xao về vụ nhà cầm quyền csVN huyện Tiên Lãng, Hải Phòng huy động một lực lượng đông đảo hàng trăm công an và quân đội cưỡng chế khu đầm đã cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn thuê từ năm 1993, và đã bị phản kháng bằng mìn tự tạo và súng hoa cải, làm cho bốn công an và hai bộ đội bị thương. Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án "giết người và chống người thi hành công vụ".
Đây là lần đầu tiên người dân "đơn thương độc mã" dám đứng lên đương đầu một cách mạnh mẽ như thế với lực lượng cưỡng chế thu hồi đất. Vụ này đang gây nhiều tranh luận, đặt lại các vấn đề quan trọng từ Luật đất đai cho đến Hiến pháp, mà hiện nay một số chính quyền địa phương cấp huyện, xã đang tùy tiện ứng xử với quyền hành quá lớn trong tay, gây oan ức cho nhiều người nông dân bị mất đất. Nhiều nhà bình luận nhận định rằng: biến cố này có thể là một khúc quanh, khiến cho nhà cầm quyền csVN phải lo sợ, vì những gì sắp xẩy đến?! Có thể làm sụp đổ cả chế độ toàn trị của đảng csVN đã mục nát từ bên trong!
Biến cố trong tháng 1.2012 xin được gửi đến quý độc giả những điểm chính sau đây:
1. Tóm tắt biến cố cưỡng chế nhà đất tại Tiên Lãng
2. Nội vụ biến cố theo lời kể của gia đình
3. Phản ứng của dân chúng, của ĐGM Hải Phòng, của nhà cầm quyền CSVN.
4. Khúc quanh?
1. Tóm tắt biến cố cưỡng chế nhà đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng: công an bộ đội trọng thương.

Bản tin của đài RFI ngày mùng 5.1.2012 loan tin: Đối đầu và chạm súng từ một vụ cưỡng chế nhà đất ở miền Bắc khiến sáu công an và bộ đội bị thương nặng. 7 giờ sáng thứ năm, hơn một trăm người gồm cán bộ uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, công an và bộ đội kéo đến cưỡng chế một khu đất 50 hectares. Khu đất này do ông Đào Văn Vươn thầu canh tác nuôi trồng, đã hết hạn thầu nhiều năm, nhưng không chịu nộp thuế, giao đất.
Đoàn người của chính quyền bị vướng mìn, phải rút lui để di tản người bị thương. Công an thành phố điều động lực lượng vũ trang lớn hơn trở lại lần thứ nhì, đến gần nhà kêu gọi bên trong giao nộp vũ khí và tuân thủ cưỡng chế, lại bị bắn ra từ trong nhà. 6 công an và bộ đội bị trọng thương trong hai lần chạm súng, trong số đó có viên thượng tá trưởng công an huyện Tiên Lãng.
Hằng trăm công an Hải phòng và bộ đội được điều động đến hiện trường, thì cả nhà ông Vươn đã bỏ trốn. Nhà cầm quyền ra lệnh truy bắt. Công an Hải Phòng hôm thứ sáu khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ. Công an tạm giữ 6 người trong gia đình chủ đầm Đoàn Văn Vươn. Những người bị tạm giam chờ truy tố gồm 4 người nam giới họ Đoàn, cùng hai phụ nữ tên là Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Hiền. Công an xác định nghi can trực tiếp nổ súng là Đoàn Văn Quý. Quý đã bỏ trốn, công an đang truy bắt. Nghi can Đoàn Văn Vươn nhận đã cầm đầu nhóm người chống lại lực lượng cưỡng chế.

40,3 ha đầm nuôi trồng thủy sản bị cưỡng chế của Đoàn Văn Vươn đang bị một nhóm người lạ sử dụng các phương tiện đánh bắt bằng điện vơ vét hải sản trong nhiều ngày qua. Phản ánh với VietNamNet, chị Phạm Thị Hiền (vợ của Đoàn Văn Quý) và chị Nguyễn Thị Thương (vợ của Đoàn Văn Vươn) cho biết, nhiều ngày nay, rất nhiều người lạ mặt đã sử dụng các phương tiện đánh bắt bằng điện như kích điện, te điện… thu hoạch số thủy hải sản mà gia đình các chị đầu tư, nuôi thả từ đầu năm 2011.
Riêng vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, thật ra ban đầu huyện chỉ giao 21 hecta đất bãi bồi ven biển. Sau đó với kiến thức của một kỹ sư nông nghiệp và với quyết tâm, ông đã lấn ra biển thêm được 19,3 hecta, rồi được hợp thức hóa bằng cách giao đất bổ sung. Không chỉ đổ mồ hôi nước mắt, tiền bạc vay mượn, ông Vươn còn bị mất đi một đứa con và một người cháu tại đây. Thế nhưng chưa hết thời hạn hợp đồng, chủ tịch huyện đã ra quyết định cưỡng chế để giao lại cho người khác mà không hề bồi thường, và ngôi nhà của ông Quý dù không nằm trong phần đất bị thu hồi cũng đã bị san bằng. Hiện ông Vươn và người em là Đoàn Văn Quý - người đã nổ súng vào lực lượng cưỡng chế - đang bị giam giữ và bị truy tố, cùng với hai người khác trong gia đình.

2. Vợ ông Đoàn Văn Vươn kể lại những gì Đã xảy ra trong vụ nổ súng ở Hải Phòng

Vào ngày 16.1.2012, trả lời câu hỏi: Còn sự việc hôm đó diễn ra như thế nào thưa bà? của đài RFI, bà Nguyễn Thị Thương - vợ ông Đoàn Văn Vươn, kể lại diễn tiến sự việc dẫn đến vụ nổ súng ở Tiên Lãng, Hải Phòng hôm 5.01, cũng như tình cảnh gia đình bà hiện nay như sau:
"Gia đình em nhận được cái quyết định cưỡng chế, và gia đình em đã nỗ lực làm đơn, đi kêu gọi tất cả các ban ngành từ cấp trung ương đến cấp địa phương nhưng đều không được trả lời. Và đến ngày 5/1 là cái ngày định mệnh đã xảy ra, do nhà em bức bách quá và cũng là bộc phát thôi. Chúng em từ trước đến giờ vẫn là người làm ăn chân chính, không có tiền án tiền sự và cũng không có một cái gì gọi là vướng mắc đối với bà con chung quanh cả.
Bởi vì nhà em làm cái đầm này rất là vất vả. Từ trước đến giờ đổ không biết bao nhiêu là mồ hôi, xương máu và cả con người nữa. Cả con cả cháu em đều mất ở cái đầm này, và cũng trả giá rất là nhiều. Đến bây giờ thì nhà em đã vay mượn, sau gần chục năm thì mới hoàn thiện được cái đầm, và đến bây giờ đã bắt đầu được thu hoa lợi để trả công trả nợ. Năm năm nay thì nhà em cũng trả nợ được hai phần ba rồi, nhưng hiện tại vẫn còn nợ khoảng hơn ba tỉ nữa.
Huyện đã cưỡng chế và không bồi thường cho gia đình em một thứ gì cả, mà quyết định thu trắng! Cũng vì bức xúc, nên gia đình em nghĩ là, dù gì cũng chết. Nếu như mà huyện không cho mình con đường sống, thì không biết mình sống thế nào. Cũng vì bị ép, dồn tới chân tường mà gia đình em đã làm những việc như thế này.
Hôm ấy thì chị em em cái vùng cưỡng chế thì người ta đã khoanh vùng, chúng em không xuống được nhà mình. Tối hôm ấy chúng em đã di dời hết toàn bộ phụ nữ và trẻ em vào trong làng để ở nhờ. Ngay sau đó thì cánh đàn ông nhà em chắc là họ không cam tâm, nên là họ không chịu di dời.
Bảy rưỡi đoàn cưỡng chế sẽ bắt đầu xuống, nhưng mà chưa đến sáu giờ thì họ đã đưa đoàn cưỡng chế xuống đầm nhà em rồi. Khi chúng em chạy lên đê nhìn xuống thì khoảng một lúc sau, khi mà cuộc chạm súng đã xảy ra thì khoảng tầm mười một giờ, họ đã bắt mấy chị em em, và cả anh trai lớn của em ở ngay trên đê.
Cũng không biết là họ bắt vì lý do gì, mà bây giờ họ cứ ghép cho chúng em cái tội là chồng em biết thì chúng em cũng phải biết. Và họ cứ quy trách nhiệm cho chúng em là tham gia vào mưu đồ chống lại người thi hành công vụ. Nhưng thật ra chúng em chỉ là phụ nữ, không biết cái gì cả, mà có chuyện gì thì cánh đàn ông nhà em cũng không cho phụ nữ và trẻ em biết. Cho nên chúng em cũng không được biết bất cứ một cái thông tin gì, chỉ thấy xót xa, đứng trên đê để nhìn xuống thôi, mà họ cũng bắt! Và ngay cháu đang học lớp 11 cũng bị bắt.
Khi họ bắt chúng em thì họ đối xử rất là tàn tệ. Họ dùng dùi cui điện và gậy sắt họ đánh rất là đau. Và khi lên chỗ công an thành phố thì họ cũng lấy lời khai và cũng đánh. Đánh đến nỗi mà mình không nhận rồi cũng phải nhận, không có cũng phải nhận, đến lúc nhận họ mới thôi. Họ lấy dùi cui họ thúc vào bụng em rất là đau, lúc ấy là em không đi được nữa và cũng không nói được cái gì nữa. Em nghĩ lúc ấy nếu em mà có thai thì chắc là sẽ không giữ nổi, vì họ đánh rất đau.
Đến bây giờ em được tại ngoại rồi nhưng vẫn phải dùng thuốc, và mọi người cứ động viên em đi khám bệnh, nhưng mà bây giờ bọn em cả sức khỏe lẫn tinh thần đều bị tổn thương và chỉ ở nhà thôi, chẳng đi đâu cả."

3. Phản ứng của dân chúng, của ĐGM Hải Phòng, của nhà cầm quyền CSVN.

Dư luận chung: chính quyền dối trá, độc ác!

Bà Nguyễn Thị Thương - vợ ông Đoàn Văn Vươn, trả lời câu hỏi của đài RFI: "Còn tài sản của gia đình ở trong nhà cũng bị mất mát phải không thưa bà? " đã lên án chính quyền "ra tay độc ác đến như vậy": "Vâng ạ. Bởi vì chúng em không nghĩ là chính quyền của cái huyện Tiên Lãng này lại ra tay độc ác đến như vậy! Chúng em nghĩ cái quyết định cưỡng chế này thì cũng không đến mức nào, vì cái quyết định ấy rất là sai trái và họ sẽ không làm. Vì vậy mà bọn em vẫn tin là sẽ quay lại đầm nhà em và tiếp quản tiếp. Thế nên bọn em không có di dời bất cứ một cái tài sản gì cả. Sau cái buổi chiều hôm ấy, khi mà gia đình em đã vừa bị bắt vừa di tản hết, thì họ đã cho ngay lực lượng khác xuống để tiếp quản đầm nhà em. Và toàn bộ những ngôi nhà, những trang trại mà em xây dựng trên đất của gia đình em, thì họ phá hủy nốt hết. Cả những bàn thờ - bàn thờ gia tiên, bàn thờ Thiên Chúa đều bị họ phá hủy hết. Ảnh của gia đình em thì trôi nổi trên sông, những người dân đi biển họ còn vớt họ mang về cho gia đình em".
Ngày 17.1.2012 nhiều báo ở Việt Nam tường thuật cuộc họp báo của ông Ðỗ Trung Thoại, phó chủ tịch thành phố Hải Phòng, ngoài chuyện yêu cầu báo chí phải tự bịt miệng và không được đưa tin tiếp về vụ việc cưỡng chế trái luật kiểu cướp ngày đã đẫn đến người dân nổ súng nổ mìn khi bị dồn vào đường cùng, ông còn nói rằng hai ngôi nhà của anh em ông Ðoàn Văn Vươn đã bị san bằng chỉ vì "dân bất bình nên phá nhà ông Vươn."

"Tưởng sự dối trá đến thế là cùng nhưng vẫn chưa đủ khi gần đây, ông Phó Chủ Tịch UBND TP. Hải Phòng Ðỗ Trung Thoại lại nêu việc phá ngôi nhà của ông Quý là do... nhân dân bức xúc. Một sự vu oan giá họa, trắng trợn đổ tội cho nhân dân và đó là câu dối trá vô liêm sỉ nhất mà mình được nghe từ miệng một quan chức chính quyền cấp tỉnh."
Báo Dân Trí ngày 18.1.2012 viết: "Còn giả sử, vâng giả sử nếu do nhân dân bức xúc phá nhà ông Quý thì gần một trăm chiến sĩ công an, quân đội và nhiều vị lãnh đạo các cấp có mặt tại thời điểm đó tại sao không ngăn cản, bảo vệ? Trách nhiệm của công bộc đối với những người đóng thuế nuôi họ để đâu? Rồi "nhân dân bức xúc" là ai? Tên tuổi là gì? Tại sao cho đến giờ chưa có "nhân dân bức xúc" phá nhà nào bị truy tố vì tội phá hoại tài sản công dân? Ðó là chưa kể có nhiều bức ảnh đã ghi lại cảnh đập phá này."
Bài viết này kết luận, "Ðổ tội cho nhân dân, vu vạ cho cấp dưới là vô liêm sỉ. Sự lèo lái, tráo trở đã không còn giới hạn."
Trên báo điện tử của Dòng Chúa Cứu Thế ngày 18.1.2012, đăng tải phóng ảnh Ðơn Kêu Cứu của ông Ðoàn Văn Vươn đề ngày 5 tháng 12, 2011 là ngày ông bị cưỡng chế tài sản. Khi vụ việc xảy ra thì ông cầm đơn đi kêu cứu với nhà cầm quyền Hải Phòng nêu ra các tráo trở của nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng.
Báo Ðại Ðoàn Kết ngày 18.01.2012 gọi những quyết định tráo trở của nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng là "những quyết định trời ơi."
Rất nhiều người dân khác khi tiếp xúc với phóng viên cũng bày tỏ nỗi bức xúc trước sự đổ tội của chính quyền cho họ. "Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến dân để làm đơn phản ứng việc này. Không thể để thế được. Ðừng vừa làm sai, vừa la làng," một người dân nói.
Người hảo tâm khắp nơi đã đóng góp giúp đỡ gia đình anh em ông Ðoàn Văn Vươn 278.585.271 đồng (tức khoảng $13,200 USD) chỉ trong ít ngày tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện kêu gọi trên blog của ông.

Đức giám mục Hải Phòng hiệp thông với gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Theo trang thông tin điện toán Chuacuuthe.com của Dòng Chúa Cứu Thế đăng ngày 14.1, ngay sau khi sự việc nổ súng xảy ra ngày 5.1.2012, Đức Giám Mục Hải Phòng đã cử cha tổng đại diện đến tận nơi tìm hiểu sự việc. Hôm qua, ngày 14.01.2012, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục Hải Phòng đã viết thư gởi Cha chánh xứ Suy Nẻo, Hội đồng mục vụ và giáo dân xứ này, để nói rõ ý kiến của ngài về ông Phêrô Đoàn Văn Vươn như sau1:
Phản ứng chạy tội và chữa cháy của nhà cầm quyền csVN:
Nhiều người, trong đó có cả cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh và một cựu tướng tư lệnh Quân Khu 4, trước đó là cựu thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, đã lên tiếng phản đối việc dùng quân đội và công an đàn áp trái phép một gia đình nông dân để thu hồi đất. Theo ông Nguyễn Quốc Thước, cựu trung tướng tư lệnh Quân Khu 4, vụ cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng hôm 5.1 là "sai lầm" và hậu quả của hành động nông nổi này sẽ "tác động đến tình hình chung của toàn đất nước."
Trang web Chính phủ Việt Nam cho hay thủ tướng Việt Nam yêu cầu chủ tịch UBND TP Hải Phòng "kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn". Người lãnh đạo TP Hải Phòng được yêu cầu phải báo cáo cho ông Nguyễn Tấn Dũng.
Theo ông Ngô Nhận Dụng, báo Người Việt: Ðoàn Văn Vươn là một biến cố, vì nó đã gây chấn động tới những lãnh tụ to đầu nhất của đảng cầm quyền. Có hai tay "cố vấn tối cao" vẫn còn ngồi phía sau sân khấu điều khiển đám lãnh tụ đương quyền, là Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh. Bình thường các ông già đang chuẩn bị ngày tang lễ này không bao giờ bàn đến công việc trị dân của đám đàn em. Nhưng tuần này một người đã phá lệ; chứng tỏ tầm quan trọng của biến cố Ðoàn Văn Vươn. Lê Ðức Anh, từng đóng vai chủ tịch nước từ năm 1992-1997, đã phải mượn bài phỏng vấn của một tờ báo đảng để "chạy tội."

Tại sao nói là Lê Ðức Anh muốn chạy tội? Thứ nhất, muốn gỡ tội cho cả đảng Cộng Sản; Lê Ðức Anh nói, "Có thể khẳng định chính quyền sai từ xã đến huyện!" Nói vậy tức là trút hết trách nhiệm lên cấp dưới, các chính quyền huyện và xã, và giới hạn trách nhiệm trong phạm vi nhỏ đó mà thôi.
Như thế mà ông Lê Ðức Anh lại muốn đổ hết tội lỗi lên đầu cá nhân các cán bộ cấp huyện và xã. Ðúng là ông chỉ muốn gỡ tội cho đảng Cộng Sản. Nói rõ hơn: Gỡ tội những kẻ điều khiển đảng; những kẻ đã lập ra đảng Cộng Sản; những kẻ đã dùng đảng Cộng Sản cướp chính quyền; những kẻ từ năm 1945 có dã tâm chiếm độc quyền chính trị nên tàn sát bao nhiêu người yêu nước không cùng chính kiến; những kẻ lợi dụng lòng yêu nước của dân Việt Nam để củng cố độc quyền chính trị, độc quyền kinh tế cho một nhóm người. Bài phỏng vấn Lê Ðức Anh là một chỉ thị cho Ban Tuyên Huấn, đưa xuống cho các báo các đài thi hành: Ðược phép tha hồ phê bình hai anh em nhà Lê Văn Hiền, Lê Văn Liêm; nhưng giới hạn tới đó thôi. Tuyệt đối không đụng tới cấp cao hơn! Ðó cũng trở thành chỉ thị cho Nguyễn Tấn Dũng, phải mở cuộc điều tra, kết tội hai anh em nhà đó, nhưng không đi xa hơn một bước! Tất cả đồng lòng chối bỏ tội lỗi của đảng!

4. Khúc quanh?

Nhà bỉnh bút trang Nguoiviet.com đã bình luận như sau:
"Phải gọi đó là một biến cố. Biến cố này đánh dấu một khúc quanh. Chúng ta chưa thể tiên đoán cuối cùng sẽ ra sao, nhưng sẽ còn biến chuyển, và có thể đưa tới các biến cố khác. Tên anh Ðoàn Văn Vươn sẽ đi vào lịch sử Việt Nam, như tên anh Mohamed Bouazizi trong lịch sử nước Tunisie. Trong bài báo cuối tuần qua, Lê Phan đã nhìn thấy những điểm tương đồng trong hoàn cảnh hai người. Họ đều là những người dân bình thường cố gắng vươn lên trong xã hội.
Họ đều dùng sức lao động của mình, làm việc cực nhọc và có sáng kiến. Hẳn không ai muốn "sinh sự," không ai muốn chống đối chế độ, vì họ không mong gì hơn là lo cho gia đình. Bouazizi, một sinh viên tốt nghiệp, sống ở thành phố thì xoay sở bằng nghề bán trái cây dạo. Ðoàn Văn Vươn là nông dân, người nông dân Việt Nam tiêu biểu, đổ mồ hôi trên đất bùn phèn mặn để biến thành ruộng, vườn, ao cá. Cả hai người cùng bị chế độ độc tài tham nhũng ở xứ họ đẩy tới "bước đường cùng." Quả là bước đường cùng, không tìm đâu ra lối thoát. Anh Bouazizi, 26 tuổi, đã tự thiêu. Cái chết của anh khiến giới thanh niên phẫn nộ nổi lên lật đổ chế độ; châm ngòi cho Mùa Xuân Á Rập năm 2011.

Anh Ðoàn Văn Vươn may mắn còn sống sót. Với tuổi 49, anh đủ đức tin và can đảm để không tự hủy mình; anh đủ kiên nhẫn để đi khiếu nại hết bàn giấy này tới bàn giấy khác xin người ta đừng cướp công lao khó nhọc của gia đình mình. Nhưng anh và gia đình anh cũng bị đẩy tới "bước đường cùng" không khác gì Bouazizi; và họ đã phản kháng bằng chất nổ. Vụ Ðoàn Văn Vươn có thể châm ngòi cho một cuộc nổi dậy của nông dân Việt Nam hay không? Dù chưa ai nghĩ sẽ có một cuộc nổi dậy, nhưng biến cố mà anh gây ra cho thấy lịch sử Việt Nam có thể bước vào một ngả rẽ. Lâu nay, những vụ nông dân biểu tình đòi đất, xô xát với đám khuyển mã của chế độ cướp đất, đều là những hành động tập thể. Nhiều người cùng kêu oan, tiếng kêu la lớn hơn. Ði trong đám đông, người nọ dựa người kia, nếu có xô xát thì trách nhiệm cũng được san sẻ cho nhiều người.

Ðoàn Văn Vươn là một biến cố đặc biệt. Vì đây là lần đầu tiên một nông dân thấp cổ bé miệng, một thân một mình, đứng dậy khiếu oan; khi kêu oan mãi không được thì quyết tâm kháng cự lúc quân cướp kéo tới chiếm đất chiếm nhà mình. Sau biến cố Ðoàn Văn Vươn mọi người đã nhìn thấy cơn phẫn nộ bùng lên khắp nước. Hỏi nhau: Chuyện gì sẽ xẩy ra? Không ai biết trước được. Mùa Xuân Á Rập đã tỏa hương sang tới bên Miến Ðiện. Cảnh tượng Miến Ðiện dân chủ hóa có thể thúc đẩy những nhà trí thức và thanh niên Việt Nam muốn nhìn xa hơn, và can đảm hơn. Ai biết được chuyện gì sẽ xẩy ra? Ông Lê Ðức Anh chắc phải được công an báo cáo tình hình nghiêm trọng như thế nào, cho nên ông mới phải xuất hiện công khai một lần nữa. Nhân khi đổ tội cho cấp xã, cấp huyện, ông nói thêm, "Nếu thành phố Hải Phòng và trung ương không xử lý nghiêm việc này thì rất nguy hại." Nói như vậy là để báo động cả guồng máy đảng trước nguy cơ sụp đổ. Nhưng cũng cốt ý nói rằng nếu chế độ sụp đổ vì một biến cố này thì "Tôi đã bảo mà! Tôi không có trách nhiệm nữa nhé!"

Việc xuất hiện của Lê Ðức Anh để báo đảng phỏng vấn cho thấy họ đang run thật. Biến cố Ðoàn Văn Vươn nếu chưa gây ra một cuộc nổi dậy của nông dân Việt Nam như cảnh tượng bên Tunisie sau vụ anh Mohamed Bouazizi tự sát; thì cũng đánh dấu một khúc quanh. Ðảng Cộng Sản Việt Nam đang run sợ. Vì run sợ, ít nhất họ sẽ lo tìm hiểu, học tập kế thoát thân tập thể của bọn quân phiệt Miến Ðiện; thay vì chỉ lo một mình ôm tiền chạy, hoặc từng anh lo riêng "hạ cánh an toàn." Nếu vậy thì biến cố Ðoàn Văn Vươn cũng vẫn là một khúc quanh quan trọng.

Nguồn: 1Chuacuuthe.com
www.nguoi-viet.com
RFI
Blog danlambao
Đài Á Châu Tự Do (www.rfa.org)
Vietcatholic.com
www.vietbao.com